"Tiền tỷ" phơi mưa nắng

NDO - Nhiều năm nay, có một nghịch lý xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đó là hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt tiền tỷ xây dựng xong thì "đắp chiếu". Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân phải chật vật đi múc từng can nước về sinh hoạt, thậm chí phải dùng cả nước bẩn.
Một công trình nước sạch "đắp chiếu" tại khu tái định cư thủy điện A Vương (Quảng Nam).
Một công trình nước sạch "đắp chiếu" tại khu tái định cư thủy điện A Vương (Quảng Nam).

Những công trình... đắp chiếu

Chưa bao giờ tình trạng nước sinh hoạt, nước ăn của người dân các vùng nông thôn lại trở nên bức xúc như hiện nay. Qua khảo sát, ở hầu hết các địa phương trong cả nước đều thiếu nước sinh hoạt nhưng các công trình đầu tư số vốn lên đến hàng tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang. Nhiều người dân sống cạnh công trình nước sạch nhưng vẫn khát, một số nơi, người dân có "chịu" dùng nước nhà máy nhưng chỉ để tắm rửa, còn bản thân họ vẫn phải dùng nước mưa hoặc khoan thêm giếng để dùng. Sự việc nhức nhối này diễn ra nhiều năm, tồn tại ở các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Hà Tĩnh, Ðác Lắc, Ðác Nông... Thậm chí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng nhiều công trình cũng chịu chung số phận hẩm hiu.

Người dân xã Ðác Som (Ðác Glong - Ðác Nông) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng trong khi tám công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư tiền tỷ thì tới sáu công trình bị... "đắp chiếu". Tại khu tái định cư xã Ðác Plao có đến 573 hộ dân và được phân bố trên một diện tích rộng. Khi đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án thủy điện 6 chỉ đầu tư ba giếng khoan để cung cấp nước sinh hoạt cho toàn người dân nhưng từ khi bàn giao cho xã quản lý, chỉ có hai giếng nước hoạt động đì đẹt do thường xuyên trục trặc, đến mấy ngày mới bơm được vài khối nước. Tại xã Bình Ðịnh Bắc (Thăng Bình, Quảng Nam) có công trình nước sạch đầu tư trị giá hơn 1,2 tỷ đồng (được xây dựng ngay gần trung tâm xã) hoàn thành từ tháng 4-2010 đang bị bỏ hoang. Tất cả hệ thống nhà giàn, đài nước, giếng nước, máy bơm, đường ống dẫn đến khu dân cư và nhà bảo vệ công trình đều bị phủ lấp bởi cỏ dại. Người dân cho biết trước đây hệ thống nước sạch này do xã quản lý, một thời gian sau, hệ thống đường ống dẫn nước bị hư hỏng do trâu bò và trẻ con nghịch phá. Hay công trình nước sạch ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng chưa được bàn giao đã hỏng: hệ thống van tê liệt; máy xử lý hóa chất không hoạt động; bể lọc, bể chứa có dung tích quá nhỏ; đường điện không ổn định và dây không đủ tải...

Ðâu là nguyên nhân?

Trạm cấp nước sạch xã Tân Dĩnh (Bắc Giang) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Giang làm chủ đầu tư, Viện Khoa học Thủy lợi và Công ty Xây dựng số 1 Bắc Giang thi công từ năm 2003 là một dự án lớn, nhưng với những gì đang diễn ra càng chứng tỏ sự yếu kém, lỏng lẻo ở các công đoạn dẫn đến một sự lãng phí kinh khủng. Về điều này, ông Trần Văn Sỹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Dĩnh cho biết: "Nguyên nhân do khảo sát không tốt, các thiết bị không đồng bộ, thiếu duy tu bảo dưỡng thường xuyên".

