An toàn giao thông

Xử phạt nghiêm dân mới tôn trọng luật

Những năm gần đây, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kéo giảm ở cả ba tiêu chí. Tuy nhiên, tình trạng, mức độ vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Tài xế xe “dù” đón trả khách sai quy định còn chống đối lực lượng thanh tra giao thông tại Quảng Ninh. Ảnh | HỮU TUẤN
Tài xế xe “dù” đón trả khách sai quy định còn chống đối lực lượng thanh tra giao thông tại Quảng Ninh. Ảnh | HỮU TUẤN

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông liên tục được triển khai sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với đó là quy định, chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Vấn đề là khi vi phạm xảy ra có bị xử phạt nghiêm hay không. Ở những thành phố lớn, vào giờ cao điểm, lực lượng chức năng phải tập trung điều tiết giao thông, nếu dừng xe xử phạt có thể gây ùn tắc thêm... Nhưng chính vào thời điểm này, vi phạm giao thông lại diễn ra nhiều nhất, nếu không xử phạt sẽ dẫn đến coi thường pháp luật và không bao giờ giải quyết dứt điểm được tình trạng giao thông hỗn loạn. Những tình huống vi phạm như người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ... thậm chí là lúc có mặt cảnh sát giao thông nhưng vẫn không bị xử phạt khiến người tham gia giao thông coi là chuyện bình thường; còn người đi bộ thì vô tư băng qua đường, hay trèo qua dải phân cách dù vạch kẻ đường ngay bên cạnh, hay đoạn đường đã có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ.

Tình trạng hàng quán, đám cưới, đám ma dựng phông bạt lấn chiếm vỉa hè, nhiều nơi chiếm quá nửa lòng đường cũng gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, văn hóa giao thông, đạo đức người cầm lái cũng đang đi xuống. Từ một vài va chạm nhẹ hay khuyên bảo người khác chấp hành luật cũng có thể dẫn tới cãi vã, xô xát, thậm chí là sát thương như vụ việc ở Quảng Trị ngày 4-4 vừa qua. Chỉ vì nhắc nhở thanh niên Lê Văn Hoài (16 tuổi, ở phường Đông Thanh, TP Đông Hà) không được vượt đèn đỏ mà anh Mai Xuân Lan (cũng ở TP Đông Hà) và thanh niên này xảy ra xích mích, sau đó anh Lan bị Hoài đâm trọng thương dẫn đến tử vong.

Gốc rễ của vấn đề này phải nói đến cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ, xử lý chưa nghiêm minh một số trường hợp vi phạm giao thông. Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật mới tạo nên kỷ cương và công bằng xã hội. Nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt thì không thể giữ gìn được trật tự, ATGT”.

Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết đánh giá hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) khẳng định những kết quả tích cực, số vụ TNGT giảm cả ba tiêu chí. Tuy nhiên, thực tế văn bản xử lý vi phạm hành chính liên quan đến Nghị định 46, khi thực hiện vẫn còn có điểm chưa hợp lý, gây khó cho lực lượng công an khi thực thi nhiệm vụ. Đơn cử, Luật quy định khi lập biên bản xử phạt phải có hai người làm chứng, hay CSGT phải cung cấp hình ảnh chứng minh khi xử lý lỗi vi phạm, nhưng nếu vụ việc xảy ra vào buổi tối, diễn biến nhanh thì rất khó để giải quyết. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, nhiều người viện vào cớ này để không chấp hành quyết định xử phạt, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

Muốn không còn tình trạng vi phạm giao thông thì những người thi hành luật cần phải công minh, khách quan, không miễn trừ, không có vùng cấm đối với bất kỳ đối tượng nào, trường hợp nào.