ĐẠI TÁ PHẠM VĂN CHÌNH:

Phải quyết liệt hơn nữa

NDO - Quân số mỏng tỷ lệ nghịch với đường biên giới dài, mức lợi nhuận siêu khủng kích thích sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển cộng với số lượng người sử dụng không ngừng gia tăng đã khiến cuộc đối đầu với ma túy của các lực lượng chức năng ngày càng cam go, khốc liệt.

Máu của những chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng đã đổ, tội phạm ma túy luôn bị truy lùng gắt gao, tuy nhiên mục tiêu “Một Việt Nam không ma túy” vẫn chỉ là hy vọng được đặt ra cho tương lai, như lời một người trong cuộc, Đại tá Phạm Văn Chình - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (c47) - Bộ Công an.

- Những năm qua, truyền thông đã luôn đưa tin về các đường dây buôn bán ma túy, những tên tội phạm đầu sỏ bị vây bắt hoặc tiêu diệt, dẫu vậy dường như vẫn còn rất nhiều các ngả đường cho ma túy vào Việt Nam, thưa Đại tá?

- Khó khăn cho công tác phòng, chống ma túy của chúng ta là Việt Nam ở gần địa danh Tam giác vàng, nơi sản xuất khoảng 30% nguồn cung cho cả thế giới. Ma túy từ đây qua Thái-lan, Lào xâm nhập nước ta và có thể còn đi các nước thứ ba. Một ngả nữa là vùng Đông-Bắc Á mà chúng tôi thường gọi khu vực lưỡi liềm vàng, thường do các đối tượng gốc Phi móc nối với người Việt đưa vào. Ngoài ra, là thói quen trồng cây cần sa, cây thuốc phiện của một số đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, Nam Bộ cũng như Tây Bắc. Diện tích trồng này tuy nhỏ, ở trong núi sâu nhưng hàng năm, các lực lượng chức năng cũng tham gia triệt phá cả trăm ha.

- Trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống ma túy từ nhiều năm nay, theo sát nhiều vụ án lớn, với ông đâu là điểm nóng nhất của loại tội phạm này?

- Đặc thù của nước ta là có đường biên giới rất dài, hiểm trở trong khi lực lượng phòng, chống lại mỏng, quân số của cả công an, bộ đội biên phòng, hải quan cũng chưa đáp ứng được bao nhiêu. Cuộc chiến chống ma túy ở các tuyến biên giới như một cái bao buộc kín, thắt chỗ này lại phình ra chỗ kia. Như ở tuyến Nghệ An chúng ta đấu tranh mạnh, truy quét gắt gao thì tội phạm lại tràn sang Sơn La, Điện Biên. Kiểu nước vỡ bờ, đồng loạt các tỉnh Tây Bắc ra quân thì bọn chúng lại trở lại Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng hiện tại, tuyến biên giới Tây Bắc vẫn nóng nhất, với điểm nóng hơn cả nóng là Lóng Luông của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trong nhiều bản, tới 70, 80% gia đình có người tham gia mua bán ma túy. Đối tượng tội phạm này luôn có vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo trong nhà, sẵn sàng sống mái, chống trả quyết liệt các lực lượng phá án.

- Có cung thì có cầu, cuộc chiến với ma túy chưa một giây phút nào yên ả do lượng người nghiện ở nước ta luôn có chiều hướng gia tăng?

- Theo thống kê, hiện cả nước có 171.300 người nghiện, tức những người có hồ sơ do Công an quản lý. Nhưng số lượng người sử dụng ma túy trong cộng đồng chắc chắn nhiều hơn nhiều. Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta coi người nghiện không phải là đối tượng của tội phạm hình sự mà là người bệnh cũng tạo nên áp lực không nhỏ cho công tác phòng, chống. Người bệnh thì phải được chữa bệnh, được xã hội quan tâm. Chính phủ giao cho lực lượng Công an nhiệm vụ giảm cung (tức phòng, chống tội phạm buôn bán), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giảm cầu (giảm số người nghiện) và Bộ Y tế giảm tác hại..., tuy nhiên trên thực tế cai nghiện ma túy là phần việc vô cùng khó, thậm chí bất khả kháng.

- Khó nhưng không thể không làm, bởi như ông nói không giảm được cầu thì khó chặt đứt nguồn cung?

- Nước ta hiện có hơn 100 trung tâm cai nghiện nhưng thủ tục để đưa người vào chữa bệnh còn quá chặt chẽ. Đấy là hệ quả của chủ trương hạn chế cai nghiện bắt buộc do lo ngại vi phạm nhân quyền. Nhiều trung tâm vắng người, thiếu người tới chữa bệnh tập trung. Đã vậy đang có những ý kiến đề nghị không phát triển trung tâm cai nghiện nữa. Điều này là quá nguy hiểm. Cai nghiện tại nhà khó đem lại kết quả, không cách ly người nghiện khỏi cộng đồng thì phải có một ý chí cực kỳ sắt đá, người bệnh mới thắng được sức cám dỗ của ma túy. Ngoài ra phương pháp dùng methadone cũng đem lại hiệu quả mặc dù rất tốn kém vì phải lập các phòng khám, có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc cho người nghiện. Hạn chế là methadone phải dùng suốt đời, và là một dạng thay thế, kiểu như cai thuốc lá bằng cách hút thuốc lào. Đã có chừng 13.000 người nghiện được điều trị thay thế bằng methadone, nhiều người trong số đó không chịu đựng được lại tái nghiện. Dự kiến đến năm 2015, sẽ điều trị methadone cho 80.000 người nghiện. Một vướng mắc nữa là methadone chỉ thay thế được heroin, chứ không có tác dụng với người nghiện cần sa, và ma túy tổng hợp.

- Ma túy tổng hợp đang là một bóng ma ám ảnh giới trẻ. Nhiều vụ trọng án thời gian qua xảy ra được phân tích là hệ quả của quá trình loạn thần do đối tượng gây án sử dụng ma túy tổng hợp. Nhưng dường như giới trẻ chưa ý thức được tác hại vô hình của những viên thuốc tưởng là bình thường này?

- Đấy là thiếu sót của công tác truyền thông. Chúng ta chưa ý thức được việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy như tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Các địa phương đều ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục, điều đấy đúng. Nhưng mặt trận phòng, chống ma túy cũng không thể xem thường. Kinh phí cho công tác này còn hạn chế, quân số cũng ít, trong khi tội phạm lại mưu mô xảo quyệt và vô cùng manh động nên anh em lính tráng nhiều tâm tư. Nói thật là giờ ít người muốn trở thành lính ma túy, như Cục của tôi, khó mà tìm được một sinh viên tốt nghiệp Đại học cảnh sát nào về. Họ có về cũng chỉ làm bước đệm rồi chuyển đi chỗ khác. Cả hệ thống chính trị, cả đội quân báo chí nếu không quyết liệt, quyết liệt hơn nữa thì khó thu được hiệu quả triệt để...

- Trân trọng cảm ơn ông!

* Theo thống kê, hiện cả nước có 171.300 người nghiện, có hồ sơ do Công an quản lý.

Phải quyết liệt hơn nữa ảnh 1

Dẫn giải đối tượng ma túy.