Hai mặt sáng - tối

NDO - Với tài năng và danh tiếng, việc các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ biểu diễn, thực hiện những chương trình, dự án hướng đến cộng đồng luôn tạo nên những hiệu ứng và thu hút sự quan tâm của xã hội. Vấn đề là, những hành động đó thật sự xuất phát từ tâm nguyện, hay chỉ là những chiêu thức nhằm mục đích "đánh bóng tên tuổi"...
Ca sĩ Thái Thùy Linh và các em nhỏ trong một chương trình từ thiện. Ảnh: TTL
Ca sĩ Thái Thùy Linh và các em nhỏ trong một chương trình từ thiện. Ảnh: TTL

Những tấm chân tình

130 tấn quần áo và đồ dùng của trẻ em với hơn 20 chuyến hành trình là những gì ca sĩ Thái Thùy Linh và các tình nguyện viên chương trình Mặc ấm cho vùng cao thực hiện được từ năm 2011 đến nay. Tất bật và tâm huyết, nhưng họ tự nhận mình chỉ là những tình nguyện viên, chứ không phải là những người làm từ thiện. Phân biệt về sự khác nhau này, Thái Thùy Linh nói: "Từ thiện là việc làm của những người giàu, dư thừa mang đi giúp đỡ người nghèo. Còn chúng tôi chỉ là những người làm công việc tình nguyện, gia cảnh hầu hết đều không khá giả gì, do đó chỉ cho đi công sức, thực hiện việc kêu gọi quyên góp và bản thân cũng đóng góp chút ít để giúp đỡ cho người nghèo".

Mỗi chuyến đi của Thái Thùy Linh có từ 15 đến 40 người, trong đó, dù là nhà hảo tâm, đại gia, sinh viên hay công chức đều phải xắn tay thu gom quần áo, đồ dùng học tập, phân loại, đóng gói, bốc vác hàng hóa lên ô-tô và dỡ hàng tại các điểm đến. Trong số hơn 20 địa phương chương trình đã tới, nơi xa nhất là Ðiện Biên, Hà Giang. Song song với Mặc ấm, Thái Thùy Linh còn chủ xị chương trình thiện nguyện Mang âm nhạc đến bệnh viện với khoảng 30 chương trình đã diễn ra quanh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gây quỹ để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Cứ hai tuần một lần, chương trình đã đến được với khoảng 15 nghìn bệnh nhân hiểm nghèo, thiếu may mắn, gây quỹ được khoảng hơn 300 triệu đồng, chưa kể những nguồn học bổng kêu gọi được từ các mạnh thường quân.

NSND Thanh Hoa tự nhận mình đã từ rất lâu rồi khó có thể rơi nước mắt, nhưng bà không thể cầm lòng được khi cất tiếng hát cho những bệnh nhân đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. "Ở bệnh viện, có một anh bảo tôi: "Vợ cháu giờ đang bị liệt, nhưng khi trước, cô ấy rất thích bài Làng lúa làng hoa của cô. Cô có thể tới hát cho vợ cháu nghe được không?". Tôi tới bên giường, cầm tay cô gái ấy hát và thực sự nghẹn ngào khi thấy đôi môi cô mấp máy theo những lời hát của tôi...".

Nhiều nghệ sĩ hải ngoại về nước cũng đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Ca sĩ Thanh Tuyền nhiều năm nay lặng lẽ đến với các trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ người già, người tàn tật để chia sẻ với họ chút tình cảm và vật chất của mình. Trong lần về nước vừa qua, bà đã có mặt ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để thăm hỏi những trẻ nhỏ bị ung thư máu. Bà mang đến cho các bé món quà nho nhỏ nhân dịp Nô-en như bánh kẹo, đồ chơi và suất cơm chiều. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tình trạng của các em, Thanh Tuyền đã quyết định tặng thêm một số tiền động viên nho nhỏ để gia đình các em có những cái Tết đầy đủ, trọn vẹn hơn. Ngay sau chuyến đi đó, bà lại quay ngược trở lại miền Tây Nam Bộ để tặng những bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng cho người nghèo ở đây. "Tôi đã may mắn có được cuộc sống sung túc hơn rất nhiều người và ở tuổi 64 tôi muốn tình thương của mình lan tỏa tới nhiều người"- Nữ danh ca thổ lộ.

Không chỉ có các nghệ sĩ cao tuổi, nhiều người đẹp cũng làm được những việc thiện nguyện xuất phát từ chính cái tâm của mình. Hoa hậu Ngọc Hân thường đến các làng trẻ để dạy những em nhỏ tập vẽ, tập thiết kế thời trang. Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cũng từng tới dạy ở lớp học tình thương của các bệnh viện. Á hậu Thái Như Ngọc đã đi làm từ thiện rất nhiều, nhưng không bao giờ muốn xuất hiện trên báo...

Mặt trái của từ thiện

Dẫu vậy, có không ít trường hợp muốn lợi dụng việc đi từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình. Từng có nghệ sĩ đòi khỏa thân chụp ảnh để bán đấu giá gây quỹ từ thiện, nhưng đã bị công chúng phản đối mạnh mẽ. Cộng đồng mạng từng giận dữ trước chuyến đi làm "từ thiện" của các thí sinh Miss Ngôi sao với những người già neo đơn, trẻ em nghèo ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Các cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con cháu lại ngồi chễm chệ ở ghế trên, nước uống đầy đủ, còn các cụ già lưng còng tóc bạc thì chỉ được ngồi ghế thấp hơn rất nhiều. Những gương mặt trao quà và giao lưu cảm động sau đó trở nên giả tạo khi có sự phân biệt đối xử này.

Năm 2011, các Hoa hậu, người đẹp rềnh rang đi làm từ thiện ở Huế với hàng loạt bức hình gửi đăng báo, nhưng kỳ thực các người đẹp không làm gì cả, chỉ đóng góp 1,5 triệu đồng nhưng đòi hỏi Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân phải nấu suất ăn cho 110 người.

Có một thực tế là một số nghệ sĩ, và nhiều người đẹp khi đi làm từ thiện hầu như không "nhúng tay" vào bất cứ việc gì, chỉ chờ các tình nguyện viên hoặc nhà tài trợ chuẩn bị sẵn các món quà, tới nơi, họ chỉ việc tạo dáng cho đẹp đội hình hoặc biểu lộ xúc cảm cho phù hợp. Không ít chuyến từ thiện của nghệ sĩ trở thành cơ hội quảng cáo sản phẩm cho các doanh nghiệp. Cũng đã có trường hợp nghệ sĩ vì chủ quan hoặc bất cẩn, đã trao thực phẩm "hết đát" hoặc quần áo không còn nhiều giá trị sử dụng, làm những người nhận quà cảm thấy không được tôn trọng. Nhiều nghệ sĩ khác lại trang điểm, ăn vận cầu kỳ, lòe loẹt, đeo kính râm, áo váy xuyên thấu nội y... để đi chia sẻ với những người nghèo, gia cảnh khó khăn hoặc bệnh nặng. Tiếc thay!

* Khi hướng đến cộng đồng, làm từ thiện, cần lắm cái tâm, sự chân thành và cả tế nhị, đó là điều các nghệ sĩ cần chú ý khi muốn trao gửi tấm lòng mình cho những hoàn cảnh còn khó khăn.