Săn lùng "những kẻ giấu mặt" - Phóng sự của ANH TUẤN

NDO - Thông thường, hành trình truy tìm thủ phạm thường xuất phát từ dấu vết hiện trường. Nhưng ở thế giới ảo, tung tích kẻ giấu mặt "thoắt ẩn thoắt hiện", hoạt động "không biên giới" chẳng khác "mò kim đáy bể". Thậm chí, khi bị lộ, chúng tìm cách đánh sập mạng xóa dấu vết. "Lưới trời lồng lộng", thủ đoạn dù tinh vi đến đâu cũng bị vạch trần.
Kỹ sư Cục tần số vô tuyến điện (Bộ TT và TT), kiểm soát tần số trên xe lưu động. Ảnh: Trần Hải
Kỹ sư Cục tần số vô tuyến điện (Bộ TT và TT), kiểm soát tần số trên xe lưu động. Ảnh: Trần Hải

Ẩn mình gây án

Trong thế giới phẳng, mọi chuyện đều có thể xảy ra mà theo cách ví von của dân mạng: "Trai bản Mông cũng có thể trộm tiền từ tài khoản của Obama". Những chiêu trò mới ở nước ngoài chỉ một loáng sau đã được các hacker (tin tặc) tiếp nhận. "Khôn" nhất phải kể đến nhóm đối tượng trộm tiền trong tài khoản người nước ngoài (NNN), khó bị phát hiện mà chẳng có bị hại mà tố cáo.

Ðường dây do Vương Huy Long cầm đầu cho thấy, tin tặc Việt Nam nguy hiểm không kém. Ban đầu, khi Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ vào cuộc truy lùng, cứ nghĩ là hacker Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga... gây án, ai dè khi Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) tóm gọn thủ phạm là hacker Việt Nam, phía bạn chỉ biết trầm trồ thán phục.

Ở TP Hồ Chí Minh, Long chỉ đạo mạng lưới chân rết hoạt động rất chuyên nghiệp từ khâu sử dụng mạng in-tơ-net lấy thông tin thẻ tín dụng rút tiền của NNN để mua hàng (cc chùa) như máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử... tận Mỹ, thuê đối tượng NNN nhận hàng (dropper) rồi chuyển về Việt Nam. Hắn trả công bằng tài khoản tiền ảo LR (mỗi LR = 1 USD). Không bồng bột "vỗ ngực" khoe tài trên mạng, Long hoạt động rất kín đáo. Tuy nhiên, vỏ bọc tinh vi đã bị vạch trần khi hắn là thành viên tích cực với nickname mr.hamcc, longvh của diễn đàn http://vefa...com (diễn đàn lớn nhất trong thế giới ngầm) gồm 2.000 hacker chuyên trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, trao đổi, cung cấp công cụ kỹ thuật và ngón nghề. Diễn đàn này hoạt động khép kín, các thành viên tham gia phải có tài khoản và mật khẩu đăng nhập riêng, phải được thành viên có uy tín giới thiệu. Bí mật thâm nhập, trinh sát lên sơ đồ được mô hình, quy trình hoạt động ban quản trị diễn đàn và xác định Long đang ở Củ Chi, nhưng địa chỉ cụ thể vẫn còn là ẩn số. Một hôm, trinh sát đi qua một hàng internet lớn ven đường, thấy chiếc xe BMW bóng láng đỗ trước cửa. Dấu hiệu lạ lập tức lọt vào "tầm ngắm". Từ biển số xe, xác định Long là chủ cửa hàng và mẻ lưới "cất vó" ngay sau đó. Kết quả điều tra khiến không ít người giật mình, 20 đối tượng sa lưới, chúng đã trộm cắp hàng chục triệu USD.

Xông trận điều tra vụ mất trộm 182 máy tính xách tay hiệu Apple Macbook tại kho chứa hàng của hãng Apple, anh em phải "chạy đua" để đối tượng không còn cơ hội tiêu hủy chứng cứ, xuôi ngược như con thoi: trưa bay ra Hà Nội báo cáo án, tối đã lang thang ở khắp các ngõ phố tại TP Hồ Chí Minh trinh sát. Loại máy này đang chờ phát hành ra thị trường nhưng một cửa hàng tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đã rao bán trên mạng. Từ thông tin Cảnh sát Ô-xtrây-li-a cung cấp, thuyết phục chủ cửa hàng khai báo mua máy của đối tượng có nickname là trungsh, các trinh sát đã tìm được chủ hàng Nguyễn Minh Hoàng ở Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Khi bị triệu tập, ban đầu Hoàng chối biến. Kiên trì đấu trí "cương nhu kết hợp", Hoàng hối lỗi thành khẩn khai báo và giao nộp hết tài liệu liên quan đường dây buôn lậu xuyên quốc gia do Ðỗ Thanh Lâm cầm đầu. Khoảng 400 kiện hàng và lượng rất lớn ngoại tệ đã được vận chuyển lậu qua đường không, dễ dàng qua mặt hải quan, an ninh sân bay. Những lời khen ngợi từ phía Cảnh sát Ô-xtrây-li-a trong bức thư gửi Cảnh sát Việt Nam đã khẳng định tài năng chiến sĩ Cục C50.

