PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Tìm lại chính mình

Có trăm ngàn vạn nẻo đưa đường dẫn lối những chàng trai, cô gái khỏe mạnh trở thành môn đệ của ma túy. Những con người một thời lầm lỡ quyết chí đứng dậy sau vấp ngã, miệt mài sửa sai ở Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Lối về hun hút, mịt mùng hay lóe sáng tương lai đang phụ thuộc nghị lực chính họ.

Ảnh trong bài: Học viên chăm chỉ lao động, cai nghiện.
Ảnh trong bài: Học viên chăm chỉ lao động, cai nghiện.

QUAY CUỒNG THEO KHÓI TRẮNG

Mới ngoài 20 tuổi nhưng Lò Văn Thuyết ở Mường Trùng (Mường La) còm nhom, ốm yếu. Là con út, Thuyết hết mực được cưng chiều, thêm bản tính “cả thèm chóng chán” cho nên bỏ học, suốt ngày lêu lổng.

Rồi Thuyết bị “ả phù dung” mê hoặc.

Hôm đi chăn trâu, đứa bạn gạ gẫm “hút thử cái này, sướng lắm”. Bùi tai, Thuyết “chơi” ngay vài khói cho biết mùi đời. Đờ đẫn, nôn nao, đầu óc quay cuồng mà cậu ta vẫn mê mệt.

Thuyết thú nhận rằng, hít “trắng” sướng rên, bay bổng tận mây xanh, lại tìm cảm giác lạ đua xe tốc độ “trên từng cây số” cùng đám bạn nghiện thì đời chẳng gì sướng bằng.

Thuyết điên cuồng vít ga, cố không về bét đỡ phải trả tiền hút hít. Những khúc cua nguy hiểm với Thuyết “tổ lái” là chuyện vặt. “Không hiểu sao hăng đến vậy, chẳng còn biết sợ gì” - Thuyết tự vấn chính mình.

Một lần hít ngốn cả thúng ngô, cơn nghiện lên, túi rỗng tuếch, Thuyết tìm mọi cách nã tiền bố mẹ.

Xin không được thì lấy trộm, ban đầu dấm dúi, sau công khai. Chiếc xe Sirius chưa kịp tan xác sau cuộc đua đã tan thành khói trắng. Bất chấp cha mẹ mắng chửi thậm tệ và còng lưng trả nợ đậy sau 20 lần cắm xe, Thuyết vẫn lì lợm hít. Có lần ân hận định bỏ, nhưng đám bạn khiêu khích “không chơi không phải đàn ông”, cậu lại máu mê khẳng định “bản lĩnh”.

Khi gia cảnh kiệt quệ, cai tại nhà mấy lần vẫn “chứng nào tật ấy”, Thuyết mới tỉnh ngộ, bảo bố mẹ đưa vào trung tâm cai.

Bây giờ, Thuyết mới thấm nỗi nhục nghiện ngập. Nhớ lại nhiều đêm mẹ thức trắng khóc ròng, Thuyết càng ân hận, quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Lần nào bố mẹ lên thăm cũng động viên phải cố gắng, sớm trở về tu chí làm ăn, lấy vợ. “Cả bản biết nghiện, ai còn dám lấy. Cô giáo mầm non yêu bốn năm còn bỏ mình mà”, Thuyết chua xót.

Ngã rẽ cuộc đời Nguyễn Mạnh Thường ở Chiềng Mai (Mai Sơn) bắt đầu từ khi làm chủ tiệm xe máy ở Nà Ớt 10 năm trước. Tay nghề giỏi, Thường làm quần quật không hết việc, kiếm ngày lãi ròng nửa cây vàng, tha hồ sắm xe, mua đất. “No cơm ấm cật”, Thường vùi đầu vào ma túy thưởng thức cảm giác đê mê sung sướng. Anh trai nghiện nặng bắt quả tang em hít mắng “tao đã rúc vào, giờ lại đến lượt mày”. Nhưng Thường đã “dính” quá nặng, chẳng thể nào thoát ra.

Quá hoảng hốt vì thêm cậu quý tử mắc nghiện, bố mẹ nhốt Thường trong nhà cai khan. Bị quản thúc sau cắt cơn, thỉnh thoảng cậu ta vẫn tranh thủ “đánh quả” cả phân hê-rô-in, xé lẻ dấu ngoài vườn xài dần. Nửa năm sau ngày trở lại sửa xe, Thường tái nghiện. Kể lại chiến tích tình trường, Thường khoe “Em yêu vài chục cô. Khối cô biết nghiện vẫn bám riết vì hám giàu”. Có cô thương thật sự, hết khuyên nhủ, kéo về nhà cai cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Thường “hít” càng “nặng đô”, ngày đốt cả bạc triệu. Điện thoại, nhà, xe lần lượt đội nón ra đi sau chuỗi ngày ăn chơi trác táng.

Đang quen tự do, buổi đầu vào trại, Thường thấy tù túng, nhưng riết mãi thành quen. Đám bạn nghiện vào trước khuyên: “Cán bộ nhẵn mặt bọn tao rồi. Mày cố gắng cai, đừng phải vào lần nữa”. Sẵn máu yêng hùng, Thường quả quyết “Mình làm, mình chịu. Chơi chán rồi, phải bỏ thôi”.

