Chuyện tình của nữ Quân báo

NDO - Những ngày tháng 4 lịch sử, tại ngôi nhà trong hẻm 100/119c, đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Cúc kể lại kỷ niệm với người chồng - liệt sĩ Tô Hoài Thanh (Ba Thanh).

Năm nay, bà Cúc đã bước sang tuổi 83. Năm tháng đi qua với những nhớ, quên lẫn lộn, nhưng ký ức về người chồng là liệt sĩ Tô Hoài Thanh (Ba Thanh - Chỉ huy trưởng đơn vị đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968) thì bà chẳng thể quên. Bà Cúc ngày đó còn có biệt danh Vũ Thị Thọ làm ở đơn vị Quân báo.

Bà chậm rãi kể: Cuối năm 1967, tôi lên thăm ông. Ông Thanh nói, ông sắp có chuyến đi công tác. Sống thì lập công to, chết thì hy sinh cho nước. Tôi nói, ông nói chi nói hoài vậy. Tôi đoán ở đơn vị ông đang có dự định cho cuộc chiến, nói ra sợ bị lộ, sợ vợ buồn nên ông chỉ nói vậy. Vợ chồng bên nhau, nắm tay nhau thân thiết, rồi ổng đi. Đầu năm 1968, tôi có chuyện phải lên Sài Gòn. Tôi đi ngang qua Vườn Chuối (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu cắt ngang Cao Thắng), nghe mấy ảnh kể, lúc đó ông Ba Thanh chạy xe ngang thì thấy tôi bước qua. Sợ vợ nhìn thấy chồng mà gọi thì bị lộ nên anh kéo nón che mặt. Nước mắt ảnh cũng chảy, nhưng tình cảm đành nén lại.

Trong trận tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Ba Thanh hy sinh tối mồng một rạng sáng ngày mồng hai. Ông mất tại cổng 101 Dinh Độc Lập! Những ngày sau đó không có tin tức chi. Nhiều hôm nóng ruột, tôi đi từ Bình Dương qua cầu Kinh Thanh Đa đến chỗ ổng hy sinh nhưng cũng không biết luôn. Năm 1973, trao trả tù binh mới biết tin ông mất. Tin này do anh Chín Rõ biệt danh Chính Nghĩa làm y tá trong trận tổng tiến công cho hay: “Anh Ba Thanh hy sinh trên tay em. Đến phút cuối cùng anh còn phân công chiến đấu”!

Chị Tô Mai Hương là con gái duy nhất của bà Vũ Thị Cúc và liệt sĩ Tô Hoài Thanh. Nghe má kể chuyện ba hy sinh mà chị rơi nước mắt. Chị chào đời được hai tháng thì cũng xa ba, rồi xa mẹ. Chị được gửi nhà bà con ở Bình Dương. Ký ức của chị về ba chỉ được nghe qua lời kể của má. Ngày ba hy sinh chị mới lên sáu tuổi. Ngày đó, các gia đình có chồng, vợ hoạt động hầu như đều phải ly tán. Chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái gửi nhờ người thân nuôi.

Trở lại quá khứ hơn năm mươi năm trước, bà Vũ Thị Cúc làm ở đơn vị Quân báo, ông Ba Thanh làm biệt động Sài Gòn, tôi thắc mắc tại sao lại quen nhau. Bà Cúc chỉ cười: “Hồi đó thấy tui chưa chồng còn ảnh thì cũng chưa vợ. Đơn vị “gài” tôi lên tập huấn. Anh Bảy Lớp (Nguyễn Văn Lém), anh Hồng Tươi, anh Hồng Khô... có ý định vun vén cho hai người. Tập huấn một tuần, anh Thanh hỏi ý kiến tôi có ưng ảnh không? Tôi trả lời dứt khoát là không. Tuy vậy, mình về đơn vị cũng nghĩ nhiều nhiều về chuyện đó. Ba bốn tháng sau anh viết thư xuống. Các anh chỉ huy đơn vị cũng thúc giục tôi. Tôi cũng định viết thư lại nhưng không biết viết sao. Cứ chần chừ lại thôi.

Hai tháng sau khi nhận thư, anh Bảy Châu thông báo với tôi, anh Ba Thanh sẽ cưới chị đó. Tôi mắc cỡ lắm. Nói chi, cưới thì cưới. Nói vậy rồi anh em cũng tổ chức đàng hoàng. Đám cưới tổ chức tại Củ Chi, cũng có tiền mừng, có hoa. Vợ chồng lấy nhau chưa quen hơi thì anh về đơn vị của ảnh, tôi về đơn vị mình”.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo lời kể lại của đồng đội, bà đã tìm được hài cốt của ông và đưa về nghĩa trang. 45 năm kể từ ngày ông Ba Thanh mất, bà kể lại câu chuyện của mình trong ngôi nhà nhỏ. Sự yên tĩnh của căn nhà như đang giữ lại kỷ niệm của một mối tình thời oanh liệt xưa.