Phóng sự - ký sự

Vật lộn giữ rừng

NDO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. 40 năm qua, thực hiện lời dạy của Người, lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã không ngừng phát huy phẩm chất và năng lực để trở thành những người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng, cuộc chiến giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, và còn rừng, cuộc chiến giữ rừng vẫn còn tiếp diễn...

1. Rừng Tủa Chùa (Điện Biên) không chỉ phong phú, đa dạng về chủng loại, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn của công trình thủy điện Sơn La. Diện tích rừng phòng hộ của huyện Tủa Chùa được quy hoạch hiện nay là 13.704 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.900 ha, rừng trồng 455 ha. Sau khi quy hoạch hệ thống rừng đầu nguồn, UBND huyện Tủa Chùa đã ra quyết định đóng cửa các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.

Nhưng, bên cạnh một quyết định hành chính, thì giải pháp bền vững hơn vẫn là làm sao cho người dân ý thức rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của mình khi gắn bó với rừng. Vì vậy, song song với việc triển khai thực hiện các chương trình dân sinh kinh tế như Chương trình 661, Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ, thì công tác tuyên truyền toàn dân tham gia bảo vệ rừng được lực lượng kiểm lâm coi trọng hàng đầu. Để phù hợp đặc thù của huyện, Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa đã phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tuyên truyền trực tiếp qua các buổi họp thôn bản, cụm dân cư bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp sinh động. Xuất phát từ quan điểm bảo vệ rừng là phải dựa vào dân, lợi ích của nhân dân và lợi ích của quốc gia, lực lượng kiểm lâm đã củng cố các ban lâm nghiệp xã, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Đây chính là tai mắt của lực lượng kiểm lâm, trực tiếp phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, gắn liền với các dự án tái định canh, định cư, rừng được giao khoán cho các tổ, nhóm và hộ gia đình, quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy ổn định để nhân dân các dân tộc có đất canh tác lâu dài, không đốt phá rừng bừa bãi. Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho UBND các xã xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, hàng năm triển khai thực hiện việc quy hoạch, hướng dẫn giám sát kiểm tra vận động bà con từ phá rừng làm nương chuyển sang sản xuất theo quy hoạch, không xâm phạm vào các khu rừng phòng hộ đầu nguồn. Nhờ những nỗ lực trong công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy mà diện tích phá rừng ở Tủa Chùa đã giảm dần qua các năm.

Câu chuyện ở Tủa Chùa chỉ là một trong hàng vạn việc làm mà lực lượng kiểm lâm đang thực hiện trên khắp cả nước trong công tác giao rừng, theo dõi diễn biến rừng, hướng dẫn chủ rừng lập và thực hiện phương án bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã làm nòng cốt trong công tác giao đất lâm nghiệp, từng bước làm cho rừng có chủ, tạo động lực đưa nghề rừng ở từng địa phương phát triển theo hướng thâm canh đất đai và rừng, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở miền núi và trung du. Song song với việc thực hiện giao đất khoán rừng là ổn định cuộc sống định canh, định cư cho bà con, xây dựng các mô hình nông lâm theo hướng cộng đồng và hướng dẫn người dân sau khi nhận đất làm vườn rừng, đồi rừng có hiệu quả.

2. Anh Vì Văn Trung - cán bộ Trạm Kiểm lâm Pa Tần (Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được anh em trong nghề và bà con biết đến như một người giữ rừng tận tụy. Làm nghề kiểm lâm, anh Trung hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu. “Cái khó nhất với một cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm là làm sao “giữ được mình” để không sa ngã trước những cám dỗ của đồng tiền. Cần có bản lĩnh để tỉnh táo trong xử lý trước các tình huống nguy hiểm đến tính mạng, nghề nghiệp và nhất là “ô danh” cái nghề mà mình đã chọn, đã yêu” - anh Trung đã từng bộc bạch như vậy. Anh Trung cùng đồng đội đã nhiều lần cùng tham gia vây bắt các đối tượng phạm pháp. Nhiều lần anh bị lâm tặc đe dọa rồi dụ dỗ song vượt lên tất cả, anh vẫn bình tĩnh, tự tin làm tốt công việc của mình. Không chỉ kiểm soát buôn bán vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật rừng, anh còn cùng đồng đội tích cực tuyên truyền cho bà con nhân dân trong xã tích cực bảo vệ rừng, không nên phá rừng làm nương, không săn bắn thú rừng, còn rừng là còn sự sống. Nghe anh tuyên truyền giải thích nhiều, bà con trong xã ủng hộ làm theo. Chính vì thế mà đến nay, Pa Tần là một trong những xã bảo vệ và phát triển rừng đứng đầu huyện Sìn Hồ.

