Xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô

(Tiếp theo kỳ trước) (★)

Bài 2: Giải quyết việc khó bằng các nghị quyết chuyên đề

Ðổi mới phương thức lãnh đạo, chọn những vấn đề khó, phức tạp để giải quyết bằng các nghị quyết chuyên đề, mười năm qua, hiệu quả từ các quyết sách, chủ trương đúng đắn này không chỉ giúp Hà Nội giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH CEC Việt Nam trực thuộc Ðảng bộ phường Mỹ Ðình 1 (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty TNHH CEC Việt Nam trực thuộc Ðảng bộ phường Mỹ Ðình 1 (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Ðáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, mỗi năm thành phố Hà Nội có thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp mới được thành lập. Xác định tầm quan trọng của các tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực này, ngày 27-2-2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09 về “Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó đề ra những giải pháp cụ thể để giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Khi Nghị quyết số 09 mới ra đời, nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước, thậm chí không ít cấp ủy lo ngại Nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Bởi lẽ giữa giai đoạn kinh tế khó khăn, các DN chỉ tập trung duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định việc làm cho người lao động đã là khó. Song, bằng tầm nhìn, cùng cách làm bài bản, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể tới từng cấp ủy trực thuộc, qua đó, đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác này. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðào Ðức Toàn, các cấp ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của chủ DN để họ tự nguyện phấn đấu. Cùng với đó, hướng dẫn công tác đảng vụ, đoàn vụ cho cơ sở, nhằm phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng và đoàn; kịp thời phối hợp chủ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, chăm lo giải quyết việc làm và bảo vệ lợi ích người lao động. Với cách làm kiên trì nhưng quyết liệt, dần dần cả chủ DN và người lao động đều nhận thấy được vai trò tổ chức đảng đối với hoạt động của đơn vị. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, Nghị quyết đã đi vào đời sống của các DN ngoài khu vực nhà nước.

Sau sáu năm thực hiện, từ lúc chỉ có hơn 700 tổ chức đảng, chủ yếu thuộc các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, đến nay, thành phố đã thành lập mới được 1.047 tổ chức đảng, nâng tổng số tổ chức đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước của Hà Nội lên 1.798; kết nạp mới 6.739 đảng viên, trong đó có 25 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Cùng với đó là 2.484 tổ chức công đoàn với 255.372 đoàn viên; 886 tổ chức đoàn thanh niên và hơn 27.000 đoàn viên. Kết quả này giúp Hà Nội đi đầu cả nước cả về số lượng, cũng như chất lượng của các tổ chức đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Cùng với Nghị quyết số 09, một nghị quyết chuyên đề toàn khóa khác là Nghị quyết 06 ngày 30-10-2011, về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015”, cũng được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 15 ban hành và thực hiện hiệu quả. Từ năm 2011 - 2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; đồng thời, kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng đầu tư 101 tỷ đồng cho vùng khó khăn. Nhờ nguồn lực đầu tư này, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay, tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hằng năm hơn 12%. Ðến nay toàn bộ các xã có đường ô-tô đến trụ sở UBND xã, hơn 60% đường trục thôn được bê-tông hóa; toàn bộ các hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đến 30 triệu đồng/người/năm, có xã hơn 40 triệu đồng; thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, có 6 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Chọn vấn đề “nóng” để giải quyết

Bài học kinh nghiệm quan trọng từ việc xây dựng, thực hiện hai Nghị quyết chuyên đề của khóa 15 đã được Ban Thường vụ Thành ủy khóa 16 tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Lần lượt các Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển du lịch, Nghị quyết chuyên đề số 08 về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết số 11 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 15 về củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đã được ban hành, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.

Nhờ được tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cho nên nhiều việc trước đây “mặc định” là của chính quyền, nay đã được “tiếp sức”, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ sau hai năm thực hiện Nghị quyết 06 ngày 26-6-2016 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,83 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2016 và chiếm 27,1% cả nước. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 71 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

Thành ủy Hà Nội chủ động lựa chọn những vấn đề “nóng” như giải phóng mặt bằng hay bảo vệ môi trường để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Như Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo" không chỉ quy rõ trách nhiệm của từng cấp ủy, chính quyền, mà còn đưa ra các giải pháp linh hoạt để triển khai, như việc người dân có thể nhận tiền thay vì nhận nhà tái định cư theo thông lệ trước đó. Nhờ vậy, năm 2017, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt 23.192 phương án (bằng 120% so với năm 2016), với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 10.519 tỷ đồng (bằng 193% so với năm 2016), nhận bàn giao mặt bằng 869 ha đất (tăng 151 % so với năm 2016).

Một nghị quyết chuyên đề quan trọng trong nhiệm kỳ này là Nghị quyết số 15, ban hành ngày 4-7-2017 về việc "Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội" đang được Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo và từng bước đi vào cuộc sống. Từ một số vụ việc bức xúc, trong đó có nguyên nhân từ năng lực yếu kém của các tổ chức đảng, nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị tại cơ sở, thành phố đã rà soát, đánh giá, phân loại 200 vụ việc nổi cộm cần tập trung giải quyết ở 164 xã, phường, thị trấn. Với sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí phải xử lý kỷ luật cán bộ, đến nay, 82 vụ việc đã được giải quyết xong, có năm quận, huyện giải quyết xong toàn bộ các vụ việc. Nhiều quận, huyện còn rà soát các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở địa bàn mình để đôn đốc, chủ động các giải pháp xử lý, tạo sự ổn định ngay từ cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế từ việc thực hiện các Nghị quyết chuyên đề để có các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn. Ðơn cử như “dư địa” để phát triển thêm các tổ chức đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều, nhưng kết quả còn mức độ, trong khi chất lượng hoạt động có nơi, có chỗ còn hình thức. Hay tiềm năng về di tích, văn hóa đa dạng của Thủ đô cũng chưa được khai thác tương xứng để phục vụ du lịch. Ðối với Nghị quyết số 15, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng việc giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra là đến cuối năm 2017 giải quyết cơ bản các vụ việc phức tạp trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Một số vụ việc mặc dù đạt kết quả bước đầu, tình hình tạm thời ổn định, nhưng chưa giải quyết được tận gốc, vẫn còn tiềm ẩn phức tạp trong thời gian tới.

Hạn chế đã được nhận diện rõ và với những kết quả, kinh nghiệm đã có trong thời gian qua, chắc chắn sẽ giúp Hà Nội gặt hái nhiều thành công để phát triển bền vững hơn.

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội (Báo Nhân Dân) số ra từ ngày 3-7-2018.