Dòng sông chảy hướng mặt trời

Khi con người phân định nên chủ quyền lãnh thổ, dường như dòng Sê Pôn không muốn mình trở thành đường biên giới để mỗi khi vầng trăng trôi qua lại vấn vương câu hát "Anh ở bên này Đông Trường Sơn, em ở bên này Tây Trường Sơn...". Đông Trường Sơn là bản Ka Túp của Việt Nam còn Tây Trường Sơn là cụm bản Ka Túp của nước bạn Lào, chỉ có dòng Sê Pôn ở giữa làm biên giới. Nhưng cũng như muôn vàn con sông khác, dòng Sê Pôn luôn chảy về hướng mặt trời.

Y sĩ Nguyễn Tấn Linh trong một lần sang trạm xá để cùng bạn khám, chữa bệnh cho dân.
Y sĩ Nguyễn Tấn Linh trong một lần sang trạm xá để cùng bạn khám, chữa bệnh cho dân.

Lạ lắm. Dưới Đông Hà, tiết trời sập sùi mưa lạnh, vậy mà lúc tôi có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cả vùng biên cương sắc nắng vàng óng như nước mật ong rừng rải trên lá cây. Tôi có ý định sẽ tìm hiểu và viết về công tác làm thủ tục cho người và phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu của các chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, vì tôi biết, vào khoảng tháng 5-2013, bằng tinh thần cảnh giác, kíp trực tại phòng thủ tục đã phát hiện và bắt giữ hai đối tượng mang quốc tịch Nga đang bị Cảnh sát Interpol phát lệnh tuy nã quốc tế. Thế nhưng tôi đã phải thay đổi kế hoạch khi Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Đồn trưởng, nói "Dưới chân núi là dòng sông biên giới Sê Pôn, bên kia là cụm bản Ka Túp của nước bạn Lào, tháng 10 năm 2013, đồn chúng tôi vừa xây tặng bạn một khu trạm xá". Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, tôi vội đề nghị được sang bên ấy.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi làn sương vẫn giăng mờ dáng núi với tâm trạng rất thoải mái và cả sự ngóng đợi được lội chân xuống dòng nước Sê Pôn xanh ngắt. Song Tuấn Anh "dội" vào sự háo hức của tôi một gáo nước lạnh "Xui rồi anh ơi, sáng nay em phải về họp dưới huyện gấp nên không đưa anh sang Lào được". Tôi hơi bị hụt hẫng. Đang chưa biết giải quyết tình huống thế nào thì Thượng úy quân y Nguyễn Tấn Linh đến báo với Đồn trưởng Trần Tuấn Anh "Trạm xá của bạn vừa thông báo bên họ đang có một ca cấp cứu cơn đau vòng quanh thắt lưng chưa xác định được nguyên nhân". Sau chưa đầy năm phút chuẩn bị, tôi và y sĩ Linh lên đường.

Xe ô-tô dừng lại ở tổ công tác Tân Kim, thêm Thượng úy Võ Khắc Hoàn - Tổ trưởng tổ công tác cùng đi. Đón chúng tôi bên kia dòng Sê Pôn là đồng chí Teen On - Cụm trưởng cụm bản Ka Túp. Thấy chúng tôi sang, anh mừng lắm. Teen On nói tiếng Việt khá sõi "Nang A Vay đau ở lưng nhiều lắm, các nhân viên y tế của trạm đang khám nhưng chưa biết tại sao. Nóng ruột quá nên tôi đi ra đây đón các anh".

A Vay nằm trên một chiếc gường nhỏ. Đã 68 tuổi, đau lưng, mỏi gối là chuyện bình thường, song với A Vay không bình thường ở chỗ, người phụ nữ này cơn đau kéo dài và có cảm giác đau nóng như có kim châm ở tứ chi. Sau mấy phút thăm khám cả y sĩ Linh và bác sĩ Xu Li Nhăn đều chung chẩn đoán, A Vay bị đau thần kinh ngoại vi nên trước mắt phải dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, sau đó hướng dẫn cho bà A Vay tập thể dục nhẹ nhàng... Khi bà ổn định sẽ giới thiệu lên bệnh viện huyện để tiếp tục điều trị.

Cấp cứu xong cho bà A Vay, bác sĩ Xu Li Nhăn nói với tôi "Chúng tôi mừng lắm vì có trạm xá nên yên tâm công tác hơn. Trước đây do không có nơi ở, khám bệnh nên phải ba tháng chúng tôi mới từ trên bệnh viện huyện về tổ chức khám cho bà con cụm bản này một lần. Vì vậy công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây gặp rất nhiều thiệt thòi".

Có mặt tại căn nhà nhỏ của Nang Thuôn ở bản Kà Leng Sói, tôi trò chuyện cùng chị.

- Thế cháu đầu chị sinh ở đâu? Tôi hỏi và Trung úy Cao Đức An -Cán bộ phiên dịch của đồn dịch lại.

- Tôi sinh ở nhà vì hôm ấy trời mưa to lắm, nước sông Sê Pôn chảy lớn lắm, đi bệnh viện Sê Pôn không được, sang phía Việt Nam cũng không ai dám chèo thuyền. Bây giờ nhớ lại mà tôi vẫn còn sợ. (Nang Thuôn trả lời).

- Thế cháu thứ hai chị sinh ở đâu? Tôi hỏi tiếp.

- Tôi sinh ở trạm xá do Bộ đội Biên phòng Lao Bảo xây tặng.

- Thế chị có còn sợ nữa không? Tôi hỏi.

