Câu chuyện tình cảm động

NDO - Chiến tranh đã cướp đi biết bao sinh mạng, để lại đời sau những hậu quả đau lòng. Nhưng cũng từ trong đau thương mất mát ấy đã xuất hiện những tình yêu thật đẹp, không gợn chút so đo, không mảy may tính toán...

Góc biển chân trời

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Minh Thuận (thôn Hồng Phong, Ðông Quang, Ðông Hưng, Thái Bình) vào một ngày trời sụt sùi mưa. Ngôi nhà ông chẳng có gì đáng giá, chỉ cộm lên những di họa của chiến tranh đủ khiến con người ta kiệt sức. Nhưng bù lại là sự cảm thông và thấu hiểu. Trong không gian nhỏ hẹp ấy, chúng tôi biết được câu chuyện về ông Thuận với hai chị em họ Vũ. Ấy là một chuyện tình đầy đau khổ, nước mắt và cảm động. Và câu chuyện tình yêu đó được ông Thuận coi là tài sản quý giá, là niềm tự hào nhất của cuộc đời mình.

Ngày nhỏ, Trần Minh Thuận và cô gái nhà sát vách Vũ Thị Rần rất thân với nhau. Ðôi bạn trẻ đi đâu cũng cập kề, kể cả những buổi trưa bêu nắng, tát giòn bắt cá, chăn trâu... Khi cả hai vào tuổi thanh niên, những đêm dưới ánh trăng quê, họ đã thề non hẹn biển sau này sẽ thành đôi kết lứa. 

Rồi chiến tranh ác liệt nổ ra. Thuận cũng như bao nhiêu trai tráng khác, mong muốn góp sức mình bảo vệ quê hương. Gác lại chuyện tình đôi lứa, Rần bùi ngùi tiễn người yêu lên đường. Ông Trần Minh Thuận kể: 'Ðộ đó, chúng tôi quyến luyến nhau lắm, chẳng đứa nào nỡ xa nhau. Nhưng phải vuốt nước mắt để ra đi. Chỉ sau mấy ngày, hai gia đình tổ chức đám ăn hỏi nho nhỏ cho tôi kịp lên đường. Tôi được điều động vào đơn vị trinh sát C71, Binh đoàn 559 rồi vào chiến trường phía Nam Quảng Trị, nơi khốc liệt nhất thời bấy giờ'.

Vào năm 1971, trong một lần đi làm nhiệm vụ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tổ trinh sát vấp phải mìn của địch. Mìn nổ, Thuận ngất đi và sau đó được đồng đội phát hiện, đưa về cứu chữa. Khi tỉnh dậy, anh bàng hoàng biết đôi mắt mình đã tổn thương nặng.

Những ngày ở Trung tâm điều dưỡng thương binh, người mà Minh Thuận nghĩ tới nhiều nhất là người con gái nơi quê nhà mà mình đã yêu thương, thề thốt. Lòng chàng trai quặn đau, nghĩ thương người con gái quê nghèo bơ vơ đợi chờ mình trở về. Cuối cùng, Minh Thuận đã nhờ đồng đội viết thư, gửi về quê cho người yêu nhưng không cho biết địa chỉ. Thư có đoạn: '...Anh bây giờ đã trở thành người tàn phế, mất đi hai con mắt. Ðến bản thân cũng không tự lo cho mình được, làm sao có thể mang lại hạnh phúc cho em! Ở quê nhà, em gặp ai hợp thì hãy cưới. Không phải đợi anh nữa...'.

Minh Thuận nghĩ rằng, không để địa chỉ thì người yêu sẽ không tìm được, rồi sẽ quên mình đi. Nhưng sau khi gửi thư chưa đầy một tháng thì thật bất ngờ, người yêu đã tìm đến.

Hai người cứ ôm nhau trong nước mắt.

Minh Thuận và người em gái của Vũ Thị Rần kể rằng, khi hay tin Thuận bị trúng mìn, mất đôi mắt cùng 90% sức khỏe, Rần đã đau đớn đến tiều tụy, như người mất hồn. Khi tĩnh tâm lại, Rần đã tự nhủ: 'Dù chưa cưới, nhưng đã coi nhau là vợ chồng. Bằng mọi cách phải tìm được Thuận'. Thế là Vũ Thị Rần đã đi tìm người yêu ở một số trung tâm điều dưỡng ở Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và đã tìm thấy người yêu tại Thanh Hóa.

Mặc cảm trước thân thể tàn phế, Minh Thuận không muốn người yêu khổ vì mình. Anh năn nỉ Rần hãy tìm hạnh phúc với một người đàn ông khác. Nhưng Rần vẫn quyết không rời người yêu và quyết theo 'anh ấy' đi điều trị ở một số trung tâm điều dưỡng, Viện Quân y 108... và bảo rằng, sẽ cùng người yêu đi bất kể nơi đâu, đến chân trời góc biển, để phục hồi sức khỏe cho Thuận.

