PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Văn hóa ô-sin

NDO - Từ “ô-sin” được người Việt Nam mượn từ một bộ phim truyền hình của Nhật Bản được sản xuất vào những năm 1980 và được chiếu ở Việt Nam năm 1994. Có lẽ vốn từ vựng Việt Nam lúc ấy đang có nhu cầu tìm kiếm một từ rất tế nhị để chỉ cái nghề đang dần thịnh hành trong xã hội, và từ ô-sin đã lập tức được sử dụng rộng rãi để chỉ những người giúp việc.
Chở giúp việc đi tìm chủ nhà.
Chở giúp việc đi tìm chủ nhà.

Nhân vật trong phim tên là Ô-sin, một phụ nữ Nhật Bản đã vượt qua quãng đời sóng gió, trong đó có cả việc đi ở, để vươn lên thành một phụ nữ giàu có. Liệu bao nhiêu ô-sin ở Việt Nam học tập được tấm gương ấy?

SỐNG VỚI NHAU ĐÂU CHỈ BỞI LƯƠNG TIỀN

Thủa xã hội miền bắc còn ăn tem phiếu thì không có nghề ô-sin. Mọi người đều lao động như nhau và bác tôi dù có bảy người con cũng tự mình nuôi dạy mà không hề than vãn gì.

Nhà bác tôi ở phố cổ Hà Nội, bác trai là giáo viên dạy phi công đánh giặc, bác gái lo nuôi dạy con cái vì lương bác trai rất cao đủ nuôi cả nhà. Bây giờ khi có cháu, nhà tìm ô-sin, bác tôi coi người giúp việc như con, ai phê câu gì là bác tôi phản đối liền. “Nó ngoan, có điều ít học hành. Ít học hành thì phải chỉ bảo nó, không được mắng”.

Tôi có chị họ, làm cho công ty dầu khí Nhật Bản, lương cao, nhiều việc, nhưng từ chùi nhà đến giặt giũ một tay chị đảm đương cả, bởi thời mới mở cửa làm gì đã có ô-sin! Sáng sớm 5h chị đã dậy để làm bánh cuốn cho chúng tôi ăn. Trong biệt thự của chị có hẳn bộ đồ làm nghề bánh cuốn to đùng, bởi “tính chị tiết kiệm và lại sạch sẽ nữa, muốn ăn sáng tại nhà thì phải đi học luôn cả nghề của người ta”.

Nghề ô-sin lúc đầu có giá lắm. Đấy là lúc nước ngoài vào đầu tư làm ăn, họ thuê giúp việc. Tôi biết có một chị đang làm ăn ngon lành, bỏ hết việc để đi nấu ăn cho một ông Nhật Bản. Nom chị rất oách, vì chị thường giới thiệu: “làm việc cho người nước ngoài, lương tính bằng đô-la”. Công việc của chị là nấu ăn vào buổi chiều tối. Chị đã có một đời chồng, nhưng nhờ làm việc cho nước ngoài nên vẫn nhiều người theo đuổi. Lúc ấy chị vi vu xe máy Dream lùn, mặc quần bó chặt, đi giày cao gót, cổ quàng khăn lụa Hà Đông, nom cứ như diễn viên. Chị thường thương cảm đám bạn bè hưởng lương ba cọc ba đồng: “Làm không đủ ăn, còn mơ tưởng được gì đây!”- chị thường nói vậy.

Khi nhu cầu giúp việc bùng nổ và làng quê nghề nông cũng thu hẹp lại dần thì người giúp việc không chỉ còn là thứ “đặc hữu” cho Tây mà tràn vào mọi ngóc ngách, gia đình thành phố. Đã qua rồi thời kỳ đem con đến cơ quan, đi sớm về muộn, vắng không lý do. Hoàng, một công chức ở quận 3, TP Hồ Chí Minh tếu táo nói: “Em chiều ô-sin nhà em hơn chiều bố mẹ em!”.

