Bên dòng Quây Sơn

NDO - Ngược dòng Quây Sơn đến với Trùng Khánh (Cao Bằng) vùng đất đang nở rộ về hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị hai bên biên giới Việt - Trung. Sự ấm no, thanh bình hiện hữu rõ ràng nhất trên những xóm bản giáp biên một thời là điểm nóng ANTT, quay cuồng trong cơn "bão quặng măng-gan".

Trở lại 'điểm nóng'

Ðại úy Hoàng Thái Hiệu, Ðồn phó nghiệp vụ Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy, người được coi là khắc tinh tội phạm trên biên giới Trùng Khánh trực tiếp đưa tôi vào xóm giáp biên Lũng Phi-ắc 'nổi tiếng' do những bất ổn về an ninh trật tự có nguyên nhân từ nạn quặng lậu.

Nằm sát biên giới Việt - Trung, Lũng Phi-ắc có 207 hộ với hơn 1.000 dân là người dân tộc Nùng. Ðịa hình cách trở, lội bộ cả ngày mới ra được trung tâm xã, một thời gian dài xóm Lũng Phi-ắc biệt lập với cộng đồng. Thời đó, dân Lũng Phi-ắc có câu truyền khẩu: 'Người Phi-ắc không biết làm ruộng/ Người Phi-ắc chỉ biết dắt lồ (la)/Trẻ con Phi-ắc không biết đường tới trường...'. Những phức tạp ở Lũng Phi-ắc thật sự bùng phát vào năm 1997, khi phát hiện có trữ lượng quặng măng-gan khá lớn và người Trung Quốc tổ chức thu mua loại quặng này. Hiếm có nơi nào thiên nhiên ưu đãi như ở Lũng Phi-ắc, quặng măng-gan lộ thiên ngay trong những hốc đá, chỉ cần chịu khó cào chút đất đem xuống núi tuyển rửa là có tiền. Loại quặng pha lẫn nhiều đất đá xấu nhất cũng có giá khoảng 800 đồng/kg còn loại bình thường có giá ít nhất 2.000 đồng/kg. Quặng xuống núi không cần tập kết, tuồn thẳng qua biên giới với rất nhiều đường mòn trải dài trên bốn cây số, đổ vào những bãi chứa khổng lồ của thương nhân.

Người dân Lũng Phi-ắc bỏ cả ruộng nương, trẻ con không đến trường, lũ lượt rủ nhau đi lấy quặng, dùng con la chở đi bán. Kiếm được một, hai trăm nghìn đồng một ngày bán quặng không còn là chuyện lạ đối với người dân Lũng Phi-ắc khi đó. Ngay cả một đứa trẻ, nếu chịu khó theo người lớn đi lấy quặng, lâu lâu cũng có vài triệu giắt lưng... Người dân ở các thôn, bản khác thuộc xã Ðàm Thủy như: Nà Ðeng, Lũng Nọi, Bản Phang... cũng bỏ ruộng đi đào quặng.

Vào thời điểm năm 2000, ước tính mỗi ngày có hơn 100 tấn quặng bị buôn bán trái phép. Dân Lũng Phi-ắc có không ít người trở nên giàu có nhờ quặng nhưng có một hậu quả nhãn tiền đó là môi trường sinh thái, môi trường sống dần bị hủy hoại. Suốt một thời gian dài, ruộng nương để hoang, biến thành bãi đổ quặng, bãi chăn la... Ðến mùa mưa, nước thải, bùn đất từ các điểm tuyển rửa quặng ở phía bên kia biên giới lại theo dòng chảy đổ về Lũng Phi-ắc khiến giếng nước ăn đục ngầu, đất canh tác bị đá bồi lấp. Bà con trong bản nhiều người kiểm tra sức khỏe để đi lao động nước ngoài, cứ tám người thì có sáu người mắc viêm gan B. Chưa kể có chục người bị thương và ba người khác bỏ mạng vì khai thác quặng. Con đường tới trường của trẻ em Lũng Phi-ắc cũng dần khép lại. Ðau xót hơn, kiếm được nhiều tiền từ quặng, phần lớn thanh niên lao vào ăn chơi trác táng, hút thuốc phiện... Theo Ðại úy Hiệu, hiện Lũng Phi-ắc có gần một trăm đối tượng liên quan đến ma túy, gây nhiều vụ trộm cắp tài sản. Một số đối tượng có dấu hiệu tham gia vào các đường dây buôn bán vận chuyển chất ma túy.

