Tự hào là nông dân Việt

NDĐT - Dù đã được tôn vinh là nghệ nhân ưu tú – báu vật làng nghề ươm tơ, dệt lụa; song dường như chưa bao giờ bà Thuận sống với tâm thế đó, bà luôn xem, luôn tự hào là một người nông dân, làm giàu và an vui tự tại trên chính đồng đất quê mình.

Nhìn thấu giá trị con tằm

Dòng sông Đáy đã thay màu nước, nhưng nét hiền hoà uốn lượn quanh những rặng tre pheo vẫn vẹn nguyên. Bãi bồi làng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) không vì nước sông ô nhiễm mà hết trù phú, mộng mơ; cũng không khó để hình dung những bãi bồi mênh mông này trước đây là bạt ngàn cây dâu cho lũ tằm ăn rỗi.

Bây giờ, đại đa số các hộ gia đình của làng ươm tơ, dệt lụa Phùng Xá đã chuyển sang nghề dệt các loại khăn bông. Những lời người thợ cứ loi choi qua lớp bụi bông, qua tiếng inh ỏi của máy móc: “Theo mãi nghề nuôi tằm dệt lụa thì chết đói”.

  “Theo mãi nghề nuôi tằm dệt lụa thì chết đói”

Thế nhưng xưởng dệt giữa làng Hạ của bà Phan Thị Thuận bao năm vẫn giữ nghề gốc của Phùng Xá: Ươm tơ, dệt lụa tằm. Bà Thuận thủng thẳng: “Người làng nghề có sẵn đất trồng dâu lấy lá nuôi tằm, rồi ươm tơ dệt lụa. Trời mát thì làm việc ngoài đồng dâu, lúc nắng lên về nhà bên nong tằm, khung cửi. Luôn tay luôn chân nhưng làm chủ về giờ giấc, không lệ thuộc vào ai. Đấy, cái sướng của người nông dân, nhiều nghề khác “nằm mơ” cũng không được”.

Vóc người bé nhỏ, tuổi sáu mươi lăm mà bà Thuận vẫn thoăn thoắt tay chân vừa tham gia các việc, vừa chỉ đạo công nhân trong xưởng; có lúc bà xăm xắn xông vào gỡ rối cho người thợ đang lúng túng bên vuông lụa, có lúc hết nghe điện thoại lại tỉ mẩn ghi chép, tính toán đơn hàng.

Chúng tôi bày tỏ ấn tượng và sự ngưỡng mộ trước câu chuyện Phùng Xá chặt bỏ bãi dâu, đẩy nghề nuôi tằm vào quá vãng, riêng bà đạp xe vào tận vùng Kim Bôi – Hoà Bình tìm mua lá dâu về cần mẫn nuôi tằm. Bà Thuận dừng tay, kính lão trễ trên sống mũi, ánh mắt thôi lóng láy, giọng bà đanh lại: “Sao các chị biết chuyện đó? Các chị nói chính xác tôi nghe nào”.

Cứ ngỡ cuộc gặp của chúng tôi thế là hỏng trước sự khó tính của bà. Chẳng ngờ càng tiếp xúc lại càng thấy người phụ nữ này cởi mở, nhiều khi chúng tôi phải cắt ngang cái mạch nói đang “thao thao” của bà; và sự khó tính, kỹ tính ấy cùng từ “đặc thù nghề nghiệp” mà thành.

Từ ngày bé, bà Thuận đã sống với không khí nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của người Phùng Xá; bà cùng mẹ ra bãi hái dâu, cùng bố ngồi bên con quay, cái suốt. 18 tuổi bà trở thành kế toán thống kê của hợp tác xã dâu tằm. Ngày ngày bà ghi chép chi tiết từng việc của xã viên, buổi trưa đón những gánh dâu người ta mang về để thống kê vào sổ sách, chiều đến lại ghi sổ từng cân phân tằm mà xã viên đổ vào nhà phân; hết một lứa tằm là thống kê, cân đối xem nhà ai nuôi tằm hiệu quả.

Từ những công việc ấy, cô kế toán Phan Thị Thuận đã “nhặt” được kinh nghiệm, phát hiện được “bí quyết” của từng khâu chăn tằm. Cô cũng nhận ra nghề trồng dâu, dệt lụa của quê mình thực sự là nghề quý, và con tằm hoàn toàn có thể giúp người nông dân làm kinh tế.