Cũng như anh Trung, hàng vạn cán bộ kiểm lâm cũng hằng ngày cần mẫn nỗ lực giữ rừng. Trong 40 năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản hàng chục vạn vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, với các hình thức vi phạm chủ yếu là phá rừng, chặt cây rừng trái phép, phát đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép, mua bán - tàng trữ - vận chuyển trái phép lâm sản, trốn lậu thuế, tiền nuôi rừng... Từ năm 2008-2012, Kiểm lâm cả nước đã lập biên bản 172.207 vụ (có 1.593 vụ hình sự); riêng gỗ quý hiếm thu hồi là 19.855m3 quy tròn; tiền phạt và tiền bán lâm sản tịch thu là 1.252 tỷ đồng. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ phá rừng, chống người thi hành công vụ như các vụ án phá rừng tại Vườn quốc gia YokDon, chống người thi hành công vụ tại Khánh Hòa, Vườn Quốc gia Bến En...

3. Mặt trận quản lý, bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản luôn diễn ra rất gay gắt, phức tạp và nóng bỏng. Bọn buôn lậu lâm sản không từ một thủ đoạn nào để chống đối gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho lực lượng Kiểm lâm khi thi hành công vụ. Chỉ tính từ 2008-2012, theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh và thành phố, đã xảy ra 274 vụ chống người thi hành công vụ, làm chết 4 người, đánh bị thương 182 người. Tình hình chống người thi hành công vụ trong những năm gần đây vẫn liên tục xảy ra và diễn biến phức tạp, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội, quy mô các vụ việc ngày càng tăng, đặc biệt là hành vi chống người thi hành công vụ có tổ chức.

Có nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng: hàng trăm cán bộ nhân viên kiểm lâm bị chết do bệnh sốt rét ác tính, bị Fulro phục kích, bị vấp phải bom, mìn ở trong rừng, nhiều người bị kẻ xấu đe dọa đốt nhà, hành hung thương tật suốt đời, hoặc bị sát hại... Sự cống hiến, hy sinh của lực lượng kiểm lâm đã được Nhà nước ghi nhận, được nhân dân đồng lòng ủng hộ.

Từ buổi sơ khai ban đầu có ba tỉnh thí điểm có tổ chức kiểm lâm với quân số vài chục người, đến nay trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Chi cục Kiểm lâm với tổng biên chế của lực lượng kiểm lâm gần 12.000 người. Trình độ chuyên môn từ chỗ chủ yếu là lực lượng bộ đội, công an chuyển ngành, nay, gần 50% biên chế có trình độ đại học và trên đại học. Trang thiết bị cho lực lượng kiểm lâm cũng từng bước được hiện đại hóa phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều đơn vị kiểm lâm trên toàn quốc đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý lâm sản; sử dụng công nghệ viễn thám phát hiện sớm lửa rừng; vũ khí, công cụ hỗ trợ và tập huấn võ thuật đã góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật trên một mặt trận đầy khó khăn gian khổ và khốc liệt.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong 40 năm qua, lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Riêng trong giai đoạn 2008 - 2012, lực lượng kiểm lâm đã được trao tặng 25 Huân chương các loại, 39 Cờ thi đua và 2.480 Bằng khen.

* Tính đến nay, cả nước đã giao 12.616.699 ha rừng cho các đối tượng: doanh nghiệp nhà nước (2.878.701 ha), ban quản lý rừng phòng hộ (1.553.285 ha), ban quản lý rừng đặc dụng (1.625.046 ha), đơn vị liên doanh (66.630 ha), hộ gia đình (2.854.883 ha), tập thể (559.470 ha), đơn vị vũ trang (262.493 ha), Ủy ban nhân dân các cấp (2.816.191 ha).

Trong đó đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.173.965 ha (chiếm 23% tổng số đất lâm nghiệp được giao). Chúng ta cũng đã xây dựng hệ thống tiểu khu làm đơn vị cơ sở để quản lý 3 loại rừng, với hơn 10.000 tiểu khu được quản lý thống nhất, hồ sơ được lưu trữ trên máy vi tính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hằng năm.

Đóng góp của lực lượng kiểm lâm đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, qua đó đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1993 lên 39,7% năm 2011.