Tình riêng bỏ chợ...

NDO - Nuôi một đứa trẻ lành lặn đã là vất vả, song với đứa trẻ không bình thường thì khó khăn gấp trăm. Ấy vậy mà mấy chục năm nay, một tay bà Trần Thị Thanh Hương đã và đang chăm sóc cho gần hai trăm đứa con khiếm khuyết cả hình hài lẫn trí não. Mặc cho bệnh ung thư đang tác oai tác quái trong cơ thể, bà vẫn sớm chiều lao động, dạy bảo đàn con chung tay góp sức duy trì mái nhà chung.
Mẹ Hương luôn nghĩ những gì mình làm chỉ là góp phần tri ân đồng đội.
Mẹ Hương luôn nghĩ những gì mình làm chỉ là góp phần tri ân đồng đội.

Nhận gánh nặng từ vai đồng đội

Hồn hậu, thẳng thắn, tràn đầy nghị lực và yêu thương là những điều tôi cảm nhận được khi gặp bà Hương - người chủ của đại gia đình có gần hai trăm đứa trẻ tật nguyền, trong đó phần nhiều là những nạn nhân của di chứng da cam. Cũng như rất nhiều người khác đã từng nghe, từng biết đến mái ấm Thiện Giao (phường Ngọc Xuyên, quận Ðồ Sơn, TP Hải Phòng), tôi hỏi bà Hương: "Vì đâu mà bà yêu thương các anh, các chị đến độ sẵn sàng chấp nhận những khó khăn và hy sinh như thế?". Bà ngả cái nón mê phe phẩy quạt: "Có ai lại muốn khổ thế này đâu, nhưng số trời đã định, tránh thế nào được". Bà vẫn thường tưng tửng thế, song tôi biết, sâu thẳm trong tâm hồn người đàn bà ấy là một tình yêu lớn dành cho những mảnh đời bất hạnh, dành cho đồng đội - những người đã mất mát quá nhiều trong lửa đạn chiến tranh.

Nếu đúng là số phận thì có lẽ mọi thứ bắt đầu từ khi bà là cô nữ sinh trường Thái Phiên (Hải Phòng). Ðỗ đại học loại giỏi, nằm trong danh sách đi Ba Lan học tập, song cô gái gốc Huế này lại chọn cho mình một con đường khác. Mười bảy tuổi bà tham gia thanh niên xung phong, rồi vào bộ đội. Ðến năm 1972, trên đường hành quân ra bắc, qua thị trấn Hồ Xá - Quảng Trị, bà gặp một đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, gửi bà đứa con nhờ chăm nom giúp. Bà đã rất lưỡng lự, nhưng rồi nghĩ cảnh người lính sống nay chết mai, gia đình lại không còn ai thân thích nên bà gật đầu đồng ý. Bế đứa trẻ được quãng đường, lại có một đồng đội nữa tìm đến bà để gửi con. Thế là "gia tài" của người lính Trần Thị Thanh Hương từ miền trung ra đến Ðoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3) có hai đứa trẻ Lạc và Hằng ở hai đầu đòn gánh.

Chiến tranh rồi cũng qua đi, bà Hương rồng rắn đàn con lít nhít trở về quê. Ai cũng bảo bà điên, thân gái khi ấy mới hăm bảy, hăm tám tuổi đầu, đèo bòng như thế thì còn nói gì đến hạnh phúc riêng tư... Cũng vào ngày bà dắt đàn con ngây dại về, đã định gặp người yêu rồi cùng nhau nghĩ cách xem nuôi nấng lũ trẻ thế nào. Song người đàn ông dù có rộng lượng đến đâu đi nữa cũng khó bề chấp nhận việc bà đèo bòng đến vậy. Chỉ vài ngày sau, người yêu của bà làm đám cưới với một cô gái khác.

Bà là thương binh hạng 1/4, lại bị nhiễm chất độc da cam, phải vào trại điều dưỡng thương binh ở Móng Cái (Quảng Ninh). Việc ấy với bà như là cái cớ, như để trốn chạy nỗi đau và tuyệt vọng. Ở đó, đồng đội lại tiếp tục gửi những đứa con tàn tật, thiểu năng cho bà. Suốt những năm dài thiếu vắng tình yêu, không còn niềm tin vào người đàn ông nào, bà dồn hết tâm sức chăm lo cho bọn trẻ.

