"Nước mắt  mẹ không còn..."

NDO - Người ta vẫn bảo "hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai", vậy mà đã gần trọn đời người phải gánh chịu quá nhiều mất mát, bà Hoàng Thị Huệ vẫn chưa có một ngày nào an vui cùng con cháu. Nỗi đau góa bụa chưa tan, nhọc nhằn còn in đầy hai khóe mắt, bà lại phải chứng kiến con cái từ giã cõi đời trong nỗi bi thương. Ðến khi ở cái tuổi gần đất xa trời, bà lại là chỗ dựa cho đàn cháu ngây dại. Nỗi đau nào của bà cũng đã đến tận cùng, nên từ lâu lắm rồi, đôi mắt mờ đục của bà đã cạn khô cả nước.
Tám mươi tuổi, bà Huệ vừa phải làm cha, vừa làm mẹ cháu Linh.
Tám mươi tuổi, bà Huệ vừa phải làm cha, vừa làm mẹ cháu Linh.

Một nách năm con

Thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhà bà Huệ, đất cát đâu chẳng thấy, khắp nơi chỉ rặt những sỏi ruồi. Vườn nhà bà khá rộng, nhưng với thứ đất ấy, bà không thể canh tác loại cây ăn quả hay rau cỏ nào. Bà bảo từ ngày về đây làm dâu, cả mảnh vườn này hầu như chỉ để tre pheo và cây dại chen nhau mọc. Ðất nghèo quá, chồng bà phải đi làm đá thuê ở Miếu Môn (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ), thành ra năm đứa con thơ dại đều do một tay bà chăm sóc.

Bà Huệ hướng đôi mắt mờ đục về phía khu vườn nhớ lại: "Năm 1971, bố chồng tôi vào viện mổ ruột thừa, cụ phải truyền máu, mà bấy giờ chỉ có ông nhà tôi là cùng nhóm máu với cụ thôi. Lấy máu xong, các bác sĩ dặn về nhà phải cho ông ấy ăn uống cẩn thận để kéo lại sức. Nhưng nghèo đói đến cùng kiệt, ông nhà tôi lao ngay vào Miếu Môn tiếp tục làm đá. Chẳng bao lâu sau thì ông ấy đi do lao lực".

Ba mươi tuổi, bà Huệ thành góa phụ, ngày ông bỏ bà đi, cô con gái út còn đang ẵm ngửa. Nỗi đau mất mát chưa qua, gánh nặng áo cơm của năm mẹ con lại dồn lên đôi vai gầy guộc của bà. Ban ngày bà dong trâu của hợp tác xã ra đồng, buộc nó vào gốc cây rồi tranh thủ cấy hái. Tối mờ mịt các con mới thấy mẹ về nhà. Cơm nước, tắm giặt cho bọn trẻ xong thì cũng đã nửa đêm. Tay chân đã bã bời, chỉ cần đặt lưng xuống thôi là đã có thể chìm vào giấc ngủ. Nhưng cái đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này, không một giếng đào nào có nước. Cả một đêm bà quảy đôi thùng đi gánh được bốn gánh nước đổ vào chum. Mọi việc xong xuôi, vừa chợp mắt thì gà gáy sáng.

Những ngày ấy, nhà bà nheo nhóc lắm, năm đứa con thay nhau ốm, khóc ngằn ngặt suốt đêm ngày. Mang được thúng thóc ải đi xay thì gạo vụn ra như cám. Các chú bộ đội đóng quân gần nhà thấy mẹ con bà nghèo đói rạc dài, thương quá, bảo hay bà cho các chú cô út để các chú mang về Hải Phòng nuôi đỡ bà? Thương con nhưng có nhõn một đứa con gái nên bà không đành lòng cho đi, bà tặc lưỡi: "Cũng đã tận khổ rồi, thôi thì mẹ con rau cháo có nhau".

Một vai gánh con, một vai gánh cháu

Năm người con bà chỉ giữ lại được ba. Ba người con ấy, bà thương nhất anh Nguyễn Ngọc Thiệu, "nó bị bệnh tim bẩm sinh, yếu lắm". Ngày anh Thiệu rủ rỉ với mẹ rằng "con muốn lấy vợ", bà đã mừng mừng tủi tủi. Ðến khi biết nàng dâu tương lai của mình là cô Vương Thị Xuyến thì bà kịch liệt phản đối. Ai chứ nhà cô Xuyến ấy, cả đại gia đình đều lẩm cà lẩm cẩm, dở dở ương ương, ăn không nên đọi nói chẳng nên lời. Ðàn cháu nhà ấy cũng mang gen ông bà, bố mẹ, có đứa nào bình thường đâu. "Cả làng đều biết nhà nó thế nào, mà sao mày cứ nhất quyết lấy nó hả con?".

Bà Huệ không cản được việc anh Thiệu lấy chị Xuyến. Ba đứa cháu lần lượt ra đời. Ðứa thứ hai là Trần Ngọc Trung từ lúc sinh ra đã bị đao, bại não. Trung lớn lên cùng bệnh viện, bố mẹ, bà nội bòn mót được đồng nào đều dồn cả cho Trung đi viện. Ðôi tay Trung lúc nào cũng giơ lên như... đầu hàng, thi thoảng cậu lại vừa chạy vừa la hét ầm ĩ khắp xóm.

