Nụ cười Trung thu

Cữ này, khi chiều tối, nghe những cơn gió bắt đầu chuyển hanh hao, ngước lên trời cao, thấy "chị Hằng" như gần hơn thường lệ, dù qua thời thơ ấu đã rất lâu, lòng người mấy ai không nao nao nhớ thủa nào rước đèn phá cỗ.

Trung thu vốn là ngày vui. Nhưng không phải lúc nào cũng đi kèm những nụ cười rạng rỡ. Tôi từng gặp những nụ cười gượng lúc bế tắc của những nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu, những cái nhếch mép nặng nề của các bậc phụ huynh... khi đâu đâu cũng thấy đồ chơi tân kỳ nhập ngoại. Nhưng, mấy năm gần đây, Trung thu dường như đã tìm lại được về nguồn cội…

Xem tiếp

Những tháng năm buồn

Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) có đến mấy đời làm đồ chơi Trung thu. Thôn Hậu Ái trước nhiều người làm đồ chơi, nhất là đèn ông sao. Cuối hè, vừa việc đồng áng, người dân đã đã tranh thủ gom tre, các loại giấy chuẩn bị "vào vụ". Bảy tuổi chị đã biết làm đèn ông sao. Lớn hơn chút nữa, chị đã có thể giảng giải cho người khác rành mạch ý nghĩa của từng loại đồ chơi.

Nhưng rồi, đồ chơi hiện đại lên ngôi. Trẻ con hàng phố bị choáng ngợp bởi những đồ nhựa, đồ điện tử. Người làm đồ chơi truyền thống thưa dần, thưa dần. Cứ mỗi mùa Trung thu, lại thấy nhiều thêm các loại đèn nhựa tân kỳ. Những chiếc đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy làm ra chẳng mấy ai "nhòm ngó". Người làng Hậu Ái lần lượt bỏ nghề.

Chị Tuyến vẫn giữ ngọn đèn Trung thu, cho dù đèn lay lắt trước những cơn gió lớn.

Image

Người mua ít lắm. Ngay cả người lớn dẫn trẻ đi sắm Tết Trung thu cũng đâu có chọn mua đồ truyền thống?

Một ngày đầu tháng Tám âm lịch chục năm về trước, tôi đến nhà chị Tuyến. Ba bốn ông tiến sĩ giấy được đặt cẩn thận trên chiếc giường. Chị Tuyến bảo đều là "hàng đặt". Chị cần mẫn vót tre, dán giấy.

Tiếng thở dài nhiều lần xen vào câu chuyện về mấy chục năm gắn bó với nghề đem niềm vui cho trẻ. "Người mua ít lắm. Ngay cả người lớn dẫn trẻ đi sắm Tết Trung thu cũng đâu có chọn mua đồ truyền thống?".

Nếu chị Tuyến có hơn 40 năm "giữ lửa" đèn Trung thu, thì ông Hòa, gắn bó với chiếc mặt nạ giấy bồi những hơn nửa thế kỷ. Nói chuyện với ông Hòa, mới biết, chiếc mặt nạ không chỉ là đồ chơi, mà còn có những ý nghĩa sâu xa. Xưa, những loại mặt nạ phổ biến nhất là mặt nạ ông địa, mặt nạ con thỏ. Hình tượng ông địa bắt nguồn từ tư duy của cư dân nông nghiệp, đề cao vai trò của đất. Con thỏ tượng trưng cho mặt trăng, tháng Tám âm lịch là tháng trăng tròn nhất trong năm.

Ông Hòa cũng từng qua những tháng năm bày ra những chiếc mặt nạ mà người qua đường chẳng ai hay. Ông vẫn hì hục lấy xi măng đúc khuôn, bồi giấy, để làm mặt nạ. Khéo nghề, nên chiếc mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hòa nổi rõ từng chi tiết sắc nét, lại được vẽ lên những họa tiết đầy sắc màu. Nào là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, nào là ông phỗng, đầu trâu... Ai bảo chiếc mặt nạ giấy bồi không đẹp? Ấy thế mà vẫn không bán được. Hình như thời mở cửa, người dân bị "ngợp" trước những cái mới, cái lạ của thế giới.

