Dân Kinh Hòn không còn sợ sóng

NDO - Hai năm chuyển nhà ba lần

Theo người dân địa phương thì từ khoảng năm 2005 - 2009 là thời gian sóng biển dâng cao hơn trước và đánh mạnh vào bờ gây sạt lở đất trên diện rộng. Nhiều hộ gia đình sinh sống gần biển phải dời nhà đến hai, ba lần, các phương tiện hoạt động nghề biển của ngư dân không có nơi neo đậu; Thiếu tá Lê Duy Nhứt, Trạm phó Trạm kiểm soát Biên phòng Ðá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhớ lại: Năm 2005 Trạm kiểm soát được xây dựng cơ bản, từ trạm ra tới mép biển còn khoảng 70 m và khu nhà dân cách trạm vào bên trong khoảng 100 m, chung quanh trạm có hệ thống kè chống lở bằng cây tràm, bao đất, nhưng chỉ sau hơn một năm thì biển đã lấn vào đến trạm. Sau khi đất lở nhiều, mỗi khi nước lớn là sóng đánh phủ kín nhà trạm, anh em bộ đội phải dời vào bên trong ở tạm. Mặc dù đơn vị đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng với sức mạnh của sóng, gió biển, nước thủy triều dâng nên không bao lâu thì đất đã sạt lở lấn sâu vào bên trong khu vực trạm trên 50 m nữa.

Nhớ lại mỗi lần chạy sóng trong đêm tối, chị Phạm Mỹ Nhiên, ngụ ấp Kinh Hòn nói: Khổ lắm chú ơi! Trong hai năm mà gia đình tôi phải chuyển nhà ba lần để chạy sóng, cứ chạy đến đâu thì vài tháng sau sóng lại theo đến đó. Ngày trước, nhà tôi ở bên trong Trạm kiểm soát Biên phòng gần 50 m, vậy mà khi sóng đánh còn có cái xác nhà, không lâu sau đã cuốn luôn nhà tôi xuống nước, gia đình chuyển vào sâu bên trong khoảng 70 m nữa, nhưng chưa được một năm lại phải chuyển. Ðang đêm cả nhà hốt hoảng dậy ôm con chạy, lúc này mới phát hiện đất lở vào đến sát nhà, sóng đánh sập một bên vách. Gia đình tiếp tục dời lần thứ ba vào sâu thêm khoảng 70 m nữa, lần này đất lở gần sát nhà thì may mắn có bờ kè cho nên không việc gì, nếu bờ kè làm chậm vài tháng thì nhà tôi chắc dời nữa. Gia đình thì chạy ăn từng ngày mà nhà thì đất cứ lở, sóng cứ đánh vào hoài. Ông Lê Văn Chợ, có thâm niên hơn 20 năm sinh sống tại cửa biển Ðá Bạc cho biết thêm: Căn nhà ông đang ở trước đây cách mép biển khoảng 1 km, thế mà nay chỉ còn cách mép biển khoảng 200 m. Theo ông đất lở và sóng lớn mới xuất hiện từ khoảng năm 2007 trở lại đây, nhiều nhất là năm 2008. Nước thủy triều cũng dâng cao hơn trước khoảng 20 cm, sóng, gió như đổi hướng và thổi trực tiếp vào khu vực này.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Cà Mau vừa qua, nước biển dâng "năm sau cao hơn năm trước" làm ngập hàng chục nghìn héc-ta đất ven biển tại các huyện ven biển U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi (Cà Mau) và huyện Ðông Hải, Hòa Bình, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Hiện tượng sạt lở các tuyến sông, ven biển ngày càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sản xuất và dân sinh. Tỉnh Cà Mau liên tục xây dựng kè chống sạt lở đê Biển Tây nhưng chỉ là giải pháp tình thế do thiếu nguồn kinh phí. Còn tuyến đê Biển Ðông, Cà Mau chưa xây dựng cho nên mỗi năm bị sạt lở sâu vào từ 5 đến 20 m đất.

An tâm bên bờ kè

Làm việc với UBND tỉnh Cà Mau đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Ðào Xuân Học khẳng định: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã rất rõ, cần có giải pháp hiệu quả để thích ứng sự biến đổi khắc nghiệt này. Bộ NN và PTNT sẽ sớm báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ vốn chống sạt lở. Ðồng thời đề nghị tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau phối hợp với Viện Nghiên cứu thủy lợi Miền Nam, Cục Ðê điều, Viện Nghiên cứu biển nghiên cứu sâu, tìm ra tác nhân gây sạt lở, xây dựng quy hoạch thủy lợi và giải pháp xây dựng tuyến đê biển, đê sông các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau. Và hiện nay, công trình bờ kè chắn sóng, chống sạt lở đất ở cửa biển Ðá Bạc đã thật sự mang lại hiệu quả, mặc dù công trình đang trong giai đoạn hoàn thành chưa bàn giao.

Ông Lê Văn Chợ, người dân sống ở Ðá Bạc hơn 20 năm nay cho biết: Nếu hai năm nay không có hệ thống cây cừ chắn sóng hoặc công trình bờ kè này thi công chậm thì đến nay sóng biển có thể gây sạt lở đất vào rất sâu trong đất liền, chứ không chỉ hơn 100 m đất liền đã mất và có thể hơn 100 hộ dân sống hai bên cửa biển Ðá Bạc phải dời vào trong đê quốc phòng từ lâu. Hiện bờ kè đã gần hoàn thành, so với thực tế nước thủy triều về mùa cuối năm thì vẫn còn thấp, nhưng đã giúp nhân dân ở địa phương an tâm cư trú, làm ăn sản xuất.

Chị Phạm Mỹ Nhiên tâm sự: Hai năm nay gia đình đã ổn định cuộc sống, phần lớn nhờ có bờ kè chắn sóng. Có bờ kè bà con ở khu vực này không lo sạt lở đất, không lo sóng và nước thủy triều dâng tràn vào nhà, nhất là mỗi chuyến ra biển về có ruốc thì bờ kè là khu sân phơi tốt nhất cho bà con ấp Kinh Hòn. Bà Nguyễn Thị Phượng cùng ấp và cùng phơi ruốc với chị Nhiên phấn khởi: Nhờ có bờ kè mà hai năm các gia đình làm nghề te ruốc có cuộc sống ổn định, có sân phơi sạch sẽ, nhanh khô, bán có giá. Chiều đến bà con ra ngồi hóng mát và trẻ em có chỗ vui chơi, phương tiện hoạt động nghề khai thác thủy sản vào có nơi neo đậu ngay ngắn.

Theo lời của Thứ trưởng Ðào Xuân Học, nhân dân Cà Mau, Bạc Liêu đang sống ở những trọng điểm của sạt lở đất ven sông, ven biển đang rất cần "Bộ NN và PTNT sớm "báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ vốn chống sạt lở" để người dân ven biển an tâm ổn định cuộc sống như người dân cửa biển Ðá Bạc hiện nay.