Cái bang thời hiện đại

NDO - Một bà già đội nón mê kéo sợi dây vải được buộc vào cổ một thanh niên bò quềnh quàng dưới mặt đất. Chiếc chậu nhựa đựng tiền lẻ trước mặt cũng được đẩy theo để mỗi ai thương tình thì bố thí. Một hình ảnh thường thấy ở Chợ Hàng (thành phố Hải Phòng), gây nên rất nhiều phản cảm.
Hai mẹ con dùng "khổ nhục kế".
Hai mẹ con dùng "khổ nhục kế".

Muôn vàn "khổ nhục kế"

Sau một hồi quan sát tìm hiểu chúng tôi đã phát hiện ra người thanh niên đang bò kia còn khá trẻ, không hề bị khiếm khuyết. Nhưng anh ta đã rất kỳ công trong việc dùng áo cũ bọc kỹ hai cánh tay và hai đầu gối để khi bò không bị trầy xước, đỡ đau. Không chỉ là tò mò, tôi còn cố tình lân la hỏi chuyện bà cụ tại sao phải ăn xin một cách khổ sở như vậy, thì chỉ nhận được cái quắc mắt và bĩu môi dài thườn thượt: "Hỏi làm gì?". Nếu giơ máy lên chụp ảnh thì nhanh như cắt, chiếc nón trên đầu bà già và mũ trên đầu người thanh niên trở thành những "lá chắn" rất hữu hiệu. Cứ như thế, không hề biết bẩn thỉu, mưa gió, "cặp bài trùng" thản nhiên tiếp tục hành trình đi xin. Cũng nhếch nhác không kém, người dân khu chợ này còn quen thuộc hình ảnh của không ít người (cả phụ nữ, đàn ông) quấn đầy quần áo cũ, rách lên người, bò lê dưới đất, cạnh họ là một đứa trẻ chỉ chưa đầy một tuổi được đặt trên chiếc bao tải nhỏ. Người lớn bò đến đâu thì kéo đứa bé đi đến đó, mặc cho nó quơ cả đất, cát bỏ vào miệng. Tất nhiên, họ không quên đặt cái chậu nhựa trước mặt đứa bé để "nhử tiền". Mọi người ái ngại, xót thương đứa bé còn đỏ hỏn, mới sinh ra đã phải chịu thiệt thòi nên đắng lòng rút ví cho tiền.

Ở khu chợ cóc năm tầng thuộc phường Hoàng Văn Thụ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), có một người đàn ông ăn xin khá kỳ cục. Ông ta "diễn" khéo vô cùng. Lúc nào cũng lê lết tội nghiệp, người đi đường vừa đỡ dậy, ông lại ngã xuống lối đi đầy bùn đất. Hình ảnh này lại luôn khiến bà con buôn bán ở đây cười rũ rượi. Ở ngõ chợ Khâm Thiên, tôi cũng gặp một người đàn ông tật nguyền chuyên đi xe ôm để đến chợ hành nghề. Sau khi lê người đi xin một vòng, kèm theo những lời nói thảm thương, kiếm được một món tiền, anh ta ngồi uống nước chè, hút thuốc ở cuối chợ và bắt xe ôm đến khu chợ khác kiếm ăn. Hỏi thu nhập, anh ta tiết lộ mỗi tháng kiếm chừng sáu triệu đồng - mức thu nhập khiến nhiều người làm công ăn lương phải mơ ước.

Qua khảo sát thực tế, có đến quá nửa số người ăn xin giả tật nguyền để đánh động vào lòng trắc ẩn của người dân. Họ có rất nhiều thủ thuật dùng "khổ nhục kế" một cách nhuần nhuyễn, y như thật. Cũng bởi họ nắm được rằng, càng tỏ ra khổ sở, rách rưới thì càng đáng thương, dễ được cho tiền. Thậm chí, với những kẻ coi ăn xin là một nghề, thì luôn coi sự tàn tật là "cái trời cho". Nếu không có cái "may mắn" này thì phải làm sao "diễn" cho thật khéo, thật thảm thương. Dù trời mưa, đường đi lối lại lầy lội họ cũng không hề ngại ngần nằm, bò lết trên đất sao cho càng thảm hại càng tốt. Thật buồn và đáng lên án là kiểu "ăn xin giả" này ngày càng nhiều, tràn lan ở hầu hết lễ hội, đường phố, khu chợ, khu du lịch trong cả nước, kể cả ở Thủ đô Hà Nội. Bởi vậy, quanh khu vực Hồ Gươm, đường Thanh Niên, các khu chợ, người ta vẫn thấy có những người lê lết ăn xin, nhưng chỉ vài tiếng sau, họ lại đi mua đồ ăn bình thường như chẳng hề khuyết tật. Ðáng lên án hơn, những người giả khuyết tật này không chỉ tiến công khách trong nước và còn "hành" khách nước ngoài. Kẻ ăn xin chẳng những "trang bị" cho mình một hình dáng tội nghiệp mà còn học được vốn tiếng Anh kha khá để hành nghề. Trong số đó, có những người lành lặn, bán hàng rong, ép khách mua không được thì chìa tay xin tiền, móc túi khiến không ít khách lâm vào tình trạng khốn khổ.