Cô cháu gái đầu Nguyễn Thị Thúy (SN 1987) lớn lên khỏe mạnh bình thường, khi Thúy học xong lớp 9 thì bị mất ngủ suốt mười ngày trời. Sau trận mất ngủ ấy, Thúy có dấu hiệu tâm thần, cả nhà phải đưa xuống Bệnh viện tâm thần Ba Thá điều trị mất ba tháng mới đỡ. Ðầu năm 2009, Thúy bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Cú sốc ấy khiến dấu hiệu tâm thần của chị Xuyến bùng phát ghê gớm. Anh Thiệu suy tim ngày một nặng. Ðúng lúc mọi người đang chuẩn bị đón Tết Canh Dần, anh Thiệu nằm xuống.

Tám mươi tuổi quản ba người điên

Ở chân cột ngoài hiên nhà bà Huệ có một cái xích to đã han gỉ. Dưới chân giường cũng có một sợi xích. Vẫn đôi mắt khô khốc, bà bảo: "Cái xích to là xích em Thúy, cái dưới chân giường là xích em Trung. Còn một cái nữa xích mẹ chúng nó cơ. Nhưng từ lúc mẹ nó chết, cả nhà đốt luôn cái giường và vứt bỏ sợi xích rồi".

Thúy bị lừa bán, chị Xuyến điên loạn, gào thét, đập phá. Cái giếng nước sâu hoăm hoắm ngoài cổng ngõ, chị đã chực nhảy xuống đó không biết bao nhiêu lần. Sức tàn của bà lão tám mươi bao phen phải đối chọi với sức khỏe của một người điên. Xích hai mẹ con ở hai chân giường, ngày ngày cơm bưng nước rót. Trung suốt ngày u ơ, chân tay khua khoắng, sợi xích (trước đó bà dùng để xích... chó) cọ vào, cổ chân trầy trợt, tím ngắt. Bên giường này là chị Xuyến ngày đêm la hét, tóc tai xõa xượi bên cạnh anh Thiệu thoi thóp vì suy tim.

Rồi anh Thiệu nằm xuống, không chịu được những mất mát liên tiếp, chị Xuyến lại đòi nhảy xuống giếng. Sau ba ngày anh mất, còn đang chít khăn tang, chị nói dối mẹ chồng là đi thăm lúa, rồi chị đón xe ôm lên thị trấn mua thuốc sâu. Lúc cầm chai thuốc sâu trên tay chuẩn bị uống thì bà Huệ rình được, bà hô hoán làng nước ời ời. Hai mẹ con già trẻ cứ thế đuổi nhau. Con dâu vừa chạy vừa dọa: "Mày mà đến đây là tao đổ thuốc sâu vào mồm đấy". Làng xóm lôi được chị về nhà cho bà... xích, đổ chai thuốc sâu đi. Ðến đêm, không biết chị giấu thuốc sâu ở đâu mà xóm làng lại phải lục đục ới nhau dậy đưa chị đi rửa ruột.

Ba ngày sau nữa, bà Huệ vừa chợp mắt rồi mở mắt mà quờ tay đã không thấy con dâu đâu. Cả nhà, cả xóm bổ đi khắp nơi tìm, ba bốn ngày trời vẫn không thấy bóng dáng chị đâu. Ðến lúc nhận ra xác con dâu nổi lềnh phềnh dưới ao bèo đầu xóm, bà Huệ đứng chết lặng.

Sáu ngày hai cái tang, chưa bao giờ người Phụng Châu thấy bà mẹ nào lại khốn khổ như bà Huệ. Con trai, con dâu chưa được trăm ngày thì Thúy được công an đưa về nhà. Thúy gầy như xác ve, cứ thấy đàn ông là đánh, chửi. Thúy gào thét, đập phá mọi thứ, kể cả ban thờ bố mẹ em. Bà phải xích Thúy vào cái cột ngoài hiên, thế mà mỗi lúc tắm rửa cho cháu, Thúy vẫn cứ đạp vào bụng, túm tóc bà mà giật, mà ấn đầu bà vào chậu nước.

Cực chẳng đã, bà xin cho Trung xuống Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Ứng Hòa, xin cho Thúy lên Trung tâm bảo trợ xã hội 2 ở Ba Vì. Mỗi lúc tỉnh táo, hai em cứ nằng nặc xin được về ở với bà. Bà Huệ cầm sợi xích, đôi mắt đục như hai cùi nhãn, giọng run run: "Hai đứa mà về thì chắc là bà chết, giờ trông một mình thằng út đã vất vả lắm rồi, nó lại bướng, cũng không khôn ranh như bọn trẻ trong làng...".

* Hiện nay cuộc sống của hai bà cháu chỉ trông vào 250.000 đồng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước và ba tạ thóc mỗi năm từ ba sào ruộng cho thuê. UBND xã Phụng Châu đã hứa sẽ giúp hai bà cháu 40 triệu đồng để dựng ngôi nhà mới. "Nhưng các bác ấy sợ gia đình sẽ tiêu không đúng nên nói khi nào xây xong thì mới giao tiền. Giờ đến chạy ăn mà bà cháu tôi còn khốn khổ thì dám nghĩ gì đến chuyện khác".