"Bức tường xanh" ven biển Thụy Trường

NDO - Có một loài cây luôn đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió. Những cây bần hợp thành cả một cánh rừng với mầu xanh suốt theo chiều dài ven biển Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình).

Các cụ ở đây kể lại rằng cách đây hàng mấy trăm năm, cây bần đã có mặt ở vùng đất sa bồi này, đương đầu với sóng to gió lớn. Sức mạnh diệu kỳ của cây bần là ở chỗ ấy. Mầu xanh miên man của cây bần là ở chỗ ấy...

Thế rồi, nhờ bàn tay cần cù dũng cảm và tấm lòng yêu thương chăm sóc của người dân Thụy Trường, họ hàng nhà bần cứ sinh sôi ra mãi... Từ một khóm, một bãi, bần đã phủ xanh cả một triền sông, một vùng ven biển. Giờ đây, bần đã thành một cánh rừng có diện tích một nghìn năm trăm héc-ta, chiều rộng chừng một cây số rưỡi, chiều dài gần năm cây số suốt ven biển Thụy Trường.

Qua gió mưa sương nắng hàng thế kỷ trong đó có nhiều trận bão lớn, rừng bần này thật sự là bức tường kiên cố bảo vệ được cả một vùng đê biển, thật sự là 'bức tường xanh' chắn sóng, chắn bão, giữ yên bình cho cả một vùng quê.

Rừng bần Thụy Trường còn là một kho ẩm thực quý và còn là tiềm năng để sản xuất một số mặt hàng phục vụ đời sống trong nước và xuất khẩu. Trái bần xanh hơi chát nhưng khi chín có vị chua và có mùi thơm đặc trưng. Người Thái Bình có thể dùng trái bần chế biến thành bột gia vị để nấu canh chua, lẩu cá, làm mắm cá sặc, làm lẩu bần, kẹo bần, mứt bần và một số món ăn khác. Người dân Nam Bộ từ lâu đã quen dùng những món này như dân Thái Bình quen dùng trái mướp, trái dưa, trái khế, trái cà và rau dền, mồng tơi vậy. Gần đây, báo chí còn đưa tin cơ sở của bà Tư Cúc ở Trà Vinh đã đưa hương bần đi xa hơn. Ðó là những sản phẩm gia vị canh chua, lẩu cá, mắm cá sặc, mứt bần, kẹo bần của bà đã cung cấp cho thị trường rộng lớn của nhiều tỉnh trong nước và còn có khả năng xuất ra thị trường thế giới.

Rễ của cây bần có thể dùng làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất nút chai, sản xuất cốt mũ và phao câu rất tốt.

Rừng bần còn cung cấp cho con người những dược liệu quý. Vỏ và lá bần chứa nhiều tanin, vị chát, có tác dụng cầm máu. Lá bần giã nhỏ, thêm ít muối dùng để đắp các vết thương có tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Ép trái bần xanh lấy nước để trị bệnh ho, nếu đem lên men có tác dụng cầm máu. Vỏ trái bần già dùng làm thuốc giun. Giã lá bần già trộn với cơm có thể chữa được bệnh bí tiểu tiện.

Có thể, một ngày nào đó, bên cạnh những sản phẩm lúa gạo, hành tỏi, thuốc lào, cá tôm... người dân Thụy Trường nói riêng, người dân Thái Thụy, Thái Bình nói chung sẽ cùng với bà con các tỉnh duyên hải Nam Bộ cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới những sản phẩm hàng hóa có giá trị được sản xuất chế biến từ cây bần quê hương.

Rừng bần Thụy Trường còn là một vùng sinh thái đẹp và có giá trị. Ở đây, bên cạnh cây bần, còn có nhiều loài thực vật khác. Ðó là cây sú, cây vẹt, cây gai rơi và nhiều loài cây thân cỏ khác. Ðây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật như chim, cò, rắn...

Trong rừng bần có nhiều hồ đầm, nơi sinh sống của nhiều loài cá nước lợ, nước mặn, đặc biệt có cá rễ câu, cá đầu đỏ là loài cá đặc trưng ở vùng này.

Bám chặt lấy đất mẹ, rừng bần Thụy Trường cứ mỗi năm lại tiến xa ra biển. Có một nhà văn đã nói rằng: rừng bần nơi đây đang 'đẩy sóng ra xa, kéo chân trời lại'. Ngay sau rừng bần là làng mới mọc lên. Các cụ kể lại rằng: Ở nơi đây đã ba lần dân lập làng mới. Ðó là làng Ba Ra, Lỗ Trường... Sóng dữ kéo về, những căn nhà đổ sập, làng Ba Ra, Lỗ Trường lại phải rút vào trong đồng. Thế nhưng, lần cuối cùng, những con người đầu trần chân đất, da xạm đen vì nắng gió ở nơi đây đã thắng. Làng mới Trường Xuân đã được dựng lên với gần hai trăm nóc nhà mái ngói đỏ tươi dưới ánh mặt trời. Làng Trường Xuân, làng kinh tế biển, làng văn hóa của Thụy Trường - ngôi làng nơi đầu sóng ngọn gió - sẽ mãi mãi trường xuân trên mảnh đất này.