Nỗi đau thường nhật

Cuối năm 1973, hai người đưa nhau về quê và Rần đã thực hiện lời hứa với Minh Thuận. Họ làm đám cưới trong sự đùm bọc của gia đình, đồng đội. Tuy giản đơn nhưng rất vui vẻ. Rồi Rần mang thai. Sau ngày đất nước giải phóng, tháng 5-1975 Rần sinh con trai, nhưng buồn thay đứa con bị dị dạng. Minh Thuận buồn đau khôn tả. Anh biết mình đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian làm trinh sát ở chiến trường. Ðứa bé sống được hai năm thì mất. Lòng người cựu chiến binh không nản, đã động viên vợ có mang tiếp và lại sinh con trai, nhưng cũng dị dạng như trước. Hai người đặt tên con là Trần Văn Tộ. Cứ nghĩ nếu sinh thêm, trời sẽ thương, ban cho đứa con lành lặn để làm chỗ dựa. Nhưng trong hai người con tiếp theo là Trần Văn Tiện và Trần Thị Ðiệp, chỉ có Tiện lành lặn, khỏe mạnh. Còn Ðiệp thì lại giống anh cả, èo uột, yếu ớt, lúc thì khóc sướt mướt, khi lại cười phá lên, rồi lăn đùng ngã ngửa, sùi bọt mép...

Thương vợ, ông Thuận cũng cố đan rổ, rá, làm chổi bán ngoài chợ để đỡ đần cho đôi vai trầy trật của người đàn bà tận tụy. Cứ như thế, đằng đẵng gần 30 năm trời tối mắt tối mũi, sau khi cố gắng xây dựng gia đình cho con trai Trần Văn Tộ thì bà Rần mất vì ung thư. Ông Thuận nhớ lại: 'Lúc đó, lòng tôi quặn thắt. Nghĩ mà thương vô cùng. Bà ấy lấy tôi chả được hưởng sung sướng ngày nào, quanh năm vất vả, đến khi con cái lớn được một chút thì mất. Ðúng vào cuối năm 2003'.

Hạnh phúc không xa xôi

Mất vợ, một mình gà trống nuôi con nhưng thương binh Trần Minh Thuận lại bước sang một trang mới, vì có người đàn bà nhân hậu chịu làm vợ mình.

Người đàn bà nhân hậu đó là bà Vũ Thị Xuân, em gái bà Rần, tính cách hiền dịu như chị. Tuổi đôi mươi, bà Xuân lập gia đình và theo chồng lên Ðiện Biên làm ăn. Hai người sinh được một cô con gái rồi ông chồng bị bệnh mất, trước khi bà Rần mất một năm. Chưa dứt tang chồng, bà Xuân lặn lội về quê chăm sóc chị gái, rồi chịu tang chị. Suốt thời gian chừng hơn hai tháng chị gái ốm nặng, bà Xuân một thân một mình túc trực bên người chị. Trước khi mất, bà Rần trăng trối lại cho em gái: 'Chồng em mất rồi, chị cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Anh ấy và các cháu tội nghiệp lắm. Thôi thì, chị nhờ em chăm sóc anh và các cháu, để cho bố con anh ấy đỡ tủi, chị ra đi mới nhắm mắt được. Em ơi, xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì...'. Gạt nước mắt, bà Xuân gật đầu đồng ý.

Sau đám tang chị, bà Xuân đã bán vườn tược đất đai đem con gái về Thái Bình để làm tròn lời hứa với chị.

Vô cùng cảm động trước tấm lòng ân nghĩa và tình thương của người vợ mới, ông Thuận bảo đó cũng coi như một may mắn lớn của cuộc đời bất hạnh. Trước đó, có người chịu lấy con trai ông là Trần Văn Tộ, chàng trai dị hình dị dạng, cũng là một niềm vui, một sự ân nghĩa tưởng như không bao giờ xảy ra. Ðó là chị Vũ Thị Tâm, ở cùng xã, cách nhà ông Thuận chừng 3 km. Chị Tâm biết anh Tộ từ lâu, nhưng lúc đầu nghe đặt vấn đề, chị cứ lắc đầu quầy quậy. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, chị lại thấy anh Tộ thật thà, hiền lành, thế là gật đầu đồng ý. Khi Tâm quyết định lấy Tộ, dân làng dị nghị nhiều lắm. Có người còn bảo chị điên, đâm đầu vào một chỗ không có tương lai. Nhưng lễ cưới đã diễn ra. Có thể nói đó là một trong những đám cưới miền quê đông vui nhất. Không có cỗ bàn linh đình, nhưng khi đưa dâu, người dân  mấy làng trong xã đến chúc mừng chật sân nhà. Ông Thuận kể lại rằng, trong lễ đón dâu, cô dâu chú rể đã đi đến nhà ông rồi mà những người ở cuối đoàn rước vẫn còn ở nhà gái. Ðến nay, vợ chồng anh Tộ đã có cháu trai khỏe mạnh lên bảy tuổi, rất thông minh, hiếu động. Ông Thuận đã có cháu đích tôn.

Mấy năm sau ngày anh Tộ cưới vợ, con trai thứ hai là Trần Văn Tiện cũng xây dựng gia đình với cô gái xứ Nghệ Hồ Thị Nghĩa. Ðể lấy được anh Tiện, chị Nghĩa cũng phải đấu tranh rất khổ sở với gia đình. Giờ vợ chồng Tiện vừa làm ruộng, vừa làm hàn xì để kiếm sống, nuôi con.

* Câu chuyện trên đây có phải là một điều kỳ diệu? Chỉ biết rằng, những con người rất đỗi trân trọng ấy đang sống quây quần, đùm bọc nhau giữa xóm làng bình yên quê lúa. Và chuyện tình của họ vẫn được những người dân chất phác kể cho nhau nghe với một lòng cảm phục. Họ đã chứng minh một điều, rằng tình yêu đẹp có thật ở trên đời.