Tin tức giả, hệ quả thật
Bài 1: Nhận diện tin tức giả

Xuất bản: 30-12-2017

NDĐT - “Khẩn cấp: Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần; Không đủ tiền tiêu hủy, Chi cục Thú y đề nghị Thảo Cầm Viên mua lại chó hoang làm mồi cho sư tử; Đề xuất cấm tất cả công chức Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật”. Trong số các độc giả đang đọc bài viết này, đã có những ai từng nhìn thấy, đọc và chia sẻ các thông tin kia trên mạng xã hội? Liệu có ai thấy nghi ngờ hoặc bức xúc khi đọc những tin này? Vậy, liệu độc giả có biết chúng đều là những tin bịa đặt hay gọi theo cách gọi của phương Tây là “Fake news” (tin tức giả)?

Giả từ thật

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ cuối năm 2016 đến nay, thế giới đề cập nhiều về tin tức giả, từ định nghĩa, hiện trạng tin tức giả đến các biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng, thống nhất về tin tức giả. Theo định nghĩa của từ điển Collins, tin tức giả là “những thông tin sai, thường là giật gân, được phát tán dưới vỏ bọc tin tức. Trong khi đó một số hãng tin tức định nghĩa, tin tức giả là những tin tức hoặc câu chuyện trên internet không đúng sự thật. Định nghĩa của từ điển Collins sát nhất với nghĩa của từ “fake news” hiện đang được đề cập nhiều trên truyền thông trong khi định nghĩa còn lại bao hàm rộng hơn, ngoài những thông tin sai dưới vỏ bọc tin tức còn có những thông tin, câu chuyện không đúng sự thật được lan truyền trên internet.

Chiếu theo các định nghĩa kể trên, có thể phân loại tin tức giả thành hai loại: Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác (bao gồm cả những thông tin thông thường và những thông tin được trình bày giống như một tin báo chí) được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Trên thế giới và Việt Nam đều có những trường hợp xảy ra đối với hai loại tin tức giả này.

Với loại tin tức giả thứ nhất, có thể thấy trường hợp điển hình là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đây được xem như là một môi trường gần như hoàn hảo cho sự nảy nở của tin tức giả. Sự kiện này được thảo luận trên toàn cầu với nhiều luồng ý kiến tranh luận. Trong một bầu không khí mà người ta chưa bao giờ biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo hoặc có thể tin vào điều gì thì họ sẽ trở nên dễ tiếp nhận những điều được cường điệu hóa hay xuyên tạc. “Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary bán vũ khí cho IS”, “Mật vụ FBI tình nghi trong vụ rò rỉ thư điện tử của bà Hillary Clinton được tìm thấy đã chết” – những tin tức giả này đã được lan truyền ngay trước thềm bầu cử, thu hút sự chú ý lớn của mọi người, vượt qua cả những tin tức chính xác được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.

Theo một phân tích của BuzzFeed News, trong ba tháng cuối của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, các tin tức giả đã thu hút sự tương tác nhiều hơn các tin tức hàng đầu của các hãng tin lớn như New York Times, Washington Post, Hufftington Post, NBC News... Trong suốt những tháng quan trọng này, 20 tin tức giả về bầu cử thu hút được nhiều sự tương tác nhất xuất phát từ các trang tin giả và các trang blog ủng hộ đảng phái quá khích, thu hút được 8,711 triệu lượt chia sẻ, phản hồi và bình luận trên Facebook. Trong cùng thời gian đó, 20 tin tức hàng đầu từ 19 website tin tức lớn thu hút được tổng cộng 7,367 triệu lượt chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và bình luận trên Facebook.

    Các tin tức giả thường xuất phát từ những vấn đề được dư luận quan tâm trong đời sống thực. Động cơ sản xuất và phát tán chúng liên quan đến tài chính phổ biến hơn nhiều so với các mục đích khác.

Đặc trưng chung nhất của những tin tức giả kiểu này là chúng thường xuất phát từ những sự kiện, hiện tượng nóng, gây tranh cãi trong đời sống thực. Những sự kiện nào càng nóng, càng gây tranh cãi thì càng là đề tài béo bở cho tin tức giả phát tác từ đó. Chẳng hạn như những tin tức về các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, họp Quốc hội, về thiên tai nghiêm trọng, khủng bố,… Chúng có thể được thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh được chỉnh sửa hoặc các video cắt ghép,… và thường được đăng tải, phát tán trên các trang thông tin không chính thống, qua các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn hay công cụ tìm kiếm như Google. Động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả này có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích. Tuy nhiên, có những trường hợp, các đối tượng tạo ra tin tức giả chỉ đơn giản để được nổi bật, thu hút sự chú ý. Phần lớn các chuyên gia cho rằng, các động cơ sản xuất và phát tán tin tức giả là liên quan đến tài chính phổ biến hơn nhiều so với các mục đích chính trị hay những mục đích khác.

