“Kỳ nhân” trong “cuộc chơi” con bột sắc màu

NDĐT - Không chỉ là nghệ nhân trẻ tuổi giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he (Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), Đặng Văn Hậu còn “say” học, “say” phục hồi những món đồ xưa cũ trong dân gian, làm sống lại những gì tưởng chừng chỉ còn là ký ức.

Nếu bảo anh làm nghề bằng cái máu nghệ sĩ thì hơi quá, song quả thực, Hậu luôn muốn làm điều khác với những gì cha ông truyền dạy: Anh thuê phiên dịch, sang Thái-lan học cách làm đất nặn hoa của họ rồi về gia giảm, “chế biến” cho phù hợp với con bột xanh đỏ; từ đôi tay Hậu, lần đầu tiên tò he của người Xuân La có hốc mắt, khoé miệng sinh động, công phu như bất cứ tác phẩm điêu khắc nào… Đặc biệt và đáng trân trọng là anh làm tất cả một cách hồn nhiên, vô tư, không hề vụ lợi – nét tính cách trai làng đặc trưng hiếm hoi còn sót lại trong đời sống hiện đại này.

Cái nghề cũng lắm truân chuyên

Tò he bây giờ đã trở thành “đặc sản”, từ khi TP Hà Nội mở tuyến phố đi bộ, Xuân La có thêm cả một dãy tò he – “phố” trong phố rực rỡ sắc màu ấy chưa khi nào thôi làm trẻ nhỏ háo hức, khách phương xa trầm trồ. Đặng Văn Hậu còn mang tinh hoa của làng Xuân La quê mình, cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách tái hiện lại cả những gốc gác của từng dòng con bột trên đất Hà Nội xưa.

  Tò he trên phố đi bộ Hà Nội

Ông Bách nhớ, lần đầu tiên ông gặp, Hậu mới là cậu bé loắt choắt 13 tuổi theo ông ngoại Đặng Văn Hạ cắp thúng bột lên Hà Nội ngồi nặn con giống trước nhà thờ Lớn. Ngày đó ông đã nhìn thấy ở cậu bé Hậu sự khéo léo, vững tay; càng tiếp xúc ông càng thấy ở Hậu cái nết siêng năng, nhẫn nại; ông Bách đặc biệt chú ý đến cậu bé có thị hiếu mỹ thuật cao, luôn cầu tiến trong phát triển cái mới. Từ lần gặp ban đầu ấy đến giờ đã tròn hai thập kỷ! Hậu bây giờ là cộng sự không thể vắng mặt trong nhiều chương trình phục dựng nét văn hoá dân gian của ông.

Có “giá” là thế, song Hậu bảo cái nghề tò he mà anh trót gắn bó cũng lắm truân chuyên. Gốc tích tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) vốn không phải là… tò he. Nó đơn giản là bánh con bột các cụ nghĩ ra để bù đắp những thiếu thốn cho trẻ nhỏ mỗi dịp Tết Trung thu. Đất chiêm trũng quê Hậu bao đời chẳng đủ ăn, thì làm sao dám mơ đến đồ chơi cho con trẻ; các cụ mới nghĩ phải làm thế nào để có được một loại để trẻ vừa có thể chơi, đến khi chơi xong lại có thể bỏ vào miệng ăn ngon lành.

  Hậu say sưa nặn tò he

Anh Hậu vừa thoăn thoắt véo bột vừa say sưa giải thích: “Ban đầu bánh con bột tẻ có hai loại, một loại cầu kỳ, có đế làm bằng khung nứa gọi là con tròn; một loại không có đế, làm dễ và phổ biến hơn gọi là con bệt. Bột mang đi nấu chín trước khi nặn, nặn xong lại mang đi hấp chín một lần nữa để lấy độ bóng bẩy”.

Hậu say nghề đến độ từ khi còn chân đất học trường làng đã một buổi đến lớp, một buổi tấp tểnh theo chân ông ngoại học nghề. Ông ngoại anh, cụ Hạ là ông lão yêu tò he đến mức, khi đã ở tuổi ngoại bát tuần, cụ vẫn “trốn” con cháu ra đầu QL 1A cắp thúng bột trèo lên xe buýt vào nội thành vừa nặn tò he vừa kể các tích nhân vật cho trẻ nhỏ. Hồi bom Mỹ còn leo thang miền bắc, oanh tạc dải đất miền trung, cụ vẫn đạp xe xuyên Việt, bất cứ nơi đâu đông trẻ con là cụ dỡ đồ nghề, ngồi ven đường nặn tò he.

