Cảnh sát Interpol Việt Nam

Bản lĩnh và chiến công

NDO - Là thành viên thứ 156 của tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), hai mươi năm thành lập và trưởng thành, Interpol Việt Nam đã phối hợp các nước thành viên đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc trấn áp các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến Việt Nam. Thông qua các khuôn khổ hợp tác và cải tiến, nâng cao hệ thống thông tin, viễn thông hiện đại, lực lượng Cảnh sát Interpol Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát các nước bắt giữ và dẫn độ nhiều đối tượng của Việt Nam bị truy nã về nước.

Lời dọa "cướp phạm" tại sân bay Nga

Lợi dụng chức vụ Phó Chủ nhiệm kỹ thuật của Quân chủng Phòng không Không quân, đối tượng Lê Quốc Thụy, đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, gây chấn động dư luận. Sau khi tiến hành hàng loạt các phi vụ lừa đảo, khi được cử đi công tác, hắn đã bỏ trốn ở Liên bang Nga.

Ngày 12-4-2005, Cảnh sát Bun-ga-ri đã phát hiện Lê Quốc Thụy chạy trốn đến thành phố Xô-phi-a. Theo thông báo của Interpol Xô-phi-a, tòa án Xô-phi-a đã chính thức ra lệnh bắt giữ đối với Lê Quốc Thụy. Sau một thời gian xem xét yêu cầu dẫn độ cũng như những tài liệu chứng cứ do phía Việt Nam cung cấp, Tòa án phúc thẩm của Bun-ga-ri đã ra Quyết định dẫn độ đối tượng Lê Quốc Thụy về Việt Nam và đề nghị các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam cử cán bộ sang Bun-ga-ri dẫn giải đối tượng về nước.

Lần đầu tiên đoàn công tác của Interpol Việt Nam sang nước ngoài dẫn độ đối tượng phạm tội về nước, sĩ quan trẻ Nguyễn Anh Tuấn, hiện là Ðại úy, Phó trưởng phòng 2 của Văn phòng Interpol Việt Nam được giao trọng trách đi cùng đoàn công tác. Vì lý do giữa Việt Nam và Bun-ga-ri chưa có chuyến bay thẳng nên đoàn công tác phải đi qua Nga. Ðối tượng Lê Quốc Thụy đột nhiên buông lời dọa anh em trong đoàn công tác: "Hãy chờ xem. Ðến Nga, sẽ có người của tôi đến giải cứu".

Trong suốt hành trình bay, các cán bộ của đoàn công tác khá căng thẳng, bởi đây là lần đầu tiên họ ra nước ngoài dẫn giải đối tượng phạm tội về Việt Nam. Liệu có tình huống đồng bọn của Thụy "cướp phạm" tại sân bay của Nga hay không? Khi máy bay hạ cánh, độ cao giảm dần thì sự căng thẳng của các cán bộ công tác trong đoàn lại tăng hơn. Thế nhưng, do đã chuẩn bị chu đáo các phương án và có sự phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát Nga nên khi đoàn công tác dẫn giải Lê Quốc Thụy rời máy bay, đã có sáu Cảnh sát Nga to khỏe, xốc đối tượng đưa lên xe đặc chủng dẫn giải về phòng an ninh đặc biệt. Và đợi đến khi máy bay cất cánh khỏi mặt đất, các bạn Cảnh sát Nga mới rời vị trí bảo vệ mục tiêu. Ðoàn công tác thở phào nhẹ nhõm.