Một mình lội ngược dòng

Cuối những năm Sáu mươi, một xí nghiệp ươm tơ được xây dựng ở Mỹ Đức để thu mua kén cho bà con. Nhớ lại thời gian đó, bà Thuận vẫn thấy tấm tức, ánh mắt long lên, bà nói xoa xoả: “Làng tôi là đất ươm tơ, có nghề từ thời nhà Lý, đến năm 1928 có thêm nghề dệt, nên chúng tôi biết rõ kén nào là kén tốt, con nào có thể lên tơ đẹp. Nhưng bán cho xí nghiệp, họ làm ào ào thiếu trách nhiệm. Kén của tôi tốt mà họ mua với cái giá của kén loại ba nên tôi không bán, gánh về. Tôi thuê bà cụ hàng xóm ươm tơ thì tơ lên rất đẹp”.

Không lâu sau xí nghiệp làm ăn kém hiệu quả phải đóng cửa, kén tằm làm ra không biết bán đi đâu, Phùng Xá buộc phải chặt bỏ dâu trồng cây lương thực để giải quyết vấn đề… “cứu đói”. Nhìn bãi dâu ngút ngàn bị chặt bỏ, tiếc của, bà Thuận xin về trồng, tiếp tục chăn tằm và tự ươm tơ. Lúc ươm được tơ mang bán rồi bà giật mình: “Lãi thế này mà làng mình không giữ được nghề tằm tang!”

  Không chấp nhận bán kén giá rẻ bà Thuận gánh về tự ươm tơ dệt lụa

Mặc cả làng coi mình là gàn dở, bà Thuận đạp xe vào tận nông trường Thanh Hà (thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình), ở đó người ta trồng dâu lấy quả làm rượu vang. Bà đặt vấn đề xin được mua… lá của năm ha dâu. Rồi bà về, thuê bảy hộ gia đình, mỗi hộ ba người đạp xe vào Kim Bôi hái lá dâu. Nhưng đường xa, xe đạp, chở được lá dâu về thì dập, hỏng; con tằm lại nhạy cảm, “kỹ tính” nên nhất quyết không ăn.

Đánh đường tìm dâu không hiệu quả, bà nghĩ đến việc thuê lại đất để khôi phục bãi dâu trên chính quê mình. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa; gia đình bà đảm nhiệm được hết; nhưng lại vướng phải việc… thừa tơ vì dệt không thể hết được. Cuối những năm 80, nếu mang bán là bà bị xếp vào hàng… buôn lậu. May mắn, đến năm 1990, huyện Mỹ Đức “mở cửa”, bà Thuận ra Hà Nội tìm đường xuất khẩu tơ tằm.

Các mối buôn ở Hà Nội mang kén của bà sang Thái-lan đổi lấy “giấc mơ” (xe máy dream) đem về Việt Nam. Sau đó “giấc mơ Thái” bão hoà, việc bán kén lại rơi vào cảnh phập phù. Bà Thuận tiếp tục lần tìm những bạn hàng khác. Lúc “bắt” được mối hàng lại không đủ tư cách pháp nhân để xuất khẩu. Sau nhiều lần vướng như thế, tức khí, bà nông dân Phùng Xá quyết định thành lập Công ty Nam Phong để đủ điều kiện bán tơ cho người Pháp, người Nhật…

Sáng tạo ra “của độc”

Suốt mười năm sau khi mở công ty, bà Thuận vẫn đều đều dệt lụa, đều đều bán tơ cho “Tây”. Với “căn tính” nông dân, thế đã là quá đủ. Nhưng với bà Thuận thì không, khoảng năm 2010, thấy người làng hễ đi Trung Quốc chơi là xách về cái chăn tơ tằm đến 4-5 triệu đồng bạc bà tức lắm – cái tức khí “người ta làm được sao mình không làm được?” của nhà nông cứ khiến bà trăn trở mãi.

