BÀI DỰ THI "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

Một trái tim thiện nguyện

Có quá nhiều việc thiện thầy Mốt đã làm được như xây nhà tình thương cho trẻ mồ côi, lập trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật, lập nhà hỏa táng, cấp quan tài, xe tang miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ học bổng học sinh nghèo, xin việc cho sinh viên tốt nghiệp... Thầy Mốt được ủng hộ vì lòng tin của mọi người vào nhân tâm trong sáng của thầy.

"Chia sẻ khổ đau với con người được phần nào thì mình cảm thấy vui, hạnh phúc. Làm việc thiện cũng là giây phút mình tìm thấy niềm vui trong cõi đời này". Ảnh:Tùng Cường
"Chia sẻ khổ đau với con người được phần nào thì mình cảm thấy vui, hạnh phúc. Làm việc thiện cũng là giây phút mình tìm thấy niềm vui trong cõi đời này". Ảnh:Tùng Cường

Bếp ăn từ thiện hơn 20 năm không tắt lửa

Tết vừa rồi, ghé thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) thăm thầy giáo Nguyễn Văn Mốt, 77 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Sa Đéc, thầy khoe, từ rằm tháng Chạp tới mồng một Tết, người ta cho 20 tấn gạo và gần 50 triệu đồng. Người ta tự nguyện tới cho vì "nơi đây tiếp nhận lòng nhân ái của mọi người và thay mặt mọi người phục vụ người nghèo khó".

Từ những năm 1990, thấy còn quá nhiều bệnh nhân nghèo khổ chữa trị ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, thầy Mốt vận động mọi người thành lập tổ từ thiện cung cấp cơm cháo, nước miễn phí. Một lãnh đạo địa phương e ngại tổ từ thiện này sẽ "chết yểu", nhưng thầy luôn tin vào truyền thống "lá lành đùm lá rách" của người miền tây. Tới nay thầy đã đúng, bởi hơn 22 năm qua, không ngày nào bếp ăn tình thương tắt lửa. Mỗi ngày bếp cung cấp hơn 100 lít nước sôi, gần 400 suất cháo, gần một nghìn suất cơm kèm theo hai món ăn cho bệnh nhân nghèo. Để bệnh nhân và người nhà có chỗ ăn uống rộng rãi, khang trang hơn, bếp ăn tình thương được xây dựng lại cao hai tầng, rộng 500 m 2 , tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và lắp đặt bếp ga, hệ thống tủ hấp, nấu cơm canh theo tiêu chuẩn công nghiệp hiện đại hơn một tỷ đồng đều nhờ sự đóng góp của những tấm lòng.

Mười năm sau, thầy lại cùng Hội Cựu giáo chức Sa Đéc mở bếp ăn khuyến học tiếp sức học sinh nghèo khó đến trường. Vận động 20 ngày được chừng 100 triệu đồng, một doanh nhân cho mượn nhà kho ở đường Nguyễn Sinh Sắc, lập tức thầy cho sửa thành bếp ăn, mỗi ngày cấp chừng 260 suất ăn cho học sinh nghèo, mỗi suất 10 nghìn đồng. Hội Cựu giáo chức có 523 hội viên là giáo viên về hưu, mỗi ngày có một tổ gồm năm thầy cô luân phiên tình nguyện phục vụ nấu ăn, quét dọn, rửa bát. Bếp ăn mở cửa hằng ngày vào buổi trưa, học sinh khó khăn chỉ cần sự giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm là được cấp phiếu ăn kèm ảnh. Tại đây còn có tủ sách giáo khoa khuyến học nhằm hỗ trợ sách giáo khoa, sách tham khảo từ lớp một tới lớp 12 để học sinh chuyền tay nhau mượn, rồi nhường cho thế hệ sau. Mỗi dịp năm học mới, người nghèo có thể ghé xin sách giáo khoa cho con cái.

Không những thế, hàng chục năm qua, thầy đã vận động xây nhà tình thương, trường dạy nghề cho trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, trường dạy nghề cho phụ nữ nghèo Thiên chúa giáo, cùng chùa Phước Huệ lập quỹ học bổng cấp học bổng ba triệu đồng/năm cho học sinh nghèo vượt khó.

Công việc mất nhiều công sức nhất là ròng rã hơn sáu tháng trời, thầy đi khắp nơi thuyết phục các cấp chính quyền thị xã Sa Đéc và tỉnh Đồng Tháp lập lò hỏa táng, cấp áo quan, xe tang miễn phí cho người nghèo, khi mà Sa Đéc đất chật, đất dành cho nghĩa trang khó có thể mở rộng. Lãnh đạo tỉnh cấp cho 1.500 m 2 đất ở ngoại ô, bảo sẽ cho thí điểm làm thử, thì thầy nói luôn: không làm thử, mà làm thật. Chỉ chừng 20 ngày, thầy vận động được 100 triệu đồng và bắt tay vào việc ngay.

Tấm lòng rộng mở

Thầy chia sẻ bí quyết duy nhất là: Cái gì lo cho dân, quản lý trong sáng minh bạch, không tư lợi thì sẽ tồn tại bền vững, đó là chân lý. Mình cứ làm tốt thì dân người ta thương sẽ giúp. Vì thế khi nhóm thiện nguyện đầu tư mấy trăm triệu để thay bếp củi bằng hệ thống bếp ga, một lúc có thể nấu được 200 kg gạo, các lò hấp công nghiệp cho tổ cấp cơm nước miễn phí ở Bệnh viện Sa Đéc, thầy chỉ cần vận động vài ngày đã có mấy trăm triệu đồng.

Người cựu giáo chức nhân hậu tâm sự: "Chia sẻ khổ đau với con người được phần nào thì mình cảm thấy vui, hạnh phúc. Làm việc thiện cũng là giây phút mình tìm thấy niềm vui trong cõi đời này".

Trước đây, cũng có lúc thầy buồn lòng, vì một số người có quan điểm không đồng thuận ủng hộ người nghèo. Nhưng bây giờ cứ nhắc thầy Mốt là nhiều người Sa Đéc như nói về người thân của mình. Cảm cái nghĩa cử cao đẹp, Tết vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Quang tới chúc Tết thầy, biếu 10 triệu đồng và một nghìn cuốn vở cho bếp ăn khuyến học với lời đề tặng: "Một trái tim vàng thổi bùng tri thức - Một bếp lửa hồng hun đúc tương lai".

Năm nay đã gần 80 tuổi, nhiều người khuyên thầy tuổi cao, sức yếu thì nghỉ, nhưng "mình là Đảng viên, chia sẻ cho người nghèo được gì thì cứ làm, khi làm việc thiện còn có ý nghĩa sâu sắc, động viên người kém may mắn vươn lên trong cuộc sống". Thầy luôn tâm niệm lời dạy "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Bác, từ chuyện nhỏ như sửa đổi lề lối làm việc, đặt mục tiêu phục vụ cho dân, thầy Mốt luôn lấy Bác Hồ làm tấm gương học tập để luôn nỗ lực làm việc nghĩa.

Khi tạm biệt, thầy còn chìa cho tôi xem tập hồ sơ tốt nghiệp đại học chính quy loại xuất sắc của một số học sinh trước đây thầy và Hội Cựu giáo chức bảo trợ, thầy Mốt khoe một số em đang nhờ cậy tìm cơ hội kiếm việc, thầy lại không quản ngại lụi cụi vác đơn liên hệ các nơi. Thầy cười, nụ cười hiền hậu của một người có trái tim thiện nguyện trong sáng.