Bóc trần những ngón nghề

Ngoài đời thực có loại tội phạm gì, trên mạng cũng có đủ. Tiện ích của công nghệ thời hiện đại được các đối tượng triệt để lợi dụng trục lợi. Nào là một sinh viên bơm thuốc sâu vào hộp sữa dọa tung lên mạng tống tiền đòi 200 triệu đồng, đối tượng người Phi chiếm password một công ty bảo hiểm đòi hai triệu USD, rồi một tập đoàn lớn bị chín vi-rút chuyên dụng xâm nhập trộm cắp thông tin. Ngay cả công ty bảo mật hàng đầu Việt Nam BKAV bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện và lấy cắp dữ liệu mã nguồn, trộm cắp và công khai tài khoản hàng chục nghìn khách hàng.

Tội phạm mạng ở khắp mọi nơi. Ngồi ở văn phòng mát lạnh giữa Thủ đô, ở quán intenet giữa phố núi heo hút hay phòng trọ sinh viên..., chỉ cần máy tính trong tay là có thể gây án. Chẳng dại gì hacker khai thực tên, tuổi khi giao dịch trên mạng theo kiểu "lạy ông tôi ở bụi này" mà chỉ dùng phần mềm dấu, nick ảo. Không ít đối tượng chỉ học hết cấp hai, không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng "học mót" siêu chẳng kém kỹ sư tin học. Do đó, chiêu thức đánh án phải "hạ nhanh, tiêu diệt gọn". Tội phạm 8x, 9x "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", cả ngày "dán mắt" vào máy vi tính; các trinh sát cũng phải lọ mọ "cày" thật lực, sử dụng thủ thuật nghiệp vụ bí mật xâm nhập hệ thống, diễn đàn, "đặt bẫy" định vị chính xác, bắt quả tang tại trận buộc đối tượng phải "tâm phục, khẩu phục". Cao điểm phá án, cắm chốt ở lì tại Trung tâm lăn lộn trên mạng đã là chuyện thường ngày. Ðôi khi manh mối rất mong manh nhưng lại hé mở nút thắt vụ án. Có lần, đối tượng dù nhanh tay xóa sạch dữ liệu hòng phủi tội, chắc mẩm thoát tội, nhưng cũng đành đầu hàng khi các trinh sát giỏi nghề phục hồi thành công toàn bộ dữ liệu.

Lính công nghệ cao thiện nghệ không chỉ trên mạng mà cả ngoài đời. Có khi họ hóa trang là đại gia muốn đầu tư tài chính trên mạng, là harker có "số má", hay một nhân viên kinh doanh phần mềm... để nhập cuộc. Thượng úy Nguyễn Hồng Ðức, dân CNTT xịn tốt nghiệp Học viện An ninh bật mí: khi "săn" tội phạm trong thế giới ảo, "trình" phải cao mới làm chủ kỹ thuật và cao mưu hơn chúng. Muốn vậy, phải liên tục cập nhật thông tin công nghệ để không bị tụt hậu. Chả thế mà loại máy điện thoại di động, máy tính đời mới nào xuất hiện, anh em đọc vanh vách tiện ích, sử dụng thành thạo. Còn Trưởng phòng Lê Xuân Minh trải lòng, lính công nghệ cao phải "3 trong 1", vừa tinh thông nghiệp vụ công an vừa am tường kỹ thuật, công nghệ và còn phải có trình độ về ngoại ngữ mới không bỏ lọt tội phạm, tự tin khẳng định bản lĩnh khi phối hợp Cảnh sát các nước phá án.

Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Cục C50 đã tạo dựng được "thương hiệu", là "địa chỉ đỏ" để các cơ quan, người dân "cầu cứu" khi bị tấn công trên mạng. Ðã có đối tượng vào trại bóc lịch không oán hận mà thốt lên, nhờ bị bắt mới không tiếp tục lấn sâu con đường tội lỗi; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng hết lòng cảm tạ khi được Cục cảnh báo kịp thời, tránh bị "rỗng ruột", lộ lọt thông tin "mật". Niềm vui ấy chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.