Chị Hoa là người Sài Gòn đi chăm người ốm ở quận 7. Chị chỉ nhận trông người ốm mà thôi, việc nhà không làm, có người nấu ăn, rửa bát cho. Ai vào nhà cứ tưởng chị là bà chủ. Hai ngày chị dùng hết một hộp sữa ông Thọ, mỗi ngày bốn cữ cà-phê, ba lượt trà. Người nhà phải cử người nấu nước sôi cho chị dùng. Sáng sáng cấp tiền đi ăn sáng. Mỗi tháng chị xin được tự do từ hai đến bốn ngày để về nhà nghỉ ngơi và đi chơi cùng người yêu. “Không thể sống mà không yêu!”, chị khẳng định, chẳng chút ngại ngần.

Bình là giám đốc một công ty giới thiệu việc làm. Cậu nói rằng, chủ nhà chiều ô-sin một thì công ty phải chiều đến mười. Bình nói: “Có một gia đình cần người chăm người ốm. Em phải chở bốn nhân viên tới, nhưng đều quay về”. Tưởng rằng chủ nhà chê, hóa ra người giúp việc chê chủ nhà. Kẻ thì chê “công việc mệt quá, không làm được”. Người lại bảo “lương phải tăng nhiều”. Kẻ thì bảo “chế độ ăn uống gia đình phải thay đổi, vì tôi không quen ăn cá, chỉ ăn thịt”... Bình nói: “Giới thiệu một nhân viên, chúng em thu phí dịch vụ năm nghìn đồng, nhưng chở năm bảy lượt đi về, tiền xăng chẳng đủ!”. Xem ra, tiếng là giám đốc đấy, nhưng người có quyền làm hay không lại là ô-sin.

Chị Quế sinh đôi, cần hai người giúp việc chăm hai cháu để chị đi làm. Hai người này ở nhà, không ai chịu ai, không làm việc, không nấu ăn, cứ thế “tuyệt thực” khiến chị phải thuê một người nữa làm việc nhà. Chị này tự cho mình là “tổng quản” nói: “Tôi quản hai đứa nhỏ, hai giúp việc, lương tôi phải cao hơn hai đứa kia”. Thế là trong nhà sinh ra đẳng cấp, giúp việc và quản lý giúp việc. Một mình chủ nhà phải đối phó với mấy người.

Cậu Việt làm nghề sửa điện thoại, vợ làm công ty nước ngoài lương tháng mấy chục triệu. Vợ cậu phải đi làm nhiều, nên chiều ô-sin, “đứa con lên ba tuổi khỏe mạnh một tay ô-sin nuôi cả”, cô nói vậy. Cô đi từ sáng đến đêm mới về. Ô-sin được cô quý, nên ở nhà làm càn, coi cậu chủ không ra gì. Đến bữa, cậu chủ phải tự mò vào bếp nấu ăn. Cô ô-sin gọi cô chủ là “Mợ”, nhưng lại một hai gọi ông chủ là “mày”.

ĐẾN VỚI NHAU BẰNG SỰ CHÂN TÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM

Chị Hồng làm gần sân bay, thuê được giúp việc ở quê thì mừng lắm, bảo: “nó dại, nhưng mà nó ngoan”. Không dè một hôm lục ba-lô, phát hiện ra cả nắm thuốc ngủ. Tra hỏi, nó bảo: “Các bạn cùng làm ô-sin dặn mua, bảo là: chúng ta sức đâu mà trông trẻ cả ngày. Nó khóc quá thì cho uống thuốc ngủ”.

Có chị làm ô-sin, chuyên thóc mách, đem chuyện nàng dâu nói xấu với mẹ chồng, rồi lại đem mẹ chồng nói xấu với nàng dâu, khiến họ từ mặt nhau. Đến khi phát hiện ra, bao nhiêu chuyện đơm đặt đều xuất phát từ người giúp việc cả. Chưa hết, bao nhiêu hàng xóm chung quanh cũng vì cô này mà xa lánh gia đình nhà kia. Bởi vì đi đâu cô ô-sin cũng bảo: “Lũ họ (tức là chủ nhà) là một lũ vô đạo đức, lưu manh, độc ác”. Kỳ thực gia đình đối đãi với cô rất tốt, chẳng qua cô này cứ nghĩ nói xấu chủ nhà thì hàng xóm mới thích.

