Như chưa hề có nỗi đau như thế!

NDO - Gọn gàng trong bộ đồ tự may vừa vặn, tự tin trò chuyện về cuộc đời mình như chưa hề có nỗi đau như thế. Ðó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Tô Thị Tuyết, cô gái vô tình mắc "căn bệnh thế kỷ" đã dũng cảm bước ra khỏi bóng tối, trở lại với cuộc sống đời thường...
Tô Thị Tuyết tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng.
Tô Thị Tuyết tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng.

Từ trong bóng tối...

Tuyết kể về cái ngày hội hiến máu tình nguyện của phường Hoàng Văn Thụ - TP Bắc Giang (Bắc Giang), nơi Tuyết ở, bác sĩ thông báo rằng em đã mắc căn bệnh AIDS và đó là ngày bi thảm nhất của cuộc đời người mẹ trẻ ấy. Là Bí thư đoàn một trường mầm non, tham gia ban chấp hành đoàn phường, hiến máu tình nguyện là việc rất bình thường như bao lần khác em từng tham gia. Thế nhưng, trong hơn 100 đoàn viên hiến máu rồi ra về, chỉ có Tuyết được gọi riêng ở lại... Rồi cô nhận được tin "sét đánh" ấy. Tuyết nhớ lại: "Em ngất đi, cũng không biết bao lâu mới tỉnh lại. Cũng chẳng biết mình đã về nhà bằng cách nào. Mọi thứ hầu như không thể kiểm soát được nữa. Em đã muốn chết đi cho xong".

Lần tìm nguyên nhân nhiễm bệnh, Tuyết nhớ rằng, chỉ có thể là do một lần đi khám phụ khoa, lây nhiễm từ dụng cụ y tế. "Bởi vì em cũng mới sinh cháu thứ hai được nửa năm, em cũng không có quan hệ gì khác. Hơn nữa đi kiểm tra thì cả chồng và hai cháu bé đều có kết quả âm tính với "H" (HIV). Tuyết khẳng định như thế, đôi mắt ngấn lệ, xa xăm. Tôi biết mình đã khơi lại nỗi đau vô hạn mà em đã và đang chôn giấu chặt trong lòng.

Suốt một tháng liền, Tuyết không ra khỏi nhà, sức khỏe suy sụp. Rồi mất việc do nhà trường "động viên" xin nghỉ dạy. Bạn bè, người thân, làng xóm biết chuyện cũng xa lánh. Gia đình nhà chồng và chồng nghi ngờ mắng chửi thậm tệ, đến mức anh bỏ đi không lời từ biệt. Chỉ còn bố mẹ, anh chị em ruột trong nhà và hai đứa con bé bỏng là nguồn động viên níu giữ Tuyết ở lại cõi đời này.

Từ khi biết mình nhiễm AIDS, điều đau khổ nhất với Tuyết là không dám cho con bú sữa mẹ, ăn uống, sinh hoạt phải giữ gìn là một nhẽ, đến cả âu yếm con cũng phải dè chừng. Chỉ một cái liếc mắt của người thân, một câu nói vu vơ cũng khiến cô thu mình vào vỏ ốc, mặc cảm với bệnh tật. "Thực ra người vô tình nhiễm "H" phải chịu sự kỳ thị của xã hội cũng như bản thân tự kỳ thị rất lớn. Em mặc cảm và muốn giấu bệnh như tâm lý chung của nhiều người, nhưng thâm tâm cũng muốn mọi người biết để chia sẻ, cảm thông". Vậy, sau gần hai năm trời sống trong bóng tối, Tuyết đã đứng dậy trở lại cộng đồng chỉ với mong ước để mọi người hiểu, chia sẻ và giúp những người bị nhiễm "H" vượt qua mặc cảm, sống có ích.

Ðó cũng là lý do để có một Tô Thị Tuyết - "Dấu cộng duyên dáng", dũng cảm đứng trước ống kính truyền hình nói về mình, về "căn bệnh thế kỷ" đang mắc mà không sợ hãi.

... bước ra ánh sáng

Nhìn Tuyết suy sụp, lại thỉnh thoảng nghe có người "bóng gió" đánh tiếng mẹ sắp chết, đứa con đầu mới học lớp một, cứ mỗi sáng trước khi đi học lại lay vai mẹ: "Mẹ ơi, mẹ đừng chết nhé, mẹ chờ con đi học về nhé"... Ngày nào cũng như ngày nào, "chàng trai nhỏ" - như cách gọi âu yếm của Tuyết, đã gợi lại niềm ham sống của người mẹ trẻ. Tuyết nhớ lại lúc quyết tâm phải bước ra khỏi nhà "chưa chết được thì phải sống cho đáng sống": "Vượt qua sự kỳ thị của xã hội đã khó, thoát được tự kỳ thị càng khó hơn anh ạ. Người bị "H" nếu cứ chui vào vỏ ốc trốn tránh, cuộc sống cũng chẳng khác gì địa ngục".