Giọng bà Thuận khẽ chùng xuống, bà nói: “Kể cả khi đã mở công ty, tôi vẫn vướng nhiều khó khăn, khi thì không có nguồn nguyên liệu, lúc có nguyên liệu rồi lại không có nhân công; dạy được việc cho một số cô trong làng, nhưng chẳng được bao lâu họ đi lấy chồng, thế là bỏ nghề. Một số hộ ươm tơ trong làng vẫn đau đáu với con tằm, trong khi bao năm xuất tơ bán cho Trung Quốc lại vô cùng bấp bênh”.

  Một số sản phẩm tơ tằm

Sau nhiều đêm trắng, bà Thuận hiểu, nếu so về máy móc, công nghệ lẫn vốn liếng thì Phùng Xá nhà bà chẳng thể nào “đấu” lại người Trung Hoa. Nên bà quyết định không làm giống họ - kéo kén tằm ra làm chăn, mà sẽ dùng chính những con tằm làm thợ dệt.

Thế là thay vì bán kén cho người ươm tơ, thay vì đưa tơ vào máy dệt; bà đã biến mỗi con tằm thành một “người thợ” chuyên nghề canh cửi. “Khi con người không làm tổ cho tằm thì nó không thể cuộn những sợi tơ thành kén, nhưng vẫn phải nhả tơ vào không gian theo đúng quy luật tự nhiên. Để chúng nhả tơ trên một mặt phẳng có kích thước định sẵn và “canh” không cho chúng “chạy” lung tung ra ngoài, thì tơ của con nọ sẽ đan xen vào tơ của con kia thành những lớp dày. Thế là con người không cần đan, không cần dệt, chỉ cần mang đi tẩy theo phương pháp truyền thống là đã có được chiếc chăn lụa, do chính con tằm tự dệt. Chất lượng thì không một loại máy móc nào có thể sánh bằng” – nghe bà Thuận nói, chúng tôi ngỡ những “chú” tằm kia đã thực sự hoá thành nhân công, để bà “hiểu” được trọn vẹn “phẩm chất” của chúng.

“Mền bông tơ tằm do người điều khiển con tằm tự dệt” của bà Thuận đã giành nhiều giải kép: “Giải vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2014”, “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014”, “Bông lúa vàng Việt Nam 2015”, Giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ 6”.

  Một sản phẩm khăn tơ sen

Ở cơ sở của bà Thuận, không chỉ có sắc màu nền nã, óng ả của lụa tơ tằm; mà còn có gam be mộc nguyên bản, thoạt nhìn có vẻ thô ráp, nhưng khẽ chạm tay thôi đã thấy mềm, ấm, đó là lụa từ tơ sen.

Bà Thuận khẽ khàng trải tấm khăn rộng khoảng 30cm, dài 1.7m, hương sen toả khắp gian phòng giữa chiều đông sương giá, bà bảo: “Cả mùa hè vừa rồi nhà tôi làm được 12 chiếc khăn hoàn toàn từ tơ sen, hàng làm ra không đủ bán, tôi chỉ giữ lại được một chiếc kỉ niệm này”.

Lụa sen đến với nghệ nhân Phan Thị Thuận như một sự tình cờ. Đầu năm 2017, đoàn Đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội cùng cán bộ huyện Mỹ Đức đến thăm cơ sở sản xuất lụa tơ tằm của bà Thuận, bất chợt một đại biểu nữ có nhắc đến “đặc sản” vùng hồ Inle của Myanmar: Lụa tơ sen được làm từ đôi tay những người dân làng In Paw Khone. Bà Thuận nghe nói “lụa tơ sen” thì lạ lắm, nhưng khi được nữ đại biểu kia đề nghị thử làm, bà gật đầu đồng ý ngay. Tôi hỏi khi đó sao bà “liều”, đã biết lụa tơ sen là gì đâu mà dám nhận.

Bà Thuận cười, điệu bộ, nét mặt khiến tôi nghĩ đến hình ảnh những người khoác áo tím, vàng trong các giá đồng; mắt bà lúng láy, giọng nói dẻo như đường kéo kẹo.

Công phu vì danh dự nông dân làng nghề

Từ tháng Một đến tháng Sáu năm 2017, bà bắt tay nghiên cứu miệt mài. Ra đầm sen ngoài cánh đồng làng, nghe bà ngỏ ý mua cuống sen từ lúc thân còn đương tơ, chủ đầm kêu oai oái: “Bây giờ em bán cho bác cũng được, nhưng mỗi cái cuống sen lúc này là mất một bông hoa của em”. Chưa dứt lời ông đã phải tròn mắt trước lời “đề xuất” của bà Thuận: “Vậy chú bán cuống cho tôi với giá của hoa!”

