Lang thang  "chợ" sách cũ

NDO - Ðã từ lâu, TP Hồ Chí Minh được biết đến như  trung tâm sách cũ của cả nước, do có nhiều nhà sưu tập sách cũng như điều kiện khí hậu tốt hơn miền bắc nóng ẩm, hầu hết nguồn sách cũ, sách cổ quý hiếm tập trung ở đây.

Trên các đường phố Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tông, Trần Huy Liệu... đều có nhiều tiệm sách cũ và mới. Trái với hình dung của chúng tôi khi đến nhà sách Xưa & Nay, trên đường Bạch Mã, quận 10, rằng chủ tiệm chắc phải là một ông già đạo mạo, anh Trần Thu Nam, chủ nhà sách sinh năm 1962.

Anh cho biết, thương hiệu Xưa & Nay có khoảng 10 năm nay. 'Gia đình vợ tôi bán sách từ trước 1975. Tôi vào nghề bán sách khoảng năm 1990'. Lúc đó anh Nam chẳng nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề này đến tận hôm nay. 'Nghề buôn bán sách cũ giờ không bằng ngày xưa', anh nói giọng buồn buồn. 'Những sách cổ hiện còn ít, do nhiều cuốn nằm trong tay các nhà sưu tập hay đã bị mang ra nước ngoài. Nhà sách của tôi hiện sách nước ngoài nhiều hơn sách trong nước'.

Xưa & Nay chủ yếu chuyên về sách văn học, sách nghiên cứu, sách lịch sử, từ điển, tiểu thuyết, sách tiếng Anh, Pháp... Anh bảo rằng, nguồn sách cũ do người ta mang tới bán hoặc chính anh trực tiếp đi thu mua. Những năm 1980 có nhiều người chơi sách chuyển sang nước ngoài sinh sống, nên họ bán lại kho sách.

Khi chúng tôi hỏi, trong trường hợp anh sưu tầm được một cuốn sách cổ, sách quý, anh có thông báo đến các nhà sưu tập, những người chơi sách không, anh trả lời: 'Có sách quý cũng không cần thông báo, vì nguồn sách cổ, quý hiện không còn mấy. Một lý do nữa là trước đây kinh tế eo hẹp, nhiều người bán bớt sách, nay đời sống phát triển nên người ta giữ sách trong các thư viện gia đình chứ ít bán đi.'

Anh Nam cho hay, những năm 1990-2000 là thời hoàng kim của nghề sách cũ: do chưa có in-tơ-nét, nhiều trường chưa có thư viện, mà nguồn sách thì nhiều, ai cần tài liệu nghiên cứu, tham khảo buộc phải ra nhà sách tìm,

Hiện nay, nghề này mang lại thu nhập chỉ đủ sống, khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Anh Nam cho hay lợi thế của nhà sách này là không phải thuê mặt bằng. 'Có những ngày vắng khách, nên tôi được đọc sách từ sáng đến chiều' - anh nói vui.

Với nghề này, anh cũng có những kỷ niệm vui. 'Có người tình cờ thấy chính cuốn sách xưa của họ đã bị thất lạc, nay tìm lại được nó họ rất vui mừng. Trường hợp ấy tôi luôn bán giá vốn cho người ta. Có sinh viên ham mê sách mà nghèo quá không có đủ tiền, tôi tặng luôn'.

Một số nhà sách cũ giữ bản gốc và bán bản photocopy của một số sách cổ quý hiếm, giờ không còn tái bản, thí dụ một số cuốn Tập san Sử, Ðịa của nhà sử học Nguyễn Nhã. Tuy vậy, tôi rất tâm đắc và chia sẻ ý kiến của anh Nam rằng, không người chơi sách nào lại thích giữ sách photo, người ta thà mất rất nhiều tiền để có bản 'xịn' của các sách cổ, sách quý.

'Người ta chỉ photo trong trường hợp cần có sách làm tư liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu thôi' - anh nói. Do nhà sách ở một vị trí biệt lập nên không có cạnh tranh, cũng không có liên hệ nhiều với các nhà sách khác. Hiện con gái anh Nam 21 tuổi đang là sinh viên một trường đại học kinh tế, con trai học lớp 11, nhưng anh cho biết cũng không định hướng cho các con theo nghề của mình.

Một địa chỉ khác cho những người đam mê săn lùng sách cổ là nhà sách Quang Huy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Con đường này nổi tiếng từ lâu ở TP HCM do có nhiều tiệm sách cũ (hiện còn khoảng 7-8 nhà). Chủ nhân là chị Trần Quang Mỹ Linh. Người quản lý ở đây, chị Trịnh Thị Vân, cho biết nhà sách mở cửa từ năm 1980, bản thân chị làm ở đây đã hơn 10 năm.

