Nâng cấp chợ An Đông

UBND quận 5, TP Hồ Chí Minh vừa có buổi gặp mặt các tiểu thương và báo chí chung quanh việc nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (Chợ An Đông). Tại cuộc gặp mặt, nhiều ý kiến tâm huyết được nêu ra nhằm xây dựng lại ngôi chợ truyền thống có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.

Chợ An Đông.
Chợ An Đông.

Cùng với chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bàn Cờ (quận 3), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Tân Định (quận 1), chợ Bình Tây (quận 6)…, chợ An Đông là nơi mua sắm lâu đời của người dân khu vực Chợ Lớn nói riêng, TP Hồ Chí Minh nói chung và cũng là địa chỉ thu hút du khách trong, ngoài nước tham quan. Bà Thái Kiều Nhi (quận 10) chia sẻ: “Tôi theo mẹ đi chợ từ nhỏ xíu. Khi ấy, từ sáng sớm chợ đã náo nhiệt đến tận khuya. Phía sau chợ là hàng thịt tươi, các bà nội trợ thường ghé vào lúc sáng sớm. Riêng khu vực trái cây ngon được bày bán bên hông nhà lồng chợ. Từ khi có siêu thị, tôi vẫn chưa thể bỏ thói quen đến chợ. Nghe từng âm thanh trả giá, nghe bạn hàng quen gọi mời, đôi khi mua thiếu thoải mái… là thứ mà chợ xưa còn duy trì”. Cùng tâm trạng, anh Thanh, một tiểu thương ở đây nói: “Tôi bán hàng khô trong chợ đã hơn nửa đời người. Một ngày không ra chợ, tôi thấy bứt rứt lắm. Bây giờ chợ khang trang hơn xưa, hằng ngày tiểu thương chúng tôi đều tiếp xúc du khách từ khắp nơi, tôi rất hãnh diện về ngôi chợ này”.

Theo Trưởng ban Quản lý Chợ An Đông Nguyễn Phước Hòa, chợ được hình thành năm 1950, đến năm 1989 chợ được đầu tư xây dựng mới và đến năm 1991 được nâng cấp hoạt động thành Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông, với quy mô sáu tầng. Chợ có tổng diện tích mặt bằng 25 nghìn m2 (mỗi tầng năm nghìn m2), diện tích xây dựng 18 nghìn m2. Tổng số sạp thiết kế: 2.718 sạp. Số hộ hoạt động kinh doanh dao động từ 1.230 đến 1.280 hộ. Lượng khách đến tham quan giao dịch mua sắm, bình quân 2 nghìn người/ngày. Vào dịp lễ, Tết, số người đến chợ còn tăng hơn, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.
UBND quận 5 cho biết, từ chỗ buôn bán lâu đời, duy trì tư duy cũ, năm 1991, Ban quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông được UBND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập. Để cạnh tranh với việc ra đời của hàng loạt siêu thị, Ban quản lý đã có hoạt động chuyên nghiệp với các bộ phận chuyên môn như: kế toán - văn phòng, quản lý ngành hàng; Đội bảo vệ - Phòng cháy, chữa cháy, Tổ kỹ thuật, Đội vệ sinh. Về tổ chức chính trị, chợ An Đông hiện có Chi bộ Đảng, Công đoàn cơ sở, chi Đoàn TNCS, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và đặc biệt là Tổ công tác người Hoa vì chợ thu hút tiểu thương và người mua sắm là người Hoa rất đông.

Ông Vũ Dương Lâm, nhân viên Ban quản lý Chợ An Đông tự hào cho biết về công việc hằng ngày của mình: Một nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện thu nộp ngân sách theo kế hoạch quận giao; phối hợp cơ quan thuế đôn đốc hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế theo chỉ tiêu kế hoạch hằng năm bởi doanh số bán ra hằng năm của chợ ước tính hơn 3 nghìn tỷ đồng; thu nộp ngân sách (thuế, phí chợ) trên 60 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng và phát triển đoàn thể cơ sở vững mạnh, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua và vận động tiểu thương tham gia hoạt động từ thiện xã hội. Cụ thể, đợt bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền trung vừa qua, chúng tôi cùng tiểu thương trong chợ tổ chức rất nhiều hoạt động quyên góp, cứu trợ, qua đó nâng cao truyền thống “tương thân, tương ái” của tiểu thương Chợ An Đông, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta.

Tại buổi gặp mặt, các tiểu thương chợ An Đông đã nêu tình trạng xuống cấp của chợ gần đây gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh mua bán và kiến nghị quận 5 nên xem xét lại vấn đề thuế và các loại phí hay có những chính sách ưu đãi cho tiểu thương. Ngoài ra, các tiểu thương đề nghị chính quyền nên xem xét việc lắp đồng hồ điện cho từng quầy - sạp để bà con tự chịu chi phí trên mức tiêu thụ điện của mình… Trao đổi với các tiểu thương, Trưởng phòng Kinh tế quận 5 Lê Thị Loan ghi nhận những kiến nghị của bà con và cho biết, việc nâng cấp, sửa chữa Chợ An Đông gồm các hạng mục: Hệ thống cấp, thoát nước, nhà vệ sinh công cộng; Hệ thống điện động lực; Hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chống sét; Ô giếng trời, nội - ngoại thất; Hệ thống xử lý nước thải; Lắp đặt hai thang máy nâng hàng, tải khách. Hiện nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hạng mục “Cải tạo hệ thống điện động lực” và hạng mục “Cải tạo hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh công cộng” với kinh phí 9,4 tỷ đồng. Các ngành chức năng đang tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục còn lại theo quy định.