Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ và học tập phong cách của Người

Lần đầu tiên “Phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đồng thời với những nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là yêu cầu khách quan và nội dung quan trọng để xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960).
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960).

Những giá trị độc đáo, trường tồn và tỏa sáng

Phong cách Hồ Chí Minh toát ra sức cảm hóa lớn. Với tinh thần khoan dung, chân thành, cởi mở và ấm áp tình người, với sự thông tuệ và phong cách ung dung, gần gũi, hóm hỉnh và sắc sảo thông minh, với cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, vui vẻ, hòa nhã và tấm lòng nhân hậu, nụ cười của Hồ Chí Minh đã xóa nhòa khoảng cách, loại bỏ những nghi thức rườm rà, mang đến không khí chan hòa, gần gũi. Phong cách sống của Người luôn cần kiệm, liêm chính, rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm, hài hòa kết hợp văn hóa Đông - Tây, tôn trọng quy luật và gắn bó với thiên nhiên.

Hòa thượng Thích Đôn Hậu, khi đang là Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1968) đã nhận xét: “Tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng xung quanh mình làm việc lớn cho dân cho nước”(1).

Trong công việc cách mạng, chúng ta dễ dàng nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh mang một phong cách tư duy khoa học và độc lập, cách mạng và hiện đại, tự chủ và sáng tạo. Không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, Người đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những phán đoán, đi tới những kết luận mới, đề ra những luận điểm mới, kế thừa, vừa phát triển sáng tạo cùng nhịp sống và sự phát triển của thời đại, không vay mượn sao chép, tránh lối cũ, đường mòn để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Từ những cơ sở này, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã đảm nhận xuất sắc vai trò lịch sử - Lựa chọn đúng đường đi và dự kiến được những bước phát triển cho dân tộc Việt Nam. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không giáo điều, rập khuôn mà hài hòa, uyển chuyển. Người luôn Dĩ bất biến ứng vạn biến, từ những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn, để đi tới đồng thuận. Với các công việc thuộc về cá nhân lãnh đạo, Người yêu cầu nắm chắc tình hình - làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, phải làm việc với tinh thần khoa học, có kế hoạch và đúng giờ, đổi mới và sáng tạo. Khi lãnh đạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người cán bộ lãnh đạo phải biết cách động viên, khuyến khích “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”(2), và việc kiểm tra, kiểm soát cần được làm tốt - “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Viết cho dân, nói với dân phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của nhân dân.

Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05 CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Một tấm gương tốt hơn cả nghìn bài diễn văn. Muốn hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt những đường lối chủ trương của Đảng, điều cốt yếu là mỗi cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện những gì mình tuyên truyền cho nhân dân, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Để làm được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nói đi đôi với làm” là một nội dung quan trọng của “tư cách người cách mạng”. Với cán bộ, đảng viên hôm nay, nói đi đôi với làm, như lời căn dặn của Người, còn là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc những Nghị quyết của Đảng, làm đúng những gì đã nói, làm tốt những việc cần làm, đáng làm và không được vi phạm Những điều đảng viên không được làm. Có như vậy mỗi người mới có thể làm tròn trách nhiệm của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nói đi đôi với làm cũng là tiêu chí chuẩn mực để trở thành người cán bộ, đảng viên trung thực, người đáng tin cậy, là tiêu chí phân biệt những người đáng quý với những kẻ nói một đằng làm một nẻo, những kẻ hứa suông, cơ hội, lừa bịp. Người cán bộ cách mạng nói đi đôi với làm sẽ trở thành người được nhân dân tin cậy, được nhân dân yêu quý.

Nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh

Phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng trong mỗi thời kỳ và trong từng lĩnh vực. Với từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn, Đảng đều cần chủ động điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp.

Phong cách công tác được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức nhưng cũng phản ánh rõ phẩm chất, tri thức, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động và cả những nét cá tính của người cán bộ. Thực tiễn đã chứng minh rằng chất lượng và hiệu quả của tất cả các khâu công việc: Ra quyết định, triển khai thực hiện, kiểm tra, tổng kết thực tiễn, v.v, phụ thuộc rất nhiều ở phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành. Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học, tích cực, thiết thực và có hiệu quả cao. Điều này cũng góp phần xây dựng phong cách công tác chung của Đảng.

Những điều này chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong “Phong cách Hồ Chí Minh” những chỉ dẫn thiết thực và giản dị, dễ nhớ và cũng không khó thực hiện. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

-------------------------------

(1) Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh xuất bản - Hà Nội, 1993, tập 3, tr. 112.

(2) Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 5, tr. 319.