Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Giải pháp đề cao tính nhân đạo

NDO - Cơ quan chức năng đang khẩn trương chuẩn bị để sớm triển khai thi hành án tử hình (THATH) bằng hình thức tiêm thuốc độc (TTÐ), theo Ðề án "Triển khai thực hiện thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 1.  Tử tù sẽ trả giá tội ác của mình nhẹ nhàng và nhân đạo hơn.
Phạm nhân lao động tại trại giam Nam Hà.
Phạm nhân lao động tại trại giam Nam Hà.

"Bước chuyển" thi hành án tử hình

Hình phạt nghiêm khắc nhất pháp luật nước ta áp dụng là tử hình nhằm răn đe, giáo dục mọi người thượng tôn pháp luật, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, TTATXH. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ còn quy định 22 tội có hình phạt tử hình. Những năm qua, số vụ án có người bị xử tử hình với mức độ ngày càng phức tạp, quy mô lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, phần lớn phạm tội về ma túy.

Luật Thi hành án (THA) hình sự có hiệu lực thi hành từ 1-7-2011 và theo Nghị định 82/2011/NÐ-CP, từ 1-11-2011, TTÐ sẽ thay thế hình thức xử bắn các phạm nhân bị tuyên án tử hình (ATH). Ðây là thay đổi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp nước ta, thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật. Áp dụng thi hành án bằng TTÐ sẽ làm giảm những hạn chế của hình thức xử bắn, đó là người bị kết ATH đau đớn và kinh hoàng, thi thể không nguyên vẹn, số cán bộ, chiến sĩ tham gia xử bắn nhiều bị án hầu hết bị chấn động về tâm lý. Hơn nữa, việc THATH bằng xử bắn còn bất cập do chỉ bảy địa phương có pháp trường cố định, 17 địa phương có pháp trường do bắn nhiều lần mà hình thành, còn lại không có pháp trường. Các tỉnh đồng bằng rất khó tìm địa điểm làm pháp trường, có tỉnh như Nghệ An phải đi xa 140 km mới có địa điểm THATH.

Trên thế giới, trong gần 80 nước đang áp dụng ATH, có hơn 30 nước áp dụng hình thức TTÐ. TTÐ bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, phù hợp tâm lý Á Ðông, gia đình xin nhận xác bị án về mai táng... Chủ trương này cũng thể hiện sự đối xử rất tình người, ngay cả khi tử tù đã bị tước đi quyền sống. Cơ chế chết bằng TTÐ là làm cho tử tội ngủ, sau đó làm ngừng thở và tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị TTÐ. Cách tử hình này không tạo ra những hình ảnh bạo liệt như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn mà là cách "chết nhẹ nhàng", giống như người tự sát uống thuốc ngủ hoặc thuốc độc chết.

Những "bước đi" thận trọng

THATH bằng TTÐ khá phổ biến ở các nước còn duy trì hình phạt tử hình như Trung Quốc, Mỹ, Thái-lan... nhưng là hình thức mới ở nước ta, lại chưa có điều kiện học tập, trao đổi nhiều kinh nghiệm của các nước nên việc triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, cơ quan chức năng phải chuẩn bị rất chu đáo, có những bước đi thận trọng. Giai đoạn một đề án "Triển khai thực hiện THATH bằng hình thức TTÐ từ tháng 9-2012 đến tháng 10- 2013", tập trung vào các nội dung: xây dựng nhà THATH bằng TTÐ và mua sắm trang bị, phương tiện, dụng cụ, thuốc THA cho 15 công an tỉnh, thành phố và ba đơn vị khu vực. Ðến nay, năm nhà THATH bằng TTÐ đầu tiên đã được xây dựng xong tại TP Hồ Chí Minh, Ðác Lắc, Sơn La, Hà Nội và Nghệ An. Sở dĩ chọn năm địa phương nói trên bởi cơ quan chức năng tính toán cơ cấu vùng miền và những nơi hằng năm có số trường hợp tử hình nhiều nhất.

