Sự thật Mường Nhé

NDO - Sau ít ngày xảy ra vụ việc đồng bào Mông tụ tập đông người tại bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên mà báo chí đó đây đồn thổi ầm ĩ, chúng tôi đã tới gặp những người trong cuộc xoay quanh chủ đích: - Sự việc ra sao? Ðâu là bản chất của vấn đề?

Không có 'Vua giáng trần' (!)

Ông Lò Văn Sung, Bí thư Ðảng ủy xã Nậm Kè, vẻ mệt mỏi nói với  chúng tôi: Thật buồn, việc tụ tập đông người bất hợp pháp của những người Mông với âm mưu gây rối lại diễn ra ở xã này. Sự việc đã được giải quyết êm thấm, ấy vậy mà một báo chí của nước ngoài cứ dai dẳng thông tin, nào là: Xung đột dữ dội; nào là bạo động; nào là bất ổn; nào là  có tới hàng chục người chết, hàng trăm người bị bắt giữ; nào là Việt Nam sử dụng cả lực lượng quân đội để đàn áp người Mông... Thông tin kiểu ấy là bịa đặt trắng trợn. Ông Sung chuyển giọng dẫn giải: Việc tụ tập tới cả nghìn người là có thật. Họ ngấm ngầm tổ chức rồi đổ vào đây từ chập sáng ngày 1-5 tới mức chúng tôi không lường hết. Trong đó, có 66/588 hộ với 113/3.000 người Mông trong xã nhẹ dạ, cả tin nhập cuộc. Khi được hỏi vì sao lại kéo nhau về tụ tập ở đây, thì phần đông họ lặng thinh, còn những người trả lời thì chung một lý do, nào là: Do không có đất; do ở nơi này có mỏ vàng, do sắp có chiến tranh, sắp đến ngày tận thế... Và cũng có người nói thẳng: Ta được 'cấp trên' gọi tới nơi đây để chứng kiến sự xuất hiện của thế lực siêu nhiên, để nghênh đón Vua Mông giáng trần ban hạnh phúc, giàu có cho gia đình và con cháu chúng ta!... Về đây, họ ập vào chiếm giữ  nhà của những hộ trong khu vực để đặt máy in, cất giữ lương thực. Ðám đông dựng cả trăm chiếc lều lán bằng bạt để giữ chân những người đã tới đây. Do thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa dữ dằn; ăn ở trong lều lán tù mù chật chội, hôi hám, bẩn thỉu nên người già trẻ em đã bị đổ bệnh. Nhiều người muốn trở lại nhà nhưng không được phép. Rất tiếc, sau ba ngày đợi 'miền đất hứa' thì một cháu nhỏ ba tuổi bị ốm nặng đã qua đời.

Gặp anh Cứ Khua Su trên đường ra xã khai hộ khẩu cho con, chúng tôi hỏi: Tuần trước anh có tới Huổi Khon để đón Vua giáng trần không? Su tủm tỉm, lời chắc đinh: Không đi đâu. Nó lừa đấy. Lý A Cha ở bản Huổi Ðá, cười rất tươi: Ta là người tốt. Ta không đi theo những kẻ lừa dối ấy đâu! Giàng A Ko ở bản Huổi Khon thì xuýt xoa: Ta không nghe, không tin kẻ xấu. Nhưng ta đau vì con trai trưởng của ta đã tin theo chúng nó. Ta định đánh cho nó một trận vì nó đã sang cái đồi này để tụ tập. Nói rồi lão đưa tay gạt nước mắt... Vừa tìm trâu trong rừng về, đứng tại chân đồi, Sùng A Kỷ, Trưởng bản Huổi Khon giọng vạch vẽ: Bản ta có bốn hộ ở tại khu đồi này là Giàng A Si, Giàng A Sơ, Giàng A Trắng và Giàng A Sinh đều bị bọn xấu chiếm giữ mất nhà. Dân bản Huổi Khon ức lắm, không biết thằng nào, ở đâu tới định xưng Vua. Biết được trước thì bản làng ta sẽ vạch mặt lừa đảo của nó. Cũng may nhờ trên sớm cho cán bộ tới vận động, giải tán kịp thời nên dân bản của mình mới được tự do đi lại làm ăn!

Ðâu là nguyên nhân?

Kỹ sư nông nghiệp Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé nói với chúng tôi: Mường Nhé là huyện miền núi nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với hai nước bạn là Lào và Trung Quốc có tổng diện tích tự nhiên 249.950,43 ha, có đường biên giới quốc gia Việt - Trung dài 41 km, Việt - Lào dài 165 km. Khi mới thành lập (tháng 8-2002) huyện chỉ có năm đơn vị hành chính xã, với hai vạn rưởi nhân khẩu. Do nạn di dân tự do ồ ạt suốt 8 năm qua nên tới nay số xã đã là 16 xã, tất cả đều là các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, với 157 bản, điểm bản, với 10.559 hộ, 57.201 khẩu, gồm 11 dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Hà Nhì, Khơ Mú, Si La, Xạ Phang, Dao, Sán Chỉ, Cống, Kháng. Tỷ lệ dân đói nghèo tới 78,87%... Di dân tự do (đi không báo, đến không khai), quen sống trên những vùng núi cao, hết rừng, hết nước lại đi, với châm ngôn 'Ngọn núi thấp hơn đầu gối người Mông thì người Mông còn đi', tập quán ấy khiến người Mông ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc ào ạt đổ về Mường Nhé xâm hại cả chục ha rừng cấm. Việc một số người dân tụ tập ở Huổi Khon, xã Nậm Kè trong tuần đầu tháng năm này chờ 'ngày tận thế' (21-5), 'chúa sẽ ban cho người Mông có Vua, ai không đi không đến, không theo sẽ không được chúa ban phước lành'... là minh chứng cho sự nhẹ dạ cả tin, dân trí thấp.

Một thực tế hiển nhiên, không thể chối bỏ, ấy là Mường Nhé là vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu được Ðảng và Nhà nước sớm quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với rất nhiều các dự án như: 134 - 135 - 167 - NQ 30a... góp sức giảm nghèo nhanh và bền vững với dự mức kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn phát triển tới năm 2020. Ðặc biệt mấy năm lại đây, kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2010 của Chương trình 135 đã góp phần nâng cao kỹ năng và tập quán sản xuất mới. Mường Nhé không còn hộ đói kinh niên, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 51%; 60% xã có đường lưu thông cho xe cơ giới, 70% số công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư tại xã; 100% số xã đã có trường học, 25% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt tập trung... Tuy sự hạn chế còn rất lớn, nhưng ở một huyện miền núi khó khăn nghèo khó nhất của đất nước thì những gì Mường Nhé làm nên là rất đáng ghi nhận.

Về giải pháp lâu dài để Mường Nhé ổn định, phát triển và thật sự là biên giới hữu nghị với Trung Quốc và Lào, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ðiện Biên cho rằng: Chính quyền địa phương và Trung ương cần có kế sách chặn đứng nạn di cư tự do vẫn đang đổ về Mường Nhé, đồng thời giúp cho người dân hết nghèo khó, nhất là với đồng bào dân tộc. Muốn dân trí của người dân tộc được nâng cao, ngay từ lúc này phải đầu tư cho giáo dục để trẻ em dân tộc được học hành đến đầu đến đũa. Dân chủ cần được mở rộng đúng nghĩa và tạo điều kiện để người dân tộc hòa nhập với xã hội văn minh sâu rộng hơn...