"Từ điển sống" về cây thuốc

Nhiều người gọi ông là nhà "dược liệu học", người "giữ vườn xuân", thầy thuốc của nhân dân. Riêng với tôi, ông là "từ điển sống" về cây thuốc. Suốt mấy chục năm qua, ông đã mang trọn niềm đam mê đi tìm, khảo sát cây thuốc qua các vùng miền Tây Bắc, Hà Nội, Lâm Đồng... Ông là dược sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thọ Biên, Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng.

DS Nguyễn Thọ Biên với những tài liệu quý về cây thuốc.
DS Nguyễn Thọ Biên với những tài liệu quý về cây thuốc.

Thao thức với cỏ cây

Tôi chọn nghiệp dược - Ông mở đầu câu chuyện. Bởi ngành dược được học, tìm tòi, nghiên cứu cả đời... Trước là phục vụ bản thân, gia đình và có thể đóng góp cái gì đó cho xã hội.

Năm nay, ông đã bước sang tuổi 76, nhưng người con của vùng quê xứ Nghệ vẫn chưa ngơi nghỉ, ông vẫn thao thức, đam mê với cỏ cây của núi rừng Nam Tây Nguyên. "Suốt cả cuộc đời, ông luôn quan tâm nghiên cứu các cây thuốc sử dụng trong y học cổ truyền" - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, TS Phạm Thị Bạch Yến thổ lộ.

Nhìn tủ sách, những công trình nghiên cứu của ông về dược liệu, nhìn cách ông tỉ mẩn chăm sóc những chậu cây mùa trổ lá, mới thấy sự kiên trì, nhẫn nại và niềm đam mê của người dược sĩ già. "Từ năm 1978 đến 2012, tôi trực tiếp tham gia một đề tài cấp nhà nước, một đề tài cấp Bộ, chủ nhiệm bảy đề tài cấp tỉnh. Trong đó, công trình đầu tiên của cả nước "Danh lục tài nguyên dược liệu Lâm Đồng", là đề tài mà khi về hưu tôi mới có điều kiện thực hiện và tự túc kinh phí" - DS Nguyễn Thọ Biên bộc bạch.

Đây có lẽ là công trình tâm huyết cả đời gắn với "nghiệp dược" của ông, với sự dày công nghiên cứu, tổng hợp 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; 165 loài họ động vật, 21 loại khoáng vật làm thuốc, nêu rõ tác dụng chữa bệnh, tính chất đặc trưng, trữ lượng từng loại... Giúp cho địa phương tài liệu quý để có cơ sở đưa ra những chính sách phát triển dược liệu, các doanh nghiệp tham khảo tổ chức nuôi trồng, phát triển mặt hàng mới từ dược liệu.

- Công trình đầu tiên chú chủ nhiệm? - Tôi hỏi.

- "Phục hồi, nhân giống trồng thí nghiệm cây canh-ki-na tại Lâm Đồng (1986-1991). Hồi đó, cả nước chỉ Lâm Đồng có cây này để sản xuất thuốc chống sốt rét, làm thuốc bổ. Đây cũng chính là đề tài luận văn tốt nghiệp chuyên khoa II của mình" - Ông nói.

Sau đó, xu hướng thế giới không dùng hoạt chất cây canh-ki-na nữa và thay thế bằng cây thanh hao hoa vàng. Và loài cây này trở thành chủ thể trong đề tài thứ hai ông chủ nhiệm. Rồi hàng loạt đề tài khác lần lượt được nghiệm thu, công nhận: Sưu tầm, tổng hợp danh mục cây thuốc và động vật làm thuốc tỉnh Lâm Đồng (1994-1995); cây thuốc Lâm Đồng (1996), chủ nhiệm xây dựng hai dự án trồng, chế biến, tiêu thụ cây a-ti-sô và canh-ki-na tại Lâm Đồng (1998, 1999)...

"Mình đã chọn nghề thì phải giữ trọn đam mê tới cùng. Không hẳn "được gì", mà "để lại gì"... mới quan trọng" - ông chia sẻ.

Tinh thần "ba sẵn sàng"

Năm 1962, ông tốt nghiệp khóa thứ hai Trường trung cấp dược Hà Nội. Chàng trai xứ Nghệ tròn 22 tuổi háo hức khoác ba-lô, xung phong lên miền Tây Bắc, công tác tại bệnh viện châu Văn Chấn, thuộc Khu tự trị Thái Mèo, sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc. "Tinh thần "ba sẵn sàng" mà. Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Ở với thôn bản, ăn với đồng bào, phục vụ sức khỏe nhân dân. Tự hào lắm" - Ông hào sảng.