Image

Bán được chẳng bao nhiêu, ông Hòa và vợ vẫn cứ "bám" lấy nghề. Cũng có lúc định bỏ, nhưng lại không đành. Hay cái nghề nó chọn vợ chồng ông để "bám" lấy.

Chiếc mặt nạ giấy bồi có số phận tương đồng với những ông đánh gậy, những chiếc đèn cù, đèn ông sao... Sắc màu Trung thu truyền thống nhạt phai kéo theo nỗi buồn của những nghệ nhân chuyên làm những loại đồ chơi người xưa để lại. Nếu chị Nguyễn Thị Tuyến là người duy nhất ở Hậu Ái còn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu, thì ở khu vực phố cổ, ngoài gia đình ông Hòa - bà Lan, chẳng ai còn làm mặt nạ giấy bồi.

Giữ lửa đèn cho những "đêm hội hóa trang"

Tôi không chắc ông Nguyễn Văn Hòa (phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) và chị Tuyến "đèn ông sao" có quen nhau không. Nếu có, hẳn hai người sẽ có nhiều chuyện để chia sẻ.

Khi được mời đến Bảo tàng Dân tộc học "trình diễn" làm đồ chơi Trung thu, chị Nguyễn Thị Tuyến cũng chẳng kỳ vọng nhiều. Có thể bán thêm được ít đồ chơi. Vậy thôi. Cả xã hội như thế, một vài nỗ lực nhỏ làm sao thay đổi được thời cuộc...

Nhưng rồi lại có thêm đơn vị mời chị đi giới thiệu cách làm đồ chơi Trung thu. Từ làng Hậu Ái, chị lỉnh kỉnh sắp xếp đồ đạc để lên đình Kim Ngân trong phố cổ. Người qua, người lại tò mò, rồi trầm trồ. Chị đâu có ngờ rằng, ông tiến sỹ giấy lại được bày trang trọng như thế, bên mâm cỗ Trung thu sắp đặt đúng kiểu truyền thống năm xưa. Những đứa trẻ quây lấy chị nhờ hướng dẫn làm đèn. Chúng reo lên khi được hỗ trợ tự làm chiếc đèn. Và chị hòa chung tiếng cười cùng lũ trẻ mà không hay biết...

Mỗi mùa Trung thu đến, chị Tuyến phải "xếp lịch" để đi trình diễn làm đồ chơi Trung thu, khi ngày một nhiều đơn vị tổ chức Trung thu theo phong vị cổ truyền hơn. Mà phong vị cổ truyền, không thể thiếu chiếc đèn ông sao, thiếu ông tiến sĩ giấy.

Image

Tôi mới gặp lại ông Nguyễn Văn Hòa, không đâu xa, tại không gian Phố Sách Hà Nội (phố 19-12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong cuộc giao lưu mang chủ đề "Đằng sau chiếc mặt nạ là câu chuyện văn hóa". Người nghệ nhân làm mặt nạ hôm ấy đứng trên sân khấu trang trọng, phía dưới là hàng trăm đứa trẻ. Ông say sưa làm mặt nạ giấy bồi, hướng dẫn bọn trẻ để chúng có thể tự làm ở nhà. Khi bồi xong "phôi" của chiếc mặt nạ, ông giơ lên hỏi bọn trẻ đoán xem đó là hình gì. Đứa bảo con khỉ, đứa bảo con lợn... Ông cười vang, tất cả đều sai. Đó là mặt nạ ông địa.

Có người bảo, Trung thu chính là "đêm hội hóa trang" của người Việt. Trong những đám rước rộn ràng từ xưa cũ cho đến ngày nay, đều không thể thiếu những chiếc mặt nạ. Trung thu, nếu thiếu đi chiếc mặt nạ thì cũng kém đi nhiều phần háo hức.

Để trăng xưa tỏa sáng Thu nay

Gần mười năm trước, ai biết được những chương trình Trung thu ở Bảo tàng Dân tộc học, ở các di tích trong phố cổ... lại góp phần đưa đồ chơi, trò chơi dân gian trở lại cuộc sống như thế. Nhưng không chỉ có các cơ quan, mà để đồ chơi, trò chơi dân gian trở lại, còn cần những tấm lòng...