Chị Vy, một chủ nhà chăm chút ô-sin lắm, nhiều khi chị không ăn sáng mà mua đồ ăn sáng cho ô-sin. Ấy thế nhưng khi có người trả lương cao hơn chút đỉnh, ô-sin lập tức bịa chuyện, bỏ đi theo người đó ngay. Chị thở dài nói: “Thời đại này, tình cảm không bằng đồng tiền”. Người thuê được ô-sin của chị Vy, cứ nghĩ rằng mình trả lương cao hơn, sẽ chiếm được ô-sin của người khác. Nhưng rồi chị ta sớm nhận ra rằng, nếu cứ lấy đồng tiền ra để làm thước đo tuyển người giúp việc, thì rút cục người ta đến với chị cũng chỉ vì đồng tiền mà thôi. Bởi vậy mà trách nhiệm của họ với công việc chẳng được là bao. Và cuối cùng chị cũng đã sa thải người giúp việc chỉ quan tâm đến tiền bạc kia.

Cường là giám đốc một công ty giới thiệu việc làm thuộc Trung ương Đoàn. Cậu nói với tôi là công ty lấy lệ phí thấp, đào tạo người giúp việc đến nơi đến chốn, uy tín. “Công việc liên quan đến con người, rất là phức tạp”. Qua các khách hàng của công ty này, ý kiến đều khen nhân viên của công ty. Cường nói: “Mình phải làm gương, không được đặt nặng vấn đề lương bổng và tiền bạc, mà trước hết là đề cao tình người, trách nhiệm với công việc, với người ốm, trẻ con”. Bản thân giám đốc cũng gương mẫu, làm đủ thứ việc sinh sống, lương tháng rất khiêm tốn. Chính vì vậy mà nhân viên noi theo.

Hiện nay ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều công ty đào tạo ô-sin. Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu thì các công ty chủ yếu đào tạo kỹ năng phụ giúp việc nhà. Kỹ năng là rất cần thiết với người giúp việc. Nhưng đào tạo kỹ năng thôi là chưa đủ.

Trong một lần vào thăm ngôi chùa ở quận 8, TP Hồ Chí Minh chuyên nuôi dưỡng người già neo đơn, chính các nhà sư ở chùa đã làm “ô-sin” nuôi các cụ. Các sư nói: “Nhiều người giúp việc vào làm, nhưng họ thiếu trách nhiệm quá, làm qua loa, không thương người già. Chăm trẻ em hay người già, cái cần thiết nhất vẫn là cái tâm. Phải biết thương yêu thì mới biết làm những việc khác tốt được”. Tự các sư phải làm gương, việc to việc nhỏ đều làm trước, thậm chí làm nhiều hơn. Chính vì vậy mà những người giúp việc cho nhà chùa chăm người già trở nên nhiệt tình và trách nhiệm.

Mối quan hệ cung - cầu của nghề ô-sin là rất lớn. Tính toán của ngành nhân lực cho thấy tại TP Hồ Chí Minh mỗi năm cần khoảng 10.000 người giúp việc. Nhưng những gia đình giữ được người giúp việc một vài năm là hiếm, thậm chí có gia đình mỗi năm phải thay đến mấy người giúp việc. Chị Thủy, một người giúp việc đã gắn bó với chủ nhà 18 năm nói: “Lương tôi không cao, nhưng tôi không muốn chuyển đi chỗ khác, bởi gia đình đối đãi với tôi rất tốt, coi tôi như người trong nhà. Tình cảm đôi khi quan trọng hơn cả tiền bạc. Nhiều gia đình bây giờ trả tiền cao, nhưng hành hạ người giúp việc hơn trước đây”.

Chia sẻ câu chuyện này, Bình, một giám đốc công ty giới thiệu việc làm nói: “Thật ra, mối quan hệ của ô-sin và chủ nhà có thể sẽ tốt đẹp hơn nhiều, nếu cả hai phía đều đến với nhau bằng sự chân tình và trách nhiệm, chứ không chỉ đơn thuần là nhu cầu công việc và giá cả lương tiền”.