Chi phí xây dựng một khối nhà THATH bằng TTÐ diện tích 150 m2 (gồm năm phòng) ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng, được trang bị các thiết bị như máy tiêm thuốc, giường, mô-bi-tơ kiểm tra chức năng còn sống, hộp đựng thuốc, tủ bảo quản thuốc thi hành án, thiết bị khử trùng, máy phát điện, màn hình theo dõi, điều hòa, dụng cụ y tế, bàn ghế, tủ bảo quản dụng cụ... Các nhà THATH được mô phỏng từ Thái-lan nhưng phù hợp điều kiện ở nước ta. Theo tính toán, một đội THATH bằng TTÐ phải có ít nhất 20 CBCS tham gia. Bộ Công an đã mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho gần 500 cán bộ THA, huấn luyện về trình tự, thủ tục TTÐ, cách sử dụng các trang bị phương tiện, dụng cụ THA... Sau đó, cán bộ THA phải tích cực luyện tập lấy ven trên cánh tay giả bởi khó khăn đối với họ là áp lực tâm lý, không được đào tạo ngành y, trong khi đó, các bác sĩ chỉ hỗ trợ xác định tĩnh mạch, không trực tiếp lấy ven vì quan niệm nghề nghiệp của họ là cứu người.

Nhiều quan điểm cho rằng, xét về mặt kinh tế, nếu đầu tư ở tất cả tỉnh thành sẽ rất tốn kém, lãng phí, bởi "xuân thu nhị kỳ" mới làm, chỉ tập trung ở các địa phương có nhiều ATH. Các địa phương không có nhà THATH sẽ chuyển tử tù tới các nhà THATH gần nhất để THA. Tuy nhiên, phát sinh đặt ra là việc bảo đảm an toàn khi vận chuyển bởi quãng đường xa tới hàng trăm km. Ðại tá Nguyễn Như Bình, giám thị trại tạm giam công an Hòa Bình cho biết, trại hiện có 15 tử tù (đa số vì tội ma túy), thời gian giam giữ quá lâu, từ khi kết án đến khi THA thông thường ba năm, có trường hợp 4-5 năm. Ðưa ra THA ở pháp trường cách trại năm cây số đã mệt, nay đưa lên Sơn La cách hơn 200 km, đường núi quanh co, áp lực dẫn giải sẽ căng thẳng, mệt mỏi. Trước kia bắn xong đem chôn luôn, nay làm theo hình thức mới cầu kỳ hơn, cán bộ phải vất vả trông giữ xác, bàn giao trong trường hợp gia đình người bị THATH muốn nhận xác.

Lý giải vấn đề này, theo Tổng cục VIII, do số bị kết án tử hình hằng năm không nhiều và không THA cùng lúc, nên việc vận chuyển không quá khó khăn, phức tạp vì các phương án bảo đảm an toàn như sử dụng phương tiện đặc chủng, có bảo vệ chặt chẽ đã được tính đến.

Hiện nay, số phạm nhân bị kết ATH còn tồn nhiều do chờ THATH bằng TTÐ. Áp lực ở các trại tạm giam đang rất căng, bởi tâm lý tử tù thường bất cần, bi quan, đôi khi muốn bỏ trốn hoặc tự sát. Tất cả điều kiện chuẩn bị thực hiện THATH bằng TTÐ đã sẵn sàng, hiện còn chờ Bộ Y tế nhập thuốc để THA. Nếu không nhập được, cần tính đến phương án sản xuất trong nước hoặc nếu thay đổi loại thuốc khác phải sửa đổi Nghị định 82 vì điều 6 quy định rất chặt chẽ ba loại thuốc độc tiêm là Sodium thiopental, Pancuronium bromide và Potassium chloride. Và khi bắt đầu có thể triển khai THATH bằng TTÐ, việc xem xét ân xá tha tội chết cho các tử tù cũng cần sớm tiến hành.

* Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

Ðã có một vài tử tù xin hiến tạng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc lấy tạng và sử dụng sau khi đã TTÐ, cách xử lý trong trường hợp phải mổ để lấy tạng trước khi THA, nhỡ may gây chết người (rủi ro trong y học không nói trước được). Trong luật về hiến, ghép mô, tạng có tuyên dương, khen thưởng, vinh danh, với trường hợp tử tù cũng cần tính toán khi áp dụng cho phù hợp.