Vậy là Tuyết tìm hiểu trên mạng In-tơ-nét, qua sách báo, qua trung tâm phòng, chống AIDS của tỉnh... về "căn bệnh thế kỷ", cách phòng tránh lây nhiễm và cả những tấm gương vượt lên số phận. Một điều đáng ngạc nhiên, Tuyết biết được là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày đó có hơn 200 trường hợp nhiễm AIDS. Ngoài số rất ít được chăm sóc, nuôi dưỡng ở trung tâm bảo trợ xã hội, phần lớn người có "H" thường giấu bệnh, lảng tránh hoặc thậm chí có người tìm đến cái chết. Biết được điều đó, suy nghĩ đầu tiên của cô là phải làm cách nào đó để kết nối những cá thể bị "H" thành một nhóm. Từ đó dùng những hiểu biết của mình để tuyên truyền, hướng dẫn mọi người biết cách sống chung với "H" và không trở thành gánh nặng của xã hội. Dịp may đến khi một tổ chức nhân đạo phối hợp với đài truyền hình địa phương tổ chức cuộc thi "Dấu cộng duyên dáng" dành riêng cho những người nhiễm HIV. Kết thúc cuộc thi, Tuyết tự tin hơn để bước vào cộng đồng "H", để vượt lên kỳ thị của xã hội và chính mình.

Tuyết tâm sự: "Sau cuộc thi, mỗi lần ra đường người ta đều chỉ trỏ, bàn tán. Em biết họ nói về mình bởi người bị bệnh nhạy cảm lắm. Nếu trước đây em đã chạy trốn, tuyệt vọng thì giờ dũng cảm để đối diện, để sống". Một câu nói đơn giản, nhưng Tuyết đã phải đi cả quãng đường dài, đấu tranh dữ dội giữa tuyệt vọng và niềm tin, thậm chí giữa cái chết và sự sống.

Tuyết nghĩ, trước tiên là phải tìm một công việc có thu nhập để nuôi mình, nuôi con. Mất việc ở trường mầm non, chồng bỏ đi, ba mẹ con Tuyết chủ yếu sống nhờ vào sự chu cấp của gia đình bên ngoại. Gõ cửa nhiều nơi nhưng tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu, ánh mắt xét nét, dè bỉu. Tuyết biết có nơi người ta không dám cầm hồ sơ của mình, có chỗ sau khi mình về, họ lau rửa bàn ghế bằng thuốc sát trùng, thậm chí phun thuốc khử độc... Cuối cùng, nhờ một người quen, Tuyết xin được vào làm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, nhận lương hợp đồng 1,6 triệu đồng/tháng để chăm sóc, dạy học cho các cháu mắc bệnh AIDS bị bỏ rơi không nơi nương tựa.

Tôi chưa lý giải được ánh sáng từ đôi mắt của Tuyết trong buổi học của bảy đứa trẻ bị "H" ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ở đó có tình yêu nghề, tình thương và cả sự đồng cảm với "nỗi đau thế kỷ". Hơn một năm làm việc ở đây, Tuyết đã chứng kiến nỗi đau thể xác gặm nhấm từng ngày và cả cái chết của những đứa trẻ vô tội. Từ 11 đứa, giờ còn bảy. Dù biết trước thế nào cũng sẽ phải thế, nhưng sao tránh khỏi ngậm ngùi.

"Ơn trời là sức khỏe của em còn tốt, hiện giờ chỉ phải uống thuốc bổ để tăng sức đề kháng thôi anh ạ. Cũng không thể nói trước em có thể sống đến khi nào, nhưng em sẽ cố gắng để những năm tháng còn lại không trở thành vô nghĩa".  Tuyết chia sẻ.

Chia tay Tuyết trước cửa phòng học của bảy đứa trẻ gầy gò, xiêu vẹo như từng nét chữ chúng vẽ trên tập vở, tôi cảm thấy sự bất lực của ngôn ngữ để nói một lời động viên cho phải phép. Ánh mắt Tuyết vừa như cười, vừa như khóc cứ dõi xa thăm thẳm tận chân trời. Nơi ấy, một vệt nắng đỏ rực mỏng tang run rẩy hắt chút ánh sáng cuối của ngày...

* Nếu ví cuộc đời là một cuốn phim thì đời Tuyết là bộ phim được phát nhanh với kết thúc được báo trước. Ðó là lý do cô bảo mình phải "sống gấp",  trách nhiệm với bản thân, gia đình và có ích với xã hội. Ngoài những lúc bên con, dạy chữ cho những đứa trẻ bất hạnh đồng cảnh, Tuyết còn tham gia một số dự án của các tổ chức nhân đạo chuyên tư vấn về sức khỏe cho người bị "H"; làm chủ nhiệm một câu lạc bộ của những người mắc bệnh "H" mang tên "Vì ngày mai tươi sáng" gồm 30 thành viên...