Những người chiến thắng ma túy

NDO - Từ bỏ ma túy, chiến thắng căn bệnh thế kỷ quả không dễ chút nào. Nhưng bằng quyết tâm, nghị lực và tình thương nhân ái của người thân và cộng đồng, những người nghiện, nhiễm HIV ở thành Nam đã vươn lên, chiến thắng bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

Về thôn Phú Hào, xã Nam Thái, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh) hỏi ông Ngô Trung Kiên, cựu chiến binh cai nghiện cho con rể, ai cũng biết. Chuyện là, năm 2004, khắp làng trên xóm dưới bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của Nguyễn Thế Dũng. Ðối tượng nghiện nặng, từng có nhiều tiền án, tiền sự trở về quê sinh sống đã gây biết bao vụ ẩu đả. Người làng vừa khiếp sợ, vừa lánh xa không dám gần. Thấy vậy, ông Kiên chủ động gần gũi, lựa lời khuyên bảo. Tuy nhiên, do tâm lý tự ti, Dũng không nghe mà còn gây sự với ông Kiên. Bản tính của một người lính từng 'vào sinh ra tử' và của một phật tử hằng ngày vẫn trông coi chùa làng, thôi thúc ông Kiên không được nản chí. Ông nghĩ, nếu không được cứu giúp, nhất định Dũng sẽ quay trở lại đường cũ, thậm chí bỏ mạng. Muốn cảm hóa phải xuất phát từ tình yêu thương thật lòng. Nghĩ là làm, ông mời Dũng ra chùa khuyên nhủ và nhận làm con nuôi. Trước tấm lòng chân thành của ông, Dũng cảm động, ở chùa sớm tối giúp ông đèn nhang nơi cửa Phật và cai nghiện. Nghiện ma túy đã lâu nên cai vô cùng vất vả. Mặc dù không có thuốc cai, trong khi bệnh tật hoành hành, cơn vật luôn hành hạ, có lúc ông Kiên tưởng chừng bất lực. Có lần Dũng bỏ đi, ông Kiên lại tất bật lùng sục đi tìm, thậm chí Dũng lên cơn múa dao dọa chém, nhưng ông vẫn không nản. Ông nghĩ, cai nghiện khó đến mấy cũng không thể gian khổ bằng lúc chiến đấu tại chiến trường bom rơi lửa đạn.

Rồi những cơn vật vã dần qua. Hằng ngày, ông Kiên vừa làm 'thầy thuốc' trị liệu, vừa làm quản gia giám sát lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ, động viên để Dũng không còn cơ hội giao lưu với kẻ xấu, trở lại con đường cũ. Ông xin với đội sản xuất để Dũng cùng ông cày cấy, trồng ngô khoai, bắt sâu nhổ cỏ, lấy lao động để quên đi ma túy, hướng thiện. Phương pháp cai nghiện rất đơn giản là làm thật nhiều cho ra mồ hôi, rồi đi tắm, nhiều lần càng tốt. Chính tay ông nặn những vết lở loét trên người Dũng. Khi Dũng chuẩn bị lên cơn nghiện, ông Kiên cho Dũng uống rượu say, xoa bóp, ôm chặt lấy cậu con nuôi để cho ngủ qua cơn nghiện. Tối tối, Dũng dành thời gian đèn hương kinh sách nơi cửa Phật từ bi. Những cơn nghiện thưa dần rồi dứt hẳn.

Năm Dũng 30 tuổi cũng là lúc cô con gái Nguyễn Thị Hằng làm công nhân trong Nam về thăm gia đình. Ông bà bàn nhau gả Hằng cho Dũng. Ban đầu Hằng một mực không chịu nghe lời. Nhưng rồi, cái duyên đã đưa hai bạn trẻ đến với nhau. Một đám cưới rộn ràng đã diễn ra ngay tại làng quê đầm ấm. Năm năm thấm thoát trôi đi, tổ ấm của Dũng và Hằng đã có bé trai kháu khỉnh ra đời. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, lấp ao, cấy hơn một mẫu ruộng, chăn nuôi lợn, gà. Trong ngôi nhà ba gian đã có cả ti vi, xe máy. Dũng tâm sự, bố vợ không chỉ là ân nhân mà còn là người sinh ra mình lần thứ hai.