Thế nhưng thân đàn bà cô quạnh, lại gánh trên vai gánh nặng quá ư lớn lao, dù người mạnh mẽ đến đâu cũng vẫn có những khoảng yếu mềm. Ðến cái tuổi ngoài bốn mươi bà lại khao khát một chỗ dựa. Bà muốn lấy chồng... Khỏi phải nói gia đình đã mừng như thế nào khi nghe ý định của bà. Bố bà cũng là lính trận, càng thông cảm cho con bao nhiêu lại càng thương bấy nhiêu. Người nọ làm ông tơ, người kia làm bà nguyệt, bà cũng gặp được người đàn ông ưng ý. Nhưng rồi cũng lại là bản tính ích kỷ của đàn ông, chẳng ông chồng nào chịu được cảnh vợ cứ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", mà cái gánh bà phải lo nào có nhẹ nhõm gì. Ðến lúc phải đứng trước hai sự lựa chọn, là hạnh phúc riêng tư hay đàn con của những người đồng đội đã bỏ lại xương máu nơi chiến trường? Bà ngậm ngùi, thôi đành "tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan".

Dành cho các con từng phút giây sự sống

Bà Hương kể: "Năm 2001, bố tôi ốm nặng, tôi phải về Hải Phòng. Khi cụ nằm xuống được ít ngày thì thằng Kim "xoăn" dắt cả đàn em từ Móng Cái về Hải Phòng tìm mẹ. Ðấy, chúng nó nghĩa tình, coi mình là tất cả như thế thì mình dứt áo sao đành". Bà mẹ ngoài năm mươi dắt díu đàn con ngơ ngẩn, "sứt mẻ" đi thuê nhà ở chợ Hàng trong thành phố. Bà dựng cơ sở làm nấm, lại một tay trông nom, bảo ban các con. Nhà thuê ở chỉ có bằng ấy, mà số con đồng đội tìm đến gửi gắm cứ tăng lên từng ngày. Ðược vài năm, mẹ con bà lại dắt díu nhau đi. Bà thuê được cánh đồng 5.000 m2 của một nông dân tốt bụng, mẹ con dựng lều lán tạm bợ để lấy chỗ chui ra chui vào. Từ hai bàn tay trắng, "gia tài" chỉ vỏn vẹn đàn con ngây dại, đại gia đình của bà bắt đầu dựng chuồng nuôi lợn, xây nhà ủ nấm, đào ao thả cá, trồng rau...

Mẹ con bà sống đúng theo cách tự sản tự tiêu, cá dưới ao, rau trong vườn, lợn cứ nuôi choai choai là thịt. Dần dà mọi người hiểu và cảm kích công việc, sự hy sinh lớn lao của bà. Khi chính quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều người thân quen đã giúp đỡ để bà mua lại mảnh đất này. Hai dãy nhà ở thâm thấp, xây bằng gạch ba banh, mái nhà lợp lá, nhà nấm, chuồng lợn, nhà bếp... tất thảy đều do chính tay mẹ con bà dựng lên. Có lẽ, những công trình ấy sẽ chẳng là kỳ tích nếu những đứa trẻ của bà là người lành lặn, khôn ngoan.

Chỉ riêng việc dạy đánh răng cho những đứa con bị "đao" thôi, bà cũng mất đến cả năm trời. Bọn trẻ cầm bàn chải có kem đánh răng, cầm ca nước rồi ngửa cổ uống, nuốt luôn cả kem đánh răng. Có đứa đang chải răng thì rút phắt bàn chải ra cọ dép, rồi lại đưa lên tiếp tục cọ răng. Nhiều anh còn lạ lẫm hơn, như anh Thêm đã ba mươi tư tuổi mà mới biết ra vườn đại tiểu tiện được mấy tháng nay; anh Trầm thì hay bắt chước, đã mấy bận học chú thợ điện đi ngắt cầu dao, cắt dây điện rồi nối cái nọ với cái kia, khiến cả nhà hết hồn, làm mẹ phải thay toàn bộ đường dây mấy phen...

* Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau da cam thì vẫn còn hiện hữu. Bà Hương đã nặng gánh giúp cho nhiều số phận, và những năm tháng đằng đẵng sắp tới, khó khăn sẽ còn "viếng thăm". Mong bà có thêm sức khỏe và nghị lực để dìu dắt đàn con tội nghiệp của mình.