Chung tay giữ rừng

NDO - Ở nơi này, những con người một thời từng "thảm sát" rừng. Thì nay, chính họ lại ra sức gìn giữ, chăm sóc, bảo vệ, làm cho rừng ngày thêm tươi tốt, trù phú... Chuyện tưởng như đùa nhưng đã và đang diễn ra tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Chuộc lỗi với rừng

Ðến lần hẹn thứ ba, chúng tôi cũng gặp được ông Tư Soát, nhóm trưởng quản lý rừng, ấp Âu Thọ B vừa cùng các tổ viên trong nhóm hì hục lội rừng truy bắt một số kẻ lạ mặt lén lút chặt phá cây. Trong bộ đồ còn lấm lem bùn đất, ông Tư Soát bức xúc: 'Bọn lâm tặc phá rừng chẳng khác gì triệt tiêu đường sống của tụi tôi. Do trời mưa to cho nên bọn chúng mới có cơ hội tẩu thoát, bằng không chúng tôi đã bắt được chúng rồi...'.

Quay trở lại hơn mười lăm năm về trước, ven biển Vĩnh Hải rừng mọc tự nhiên rất nhiều, thủy sản trong rừng vô cùng phong phú. Người dân trong ấp Âu Thọ B thiếu cột, đòn tay cất nhà, củi đốt, hoặc cần mồi nhậu... chỉ cần lội vào rừng khai thác là có ngay. Nhưng chính việc làm tùy tiện ấy khiến rừng ngày càng thưa thớt, không đủ sức che chở cho cư dân những khi mưa to, gió lớn, nước biển dâng. Ðến năm 1997, cơn bão số 5 kết hợp triều cường cuốn đi gần hết cánh rừng phòng hộ ra biển. Kể từ khi 'tấm lá chắn' bị mất, cuộc sống người dân ấp Âu Thọ B ngày càng thê thảm. Sóng biển liên tục dội bờ, tràn qua đê phòng hộ, cuốn trôi đất đai, nhà cửa của cư dân. Khi đó đã có hơn 60 hộ dân bị sóng biển cuốn đi đất đai, nhà cửa. Ngay cả trường học do dân nghèo trong ấp cùng nhau xây cất để con em địa phương học tập cũng bị sóng cuốn mất.

Trước hiểm họa đe dọa từ sóng biển do mất rừng, chính quyền xã Vĩnh Hải bắt đầu trồng mới và khôi phục những vạt rừng đã bị mất trước đó. Mười năm sau cơn bão khắc nghiệt, những vạt rừng ven biển Vĩnh Hải được phủ xanh trở lại. Niềm vui ấy như được nhân lên khi năm 2007, xã Vĩnh Hải được chính phủ Cộng hòa liên bang Ðức hỗ trợ thực hiện Chương trình đồng quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên (gọi tắt là Dự án GTZ) nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi tài nguyên từ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu... 'Theo dự án, người dân ấp Âu Thọ B được thuê trồng và bảo vệ khu rừng chiều dài gần ba ki-lô-mét, rộng gần một ki-lô-mét, dọc theo bờ biển xã Vĩnh Hải. Ông Tư Soát là một trong số hàng trăm thành viên đang chung tay bảo vệ, giữ rừng ở ấp Âu Thọ B. Nhóm của ông được chia làm sáu tổ, tổng số có 293 thành viên, phần lớn là người dân tộc Khơ-me. Như một cách để 'chuộc lỗi' với rừng, nhóm quản lý rừng của chú Tư luôn có ý thức bảo vệ tốt khu rừng được giao. Ðến nay, khu rừng mắm, đước, bần ổi đã được phủ xanh và phát triển mạnh.

Ông Tư Soát khoe: 'Nhờ chăm sóc, bảo vệ tốt nên các loài sinh vật dưới tán rừng sinh sôi, nảy nở không ngừng. Ngoài ba khía, lốc len, sò huyết, cá kèo, cua... hiện còn có rắn biển, chuột, chồn... Chúng tôi phân loại từng giống, loài thủy sản theo vụ mùa để khai thác một cách có chọn lọc. Tất cả có trong quy chế quản lý rừng. Người ngoài nhóm không được vào rừng khai thác dưới bất cứ hình thức nào'.