- Tôi không sợ nữa vì sinh ở trạm xá có bác sĩ, có nữ hộ sinh, có thuốc men thì cái sợ nó ít thôi...

Và vẫn là lời của người mẹ trẻ: "Hôm tôi sinh cũng có thêm bốn chị nữa ở các bạn xung quanh cũng đến trạm xá để sinh con đấy".

Những câu chuyện do các bệnh nhân kể như muốn kéo chúng tôi ở lại lắng nghe nhưng có lẽ dẫu có lưu lại thì chưa biết đến bao giờ các câu chuyện kể mới chấm dứt, như lời của bác sĩ Xu Li Nhăn "Các anh nghe không hết được lời kể của bệnh nhân đâu, vì họ đang vô cùng sung sướng khi được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị xây tặng trạm xá để họ có nơi khám chữa bệnh. Tôi cũng vậy".

Bóng nắng đã nghiêng dần về phía tây của dãy Trường Sơn, chúng tôi tạm biệt những bệnh nhân và cả các nhân viên y tế của trạm xá để trở về Việt Nam. Tiễn chúng tôi vẫn là Teen On. Khi sắp bước lên thuyền, người trưởng cụm bản này mới nói vội mấy câu "Bộ đội bên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tốt với chúng tôi lắm. Không chỉ xây cái trạm xá này đâu mà các anh còn làm nhiều việc khác nữa. Khi dân chúng tôi gặp hoạn nạn, các anh cũng có mặt. Lúc dân chúng tôi ốm đau, các anh cử cán bộ quân y sang giúp đỡ. Rồi các anh còn vận động bà con bên Việt Nam giúp chúng tôi giống cây trồng, con lợn, con bò để chúng tôi nuôi. Bộ đội đồn Biên phòng Lao Bảo không chỉ của nhân dân Việt Nam đâu mà còn của cả nhân dân cụm bản Ka Túp chúng tôi nữa".

Chuyện xây dựng trạm xá tặng cụm bản Ka Túp (Lào) được xuất phát từ một lần đồn trưởng Trần Tuấn Anh (lúc ấy anh đang là Phó đồn trưởng Cửa khẩu) đi kiểm tra tình hình bão lụt tại tổ địa bàn Tân Kim vào năm 2012. Do mưa cả ngày nên nước sông Sê Pôn dâng cao và chảy rất xiết. Lúc ấy trời đã gần tối nhưng vẫn nghe tiếng thuyền máy nổ, nghĩ rằng bọn buôn lậu lợi dụng lũ lụt để đưa hàng về, anh liền triển khai lực lượng để bắt giữ. Thế nhưng khi nhìn ra sông thấy một nhóm người ở bản Kà Leng Sói đang vật lộn với dòng nước xiết để điều khiển chiếc thuyền vào bờ. Biết họ gặp khó khăn nên anh liền điều ca-nô của đơn vị ra giúp sức. Quả đúng như vậy, nhóm người này đang chở một người đàn ông khoảng 60 tuổi bị khó thở sang bệnh viện Hướng Hóa để cấp cứu.

Trước hoàn cảnh của người dân nước bạn, Tuấn Anh trăn trở, rồi nảy sinh ý tưởng sẽ xây giúp nhân dân cụm bản Ka Túp một trạm xá để họ khỏi phải vượt sông sang Việt Nam cấp cứu. Đưa ý tưởng ra bàn bạc trong Đảng ủy, Ban chỉ huy, ai cũng đồng tình nhưng lúc đặt vấn đề kinh phí ở đâu thì khó khăn thực sự đã đến. Song với sự quyết tâm cao, mà trên hết là nỗi niềm trăn trở trước bao nỗi khó khăn của người dân nước bạn nên không ai nghĩ đến chuyện lùi bước. Suốt hơn tháng trời rong ruổi đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, rồi vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp, cuối cùng nguồn kinh phí để xây nhà trạm xá cho cụm bản Ka Túp đã tạm ổn với gần 600 triệu đồng. Sau nửa năm xây dựng, công trình bao gồm một nhà khám và điều trị, một nhà ở của cán bộ, nhân viên y tế và một nhà bếp hoàn thành và đưa vào sử dụng với sự vui mừng khó có ngôn từ diễn tả của nhân dân cụm bản Ka Túp và của cả các nhân viên y tế bệnh viện đa khoa huyện Sê Pôn.

Thêm một ngày biên cương thấm đẫm sắc nắng vàng rực sáng. Thêm một ngày nụ cười rạng rỡ nở trên từng khuôn mặt của người dân cụm bản Ka Túp. Thêm một lần Teen On chỉ tay xuống dòng sông Sê Pôn và nói "Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đối với nhân dân cụm bản Ka Túp và tình cảm của nhân dân cụm bản Ka Túp chúng tôi đối với cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mãi mãi như dòng Sê Pôn luôn chảy về hướng mặt trời".

Trưởng cụm bản Teen On tâm sự: "Bộ đội bên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tốt với chúng tôi lắm. Không chỉ xây cái trạm xá này đâu mà các anh còn làm nhiều việc khác nữa. Khi dân chúng tôi gặp hoạn nạn, các anh cũng có mặt. Lúc dân chúng tôi ốm đau, các anh cử cán bộ quân y sang giúp đỡ. Rồi các anh còn vận động bà con bên Việt Nam giúp chúng tôi giống cây trồng, con lợn, con bò để chúng tôi nuôi. Bộ đội đồn Biên phòng Lao Bảo không chỉ của nhân dân Việt Nam đâu mà còn của cả nhân dân cụm bản Ka Túp chúng tôi nữa".