Người truyền cảm hứng bình thường!

NDĐT - Đại úy biên phòng Trần Bình Phục bỗng trở thành “thầy giáo quốc dân” sau khi trở thành Đại sứ truyền cảm hứng We Choice năm 2018. Một năm sau khi thành “biểu tượng”, lớp học ở đảo Hòn Chuối vẫn tiếp tục tiếng ê a, như chưa từng có những cờ hoa của các cuộc vinh danh.

Bao giờ đảo này mới có giáo viên?

Câu chuyện bắt đầu với thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục như vậy, tranh thủ khi nghỉ giữa giờ học. Lớp học đủ các lứa tuổi, ngồi đủ các góc, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ. Thầy giao bài cho đứa này, rồi tranh thủ giảng bài cho đứa kia.



Đại úy Trần Bình Phục (TBP): Lớp học này đã đi vào nề nếp rồi. Phòng học trước nhỏ thôi, giờ phá đi một cây xoài rồi xây được khang trang như giờ. Nếu có các thầy cô giáo ra đây giảng dạy thì tốt hơn rất nhiều. Có cố gắng đến mấy đi nữa thì tôi cũng là một người lính, dù cho có học như thế nào đi chăng nữa, bồi dưỡng trình độ sư phạm gì thì trước sau tôi vẫn có hạn chế, không bằng đào tạo chính quy như thầy cô giáo thực thụ. Nếu có thầy cô giáo thì khoảng cách từ đảo với đất liền cũng gần hơn, các em vào bờ học cũng đỡ bỡ ngỡ hơn.

Phóng viên (PV): Làm sao anh xử lý được giáo án cho một lớp ghép như thế này?

TBP: Có ba vấn đề lớn: Một là giáo án, hai là phương pháp, ba là thời gian. Như chị thấy là thường xuyên cháy giáo án. Mình phải tận dụng tối đa. Mình không thể chạy theo giáo án học cho đủ mà không có chất lượng. Bài giảng mình cố gắng để các em có được cái cơ bản nhất thôi.

Mà thật ra tôi như bảo mẫu vậy đó, chứ không phải chỉ là giáo viên đâu. Như tụi này đâu có học lớp 1 (chỉ dãy học sinh bàn đầu tiên). Mỗi con bé này đủ tuổi thì cho làm toán lớp 1 này. Còn mấy đứa ngồi đây làm quen chữ cái thôi.

PV: Anh nói cần giáo viên chuyên nghiệp, nhưng tôi thấy anh dạy rất có nghề đấy chứ!

TBP: Tôi đứng lớp như thế này là phải học nhiều lắm. Giờ chương trình rất khó. Toán lớp 5 có nhiều bài không giải được. Tôi phải điện xin các anh chị trong đất liền cứu mình. Sau đó dạy nhiều năm thì quen, thành kỹ năng luôn.

Hồi mới nhận lớp tôi phải học cách giảng bài. Nhiều khi các đồng chí trong đơn vị bảo tôi bị thần kinh vì đêm cứ lép nhép lép nhép. Tôi phải học vậy đó. Không học đứng dạy cháy giáo án liền. Đêm vừa soạn giáo án, vừa tập. Nếu không, không có cách nào kịp. Một buổi sáng tôi cố gắng dạy 1-2 môn. Chị thấy cực không. Từ lớp 4 trở lên có thêm Sử, Địa, gần cả chục môn. Mình phải cố gắng truyền tải hết.

PV: Anh vừa dạy môn Toán về lớp nghìn, lớp triệu, lại còn tranh thủ kể cho các em chuyện nuôi cá trên đảo nữa. Tôi rất tò mò là anh học cách dạy đó ở đâu?

TBP: Phương pháp của tôi cũng đơn giản thôi. Tôi không thích rập khuôn trong sách giáo khoa. Nhiều bài trong đó các em không hiểu đâu. Tôi bảo các con cứ học theo thầy, sẽ dễ hiểu dễ nhớ hơn. Cho nên đem sách ra dạy thì các em không nắm được, mình biến thành các bài quen thuộc nơi đây thì các em mới hiểu. Quan trọng là các em có căn bản thôi. Đến khi vào đất liền các em cũng hiểu được. Nhiều em vào đất liền vẫn mang kết quả học tập ra khoe tôi, đó là niềm vui rất lớn.

