Di dời ga Hà Nội, có nên?

Dư luận những ngày qua đang hết sức quan tâm đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh và ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Nếu lấy lý do để tránh xung đột giao thông mà di dời ga là trái quy luật phát triển đường sắt, thậm chí là việc làm tùy tiện.

Di dời ga Hà Nội, có nên?

Ga Hà Nội là trục hình thành nên đô thị Hà Nội, để thành phố phát triển cho đến nay và nhiều năm sau này. Thực tế, tuyến đường sắt liên tỉnh và ga Hà Nội không chỉ là đường sắt nữa, mà là cấu trúc của thành phố, quyết định các trục giao thông và cảnh quan, đồng thời tác động tích cực đến các phân khu đô thị chung quanh nó, hình thành một cơ thể hoàn chỉnh, mà tuyến đường sắt đó là xương sống. Điều đó cho thấy thành phố sẽ không thể thiếu ga Hà Nội và cầu Long Biên.

Đừng lấy sự quản lý yếu kém trong quản lý đường sắt, giao thông để di dời một cơ sở có tính cốt lõi trong phát triển đô thị. Tôi xin khẳng định, ý kiến đề xuất di dời ga là một sự ngẫu hứng, tùy tiện, không có cơ sở khoa học và gây hoang mang cho người dân. Đồng nghĩa với việc phát triển giao thông của chúng ta thiếu chiến lược rõ ràng, không minh bạch. Ga Hà Nội ngày nay (trước đây được gọi là ga Hàng Cỏ) là công trình hơn 100 tuổi, một trong những biểu tượng của Thủ đô, có giá trị lịch sử và văn hóa. Mỗi ngày ở ga Hà Nội có hàng trăm chuyến tàu đi và đến của các tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn… Đó là sự kết nối với các trung tâm đô thị khác từ xa. Rõ hơn là sự chia sẻ nguồn lực với các đô thị khác.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới đều theo hướng ga trung tâm là ga đường sắt quốc gia và được kết nối với các tuyến đường sắt nội đô, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Còn về mặt pháp lý, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, xác định ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh. Trong quy hoạch chung Hà Nội, quy hoạch đường sắt đô thị cũng không nói gì đến chuyện di dời ga Hà Nội.

Nhìn rộng ra một chút, việc di dời một số trường học, cơ quan ra ngoại ô gặp khó khăn là có lý do của nó. Bởi nếu di dời ra ngoại ô, rồi biến chỗ đó thành chung cư cao tầng, trung tâm thương mại có lợi cho một số người thì đừng nên di dời là hơn. Việc di dời ga Hà Nội đã tính toán đến chi phí và tác động xã hội chưa, toàn bộ khu đất đó là đất vàng với hơn 21 héc-ta sẽ được sử dụng ra sao? Các “đại gia” bất động sản sẽ nhòm ngó. Rồi chẳng lẽ khu vực đó sẽ được biến thành chung cư. Như vậy thì sẽ chẳng những không giải quyết được xung đột giao thông, mà sẽ làm rối ren hơn.

Xin khẳng định lại một lần nữa, ga Hà Nội không có lỗi. Lỗi là ở cung cách quản lý, và lúc này cần phải làm tốt hơn. Bài toán lúc này là, những khu vực đường sắt trong nội thành cần xây dựng thêm cầu vượt, di dời một số hộ dân sống sát đường sắt. Khi huy động được nguồn lực thì có thể xây dựng đường sắt trên cao, đường sắt ngầm và làm ga nhiều tầng. Như ở Nhật Bản có ga đến tám tầng. Có lẽ, nên tổ chức xây dựng đường sắt trên cao, bên dưới đường ngang vẫn lưu thông, cải tạo lại ga Hà Nội là hợp lý, đồng thời tích hợp với hệ thống giao thông thông minh, nơi trung chuyển xe buýt và ta-xi sẽ là giải pháp cần tham khảo.