Nỗ lực cho một con đường sáng

Ngăn dòng quặng lậu ở Lũng Phi-ắc trở thành một thách thức lớn đối với chính quyền và các cơ quan chức năng ở huyện Trùng Khánh cũng như tỉnh Cao Bằng. Ngày 1-1-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Chỉ thị 15 về củng cố toàn diện xóm Lũng Phi-ắc. Một tổ công tác đặc biệt gồm lực lượng bộ đội biên phòng, công an và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ được 'cắm' tại Lũng Phi-ắc để dập tắt tình trạng khai thác quặng trái phép, kiện toàn lại hệ thống cơ chế chính trị, đưa Lũng Phi-ắc ra khỏi tình trạng kém phát triển và bất ổn định.

Việc cấm khai thác ngay lập tức nhận phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Không ít lần tổ công tác bị hàng trăm người dân kéo đến chống đối. Bằng cách rất riêng của những sĩ quan biên phòng tăng cường vào Lũng Phi-ắc như: Lục Văn Nhân, Trần Ngọc Lâm, Nông Văn Hòa, Mê Văn Ðạt... đã cảm hóa được người dân khi thấy các chú bộ đội biên phòng tự nguyện là con em của xóm, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Hình ảnh cán bộ biên phòng ngày đi cày ruộng, trồng ngô, phổ biến kiến thức chăn lợn, tối đến tổ chức dạy chữ, tham gia hòa giải những xích mích trong các gia đình, dòng tộc ngày càng trở nên quen thuộc tại Lũng Phi-ắc. 'Mưa dầm thấm lâu' những chủ trương, chính sách do các anh truyền đạt được bà con tự giác chấp hành và thực hiện. Con em, họ hàng của cán bộ thôn, xã trước đây tham gia đào quặng, vận chuyển quặng qua biên giới là những người đầu tiên bán la, quăng sọt, trở về đồng ruộng trồng cây. Kẻ bảo thủ với suy nghĩ: 'đất của ta ta đào quặng, còn không Nhà nước cũng thu hồi, cấp cho người khác đào mất...' cũng tỉnh ngộ khi thấy Nhà nước đầu tư xây dựng con mương thủy lợi dẫn nước từ suối Nà Lìn chạy quanh xóm, tiếp đến là con đường bê-tông trong xóm nối liền với tỉnh lộ, chấm dứt cảnh biệt lập của vùng biên này. Tư duy về một cuộc sống mới cũng hình thành vững chắc theo những ruộng lúa, nương ngô cho năng suất cao và các công trình phúc lợi khang trang, hiện đại: trường tiểu học, trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm quân dân y với đầy đủ các thiết bị và đội ngũ y bác sĩ.

Trong ba năm, các tổ chức đoàn thể cơ sở được kiện toàn. Các thành viên của Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân trở thành đầu tàu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðặc biệt, xóm thành lập một tiểu đội dân quân tham gia cùng bộ đội biên phòng quản lý bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Trong năm 2010, người dân địa phương đã phối hợp với Ðồn Biên phòng Ðàm Thủy phát hiện 18 vụ và 44 đối tượng lén lút khai thác quặng trái phép, thu giữ gần bảy nghìn kg quặng.

Ðể yên dân thì phải có những kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài, một trong những việc đảng ủy, chính quyền xã tập trung để chấm dứt các bãi quặng là đưa giống lạc về trồng trên các vùng đất dốc. Vụ lạc đầu tiên bội thu với gần hai chục tấn lạc. Sau lạc là mía lấp dần các khoảng trống do khai thác quặng gây ra. Phiên chợ vùng biên mới được hình thành ngay trên đỉnh thác Bản Giốc, một năm qua, khu chợ 80 gian hàng với đủ chủng loại hàng hóa giúp người dân Ðàm Thủy tiện lợi trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa, không còn phải phụ thuộc vào chợ bên kia biên giới. Lễ hội Lồng Tồng đầu xuân đã được tổ chức lại hai năm nay ở Lũng Phi-ắc, giúp người dân tìm lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc mình để vững tin xây dựng và bảo vệ vùng biên ngày càng giàu mạnh. Tôi chợt liên tưởng tới câu nói của anh Lý Văn Khâm, Bí thư chi bộ xóm Lũng Phi-ắc: 'Cuộc sống tại Lũng Phi-ắc đang dần êm đềm trở lại như dòng Quây Sơn trong xanh'.