Ðã có hàng chục vụ việc kẻ gian xâm hại rừng được nhóm quản lý rừng ở Âu Thọ B phát hiện, phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ. Ngay cả những thành viên trong nhóm, nếu ai làm phương hại đến khu rừng ấy cũng bị xử lý. Hai tháng trước, Ngô Vĩnh - thành viên Tổ 4 đem cuốc, xẻng vào rừng đào sâm đất. Mới đào được mấy con thì bị phát hiện. Ngô Vĩnh bị tịch thu cuốc, xẻng, đồng thời bắt làm kiểm điểm, phê bình trước tập thể vào cuộc họp cuối tháng. Nếu tái phạm sẽ khai trừ khỏi nhóm.

Chuyển biến nhờ rừng

Người dân sống ven biển Âu Thọ B nghèo cũng vì để mất rừng, nay đủ ăn, khấm khá cũng nhờ có cách hành xử tốt đối với rừng.

Gia đình ông Thái Công, thành viên Tổ 4 có chín người. Cuộc sống phần lớn nhờ vào khai thác thủy hải sản ven biển và lượm nhặt tài nguyên dưới tán rừng. Ông chia sẻ: 'Vào thời gian được phép khai thác, mấy đứa con tôi vào rừng bắt cua con, cá kèo giống, kiếm mỗi ngày vài trăm nghìn đồng, có khi cả triệu bạc. Cuộc sống chưa khá giả nhưng cái ăn hằng ngày không phải lo lắng nhiều, đặc biệt là không sợ sóng biển, triều cường đe dọa như trước nữa'.

Ấp Âu Thọ B có 770 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phần lớn là hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê cho nên đời sống rất khó khăn. Từ khi rừng được phủ xanh trở lại, cuộc sống của họ đã thay đổi. Hiện ấp chỉ còn khoảng 20% hộ nghèo, giảm gần 15% số hộ nghèo so với mười năm về trước. Có được điều đó, bên cạnh sự chăm lo của nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, phải kể đến chính sách khai thác, bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên từ rừng của dự án GTZ.

Không chỉ làm thay đổi cuộc sống, cách cư xử của người dân ven biển Âu Thọ B đối với rừng, dự án GTZ còn mang đến xóm nghèo ven biển này cách sống thân thiện với môi trường, với thiên nhiên. Dạo quanh xóm nghèo ven biển Âu Thọ B, chúng tôi không bắt gặp những túi ni-lông, bao bì thực phẩm... vứt vung vãi như nhiều xóm nghèo ven biển khác mà chúng được các hộ dân ở đây gom lại cẩn thận. Trong ấp, hầu như nhà nào cũng có thùng chứa rác thải sinh hoạt, hằng tháng có người thu gom đi đốt. Những thùng rác ấy do dự án GTZ cấp cho hộ dân. Dự án hiện còn hỗ trợ thí điểm cho một số hộ dân trong xóm lò nấu cơm tiết kiệm củi. Bà Lâm Thị Son, vợ Tư Soát, rất vui, bà cho biết: 'Sống ở rừng, đi chưa mỏi chân đã lượm đủ củi về đun cho cả tháng, vậy mà mấy ổng kêu xài lò tiết kiệm củi, chú thấy ngộ không? Nhưng, từ khi xài thử cái lò ba lỗ, đúng là tiết kiệm thật, khoảng 40% số củi đun so với cái lò mà chúng tôi từ trước đến nay thường xài'.

Chúng tôi rời xóm nghèo Âu Thọ B, nắng chiều vừa tắt. Vài em nhỏ cùng thành quả thu hoạch từ rừng cũng kịp trở về trước bữa cơm chiều. Bóng các em khuất dần theo từng bước đi, nhưng trong lòng chúng tôi ngổn ngang nhiều câu hỏi. Rừng ngập mặn Cà Mau lớn nhất cả nước, nhưng các địa phương chỉ tập trung vào việc giao khoán, cấm khai thác, cấm vào rừng với mọi hình thức... nhằm bảo vệ, quản lý rừng. Kết quả, rừng vẫn bị phá, sâm đất vẫn bị khai thác, nghêu giống, cá kèo, cua con vẫn mất... mà đời sống người dân ven biển vẫn bấp bênh. Giá như 'mô hình rừng' ở ấp Âu Thọ B được sớm nhân rộng thì chắc hẳn đời sống của nhiều hộ dân sẽ được nâng cao và rừng sẽ ngày càng xanh tốt.