Anh Hậu kể ngày còn bé xíu, ông cháu anh đang ngồi ở công viên Gò Đống Đa thì bị mấy gã say rượu, xăm trổ đầy mình khật khưỡng lao vào trấn lột; moi tiền không có, họ bèn ngả bột ra ăn rồi khênh cả thúng đi mất. Sinh ra và lớn lên giữa thời bình nên Hậu không biết được những lúc làng mình tưởng như “chết” hẳn nghề nặn con bột bánh; nhưng ngoài ba mươi tuổi, anh cũng đã trải đủ thăng trầm của cái nghề độc đáo này.

Năm 1993, khi Hậu lên tám tuổi, tò he Xuân La mới thực sự có mặt trở lại; bấy giờ con bánh bột tẻ Xuân La lần đầu tiên được tham dự một hội chợ Thủ công Làng nghề ở Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Rồi người Xuân La được mời đi Nhật, đi Tây trình diễn tay nghề như “phù thuỷ”: Từ những khay bột, loáng cái mười hai con giáp đã “hiện hình” trên tay nghệ nhân làng Xuân La, trước sự trầm trồ thán phục lẫn tò mò của biết bao con mắt; dù là những nhân vật trong tích cổ hay trong hoạt hình thời hiện đại đều chẳng làm khó được đôi tay tài hoa của họ. Riêng Hậu khi mới ở tuổi đôi mươi đã được xem là “kỳ nhân” của làng Xuân La, bởi khuôn mặt non choẹt khi ấy là khách mời biểu diễn nặn tò he trong dịp Huế tổ chức Festival!

Đôi tay người thợ trẻ còn được mời đi đắp tượng các ông Tam Đa để thờ; đắp đủ cô Bảy, cô Bơ, cô Chúa Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, xôi, gà, thủ lợn, lá trầu, quả cau… tất cả đều bằng bột để người ta cúng lễ trong các giá đồng. Thậm chí tài hoa và điêu luyện đến độ, dẫu có lấy dải khăn bịt đôi mắt lại, Hậu vẫn nặn tò he thành thục chính xác đến từng chi tiết!

Yêu nghề, nghề chẳng phụ

“Cú nổi” “tò he đi Tây”, “tò he du Nhật” ấy chỉ vụt qua như một vì sao sa giữa trời. Khoảng năm 2008-2009, nghề làm tò he teo tóp dần. Làng có hai người được phong tặng nghệ nhân thì một người khuất núi, một người phải đi hát chầu văn thuê; cả làng rục rịch chuyển nghề gia công màn tuyn, làm mộc; Hậu lúc bấy giờ cũng phải nhận làm tranh giấy thủ công mới duy trì được cuộc sống của một gia đình trẻ.

Giữa những ngày nghề làng thoi thóp ấy, anh em Hậu nhận được đơn hàng nặn các giỏ hoa quả mini từ người Đài Loan (Trung Quốc), bột nặn do họ mang sang. Bột nặn của họ đã làm Hậu sửng sốt về độ mịn, tinh, và đặc biệt nặn xong không hề bị nứt gãy nếu để lâu; khác hẳn bột nặn truyền thống bấy lâu nay anh từng biết. Có những ngày anh em Hậu chỉ nặn gà trống Gô-loa theo đơn đặt hàng của người Pháp. Lại có những tháng phải lăn lê bò toài nặn cho đủ 51 nghìn quả ớt và chai rượu vang bé xíu giống hệt nhau để người ta xuất sang Nhật Bản.

  Hình các con vật

Nếu chất bột làm anh em Hậu ngạc nhiên thì các đơn hàng phải gia công thuê kia lại khiến họ trăn trở với nghề làng. Cuối cùng, anh em Hậu bàn nhau nhập loại bột đó về nặn đủ loại hình thù ngộ nghĩnh gắn lên đầu bút bi, bút chì thay vì que tre thông thường; tò he Xuân La mang một diện mạo hoàn toàn mới. Những năm 2010 – 2013, bút tò he làm ra không đủ bán, đánh dấu thêm một cuộc hồi sinh đầy ngoạn mục của tò he Xuân La. Đặc biệt, Hậu và các anh em của mình còn mang tò he đi “tiếp thị” đến từng trường học, nhà hàng, khách sạn hay có người nước ngoài lui tới.

Thế là từ hình ảnh “nhếch nhác đầu đường xó chợ, ăn dỗ trẻ con” (theo cách nói ít nhiều “tủi thân” của người Xuân La), Hậu và các gã trai làng xênh xang guốc mộc, áo the khăn xếp ngồi khoanh chân trên chõng tre “trình diễn” nặn tò he; thơ thới bận bộ quần áo nâu gụ làm “gia sư”, “giảng viên” cho các lứa học trò khắp nội đô; chẳng còn phải canh cánh nỗi lo chạy công an nữa. Anh Hậu cười hiền và thật như đúng… cái tên: “Mỗi buổi ngoại khoá ở các trường, thù lao chúng tôi nhận được là cả triệu bạc. Những gia đình thuê chúng tôi đến “gia sư” nặn tò he cho con cái họ, công sá trăm nghìn đồng mỗi giờ, đâu kém gì sinh viên sư phạm”.

