Bảo đảm cung - cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ, Tết, nhiều địa phương đã triển khai chương trình bình ổn giá (CTBOG) và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ tạo nguồn hàng ổn định nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, CTBOG còn hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, qua đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề tồn tại, cần khắc phục.

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Phiên chợ hàng Việt ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Phiên chợ hàng Việt ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, Tết Nguyên đán 2020 diễn ra sớm, chỉ cách dịp Tết Dương lịch chưa đến một tháng, do vậy, công tác chuẩn bị cũng như mua sắm hàng hóa sẽ rất sôi động. Năm 2019, do tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn dịp cuối năm. Theo đó, căn cứ dân số, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, diễn biến thị trường trong chín tháng năm 2019, TP Hà Nội đã định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa trong những tháng giáp Tết năm 2020 tăng từ 10% đến 15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết năm 2020 (tính từ 7-12-2019 đến 8-2-2020) gồm: gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò hơn 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ hơn 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; nông lâm sản khô 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát... Ngoài ra là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, may mặc, điện máy... cũng được đưa vào kế hoạch. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết năm 2020 đạt 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019. Hiện các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới các điểm bán hàng phục vụ nhân dân.

Đánh giá về kết quả cung ứng hàng hóa, bảo đảm bình ổn thị trường giá, nhất là vào dịp cuối năm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: “Tiếp nối hiệu quả chương trình từ nhiều năm trước, từ giữa năm 2019, Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; phối hợp các quận, huyện, thị xã định hướng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết năm 2020. Theo đó, thành phố đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn cung. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị lượng hàng hóa tăng cao hơn kế hoạch, bảo đảm cung ứng cho thị trường kể cả khi có biến động. Hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá hợp lý, ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường”.

Không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, CTBOG còn có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì giá của các mặt hàng bình ổn được xây dựng luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10% đến 15%, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người lao động và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập như hàng hóa được thực hiện bình ổn mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Diện mặt hàng bình ổn còn hạn hẹp. Điểm bán hàng bình ổn giá phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, trong khi tại các khu vực nông thôn, chợ truyền thống còn tương đối mỏng do tâm lý một số tiểu thương ngại bán hàng bình ổn thị trường vì lợi nhuận và chiết khấu thấp... Hiện nay, mặc dù doanh nghiệp bán hàng nhận được nhiều ưu đãi về vay vốn, ưu đãi về vận chuyển, nhưng thực tế, một số điểm bán hàng bình ổn trong các siêu thị vẫn niêm yết giá bán nhiều mặt hàng cao hơn giá thị trường. Chị Trần Kim Chi, Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: “Tại các huyện ngoại thành, các điểm bán hàng bình ổn thường khá xa khu dân cư, cho nên nếu mất thêm chi phí đi lại tính ra cũng không tiết kiệm được là bao”. Ðiểm bán ít, mặt hàng hạn chế, cho nên ý nghĩa phục vụ dân sinh của hàng bình ổn chưa thiết thực. Bà Nguyễn Thị Hiền ở quận Thanh Xuân, chia sẻ: “Gần khu nhà tôi ở cũng thấy có điểm bán hàng bình ổn giá, song thường tôi chỉ vào mua những lúc nhỡ nhàng, không kịp đi chợ, bởi vì các mặt hàng bình ổn không phong phú, thậm chí nhiều loại có giá cao hơn ngoài chợ”.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Hà Nội, mà ở các địa phương khác, hệ thống điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp còn quá ít so với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn chưa tích cực hưởng ứng tham gia chương trình này. Do vậy, hiện nay, tuy Hà Nội có rất nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà”. Ðây cũng chính là hạn chế lớn nhất, ảnh hưởng đến nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chương trình. Ðáng nói là, những người thường xuyên không tiếp cận được với hàng bình ổn giá, chủ yếu là người có thu nhập thấp, công nhân, nông dân, sinh viên...

Để CTBOG thật sự hiệu quả, góp phần bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như chợ truyền thống. Ngoài việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn vay, khuyến khích các DN tự nguyện tham gia chương trình, nên tăng cường sự kết nối giữa các DN sản xuất, phân phối lớn với địa phương để thiết lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý. Tăng cường mối liên kết giữa các DN sản xuất và giữa sản xuất với phân phối, giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động được đầu ra và nguồn hàng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi - trồng trọt, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm,...