Bài dự thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Người canh giữ cột mốc biên giới

Suốt 30 năm qua, già làng Phan Văn Xiết, 71 tuổi, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa) đã góp phần bảo vệ vùng biên giới và cột mốc chủ quyền của đất nước. Tuổi cao, hàng tuần già vẫn thoăn thoắt vượt qua những mỏm đá tai mèo, lội suối tuần tra dọc đường biên.

Già Xiết cẩn thận lau chùi cột mốc
Già Xiết cẩn thận lau chùi cột mốc

Bản lĩnh của già làng

Trong căn nhà sàn lộng gió đại ngàn, già Xiết say sưa kể cho chúng tôi về những tháng ngày gian khó khi mới thành lập bản. Từ năm 1975, một số hộ người Dao đã về khai hoang lập ra bản Suối Tút dưới chân núi Pù Quăn cao ngất. Ðoàn người năm đó có Phan Văn Xiết. Trong trí nhớ của già, khi ấy mọi thứ còn hoang sơ, hiu quạnh. Dần dần nương rẫy được phát quang, rừng xanh như được thay lá. "Khi còn trẻ, tôi đã cùng dân bản và các anh bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới. Những năm đó còn khó khăn nhiều lắm! Nhưng cũng chính vì khó khăn mà nó tôi luyện cho tôi và người dân trong bản có thêm sức mạnh để bám bản", già Xiết hồi tưởng.

Một trong những thời điểm khó khăn nhất với bản Suối Tút là khi đất nước vừa thống nhất, bọn phản động lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo bà con bỏ bản, theo chúng sang bên kia biên giới sinh sống. Chúng hứa với mọi người là giúp có một cuộc sống giàu sang, không phải lao động vất vả, cực nhọc. Nhiều người lúc đó tin theo, đốt nương, phá nhà cửa, giết trâu bò ăn khao rồi kéo nhau vượt biên.

Cả bản ngày ấy mới có 37 hộ thì mất 30 hộ đi vượt biên. Những hộ còn lại rất nao núng và định đi theo, ngay trong gia đình già Xiết lúc ấy cũng có người rơi vào tâm trạng hoang mang... Nhưng ông đã đi báo cáo với bộ đội rồi cùng bộ đội đi tìm, giảng giải, thuyết phục bà con quay trở lại bản sinh sống. Kẻ xấu đã tìm cách trả thù, ném mìn vào nhà, già Xiết vẫn kiên cường đấu tranh đến cùng. Già được bầu làm già làng, cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, dạy bà con dân bản cách làm nương sao cho năng suất, sống đoàn kết, không để kẻ xấu lợi dụng, cùng sinh sống, làm ăn thành một bản lớn cho đến tận hôm nay.

Gương sáng

Già Xiết trầm ngâm nhớ lại: "Năm 1980, khi cột mốc G6 (sau này có thêm các cột 285, 286, 287 và 288) được xây dựng, người anh em họ của tôi là ông Tặng Phú Minh được giao nhiệm vụ trông coi. Tuy nhiên, đến năm 1985 ông Minh ốm nặng rồi qua đời, không còn ai canh giữ cột mốc G6 nên tôi xung phong thay ông ấy lãnh trách nhiệm cho đến bây giờ.... Trước đây dân bản còn đói nghèo, chưa hiểu hết tầm quan trọng của cột mốc là gì. Họ còn dùng cột mốc làm nơi cột trâu bò làm hỏng cả cột. Thấy thế, tôi rất buồn. Ðó cũng là lý do tôi bắt đầu công việc giữ cột mốc biên giới".

Quý từng tấc đất, khoảnh rừng, mỗi khi phát hiện cột mốc bị sứt mẻ, già Xiết lại mò mẫm trong đám cỏ dại um tùm, tìm cho được mảnh vỡ rồi gói lại cẩn thận mang về cho bộ đội biên phòng. Tuần một lần, khi sương còn phủ dày trên những ngọn núi là lúc già Xiết thức dậy, khăn gói vượt đèo, lội suối lên đường đi kiểm tra cột mốc biên giới. Hành trang mỗi chuyến đi của già chẳng có gì nhiều nhặn, ngoài con dao quắm để phát quang, chiếc gậy để chống khi vượt núi, nắm cơm trắng với ít muối là nguồn lương thực, sang trọng nhất có lẽ là chiếc radio dùng để nghe thông tin mỗi lúc dừng chân.

Con đường từ bản Suối Tút đến cột mốc 286 dài chừng 5 km và phải đi bộ hơn ba tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng. Thế nhưng già Xiết nao núng. Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Ðội trưởng Ðội phòng chống tội phạm ma túy Ðồn biên phòng Quang Chiểu cho hay: "Ðã mấy lần anh em chiến sĩ Ðồn cùng già Xiết đi tuần tra cột mốc rồi nhưng đôi chân chẳng thể theo nổi bước chân của già đâu. Có lúc già Xiết còn phải đợi anh em chúng mình nữa".

Nghe vậy, già Xiết cười vang sảng khoái: "Tôi sinh ra ở núi đồi, từng cái cây, viên đá của con đường này đều nhớ mà. Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cối mọc um tùm, tôi vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. Những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa thì đường trơn trượt, không vượt suối nhanh thì nước nó cuốn mình đi trong nháy mắt. Sợ nhất là bọn vắt với muỗi rừng, cứ thấy hơi người là xúm lại đốt. Nhưng chúng có thể làm chân tôi chảy máu chứ không làm ý chí của tôi mất đi được".

Theo chân già tới cột mốc 286, nhìn cột mốc lấm lem bởi mưa bụi, già Xiết nghiêng người, kéo vạt áo mình lên lau sạch vết bẩn, rồi ghi chép hiện trạng cột mốc vào cuốn sổ tay khiến chúng tôi cảm phục. Già trải lòng: "Tôi thường dạy bảo con cháu rằng, biên giới của Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà cha ông ta bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được, nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ".

Không chỉ tận tụy với công tác bảo vệ đường biên, gia đình già Xiết cũng là một tấm gương cho người dân bản Suối Tút noi theo. Già Xiết có sáu người con, ba trai, ba gái. Các con đều tham gia công tác xã hội rất tích cực, trong đó, người con cả Phan Văn Cáu hiện giữ chức Bí thư chi bộ bản Suối Tút; con thứ Phan Văn San làm phó bản kiêm công an viên.

Gần đây, khi thấy sức khỏe không còn được như trước nên mỗi lần đi tuần tra biên giới, già Xiết lại dẫn con trai thứ là anh Phan Văn San đi cùng. Già Xiết bảo: "Giờ tôi cũng như con ngựa già...Vì thế, dạo này tôi hay đưa San đi theo, giảng giải cho nó hiểu thêm về tầm quan trọng của cột mốc biên giới. Mai này có khuất núi, nó sẽ thay tôi tiếp tục công việc này".