Trong nhà sách cơ man nào là sách lịch sử, triết học, văn học, ngoại ngữ... Có nhiều sách cũ, sách cổ, một số cuốn sách quý như Thơ văn Lý Trần, Minh Mệnh chính yếu, Việt Nam từ điển của Lương Ngọc Trác... 'Nhiều khi cũng không nhớ hết đầu sách trong nhà để trả lời cho khách,' chị cười, thú nhận. Khi ai đó có nhu cầu bán đi những cuốn sách đã đọc, chị Vân trực tiếp đi thu mua, điều đáng nói là chị mua tương đối đúng giá trị cuốn sách.

Khi tôi hỏi các chị có thường 'săn' được những lô sách lớn do các thư viện bán thanh lý, chị Vân cho biết: 'Cũng khó mua được sách từ các thư viện, hơn nữa nhiều sách của các thư viện lại ít giá trị'.

Chị Vân cho biết thành phần khách đa dạng, trong đó có nhiều khách quen, sinh viên... 'Việt kiều về nước hay tìm mua truyện kiếm hiệp, lịch sử, những cuốn sách xưa gắn bó với những kỷ niệm một thời của họ... Cũng có nhiều người từ Hà Nội lặn lội vào đây tìm mua sách nghiên cứu...'.

Khi tôi hỏi rằng, người bán sách cũ ở đây có hay trông mặt khách mà quát giá không, chị Vân nói sách cũ đều có ghi giá rõ ràng trên bìa sau, người bán cũng giảm giá theo tỷ lệ % cho khách, chứ không tính đắt, bắt chẹt hay nói thách.

Giữa các nhà sách ở đây có sự liên kết với nhau để tìm sách cho khách, và họ khá nhiệt tình trong việc này. Các chủ tiệm sách cũ ở TP Hồ Chí Minh không phải ai cũng là người Sài Gòn chính gốc. Tại Nhà sách 337 đường Trần Hưng Ðạo, chúng tôi gặp anh Nguyễn Ðức Kinh, sinh năm 1966, vốn quê gốc Bình Ðịnh. 'Trước kia tui có làm nông nghiệp' - anh vui vẻ cho biết: 'Vợ chồng tui bắt đầu 'sự nghiệp' buôn sách cũ từ 2005'.

Anh Kinh nói mình đến với nghề bán sách cũng là một cơ duyên: anh có bà chị bán sách, theo phụ giúp người ta. Sau này khi chị theo gia đình chuyển ra nước ngoài sinh sống, anh đã 'kế tục sự nghiệp'. Tiệm sách của anh là hai gian nhà rộng chừng 30 m2, chất đầy ắp sách ngoại văn, sách kỹ thuật, hội họa, mỹ thuật, sách học, truyện tranh, văn học, lịch sử Việt Nam... Nguồn sách phong phú này có được, do có nhiều người đọc sách chán rồi thì mang đến trao đổi.

Thành phần khách rất đa dạng, từ các nhà nghiên cứu cao tuổi đạo mạo, Việt kiều đến cánh sinh viên... Anh Kinh nói nhà sách của anh có vị trí cô lập nên không có liên hệ nhiều với các nhà sách khác. 'Dạo này kinh doanh sách cũng khó khăn do ít người mua, nhà tui cũng bán lai rai. Có nhiều sách lời lãi chỉ 3.000 - 5.000 đồng/cuốn. Thu nhập trung bình tầm 3 triệu đồng/tháng. Có nhiều nhà nghiên cứu, thầy giáo cao tuổi qua coi 'cọp' cả buổi, nhưng tôi vẫn vui vì có cơ hội nói chuyện, học hỏi từ người ta. Nhiều sinh viên quen mặt, không có nhiều tiền mà chỉ cần nội dung vài trang, anh Kinh sẵn lòng cho họ mượn photo... Tui vẫn thường đi kiếm sách giùm khi khách có yêu cầu. Giữa các nhà sách cũng không có sự cạnh tranh'.

Anh tự tin cho biết tuy nguồn sách cũ-mới rất đa dạng về chủng loại, phong phú về số lượng, nhưng tiệm anh không có loại văn hóa phẩm đồi trụy, 'các anh công an phường, thanh tra văn hóa vẫn thường ghé qua chơi, đọc sách, tán dóc...'.

Tương lai nghề bán sách cũ sẽ như thế nào, anh Kinh không dám khẳng định. Nhưng các tiệm sách cũ vẫn lưu giữ nhiều nguồn sách cổ, sách cũ giá trị, trong đó rất nhiều cuốn nay không còn tái bản. Nhiều người đã hình thành nên một thói quen văn hóa: cuối tuần, lúc rảnh rỗi rủ nhau đi nhà sách. Tôi tin rằng, dù có phần bị ảnh hưởng bởi in-tơ-nét và các loại hình giải trí khác, văn hóa đọc vẫn có sức sống riêng.