Là tu sĩ đã lánh xa bụi trần nhưng ni sư Thích Ðàm Viên, chùa Phong Lộc (thành phố Nam Ðịnh) lại giang tay với nỗi đau trần thế, giúp đỡ nhiều thanh niên thoát khỏi vòng xoáy 'trắng'. Thực hiện lời Phật dạy 'từ bi hỷ xả', sư Viên đã kiên trì sát cánh cùng thanh niên trong phường Cửa Nam mắc nghiện 'chiến đấu', giành giật trong từng giây phút với ma túy. Cơn lốc ma túy tràn qua đã biến nhiều gia đình khấm khá trở nên tiêu điều vì có chồng, con nghiện ngập. Song hành là nạn trộm cắp lan tràn. Thông qua các buổi khóa lễ, giảng pháp, ni sư đã mang giáo lý đạo Phật giảng giải, tuyên truyền, vận động nhắc nhở tín đồ phật tử sống thiện, lánh xa ma túy, xây dựng cuộc sống ấm no. Nhiều gia đình đến chùa giãi bày nỗi khổ tâm khi có con nghiện, bị nhiễm HIV/AIDS, sư Viên dùng triết lý đạo Phật lựa lời khuyên nhủ. Nghe lời Phật dạy, bà luôn quan tâm đến những mảnh đời khốn khó, mong chúng sinh vơi bớt nỗi khổ.

'Bí quyết' ni sư chỉ đơn giản là đem cái tâm hỷ trải lòng trên niềm vui của nhân sinh, đem tâm từ giáo hóa nghiệp chướng, hồi sinh cuộc đời những người nghiện. Không chỉ có Phật pháp, thông qua những câu chuyện thực tế, ni sư Thích Ðàm Viên khéo léo dẫn chứng, khơi gợi tâm thiện, động viên người nghiện ngộ ra sai lầm trong cuộc đời. Một lần, bà Trần Văn Minh ở 182 Ðặng Xuân Bảng tới chùa lễ tâm sự về nỗi khổ bởi đứa con nghiện và nhờ thầy giúp đỡ. Ni sư nhận lời không chút do dự. Mới mắc nghiện được ba năm, Minh đã 'đốt' biết bao tiền của gia đình. Ðồ đạc trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi. Ðược sư Viên động viên, mẹ Minh quyết tâm cai nghiện tại nhà cho con. Biết hoàn cảnh gia đình chẳng dư dả gì, ni sư thường xuyên quan tâm, động viên thăm hỏi, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để Minh có thêm nghị lực đoạn tuyệt ma túy. Nghe những lời khuyên chân tình lay động tâm can, tự tay Minh khóa cửa rồi vứt chìa khóa, giam mình trong nhà, quyết tâm làm lại cuộc đời. Bằng tình thương, bao dung độ lượng của người tu hành, ni sư đã thu phục nhân tâm, giúp Minh thoát khỏi cơn u mê đắm chìm của ma túy. Sau ba lần chống chọi cơn nghiện, Minh đã chiến thắng chính mình.

Trường hợp Phạm Văn Thiện ở đường Nguyễn Cơ Thạch cũng chỉ vì đua đòi bạn bè mà nhanh chóng bị ma túy hạ gục. Mẹ Thiện buồn rầu than thở và nhờ ni sư giúp đỡ trong nỗi tuyệt vọng. Qua những lần tiếp xúc thân tình, sư Viên gần gũi đả thông tư tưởng, giúp chàng trai ngỗ ngược biết vâng lời, không mặc cảm và tự giác cai nghiện. Thiện quyết tâm sửa sai, tình nguyện tự nhốt mình trong nhà để cai nghiện. Chiến thắng những cơn vật vã thèm thuốc, Thiện dũng cảm đứng dậy làm lại cuộc đời. Thiện kiếm được việc làm, lấy vợ và sinh được bé gái kháu khỉnh. Hạnh phúc đã hồi sinh trở lại với chàng trai một thời lầm lỡ.

Một vị khách biết chuyện từng thắc mắc, tại sao một người xuất gia lại nhiệt tình giúp đỡ người nghiện đến vậy. Thầy Viên cười bảo, cuộc sống vốn là một bức tranh đa sắc mầu xen lẫn buồn vui. Chính cái tâm của người nhà Phật đã giúp thầy thấu hiểu nỗi lòng của những người vừa đáng thương vừa đáng giận. Và trách nhiệm, lương tâm của một nhà sư đã không cho phép thầy đứng ngoài cuộc.