Bắt kẻ bị FBI truy nã

Hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm được xếp vào tầm truy nã quốc tế đã tháo chạy sang Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau. Những tên tội phạm này xem Việt Nam như một điểm đến an toàn hòng lẩn trốn tội ác. Tuy nhiên, khi bước chân vào Việt Nam chúng bị tóm gọn một cách chóng vánh. Trong vụ truy bắt đối tượng truy nã quốc tế của Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI), đây là kẻ phạm tội mang tính chất cực kỳ nguy hiểm với thủ đoạn ra tay tàn bạo và phương thức hành động cực kỳ gian ác, phạm tội giết người, buôn lậu ma túy, bắt cóc tống tiền tại Ô-xtrây-li-a. Thông qua kênh Interpol, Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ được đối tượng Bùi Hữu Tài. Hiện Tài đang thi hành án tại Việt Nam. Tài chính là tên sát nhân được FBI liệt vào danh sách một trong mười tên tội phạm nguy hiểm nhất năm 1998. Ðiều này thể hiện khả năng "tác chiến" của Cảnh sát Việt Nam so với Cảnh sát các nước bạn là không hề thua kém.

Trùm xã hội đen Ấn Ðộ bị bắt tại Việt Nam

Ðến giờ, các chiến sĩ Cảnh sát Interpol Việt Nam vẫn còn nhớ như in ngày tên trùm xã hội đen đặc biệt nguy hiểm người Ấn Ðộ bị sa lưới tại Việt Nam. Ðối tượng Pan-đây-pra-kát được coi là ông trùm của thế giới ngầm tại Ấn Ðộ, gây ra nhiều tội ác không thể dung thứ, bị cảnh sát nước này truy nã gắt gao. Pan-đây-pra-kát đã trốn chạy sang các nước châu Á trước khi dừng chân ở Việt Nam. Ðể che giấu hành tung tội ác của mình, tên Pan-đây-pra-kát đã sử dụng những cái tên khác nhau và dùng hộ chiếu giả tại các quốc gia mà hắn đã đi qua. Vì thế, Cảnh sát Ấn Ðộ cùng với lực lượng cảnh sát của nhiều quốc gia châu Á đã phối hợp truy bắt tên tội phạm này một cách gắt gao, nhưng đều chưa thành công. Sau mười năm trốn chạy hết quốc gia này sang quốc gia khác, tên trùm xã hội đen nguy hiểm của Ấn Ðộ đã bị Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) bắt giữ khi đang sống cùng với vợ con trong một căn hộ chung cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Pan-đây-pra-kát hoàn toàn ngỡ ngàng vì không thể tin mình lại có thể bị sa lưới ở xứ sở này.

Và cuộc giải cứu các cô gái ở Mát-xcơ-va

Từ những lá thư nặc danh tố cáo đường dây mua bán phụ nữ Việt Nam sang Nga làm gái mại dâm, cùng với việc lãnh đạo Văn phòng Interpol nhận được những tin nhắn cầu cứu qua điện thoại di động từ các số máy ở Nga của ba phụ nữ bị bán sang Nga làm gái mại dâm, Cảnh sát Interpol đã vào cuộc điều tra. Bằng các nghiệp vụ đấu tranh, điều tra và sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức Cảnh sát Nga, Cảnh sát Interpol Việt Nam đã nhanh chóng cung cấp tài liệu giúp Cảnh sát Nga giải cứu ba cô gái Việt Nam đang làm gái mại dâm ở khu Rư-bác (Mát-xcơ-va) sau đó đưa về nước. Qua lời khai của các nạn nhân và chứng cứ thu thập tài liệu của Cảnh sát Nga, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thuấn tức "Thuấn tóc dài" là đối tượng chính trong đường dây này.

Những chiến công mà Cảnh sát Interpol Việt Nam đã đạt được trong hai mươi năm qua thể hiện quyết tâm và nỗ lực của  Việt Nam trong hội nhập quốc tế; đồng thời khẳng định cam kết thực hiện nghĩa vụ nước thành viên của Tổ chức Interpol trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Ðánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, nâng cao vị trí, vai trò, uy tín của lực lượng CSND Việt Nam nói chung và Interpol Việt Nam nói riêng, góp phần xây dựng hình ảnh của Cảnh sát Việt Nam trên trường quốc tế.