Từ tháng Bảy, bà Thuận bắt tay vào làm. Việc lấy tơ sen tốn nhiều công và khó khăn hơn bà tưởng: “Sợi tơ sen vô cùng mảnh và dễ đứt. Việc dùng dao khoanh từng vòng quanh cuống sen phải nhẹ nhàng ở ngoài rồi dùng tay vặn và kéo tơ. Cuống sen mang về đến đâu phải làm hết trong ngày đến đó, để đến hôm sau là cuống sen khô lại, tơ bị rút sợi, có làm thế nào cũng không thể lấy được tơ. Khi rút được tơ ra lại phải đồng thời vê thành sợi, đặc biệt tốn nhiều thời gian, tỉ mẩn và công sức”.

Những người thợ lành nghề nhất trong xưởng của bà Thuận một ngày chỉ lấy tơ được trong 200-250 cuống sen. Vì sợi tơ sen vô cùng mảnh (0.12 micron, trong khi kích thước của sợi len tốt là 12 micron), công đoạn lấy sợi, vê sợi hoàn toàn thủ công nên để hoàn thiện được một chiếc khăn 1.7m, mỗi người thợ phải mất đến cả tháng trời.

Khi đưa sợi lên khung dệt thì đứt liên tục, bởi sợi tơ sen hoàn toàn là thực vật chứ không có độ dai như sợi tơ tằm, thế là công nhân vừa dệt vừa phải nối sợi, kết quả tấm lụa đầu tiên đầy mối nối, xù xì không như kỳ vọng của bà Thuận cũng như công nhân cả xưởng. Chong đèn bên khung dệt, bà mày mò, cải tiến sao cho khung nhẹ hơn, độ giật khi dệt cũng giảm hơn để khắc phục: “Sau gần một năm trời với biết bao công đoạn, khi nâng tấm lụa tơ sen từ đồng đất quê mình, biến tơ trời thành lụa, tôi cười mà nước mắt trào ra”.

  Niềm tự hào lớn nhất của bà Thuận là một nông dân Việt Nam

Bà Thuận bảo, điều khiến bà thấy ấm áp và tự hào hơn cả là khi khách hàng đánh giá lụa tơ sen Việt Nam “mảnh và săn chắc, màu sắc nguyên bản nhưng mịn hơn so với lụa của làng In Paw Khone”.

Như nhiều loại sản phẩm thủ công khác, giá thành của lụa làm từ tơ sen khá cao, gấp 7-10 lần so với sản phẩm lụa tơ tằm. Vì giá thành cao, sản phẩm phụ thuộc vào mùa sen nên lụa từ tơ sen hiện nay mới dừng ở đơn đặt hàng từ dòng khách cao cấp.

Nhiều năm nay, bà Thuận đã xênh xang đứng trong nhóm tỷ phú của làng, doanh thu tiền tỉ mỗi năm từ nghề tằm tang dệt lụa. Vùng nguyên liệu của bà kéo từ Nghệ An, Thanh Hoá ra đến Hoà Bình, bao tiêu đầu ra kén tằm cho hàng trăm nông hộ.

“Tôi là người nông dân, việc gì cũng muốn làm đến cùng, muốn tìm tòi để thấy được cách làm tốt nhất, cho hiệu quả cao nhất. Tôi nỗ lực không ngừng vì muốn không ai có thể chê tơ tằm Việt. Muốn giữ được nghề làng thì phải hiểu được làng nghề mình đang đứng ở đâu, gặp khó khăn chỗ nào thì tìm cách tháo gỡ từ chỗ đó”.

Bà Thuận nói những lời rất văn hoa, song chúng tôi không mảy may thấy sự sáo rỗng, bởi không lời nào có thể che lấp niềm “tự hào là nông dân Việt” cũng như tình yêu Đất Mẹ trong đáy mắt bà.

Bài 1: “Kỳ nhân” trong “cuộc chơi” con bột sắc màu

Bài 3: Ông thợ trống kỳ lạ


Chia sẻ bài viết này

  Facebook      Twitter