PV: Năm ngoái nhận danh hiệu Đại sứ truyền cảm hứng, anh nói có ba điều mong muốn với Hòn Chuối là các em có được ngôi trường khang trang, người dân biết trân quý tri thức và các em sẽ xích gần hơn đất liền. Hình như bây giờ những điều đó đều đã thành hiện thực. Anh còn mong muốn gì nữa không?

TBP: Tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa. Rồi mong bà con phát triển kinh tế hơn. Bộ đội biên phòng giúp bà con nhưng giúp ở phần giới hạn thôi. Ở đây bà con có mô hình kinh tế nuôi cá bớp. Bà con cần được quan tâm để có đầu ra. Chứ nếu không được quan tâm, rồi giá nông sản thì bị thương lái ép, sức bà con bao nhiêu năm không được coi ra gì.

Rồi tôi mong có giáo viên về đây. Hồi đó đến giờ Hòn Chuối chưa từng có giáo viên, toàn là cán bộ biên phòng thay nhau đứng lớp.

PV: Học trò của anh nhiều người vào bờ rồi, các em có còn liên lạc với anh không?

TBP: Lứa học trò ở Hòn Chuối từ những ngày đầu tiên có vài đứa đỗ đại học là đi làm ngon lành rồi, làm ở Cần Thơ, Cà Mau. Kế bên nhà đây có em Duy Tuấn vừa tốt nghiệp khoa Xây dựng, ĐH Bình Dương ra trường làm tháng cũng được 5-7 triệu đó. Còn từ khi tôi dạy gần 10 năm qua thì có em lớn nhất đỗ cấp 3 thôi. Tôi đã chuyển vào đất liền tổng cộng 22 em. Trong đó có 4 em học cấp 3.

PV: Lớp học Hòn Chuối này trước anh cũng đã có nhiều người rồi?

TBP: Trước tôi có 6-7 giáo viên rồi, tôi là người kế tục thôi. Hình như đến giờ thì tôi ở lâu nhất. Những người trước 1 năm, 2 năm, có người 3 năm, tôi sắp tính đến con số 10. Cũng phải cám ơn mọi người, các cấp lãnh đạo, năm qua thầy trò chúng tôi được quan tâm nhiều. Hiện tại lớp có 23 em.

Người ta vẫn bảo tôi khùng

PV: Anh biết không, câu chuyện của anh thực sự rất lạ. Vì anh viết đơn xin ra đảo, lại còn xin nhiều lần.

TBP: Phải, tôi xung phong ra đảo. Tôi gắn bó với đảo Hòn Chuối này nó không có trong dự tính đâu. Nó là câu chuyện rất dài. Lần đầu tôi đặt chân đến Hòn Chuối sau cơn bão Linda 1997. Lúc đó tôi thấy bà con khổ quá, gạo còn không có ăn nói gì học. Rồi đến năm 1999 thì tôi ra Hòn Chuối làm nhiệm vụ. Đến 2003 tôi lại quay lại. Rồi từ đó mới nghĩ đến ở lại đây, vì thấy bà con khổ quá. Không biết sao tôi thích đảo này. Tôi tình nguyện viết đơn nhiều lần để được xin ra đảo này. Có nhiều người bảo tôi bị khùng. Nhưng thực sự là tôi xin ra, xin nhiều lần đấy. Lãnh đạo thương lắm, bảo tôi người ta xin về không được, mình ra đây làm cái gì. Nhưng tôi quyết tâm xin. Trước đó tôi vẫn ở TP Hồ Chí Minh.

PV: Hồi đó ăn còn không đủ, anh thuyết phục bà con cho con em đi học như thế nào?

TBP: Lớp học mới đầu có 4-5 em thôi, mà đi vận động cả năm trời mới đầy đủ hết. Lúc đó vừa vận động vừa thuyết phục, vừa cưỡng ép đủ thứ hết.