Tại Ðác Lắc, sau khi được UBND tỉnh giao khảo sát các công trình nước sạch hoạt động không hiệu quả trong tỉnh, nguyên nhân được Liên hiệp các hội khoa học của tỉnh chỉ ra là: Do chính quyền huyện, xã buông lỏng quản lý. Các công trình tiền tỷ nhưng  khi giao cho huyện, huyện lại giao cho xã. Lẽ ra xã phải trực tiếp quản lý nhưng xã lại "bán cái" cho một  số cộng tác viên rồi phó mặc nên "cha chung không ai khóc".  Phải khẳng định sự quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng, những người triển khai dự án và tiếp nhận dự án thiếu trách nhiệm là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều công trình được đầu tư khá hoành tráng cuối cùng trở thành đống sắt vụn. Trong khi đó, người dân thì háo hức chờ đợi, thậm chí đóng rất nhiều tiền để được dùng nước sạch nhưng rốt cuộc "tiền mất tật mang". Nhiều vùng quê người dân quay lại với "cái máng lợn cũ" là dùng nước nhiễm bẩn, nước giếng khoan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Sự phối hợp và chỉ đạo của các sở, ban, ngành liên quan, nhất là ba ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Ðào tạo chưa chủ động và chưa chặt chẽ từ khâu xây dựng và phân bổ kế hoạch, tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá. Chức năng quản lý nhà nước về nước sạch và vệ sinh môi trường ở cấp tỉnh, huyện chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Việc phân cấp tổ chức thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn, năng lực tổ chức thực hiện Chương trình tuyến huyện, xã còn hạn chế, kết quả thấp. Vẫn còn một số mô hình và cơ chế quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Phương thức hoạt động cơ bản vẫn mang tính phục vụ, chưa chuyển được sang phương thức dịch vụ, năng lực cán bộ, công nhân quản lý vận hành còn yếu...

Với những hạn chế, yếu kém nêu trên, nếu không được khắc phục kịp thời; nhất là các công trình đang hư hỏng không được sửa chữa thì chẳng bao lâu chúng sẽ biến thành đồ đồng nát. Và tình trạng người dân khát nước sạch trên diện rộng sẽ chẳng bao giờ được giải quyết.

* Cách đây không lâu, HÐND tỉnh Phú Yên đã kiểm tra trực tiếp tại 55 công trình nước sinh hoạt, phát hiện 13 công trình ngưng hoạt động, 19 công trình hoạt động không hiệu quả do thiếu nguồn nước, nước bị ô nhiễm, mạng cấp nước bị hỏng... Phần lớn những công trình cấp nước tập trung sau khi đi vào hoạt động thì số người dân hưởng lợi đều không đạt như thiết kế ban đầu. Ðiển hình như công trình cấp nước tập trung Ðức Bình Tây, huyện Sông Hinh, công suất thiết kế sử dụng 266 hộ nhưng chỉ hơn 80 hộ sử dụng. Công trình nước sạch xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) đầu tư từ năm 2005 với kinh phí 1,23 tỷ đồng để cấp nước sinh hoạt cho 373 hộ hầu hết là đồng bào dân tộc Ê Ðê, sau vài tháng phải ngưng hoạt động do mạng đường ống thi công không đúng thiết kế, đồng thời nước bị nhiễm phèn gấp 2,5 lần so mức cho phép theo tiêu chuẩn quy định. Năm 2008 công trình này tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn không đạt như thiết kế ban đầu. Hệ thống cấp nước thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà kế hoạch cung cấp cho 6.799 người dân nhưng thực tế chỉ có 1.650 người được hưởng lợi... 

TRÌNH KẾ(thực hiện)

Thiếu nước sinh hoạt, phải dùng nước nhiễm bẩn đã làm cuộc sống của hàng triệu người dân các tỉnh lâm vào cảnh khốn đốn, đảo lộn. Phóng viên Báo Nhân dân Cuối tuần ghi lại những phản ánh của người dân và một số đề xuất, giải pháp cho vấn đề này.

Xin hãy nghĩ đến chúng tôi!

