Khát vọng của thành phố bên sông Cầu

NDO -

NDĐT - Nằm ở trung tâm các tỉnh trung du miền núi phía bắc, TP Thái Nguyên có tốc độ đô thị hóa nhanh bởi các khu đô thị, khu dân cư mới, khu thương mại, dịch vụ lần lượt mọc lên. Nhưng dường như thành phố này đang phát triển “lệch”, đô thị hóa chủ yếu phát triển về ba phía: tây, nam và bắc, dòng sông Cầu án ngữ nên phía đông đến nay vẫn là những làng mạc, đồng bãi bạt ngàn. Lấy sông Cầu làm trung tâm, tỉnh và TP Thái Nguyên đang nỗ lực phát triển thành phố về hướng mặt trời mọc.

Cầu Bến Tượng vừa được đưa vào sử dụng, bước đi đầu tiên để TP Thái Nguyên phát triển về phía đông.
Cầu Bến Tượng vừa được đưa vào sử dụng, bước đi đầu tiên để TP Thái Nguyên phát triển về phía đông.

Cầu Gia Bảy nhỏ bé và cũ kỹ bắc qua sông Cầu, gánh sứ mệnh nối TP Thái Nguyên với phường Đồng Bẩm (thuộc TP Thái Nguyên) và huyện Đồng Hỷ suốt từ khi nó được xây dựng đến thời gian gần đây. Vào những giờ cao điểm, cầu Gia Bảy bị quá tải, ngã tư đầu cầu nối với đường Bắc Cạn thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc cho nhân dân.

Thực trạng này đã được giải quyết kể từ cuối tháng 12-2018 khi cầu Bến Tượng được đưa vào sử dụng, cách cầu Gia Bảy khoảng 400 m về phía hạ lưu, bắc qua sông Cầu, nối phường Trưng Vương ở phía tây với phường Đồng Bẩm ở phía đông dòng sông. Hôm thông xe kỹ thuật cầu Bến Tượng, vui nhất là nhân dân hai phường Trưng Vương và Đồng Bẩm, bởi vì hằng ngày người dân hai bên bờ sông Cầu vẫn nhìn thấy nhau, nhưng trước đây không có cầu để qua lại, muốn thăm hỏi nhau phải vòng lên, qua cầu Gia Bẩy với bao nhiêu khê, nhiều khi ùn tắc. Nay cầu Bến Tượng sừng sững hiện hữu, đi lại thuận lợi, ước mơ từ bao đời của người dân và cả chính quyền địa phương thành hiện thực.

Cầu Bến Tượng và đường dẫn hai đầu dài 760 m, trong đó chiều dài của cầu là 380 m, rộng 23,6 m, gồm ba nhịp chính, bốn làn xe cơ giới, mức đầu tư gần 440 tỷ đồng, được vay từ Ngân hàng Thế giới( WB). Bến Tượng là cây cầu đẹp, được thiết kế bởi tư vấn nước ngoài, cấu tạo dạng cầu vòm ống thép nhồi bê-tông, phù hợp với cảnh quan, kiến trúc trong khu vực. Vào ban đêm, cầu được chiếu sáng mỹ thuật bằng các bộ đèn LED hắt lên vòm cong trên cả ba nhịp chính, là một trong những điểm nhấn của TP Thái Nguyên.

Có thể nói, cầu Bến Tượng được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng là bước đi đầu tiên để phát triển đô thị TP Thái Nguyên về phía đông sông Cầu theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và sinh thái. Khi cầu này được khởi công xây dựng, đất đai tại khu vực phường Đồng Bẩm lập tức tăng lên, tiến độ xây dựng các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn phường cũng được đẩy nhanh. Điều đó cho thấy, cầu Bến Tượng góp phần phát triển không gian đô thị TP Thái Nguyên về phía đông.

Khát vọng của thành phố bên sông Cầu ảnh 1

Một đoạn đê, kè, đường bên sông Cầu được xây dựng.

Tuy nhiên, với chỉ cầu Bến Tượng thì sẽ không thể gánh được trách nhiệm phát triển tổng thể TP Thái Nguyên về khu vực phía đông rộng lớn. Bởi vì, sông Cầu chảy qua TP Thái Nguyên dài hàng chục km, vào mùa mưa lũ, dòng sông trở nên hung giữ, nước ngàu đỏ cuồn cuộn chảy, đôi bờ chủ yếu vẫn là lau sậy hoang vu, đê nhỏ cũ kỹ. Người dân TP Thái Nguyên vẫn thao thức trước đê nhỏ, lũ lớn trên sông Cầu, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan xảy ra những năm gần đây.