Hồi đó nó 8 tuổi, lỳ lợm, ít nói. Bữa đó tôi không nói được, mà mình ức quá, mới xuống chỗ nó bẻ luôn cần câu của nó rồi vác lên đây học (lớp học đồn biên phòng Hòn Chuối nằm giữa dốc, cách khu vực nhà dân phía cầu cảng khoảng 400m đường dốc - PV). Rồi từ đó nó theo học. Bây giờ bạn nhỏ theo bạn lớn, thấy học vui quá rồi cứ lóc nhóc lóc nhóc kéo nhau lên đây. Giờ nó theo gia đình chuyển hẳn về Cần Thơ. Tết năm nào cũng về đây thăm tôi đó. Nó chạy ra đây điều đầu tiên là lên thăm thầy trước. Mà nó vẫn lóc chóc lắm.

Tôi làm chuyện bình thường, còn rất là bình thường ấy

PV: Trần Bình Phục bây giờ là một biểu tượng truyền cảm hứng rồi. Rất nhiều người quan tâm đến anh và lớp học. Anh có bao giờ cảm thấy áp lực trong suốt một năm qua?

TBP: Tôi cũng suy nghĩ đấy. Nhưng mà riết rồi mình không quan tâm. Hồi đó tới giờ tôi đâu nghĩ đó là áp lực đâu. Tôi thấy rất bình thường. Lúc tôi lên nhận giải thưởng hai cái cúp đại sứ We Choice cũng có nói là tại sao chọn tôi, không để cho Noo Phước Thịnh hay những nhân vật ưu tú khác. Tại vì tôi nghĩ việc mình làm bình thường thôi. Mặc dù tôi rất trân trọng nhưng tôi không nghĩ đó là áp lực. Việc đó là sự trân trọng rất lớn, là nguồn lực, sức mạnh để tôi càng đứng vững hơn.

Mình thấy mình làm chuyện bình thường, cứ làm thôi. Mà thậm chí còn rất là bình thường ấy. Mà thực ra được mọi người quan tâm tôi rất là cảm ơn. Đó là một động lực, như sức mạnh vô hình, giúp mình cố gắng hơn, chiến đấu tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đại úy Trần Bình Phục, hiện đang công tác tại đồn biên phòng 704 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, đã có chín năm làm giáo viên đứng lớp cho các học sinh trên đảo.

PV: Nhưng anh biết đó, số đông chín người mười ý, làm cảm hứng cho số đông không dễ dàng, có lúc mình chẳng muốn cố thì sao?

TBP: Sóng gió thì lúc nào cũng có ở những nơi tiền tiêu như thế này. Nên không sao đâu. Tôi tin rằng phía sau chúng tôi có những tấm lòng. Và có những cánh tay. Khi chúng tôi ngã quỵ thì những cánh tay đó sẽ kéo chúng tôi đứng dậy. Tôi tin rằng đó là động lực và tôi trân trọng điều đó. Không vì thế nó là áp lực với tôi. Tôi nghĩ vì thế mình càng cố gắng để càng làm tốt hơn.

PV: Tôi có thể hỏi về bệnh tình của anh không?

TBP: Cái chuyện bệnh của tôi nó dài lắm. Tôi nghĩ chẳng cần nói đâu. Tôi chỉ nói là mình rất ổn. Nếu các anh chị cứ đến đây, đến đồn biên phòng, thì vẫn thấy tôi ở đây cầm viên phấn để truyền tải kiến thức cho các em là biết tôi khỏe rồi.

Nhân đây, cho tôi gửi lời chúc Tết tới đất liền, tới mọi người. Cám ơn mọi người đã giúp đỡ ủng hộ chúng tôi.

PV: Cảm ơn anh rất nhiều.

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền gần 32 km về phía Tây, diện tích đảo khoảng 7 km2, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170m.

Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Hiện nay trên đảo có một tổ nhân dân tự quản với hơn 40 hộ dân và hơn 130 nhân khẩu, người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, chỉ có một lớp học tình thương do cán bộ biên phòng quản lý.