Ông Lê Văn Kiệp, Trưởng ấp 18 (xã Biển Bạch, Thới Bình, Cà Mau): Nơi đây ở sát biển cho nên các kênh rạch đều bị nước biển xâm thực. Do vậy, nguồn nước ngọt sinh hoạt chủ yếu của bà con là nhờ hứng nước mưa, còn lại toàn phải chạy ghe đi mua từng can nước ngọt từ cách đó hàng chục cây số, mang về tích trong chum vại để dùng dần. Trước mắt, bà con vẫn nên chủ động xây các bể chứa để chống "khát".

Ông Nguyễn Văn Linh, xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội): Người dân chúng tôi sống khổ sở vì khan hiếm nước từ gần 20 năm qua. Cứ đến tháng cao điểm, nhiều người phải dùng xe cải tiến đi mua nước. Ðể đỡ tốn, dân thường mua các loại rau, củ, quả đỡ phải rửa nhiều lần như bầu, bí. Tiết kiệm lắm cũng phải mất 200 nghìn/tháng/hộ gia đình. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn khảo sát để làm công trình nước sạch, nhưng đến nay chưa thấy đâu cả.

Ông Lưu Giang Nam, Phó Ban quản lý thôn Phú Thọ (phường Ðông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận):Từ năm 1997 đến nay, nhiều người thuê đất làm đìa nuôi tôm cho nên tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, người dân chúng tôi vốn đã thiếu nay càng "khát" nước sạch . Giải pháp của bà con là... dùng tạm hai cái giếng của tôi và ông Lê Quang Phương, tại nghĩa địa thôn. Nhưng, ngay cả nước bẩn ở đây cũng không đủ cung cấp cho bà con sinh hoạt. Mỗi ngày chúng tôi thường phải dùng can 20 đến 30 lít, chở chừng chục chuyến bán cho bà con với giá 1.500 đồng/can. Nếu vắng bóng chúng tôi là bà con "lùng" ghê lắm! Một trong hai người mà đi vắng, thì người kia phải chở nước "tóe khói"!

Cơ quan chức năng làm gì?

Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Ðác Lắc):Trước thực trạng nhức nhối của các công trình bỏ lãng phí, mỗi địa phương cần có quy chế bắt buộc cấp xã trực tiếp quản lý các công trình, còn huyện thì giám sát. Việc sửa chữa phải đi đôi với thay đổi mô hình quản lý - vận hành, làm đến đâu giám sát đến đó, tránh tình trạng "đem con bỏ chợ".

PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng (Viện trưởng Viện Thủy công, Tổng cục Thủy lợi):Ở những vùng có nguồn nước ngầm khan hiếm vào mùa khô, giải pháp đang được áp dụng là tận dụng nước mặt và thu trữ nước mưa. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều năm và tìm ra giải pháp cấp nước bằng đập ngầm. Dùng đập ngầm có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, cung cấp nước tốt, bền vững, dễ thi công... và đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Hiện hai công trình thử nghiệm đang hoạt động tốt. Hy vọng giải pháp này sẽ được phổ biến, triển khai rộng rãi trên cả nước.

Bà Hạ Thanh Hằng (Chánh văn phòng CTMTQG Nước sạch và VSMTNT):Chương trình môi trường quốc gia (CTMTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đã được thực hiện qua hai giai đoạn và đang triển khai tiếp giai đoạn ba (2011-2015). Kết quả của hai đợt trước là đã giúp nhiều vùng khát có nước, đẩy lùi một số loại bệnh đường ruột. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số yếu kém. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.

Ở giai đoạn ba, chúng tôi xác định phải có những đột phá. Bằng nhiều cách, chương trình tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành các công trình nước sạch, vận động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, tăng tính bền vững sau khi đầu tư. Thêm nữa, cũng cần ghi nhận hiệu quả của công trình, quy rõ trách nhiệm cho cơ quan quản lý công trình, đánh giá đúng thực trạng nước sạch nông thôn, để kịp thời can thiệp cho có hiệu quả, khắc phục nhanh những yếu kém.