Tội phạm mua bán người gia tăng

"Giải mã" nguyên nhân

NDO - Hành vi phạm tội mua bán người (MBN) bao giờ cũng manh nha từ ý định của kẻ phạm tội, hoàn cảnh hay môi trường cùng với những thiết chế của nó chỉ là điều kiện, bối cảnh tác động về mức độ diễn ra nhiều hay ít, trắng trợn hay tinh vi. Mọi mưu đồ, thủ đoạn của tội phạm khó thành hiện thực khi những người có nguy cơ có được kỹ năng ứng phó, khả năng giải quyết vấn đề đúng đắn trong tình huống cần thiết.
Trẻ em vùng biên. 
Trẻ em vùng biên. 

Vẫn còn nhiều "khoảng trống"

Trong năm mục tiêu Chương trình 130/CP, mục tiêu liên quan đến nâng cao nhận thức và hành động là số một, tuy nhiên số nạn nhân MBN vẫn không ngừng gia tăng? Nạn nhân rất đa dạng, song phần lớn hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nhu cầu cấp thiết về việc làm và thu nhập; số ít trẻ tuổi ham chơi, muốn được đi đây đi đó, thậm chí muốn có thu nhập cao nhanh chóng... Họ dễ bị cuốn hút bởi những thông tin bản thân cho rằng có khả năng đáp ứng nhu cầu. Ðó chính là điểm yếu để tội phạm lợi dụng.

Trong những tình huống như vậy, nếu người dân có thông tin, tâm thế luôn cảnh giác và biết quyết định hành động phù hợp thì hậu quả xấu khó xảy ra. Tuy nhiên, chỉ riêng việc cung cấp thông tin vẫn còn bất cập. Tuyên truyền mới tập trung ở địa bàn trọng điểm, chưa đến được nhiều vùng sâu, vùng xa; truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng hạn chế. Trong khi đó, tâm lý con người thường diễn biến theo chiều hướng là khi đã gặp được thông tin bản thân đang mong muốn tìm kiếm, thì những loại thông tin, tri thức khác (chẳng hạn kiến thức người dân được trang bị phòng, chống MBN nếu không được thường xuyên củng cố để hình thành nên tâm thế cảnh giác cao) sẽ dễ tạm thời bị che lấp bởi các thông tin được cho là cấp thiết hơn. Những kiến thức chỉ được nhớ lại khi sự việc đáng tiếc xảy ra, song đã quá muộn.

Nạn nhân MBN phần lớn suy nghĩ nông cạn, chỉ thấy cái trước mắt, không thấy cái lâu dài, suy nghĩ thiếu sâu sắc về mọi chuyện nên nhẹ dạ, cả tin và dễ mắc lừa. Chỉ những gì họ thật sự trải nghiệm rồi mới bừng tỉnh nhận ra, còn chưa trải qua khó tưởng tượng phía trước sẽ ra sao. Ðó không hoàn toàn chỉ là vấn đề của học vấn, mà còn ở cách tư duy, suy nghĩ của con người.

Họ cũng có thể là người ít có các mối liên hệ xã hội, nên không nhạy bén trong nhận thức các vấn đề xã hội. Trong khi thực tiễn diễn ra vô cùng phong phú, thì hiểu biết của họ lại đóng khung trong bối cảnh hẹp. Cho dù trên các phương tiện thông tin đại chúng có tuyên truyền, cảnh báo bao nhiêu, nhưng khi họ không chú tâm, không tiếp nhận một cách có ý thức thì kiến thức của họ vẫn không được cải thiện. Lý do này khiến các cô gái nông thôn, miền núi dễ bị mắc lừa.

Trong khi đó, tội phạm rất nhanh nhạy. Ðể đối phó tránh bị phát hiện, chúng nghĩ ra đủ chiêu trò, dùng mọi lời lẽ ngon ngọt, dường như rất logic, phù hợp từng đối tượng tiếp cận, đánh vào "điểm yếu" làm cho họ tin tưởng.

Kiến thức, tâm thế của người dân phòng, chống MBN thường ít được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, do những thói quen sống đã được hình thành tương đối bền vững. Phần đông nạn nhân quen sống theo kinh nghiệm, dựa vào xúc cảm, dễ tin, quen đánh giá con người một cách cảm tính, vì vậy, tội phạm dỗ ngọt rủ rê, vẽ ra các viễn cảnh tốt đẹp, nêu ra những "tấm gương" chúng tự nghĩ ra... rất dễ chiếm được cảm tình, niềm tin của bị hại. Trên thực tế, không chỉ các cô gái ít học mà ngay cả người có trình độ học vấn cao vẫn bị lừa bán. Do thiếu hiểu biết pháp luật, lại chưa có thói quen sống theo pháp luật, rồi sự hỗ trợ từ những người chung quanh, cũng như cộng đồng, cơ quan chức năng nhiều khi không kịp thời... đã khiến người dân dễ trở nên phục tùng, chấp thuận theo yêu cầu của tội phạm khi bị chúng đe dọa, mà không dám tố cáo.

Phải nâng cao nhận thức

Xét cho cùng, hành động thực tiễn mà người dân có thể thực hiện nhằm tránh bị rơi vào cạm bẫy của tội phạm MBN mới là điều quyết định để họ không trở thành nạn nhân. Nói cách khác, họ cần có các kỹ năng xử lý tình huống khi cần thiết. Chẳng hạn, người dân cần biết cách dự đoán những gì sẽ xảy ra, cân nhắc thiệt hơn lợi ích trước mắt và mất mát đau lòng trong cuộc sống bản thân và gia đình sau này nếu chấp nhận làm theo lời tội phạm dụ dỗ, biết tự bảo vệ bản thân khi cần thiết, biết cách tìm kiếm những hỗ trợ chung quanh trong tình huống khẩn cấp... Phần lớn nạn nhân thiếu hiểu biết và kỹ năng ứng phó, song không ít sẵn sàng chấp nhận để tội phạm lợi dụng và xem đó như lối thoát khỏi tình trạng khó khăn trước mắt - hệ quả từ thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá năng lực và hậu quả hành vi của mình...

Không phải cứ có hiểu biết là có kỹ năng. Kỹ năng cần phải được rèn luyện với những cách hành động cụ thể, đặc biệt với những người có trình độ học vấn thấp, quen sống theo kinh nghiệm. Ðể có thể có được hiệu quả sử dụng trong những tình huống khẩn cấp, cũng như tâm thế, kỹ năng phòng, chống MBN cần phải được củng cố thường xuyên, phù hợp từng nhóm đối tượng để luôn thường trực trong tâm trí người dân một cách có ý thức.

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và hành động là mấu chốt thực hiện hiệu quả phòng ngừa MBN. Ðây là công việc tốn nhiều công sức, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và tận tâm của những người có trách nhiệm. Nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin cần thiết cho người dân phải luôn song hành với hình thành ở họ kỹ năng và tâm thế sẵn sàng phòng, chống tội phạm MBN. Nếu không thực hiện được, thì những gì chúng ta đã làm được trong giải quyết vấn đề này cũng như trong hiện thực hóa các mục tiêu khác sẽ dễ trở thành lãng phí, vì hiệu quả không bền vững.