Lấy sông Cầu là trung tâm để phát triển TP Thái Nguyên về phía đông theo hướng xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại và sinh thái là mong muốn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố và tỉnh Thái Nguyên từ nhiều năm qua, nhưng lực bất tòng tâm vì tiềm lực kinh tế, xã hội chưa đáp ứng.

Tỉnh Thái Nguyên đang trên đà phát triển, dần trở thành một cực tăng trưởng ở phía bắc, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, chính sách về thu hút đầu tư. Tất cả những điều đó đã thúc đẩy phát triển không gian đô thị về phía đông nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh chia sẻ: Với yêu cầu phát triển TP Thái Nguyên về phía đông theo hướng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, sinh thái, gắn với phát triển đô thị, du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến nhiều chuyên gia đầu ngành về thủy lợi, thủy văn, địa chất, môi trường, đô thị, du lịch... trước khi triển khai Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (Dự án hai bờ sông Cầu).

Khát vọng phát triển TP Thái Nguyên về phía đông là rất lớn, nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện là thách thức không nhỏ, khi ngân sách địa phương thì không thể đáp ứng nên Thái Nguyên đã mời gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 là nhà đầu tư trúng thầu.

Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý thực hiện Dự án hai bờ sông Cầu Dương Đình Dân cho biết: Với chín dự án thành phần, bao gồm: đê, kè, đường, cầu, nạo vét cải tạo dòng sông..., dự án hai bờ sông Cầu có tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp của nhà đầu tư là khoảng 7.000 tỷ đồng, vốn của địa phương tham gia dự án để giải phóng mặt bằng là khoảng 2.811 tỷ đồng.

Là dự án trọng điểm, liên quan đến sự phát triển lâu dài, bền vững của tỉnh, đặc biệt là của TP Thái Nguyên nên yêu cầu thực hiện Dự án một cách thận trọng, bảo đảm an toàn đê, xây dựng các công trình hiện đại nhưng phải hài hòa với cảnh quan, sinh thái và cầu thị, một đoạn đê, kè và đường kết hợp đã được xây dựng trên địa bàn phường Túc Duyên để xin ý kiến nhân dân, sau nhiều lần đã xin ý kiến trên đồ án quy hoạch và phối cảnh.

Ông Dân chia sẻ: Sau khi xin ý kiến nhân dân và chờ điều chỉnh quy hoạch đê từ cấp bốn lên cấp ba, phê duyệt thiết kế, kỹ thuật, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà đầu tư thi công dự án từ quý I - 2019 tới đây. Dự kiến, Dự án hai bên bờ sông Cầu với chín dự án thành phần sẽ hoàn thành trong thời gian năm năm.

Khát vọng của thành phố bên sông Cầu ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh và TP Thái Nguyên thường xuyên quan tâm, thúc đẩy triển khai Dự án hai bờ sông Cầu.

Là dự án trọng điểm của tỉnh, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, một yêu cầu đặt ra là không làm thất thoát tài sản nhà nước. Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Lê Quang Tiến khẳng định: Được tỉnh giao đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý Dự án và ký hợp đồng B.T, Chúng tôi dự kiến sẽ dùng quỹ đất để tạo vốn thanh toán cho nhà đầu tư. Quỹ đất sẽ được đấu giá một cách công khai, minh bạch, nếu nhà đầu tư trúng đấu giá đất thì đấy chính là nguồn hình thành vốn thanh toán. Còn nhà đầu tư không trúng đấu giá đất, tiền thu được từ đấu giá đất sẽ được chúng tôi thanh toán để nhà đầu tư hoàn vốn.

Dự án xây dựng tổng số năm cây cầu với quy mô lớn, kiến trúc đẹp bắc qua sông Cầu, 20 km hai bên bờ sông Cầu và suối Mo Linh được xây dựng đê, kè và đường. Đường dọc hai bên bờ sông, đoạn hẹp nhất được xây dựng rộng 7,5 m, đoạn rộng nhất là 27 m với cảnh quan đẹp. Phía dưới đường, dòng sông Cầu sẽ được nạo vét, cải tạo môi trường để phát triển du lịch.

Dự án hoàn thành, sông Cầu được nạo vét, chỉnh trang, hai bên bờ là các công trình hạ tầng hiện đại, đồng bộ, cảnh quan đẹp sẽ là điểm nhấn, tạo động lực cho TP Thái Nguyên thu hút khách du lịch, thu hút đầu xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao, khu đô thị... Đặc biệt, không gian đô thị rộng lớn sẽ được mở ra, phát triển về phía đông sông Cầu để phục vụ phát triển trước mắt, lâu dài.

Với quyết tâm của tỉnh, TP Thái Nguyên và tiềm lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, khát vọng xây dựng TP Thái Nguyên bên sông Cầu khang trang, sinh thái, giàu bản sắc, không xa sẽ thành hiện thực.