Tìm lại chính mình ảnh 1

NGHỀ “BẤT ĐẮC DĨ”

Học viên nào tới cai cũng luôn coi Trung tâm là mái ấm cứu vớt thoát khỏi vũng lầy ma túy và cán bộ, nhân viên là ân nhân. Là người trong cuộc, hơn ai hết, họ hiểu nỗi khổ và vất vả trong công việc hằng ngày của những người nhân ái, tận tâm giúp đỡ mình. Học viên nghiện nặng, sẵn bản tính côn đồ, hung hăng, trợ giúp họ nhanh chóng cắt cơn, hồi phục sức khỏe, rồi theo dõi, kèm cặp suốt mấy năm trời đoạn tuyệt ma túy, việc ấy chẳng đơn giản. Ở môi trường mà “sóng ngầm” luôn tiềm ẩn, cán bộ phải chọn cách tiếp cận phù hợp, bám sát, nắm chắc diễn biến tâm lý học viên, khơi gợi khát khao hướng thiện và phòng ngừa từ xa hoạt động chống đối, phá hoại. Với học viên nhiễm AIDS dễ bi quan, phá phách, bất cần cho nên “bài thuốc” chữa trị hữu hiệu chính là sự ân cần, cảm thông, chia sẻ.

Nhiều người bảo bác sĩ Trần Mạnh Thắng là “khùng”, dại khi nhiều năm gắn bó với trung tâm dù lương thấp, chẳng có thêm thu nhập.

Nhưng kệ, Thắng vẫn chung thủy với cái nghiệp đã chọn. Trung tâm có 1.700 học viên thì 1/4 “dính” AIDS; rủi ro phơi nhiễm khi thăm khám, điều trị xảy ra bất cứ lúc nào, trang thiết bị, thuốc men lại thiếu thốn, điều kiện học hỏi nâng cao tay nghề hạn chế.

Công việc lúc nào cũng bận rộn, hết cắt cơn giải độc lại kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án, chẩn đoán bệnh tật, phân loại chữa trị. Và cũng từ suy nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” mà nhiều người vẫn chọn nghề “bất đắc dĩ” này dẫu biết trước muôn trùng khó khăn, thử thách.

Học cao đẳng truyền hình mà rẽ ngang vào trung tâm công tác, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thanh Lịch không khỏi choáng váng khi tiếp xúc toàn người nghiện, người nhiễm AIDS. Làm trái ngành, cai không có giáo trình chuẩn, Lịch tự mày mò học hỏi, làm mãi cũng quen. Cai quản học viên nữ vốn có nhiều mâu thuẫn nhỏ nhặt, tâm sinh lý phức tạp nên phải rất linh hoạt tiếp xúc, cảm hóa giáo dục, động viên đúng lúc. Chị em đa phần sống ở vùng sâu, vùng xa, ít học, nhận thức kém, thậm chí không biết tiếng phổ thông, còn cả gánh nặng gia đình phía sau, Lịch vừa phải sắm vai cô giáo chỉn chu, mô phạm để họ noi theo nhưng cũng hòa đồng, gần gũi, thương yêu để học viên bớt mặc cảm, tự giác chấp hành, yên tâm cai nghiện. Bí quyết chẳng có gì ngoài những lời khuyên nhủ chân thành, Lịch tiết lộ. “Mẹ sa ngã, các con bơ vơ không biết bấu víu vào đâu, chị phải sớm trở về”, nhiều học viên đã khóc nức nở khi Lịch động viên khích lệ và vứt bỏ phiền muộn, phấn chấn làm lại cuộc đời.

Ngay cả học viên “đầu bò, đầu bướu” như Trần Thị Hiền ở Mai Sơn cũng bị “thu phục nhân tâm”. Bản tính vốn bướng bỉnh, lì lợm cho nên Hiền tìm cách “nắn gân”, khiến Lịch nhiều đêm “mất ăn mất ngủ”. Kiên trì gặp gỡ, thuyết phục, “mưa dầm thấm lâu”, Hiền cũng ngộ ra, tích cực “cải tà quy chính”, sửa chữa lỗi lầm. Khoảng cách cô trò ngày càng thân mật.

“Một người lo bằng cả kho người làm”. Với Giám đốc Đào Văn Hạnh, người ngồi “ghế nóng” chèo lái trung tâm 10 năm nay, trăn trở và lo lắng bội phần. Lo hàng nghìn người cai nghiện an toàn, không để xảy ra đánh nhau, trốn trại tập thể, bạo động, chuyện ăn, ngủ, ở hằng ngày vừa phải củng cố, phát triển trung tâm là cả núi việc. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vùng đất xa xôi, hẻo lánh ngày một xanh tươi, tràn đầy sức sống. Học viên tìm quên ma túy trong công việc hằng ngày như trồng ngô, đậu tương, rau xanh, nuôi bò, dê, cá; khâu bóng, sản xuất tiền vàng, mã xuất khẩu, tái chế vỏ bao xi-măng, sản xuất nhựa tái phẩm, đồ lưu niệm... vừa có thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn hằng ngày, rồi được hướng nghiệp, tạo hành trang vững tin khi tái hòa nhập cộng đồng. Các trận đấu giao hữu thể thao, liên hoan văn nghệ tiếng hát át ma túy thổi bùng mầm thiện, nhiều học viên mù chữ biết đọc, biết viết... đã xóa nhòa nếp nghĩ thường trực sai lầm của nhiều người trước khi vào cai “đi cai là tiêu đời”.

Đến nay, cả nước có hơn 171.000 người nghiện ma túy. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, trong sáu tháng đầu năm 2013, cả nước có hơn 16.000 đối tượng được tiếp nhận cai nghiện, chữa trị, trong đó 80% cai nghiện tại trung tâm. Bên cạnh đó, có khoảng 6.000 người được quản lý sau cai. Trong sáu tháng cuối năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình cai nghiện hiệu quả tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai gắn kết với các chương trình an sinh xã hội tại các địa phương; phối hợp giải quyết một số mặt tồn tại, hạn chế về trình tự thủ tục đưa người đi cai nghiện, thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ, rà soát, đánh giá việc triển khai và hiệu quả thực hiện các hình thức cai nghiện để có điều chỉnh phù hợp.