Những nhân cách... tật nguyền

Lẽ thường, chỉ những người tật nguyền, không đủ sức lao động và không nơi nương tựa mới phải đi ăn xin. Nhưng ở ta, đang có rất nhiều người còn khỏe mạnh không lo làm ăn, cố giả câm, giả điếc, giả què để đi ăn xin và ngày càng có nhiều người thích làm cái "nghề" này, vô tình làm cho cuộc sống trở nên nhếch nhác hơn. Người ăn xin còn hoạt động thành từng nhóm, theo kiểu "buôn có bạn, bán có phường" để tương trợ lẫn nhau, thậm chí có người ăn xin về để... xây nhà cửa. Ở nhiều nước phương Tây, việc đi ăn xin là đáng xấu hổ, sỉ nhục, là hình ảnh của những kẻ chăm ăn lười lao động. Còn ở ta thì lại bung nở, bùng phát càng đông.

Anh Nguyễn Cao Kiều, thường xuyên đụng phải "cái bang rởm" ở quán bia, tâm sự: "Giờ cứ ra đường, đi bất cứ đâu cũng gặp người ăn xin, lắm khi bị làm phiền đến phát cáu. Cái ác của những người hoạt động nghề ăn xin là làm xấu hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, khiến "ăn xin thật" bị tẩy chay. Không ít người xin không được thì quay ra trở mặt, chửi bới, thóa mạ!"

Trị "cái bang" kiểu gì?

Cho đến nay, luật pháp chưa quy định người ăn xin là "có tội" và chưa có "cơ chế" nào để xử phạt. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua cũng tổ chức "gom" người ăn xin, trẻ lang thang nhưng chưa hiệu quả, chỉ một thời gian ngắn, mọi việc lại "đâu lại vào đấy". Mỗi đợt quét vét, số người này giảm nhưng sau đó lại tăng, và ngày càng biến tướng. Người hoạt động "nghề" này đã trở nên vô cùng chuyên nghiệp, có thêm kỹ năng để lẩn tránh cơ quan chức năng. Nhiều năm qua Sở LÐTBXH Hà Nội cũng đã cố gắng phối hợp các cấp, các ngành của thành phố và các tỉnh Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình... là những nơi có nhiều người ăn xin ở Hà Nội để tuyên truyền, nhắc nhở đối với người ăn xin. Hiện tại, Hà Nội đang tổ chức các đội thu gom người ăn xin, lang thang tập trung về bốn trung tâm bảo trợ xã hội theo từng cấp độ khác nhau. Cán bộ ở những trung tâm này đã quá quen mặt nhiều người ăn xin chuyên nghiệp, bởi hết thời gian giáo dục, nuôi dưỡng, được thả, họ lại..."tay gậy tay bị"!

Thực tế, biện pháp giáo dục thuần túy không mang lại nhiều tác động tích cực tới ý thức của một bộ phận người đang "hành nghề" ăn xin. Vì thế, cần kết hợp việc làm này với các biện pháp mạnh, được tính toán hợp lý, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" theo kiểu đuổi về địa phương, cấm không được hoạt động ở thành phố hoặc "nhốt" một thời gian rồi thả ra... Bên cạnh đó, cần có giải pháp lâu dài, như đào tạo nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội đối với người trẻ; nuôi dưỡng đặc biệt đối với người già, không còn khả năng lao động; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để cùng tìm ra hướng giải quyết triệt để. Có như vậy, mới mong giải quyết được tình trạng người ăn xin tràn lan, nhếch nhác như hiện nay.

* Ông Ðặng Ðức Kiệm (Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LÐTB&XH Hà Nội):

Xưa cha ông ta khó khăn, nhiều người nghèo nhưng cũng không đến nỗi cứ thiếu một chút là đi ăn xin như bây giờ. Ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) trước kia chỉ có hai xã nhiều người chuyên đi ăn xin, sau lan ra cả huyện.

Từ năm 2007, chúng tôi về địa phương tuyên truyền trực tiếp để người dân thay đổi tâm lý mà tìm cách làm ăn, cải thiện cuộc sống ở quê nhà, tình hình hiện nay có vẻ đã khả quan hơn.