Sau đó, ông làm việc nhiều năm ở Nghĩa Lộ (nay là Yên Bái). Năm 1973, ông tiếp tục theo học ngành dược bậc đại học, ra trường công tác tại Công ty Dược liệu cấp 1 Trung ương - Hà Nội. Xuôi miền ký ức, ông bảo: "Những tháng ngày ở miền trù phú cây thuốc quý Tây Bắc thật trong trẻo. Nơi đó, mình đã có được người bạn đời và những đứa con thảo hiền. Nơi đó, mình vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, khi tròn 23 tuổi. Buổi kết nạp, cả chi bộ có bốn người, cùng nhau hát Quốc ca giữa rừng, xúc động, thiêng liêng lắm...".

Năm 1977, ông được Bộ Y tế điều động làm trưởng đoàn kỹ thuật dược liệu Việt Nam làm việc bên cạnh đoàn chuyên gia Liên Xô, kiêm phó trưởng Trại thực nghiệm Dược liệu Lâm Đồng (trực thuộc Tổng công ty Dược), theo chương trình hợp tác lĩnh vực dược liệu hai nước. Đó có lẽ cũng là bước ngoặt trong đời, khi ông tiếp tục được "sống" trên vùng đất giàu tiềm năng về dược liệu Nam Tây Nguyên, còn nhiều hoang sơ và huyền bí.

Những năm đầu trên vùng quê mới, ông đã trực tiếp cùng với cộng sự tiến hành công tác điều tra dược liệu toàn tỉnh Lâm Đồng và đã tổng hợp được 617 loại cây thuốc, 24 loại động vật làm thuốc. "Nhìn thành quả của gần hai năm thực hiện, đôi mắt mình sáng hẳn lên và dám mơ về tương lai tươi sáng của ngành dược liệu Lâm Đồng" - DS Nguyễn Thọ Biên nhớ lại.

Vì sức khỏe nhân dân

Căn phòng truyền thống của gia đình ông dường như đã trở nên "chật chội". Nơi đó, ông trân trọng treo những tấm ảnh ghi lại những "khoảnh khắc" cuộc đời, của người thân, kỷ niệm chương, những tấm bằng khen, bằng lao động sáng tạo và những cuốn sách dược liệu, có nhiều cuốn đã úa vàng. Ông dành nơi trang trọng nhất để treo Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng ba, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú lần đầu tiên cho các dược sĩ (1997), giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông đợt một của Bộ Y tế (2011), danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2014) và bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng.

- Vậy, điều gì đã thắp lửa cho niềm đam mê cây thuốc của ông?

- Tôi may mắn năm lần được gặp GS,TS Đỗ Tất Lợi, Chủ tịch đầu tiên của Hội Dược liệu Việt Nam. Mỗi lần gặp ông, tôi có thêm một bài học và được tiếp thêm tình yêu nghề nghiệp.

Theo DS Nguyễn Thọ Biên, không gì bằng học cái hay, kinh nghiệm của người đi trước. Bởi thế, nên dù đến tuổi được nghỉ ngơi, ông vẫn đau đáu với công việc. Hiện, ông là Ủy viên BCH Hiệp hội Dược liệu Việt Nam, Ủy viên BCH Liên hiệp KHKT Lâm Đồng, Ủy viên MTTQ tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Đông y và Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng. Ông còn dành thời gian để viết báo, phổ biến kiến thức về cây thuốc đến cộng đồng.

39 năm công tác trong ngành y tế, cả cuộc đời gắn bó với cây thuốc, tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm và chắt chiu từng con chữ để phổ biến kiến thức, ông bảo: "Mình may mắn được học đặc cách chuyên khoa II, cử nhân chính trị, bồi dưỡng cả Tây y, Đông y, rồi tiếng Nga, tiếng Anh... để làm việc, để phục vụ sức khỏe nhân dân. Có lẽ, còn nhiều cây thuốc quý vẫn đang chờ...".

Chiều muộn. Người dược sĩ già đôn hậu vỗ vai tôi: "Đừng ngại gọi cho mình khi gặp một loài cây lạ..."