Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

Kỳ I: Cán bộ - vai trò quyết định

Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960.
Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

Đạo đức - phẩm chất đầu tiên

Đánh giá về vai trò của cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phẩm chất đạo đức: “Đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mới có thể trở thành người cán bộ chân chính. Người nói: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.

Phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo... Phải siêng năng, tiết kiệm”; Đối với người: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở... Không nên ghen ghét đố kỵ”; Đối với công việc: “Phải suy nghĩ cho kỹ... Phải cẩn thận...”. Đặc biệt, đối với nhân dân: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”.

Hồ Chí Minh nói: “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; Đối với Đoàn thể: “Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người cán bộ khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, thì phải một lòng vì nước, vì dân, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Mối quan hệ giữa đức và tài

Đạo đức là gốc, cho nên phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu đối với cán bộ phải có năng lực (tài). Người nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn... chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Quý trọng người hiền tài, tư tưởng “Chiêu hiền đãi sĩ” được Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ngay từ những ngày đầu cách mạng. Các bài viết Nhân tài và kiến quốc và Tìm người tài đức của Người nhằm kêu gọi, tập hợp người hiền tài cho đất nước.

Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc; dù công việc có vất vả đến đâu; trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, cũng có thể hoàn thành.

Hồ Chí Minh yêu cầu: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, người cán bộ cách mạng chân chính phải để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân; “khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước... khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Để được dân tin yêu, kính trọng, người cán bộ phải biết tránh xa những căn bệnh, những thói xấu thường gặp và dễ mắc phải như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh cá nhân chủ nghĩa... và: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Người cán bộ có đức, có tài theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là người cán bộ có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Dù ở cương vị nào, làm công tác gì, khó hay dễ, chức vụ to hay nhỏ, cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức. Do đó, người cán bộ phải thường xuyên rèn đức, luyện tài, để trở thành cán bộ vừa có đức, vừa có tài; “vừa hồng, vừa chuyên”. Quan hệ giữa đức và tài là mối quan hệ biện chứng giữa con người với công việc, giữa lực lượng lãnh đạo cách mạng với lực lượng tiến hành cách mạng (quần chúng, nhân dân).

Vị trí tiên phong

Vai trò của cán bộ được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí tiên phong. Người cán bộ phải đi đầu trong mọi công việc, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người cán bộ đều phải nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Triết lý mà Hồ Chí Minh tâm đắc là: “Đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về lý luận chính trị. Người dạy: “... mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”; phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực chủ động hoàn thành kế hoạch học tập.

Có thể nói, những luận điểm của Hồ Chí Minh về cán bộ là rất toàn diện, sâu sắc và nhất quán. Những luận điểm của Người mang tính chỉ đạo xuyên suốt, là cơ sở để Đảng ta thực hiện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay ảnh 1

Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (năm 2018). Ảnh: ĐĂNG KHOA

(Còn nữa)