Sáng tình dân, nghĩa Đảng

Đã có những câu thơ về họ: "Bản trắng Đảng viên giữa thung xa lầm lũi/Anh về đây nhen đầm ấm tình người/Một đôi vai gánh hai trọng trách/Quân phục màu xanh lấm đỏ đất chân đồi...".

Thiếu tá Phạm Văn Tôn trong buổi giao lưu Những người thắp lửa biên cương. Ảnh: HOÀNG ANH
Thiếu tá Phạm Văn Tôn trong buổi giao lưu Những người thắp lửa biên cương. Ảnh: HOÀNG ANH

Phải bắt đầu từ đâu?

Ngày Thiếu tá Phạm Văn Tôn về xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, cả đảng bộ chỉ có 76 đảng viên, gồm 75 đảng viên người Thái và duy nhất một đảng viên người Mông; 12/16 bản "trắng" đảng viên. Xã có gần 1.200 hộ, người Thái chiếm tới 12/16 bản, còn lại là người Mông. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất và hạ tầng thấp kém, 98% số hộ nghèo. Các hoạt động tội phạm, ma túy, truyền đạo trái phép chưa được ngăn chặn; tình trạng di cư tự do không được kiểm soát... Đã vậy, trình độ dân trí thấp; nội bộ cấp ủy, chính quyền cũng nhiều vấn đề phức tạp và tế nhị.

Nhưng, khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ bất đồng. "Người dân và cán bộ địa phương nói với nhau bằng tiếng dân tộc, khi trao đổi với mình thì họ nói tiếng Kinh" - Thiếu tá Phạm Văn Tôn nhớ lại. Rào cản ngôn ngữ khiến cho khoảng cách giữa người dân và người cán bộ khó được lấp đầy. Đến bây giờ, Phạm Văn Tôn vẫn chưa lý giải được mình đã vượt qua những khó khăn, gian khó ấy như thế nào. Biết bao đêm trằn trọc, lo lắng, anh lan man suy nghĩ không biết phải bắt đầu từ đâu, xen lẫn cảm giác gợn buồn khi phải xa đồng đội, khi mọi vấn đề đều phải "độc lập tác chiến".

Như mưa lâu ngấm dần

Đầu tiên anh tìm hiểu phong tục tập quán, tình hình kinh tế xã hội của địa phương, tình hình nội bộ cấp ủy, chính quyền và học thêm tiếng đồng bào. Từ chỗ quen biết trên công việc, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch xã đều coi anh như người thân trong nhà. Họ nhận thấy sự tôn trọng ở anh và đằng sau đó là sự tận tâm, tận lực; sự vô tư khách quan trong công việc.

Băn khoăn vì sao ở Trung Lý người Thái vào Đảng được còn người Mông lại khó khăn, anh chủ động tìm hiểu và nhận thấy: Để phát triển Đảng trong người Mông, phải xét đến điều kiện cụ thể của địa phương và người dân tộc. Phần lớn người Mông dân trí thấp, hay vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Do tập tục hay di cư xa tới vài trăm cây số, địa phương không có kinh phí đi thẩm tra xác minh lý lịch. Đó đều là những đặc điểm rất khó đáp ứng tiêu chí của Điều lệ Đảng. Anh báo cáo với huyện ủy, không giảm tiêu chí đảng viên nhưng có vận dụng linh hoạt với tình hình cụ thể của đồng bào dân tộc về trình độ văn hóa, về sinh con thứ ba... Nhờ vậy, đến nay Trung Lý đã có 248 đảng viên, 100% bản có chi bộ. Từ đây, các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Chính phủ đến được tận người dân các bản. Theo đó, các tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi lần lượt ra đời và hoạt động, làm cho bản làng thêm vui nhộn, đời sống xã hội bước đầu khởi sắc.

Bản thân anh đã trực tiếp đi sáu tỉnh phía bắc xác minh 107 hồ sơ, trong đó đã kết nạp được 89 đảng viên. Có người phải đi đến ba lần mới xác minh được lý lịch. Phạm Văn Tôn cho biết: Đối tượng là người có động cơ và chí hướng phấn đấu; có uy tín trong đồng bào Mông ở Trung Lý, nếu không phát triển Đảng và bồi dưỡng vào nguồn cán bộ cho địa phương thì rất tiếc.

Anh cũng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ, lựa chọn những người có tín nhiệm, có "con chữ" để gửi đi học trên huyện, tỉnh; giao nhiệm vụ từ thấp đến cao cho lớp trẻ để tạo nguồn. Anh còn đề nghị UBND huyện cho tuyển dụng công chức xã người dân tộc. Một vấn đề nảy sinh: Người Thái thường không đồng tình ủng hộ người Mông làm cán bộ. Thấy được điều đó, anh vận động, thuyết phục trước hết từ các cán bộ, đảng viên chủ chốt ở xã, rồi các trưởng bản. Đêm đêm, Phạm Văn Tôn đến các bản người Thái giải thích cho đồng bào bằng lý lẽ và tấm gương cụ thể người Mông để thuyết phục. Lúc thì ngồi quây quần bên bếp lửa, lúc thì cùng làm nương rẫy, như mưa lâu ngấm dần, sự kiên trì thuyết phục của anh không những làm bà con hai dân tộc đoàn kết, gần nhau hơn mà còn hết lòng ủng hộ anh trong công việc. Lần đầu tiên xã Trung Lý có ba cán bộ công chức người Mông, đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã; Bí thư Đoàn thanh niên và Trưởng công an xã cùng một cán bộ khác là Phó chủ tịch HĐND xã. Đồng bào phấn khởi, thêm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, "vì bây giờ đã có người Mông làm cán bộ".

Thắp lửa tin yêu

Bất cứ việc gì lớn nhỏ, bà con đều tìm đến "cán bộ Tôn" để hỏi. Từ chuyện nuôi con gà, con lợn đến việc cưới hỏi, dựng nhà... bà con không chỉ cần anh giúp đỡ mà còn muốn anh có mặt trong gia đình họ mỗi khi có công việc lớn. Ông Lộc Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã bảo: "Bây giờ xã Trung Lý từ 98% hộ nghèo nay còn gần 50%; xã đã có trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế, bà con đã biết đến y tế khi ốm đau, sinh nở, đã biết cho con em đến trường học con số, cái chữ. Đó là nhờ bộ đội Tôn cả đấy!". Gần chục năm qua, Phạm Văn Tôn thật sự đã là người con của xã Trung Lý. "Muốn được dân tin yêu, địa phương ủng hộ thì mình phải tham mưu trúng, đúng với thực tiễn của địa phương; phải khách quan, công tâm; lời nói luôn phải đi đôi với việc làm..." - Anh đúc kết.

Chia tay anh, tôi nhớ mãi gương mặt sạm nắng gió của người lính quân hàm xanh ngày đêm "ba bám, bốn cùng" giúp đỡ đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu; xây dựng phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng vững chắc. Những việc làm thiết thực của các anh càng tô đậm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, để biên cương luôn là nơi tỏa sáng nghĩa Đảng, tình dân.

"Muốn được dân tin yêu, địa phương ủng hộ thì mình phải tham mưu trúng, đúng với thực tiễn của địa phương; phải khách quan, công tâm; lời nói luôn phải đi đôi với việc làm..." - Thiếu tá Phạm Văn Tôn đúc kết.