“Lửa nghề” là bảo tồn và phát huy truyền thống ông cha

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói về Đặng Văn Hậu đầy trìu mến: “Gần Tết Nhâm Thìn 2012, chúng tôi có bàn nhau về việc nặn “tò he” con rồng cho đúng cách. Bạn đi cùng với tôi hôm đó có nêu ý nên làm con rồng đuôi nở hậu của nhà Nguyễn, và nên làm cả cặp long thăng, long giáng. Khi chúng tôi hướng dẫn, Hậu thao tác được ngay trong lần thử đầu, và mẫu con rồng này ngay sau đó được phổ biến rộng rãi cho đến giờ.

Gần đây khi thử nặn các con nghê hý châu, sư tử hý cầu theo kiểu Phố Khách (dòng con bột của người gốc Hoa trên phố cổ) rất khó, anh chàng cũng vượt qua như bỡn. Khả năng của Hậu là thế. Hậu còn cố gắng và đã thành công trong việc động viên các cụ ở quê quay lại được với các “con tròn con bệt” cổ.

  Một số sản phẩm tò he

Hầu hết các cuộc mang chuông đi đánh xứ người, giới thiệu làng nghề đặc sắc của Hà Nội đều không thể thiếu Đặng Văn Hậu và “gánh” tò he sặc sỡ sắc mầu như cổ tích của người Xuân La. Điềm đạm, khiêm tốn là cái cách mà gã trai làng này dành tất cả cho nghề truyền thống của làng.

Như lần Hậu lặng lẽ khăn gói vào Sài Gòn tìm cách học chế biến bột của cánh thợ làm hoa đất, người Sài Gòn phóng khoáng khuyên Hậu sang Thái-lan, bởi đó mới thực sự là nơi đáng học. Quyết tâm hoàn thiện cho nghề làng, Hậu thuê một phiên dịch rồi cả hai sang Thái-lan ăn dầm ở dề suốt một tuần để học cách làm đất nặn. Vẫn hồn nhiên, anh không hề giấu giếm: “Sang đó mới biết đất nặn của họ cũng chỉ là những loại bột như mình, chỉ khác ở tỉ lệ trộn. Nó giống hệt loại đất nặn mà bấy lâu nay Xuân La vẫn phải nhập ngoại với mức giá vô cùng đắt đỏ”.

Thấy tôi thán phục trước sự “chịu chơi” của mình, Hậu cười khì: “Cũng tốn, nhưng lại được cái là bây giờ tôi cung cấp đất nặn cho cả làng. “Độc quyền” luôn đấy”. Ông Trịnh Bách thì tấm tắc: “Hậu còn có sáng kiến trộn một vài loại keo vào bột để giúp con giống và mầu sắc có thể tồn tại lâu gần như đồ gốm sứ và không bị mốc. Ngoài việc mở các khóa dạy nặn tò he cắm que tre, Hậu còn dạy một lớp các học viên trẻ chuyên nặn lại các con giống bột Hà Nội cũ”.

  Sức hút của tò he

Trung thu năm ngoái, Hậu cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách và một số cộng sự của ông đã phục hồi lại gần như đầy đủ các trường phái con giống Đồng Xuân, Phố Khách, Xuân La, Huế; qua những con nghê hý châu, sư tử hý cầu, con cá vàng, bộ lục súc, không gian văn hóa của Hà Nội xưa trong ký ức bao người đã hiện lên tròn đầy trước mắt. Gian tò he của gã trai đồng chiêm trên phố Hàng Mã mỗi dịp lễ tết ấy đã thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội. Những chú tò he ngộ nghĩnh hếch hếch cái “mặt” trên tay Hậu như kiêu hãnh nói rằng: Giữa “kinh đô” đồ chơi thời hiện đại này, tò he Xuân La vẫn có những giá trị không gì so sánh được.

Mỗi người lựa chọn một nghề, và nghề nào cũng có thiện lương của nó, tôi luôn hỏi, giữa thách thức của làng nghề và sức cám dỗ của kim tiền hôm nay, có mấy ai dành trọn được yêu thương với công việc mà ông cha đã nhiều đời sáng tạo, dành trọn được cả tâm và trí của mình để thắp lên ngọn lửa nghề như Hậu.

Bài 2: Tự hào là nông dân Việt

Bài 3: Ông thợ trống kỳ lạ


Chia sẻ bài viết này

  Facebook      Twitter