Năm 2014, họa sĩ Trang Thanh Hiền cùng với các bạn trẻ đã tổ chức chương trình "Cùng bé sáng tạo mặt nạ giấy bồi" trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật. Đến cuối ngày, chị mệt nhoài. Không thể ngờ rằng, lại nhiều phụ huynh đưa con cái đến với chương trình đến thế. Vốn là họa sĩ, nhà nghiên cứu, chị thấy cái hay, cái đẹp của mặt nạ giấy bồi. Thấy hay, thấy đẹp, dĩ nhiên là thấy tiếc, khi xã hội cứ ngoảnh mặt đi.

Nhưng làm gì để giới trẻ hôm nay yêu thích chiếc mặt nạ giấy bồi? Hãy để bọn trẻ tham gia làm mặt nạ, sáng tạo theo ý thích của chúng. Đến giờ, đã mấy năm liên tục, cứ dịp tháng Tám trăng tròn, họa sĩ Trang Thanh Hiền cùng cộng sự tổ chức các chương trình để quảng bá chiếc mặt nạ giấy bồi.

Cùng xuất hiện trong chương trình "Đằng sau chiếc mặt nạ là câu chuyện văn hóa" với họa sĩ Trang Thanh Hiền, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa là chàng trai 8x Ngô Quý Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hanoi Classy. Ngô Quý Đức đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa lần đầu cách đây đã mười năm. Trung thu nào Ngô Quý Đức cũng đến, đầu tiên là mua mặt nạ, sau là mời nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa tham gia các chương trình "truyền lửa" tình yêu với đồ chơi truyền thống. Ngô Quý Đức kể, phải mất đến năm năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa mới "nhớ mặt" Ngô Quý Đức. Đó cũng là thời điểm bắt đầu một "chương" mới, khi Ngô Quý Đức cùng những tích cực tham gia quảng bá những trò chơi, đồ chơi dân gian, trong đó có mặt nạ giấy bồi.

Những đồ chơi dân gian dễ chìm vào quên lãng, khi những nghệ nhân thường chỉ giỏi tay nghề. Cần lắm những "cây cầu" để đưa những nét đẹp của đồ chơi dân gian đến với cộng đồng.

Trung thu qua sách xưa

"Sách “Hà Nội thanh lịch” của Hoàng Đạo Thúy viết: “Với trẻ con, thì đây là tết to nhất, “tết của các em”. Từ mùng 5 tháng tám âm lịch, Hàng Gai đã rậm rịch. Các anh học trò nghèo, “các công tử dở” mà khéo tay, được dịp kiếm ít tiền. Các cậu mua giấy, mua ống giang và nhựa thông về làm đồ chơi. Dân Hàng Mã cũng làm. Có ba cách làm: bồi giấy làm đầu sư tử, voi, ngựa, tô màu rồi quét nhựa thông đun sôi lên, bóng nhoáng. Thứ hai là vót giang làm xương thiềm thừ, thỏ, ngôi sao, cá hóa rồng, phất giấy tàu bạch lên, rồi quét nhựa thông cho giấy trong như thủy tinh. Làm ông tiến sĩ mặt bằng đất quét vôi, mũ, xiêm, áo, hoa bằng giấy, ngồi ghế, một bên là cờ, một bên là biển… Nhiều nhất là đầu sư tử. Kiểu giấy bồi cho em bé, dùng ít nguy hiểm. Kiểu giất phết to hơn, mắt gỗ, ngó ngoáy, râu chỉ dứa. Thứ to bằng cái nia, để đi rước, thì phải thửa. Đèn kéo quân, loại đơn sơ nhất, có cái tán, chạy bằng đĩa đèn dầu, mang hai vòng người ngựa, có khi có ngừoi cuốc đất. Loại đèn quý, chạy cả ngày, quân bằng gấm vóc, chạy ngang dọc, diễn tích “Lã Bố hý Điêu Thuyền” hoặc “Tam anh hùng chiến Lã Bố”…."

"Trong truyện ngắn “Đèn đêm thu” của nhà văn Nguyễn Tuân kể câu chuyện về một gia đình có truyền thống khoa cử, trọng chữ nghĩa và lấy cái thanh tao làm cách sống, thì những phần việc chuẩn bị cho cái Tết Trung thu của hai đứa trẻ không phải chỉ là một cuộc vui bình thường nữa, mà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Trước Trung thu, ngoài việc phơi hạt bưởi, hạt na cho khô và chẻ đôi ra, xâu vào cái dây, thì còn “ngâm sẵn một vại ốc và bửa những quả bưởi rất khéo, cốt giữ nguyên vẹn lần vỏ, trổ vào vỏ những hình trám thủng” để làm thành một chiếc đèn cù. Em bé gái tròn một tuổi được cha làm cho chiếc đèn kéo quân bằng bìa của một cuốn sách cũ, có tới hai tán xoay ngược chiều nhau. Và đỉnh cao nghệ thuật là chiếc đèn xẻ rãnh, với câu chuyện trích từ Ngô Việt Xuân Thu, khi Phạm Lãi đem Tây Phi sang dâng Ngô Phù Sai, có Ngũ Tử Tư đứng can. Các nhân vật được gọt từ sáp, với đủ biểu cảm mặt đỏ là trung thần, mặt trắng là nịnh thần, mặt trắng có chấm đỏ là gian thần…"

“Olympic trò chơi dân gian”, tại sao không?

Đúng vào ngày Ban Quản lý Phố Sách Hà Nội tổ chức chương trình "Hội sách Trăng tròn", ở khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không khí “nổ tung” với cuộc thi Olympic trò chơi dân gian Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, các trò chơi dân gian được diễn ra quy mô dành cho các bạn trẻ do Trung tâm UNESCO Bảo tồn và giao lưu văn hóa quốc tế phối hợp với nhóm Sân Đình – nhóm những bạn trẻ yêu văn hoá Việt tổ chức. Trong một không gian rộng lớn, Ban Tổ chức đã thiết kế ba phần: Trải nghiệm, triển lãm và thi đấu. Tại đây, các em nhỏ sẽ được tìm hiểu, hướng dẫn cách chơi của nhiều trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, đánh chuyền, đánh đáo, chơi ô ăn quan...

Ban Tổ chức của chương trình gồm phần nhiều là những bạn trẻ 9x. Đại diện nhóm Sân Đình, bạn Nguyễn Thị Thuỳ Vân cho biết: “Nhiều trò chơi dân gian giúp trẻ vận động, luyện tập sự khéo léo và phát triển trí tuệ. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giúp các bạn trẻ hiểu thêm về trò chơi dân gian, giúp trò chơi dân gian trở lại cuộc sống”. Tổng cộng có 14 trò chơi dân gian được nhóm Sân Đình giới thiệu. Không chỉ các bạn nhỏ, nhiều thanh niên và cả người lớn cũng có dịp “trở về tuổi thơ”, nhất là khi thử sức với trò đi cà kheo hay kéo co. Náo nhiệt hơn cả là trò chơi ô ăn quan trên một “sân thi đấu” lớn. Thay vì những ô ăn quan nhỏ, Ban Tổ chức kẻ một ô ăn quan rộng hàng chục mét. Những thành viên tham gia chơi rất dễ bị “ngợp” trong không gian lớn, nên dù nhiều bạn thạo cách chơi, vẫn không tránh khỏi sự lúng túng khi phải đi rải “quân”, tạo nên những tràng cười sảng khoái.

Những cùng với đồ chơi dân gian, những trò chơi dân gian cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Ai bảo không đem được "ô ăn quan" lên chung cư? Những bạn trẻ của nhóm Sân Đình kỳ vọng thế.

Từng đi nhiều nơi, gặp nhiều người, ngay lúc gặp những con người như chị Tuyến, ông Hòa vào thời điểm nghề của họ gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng tôi biết cuộc sống này luôn có những người "ngược dòng" như thế. Và rồi thế nào cũng vẫn có người hiểu được tấm lòng của họ. Và những mùa Trung thu gần đây, là những mùa Trung thu trở về nguồn cội. Những người nghệ nhân đồ chơi Trung thu đã tìm lại nụ cười, hòa trong tiếng cười con trẻ.

Trong ký ức của mỗi người luôn tồn tại một cái Tết Trung thu thời thơ ấu, và ai cũng muốn con mình trải qua những cái tết Trung thu đẹp như thế. Và cứ như thế, cách đón Trung thu truyền thống lại được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.