Tại Việt Nam, những tin tức giả kiểu này xuất hiện không phải là ít. Chính những tin được đề cập ngay phần mở đầu của bài viết là những tin tức giả được đăng tải trên trang tin phapluat.news, sau đó được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook và được các trang tin không chính thống khác đăng tải lại.

 Hình ảnh minh họa cho từ Fake news của hãng từ điển Collins.

Fake news đã được hãng từ điển Collins chọn là từ của năm 2017. Từ này đã được sử dụng với tần suất chưa từng thấy, tăng 365% kể từ năm 2016.

Xét loại tin tức giả thứ hai, là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng thông tin. Những tin tức này thường xuất hiện trên báo chí chủ lưu và thậm chí nhiều hãng thông tấn lớn cũng gặp phải những sự cố tin tức giả này.

Hồi đầu tháng 10-2017, kênh truyền hình Fox News đã phát sóng một câu chuyện về một cựu chiến binh được trao tặng huy chương danh giá: một lính đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Mỹ (Navy SEAL) từng tham chiến tại Việt Nam và được trao tặng hai huân chương Trái tim Tím (Purple Hearts). Tuy nhiên, đến ngày 19-10, kênh truyền hình này đã đính chính phóng sự được đăng ngày 8-10 về cựu binh John Garofalo và khẳng định “mọi thứ ông này nói đều không đúng”.

Một sự cố khác do báo Independent mắc phải hồi tháng 11-2017, khi phiên bản điện tử của báo đã phát trực tiếp trên Facebook một đoạn video mà tờ báo này khẳng định là được “phát trực tiếp từ vũ trụ”, tuy nhiên đoạn video này đã được ghi từ năm 2015. Hơn 180 nghìn người đã xem video này trong suốt quá trình “phát trực tiếp” với ít nhất 2.000 lượt chia sẻ.

Tại Việt Nam, một trong những sự cố lớn trong làng báo là vào cuối năm 2016 liên quan đến vụ nước mắm nhiễm Arsen, khi nhiều cơ quan báo chí đồng loạt dẫn khảo sát mập mờ của báo Thanh niên và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đăng tải thông tin sai sự thật. Hay vụ “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường”, tại tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng tại Gia Lai làm rõ vụ việc, nguyên nhân vụ việc tự tử không phải do không có áo mới đến trường như một số báo đã nêu.

Ngoài tạo ra các tin tức sai sự thật, còn một hình thức giả mạo khác được các đối tượng sử dụng đó là mạo danh các tổ chức, công ty, các tờ báo lớn, chính thống hay các cá nhân là người nổi tiếng, là lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia để đưa tin theo chủ đích của chúng. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Việt Nam cũng bị mạo danh đặt tên là các trang tin tổng hợp hay các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội.

Có thể nói dù cố ý hay vô ý các tin tức giả đã, đang và sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông từ báo chí chủ lưu đến các loại hình truyền thông xã hội. Những câu chuyện giả mạo được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông xã hội và sau đó được Google và các công cụ tìm kiếm khác xếp hạng cao giúp chúng được tìm thấy dễ dàng hơn và gia tăng cảm giác tin tưởng của người đọc đối với chúng. Hiện Google và Facebook nằm trong số những nền tảng phân phối tin tức giả lớn nhất.


 Các tin tức giả được chia sẻ "chóng mặt" trên mạng xã hội tại Việt Nam thời gian qua.

Chặn một mọc… 1.000

Tin tức giả thường được phát tán rất nhanh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website, một trang blog hay tài khoản hoặc fanpage trên các mạng xã hội với chi phí gần như bằng không. Đây chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát tán tin tức giả. Do vậy, dù là vô tình hay cố ý, lực lượng tạo ra và phát tán tin tức giả có thể là bất cứ thành phần nào trong xã hội: từ cá nhân, tổ chức và thậm chí là có cả một ngành công nghiệp sản xuất tin tức giả ở một nơi như thị trấn Veles, thuộc Macedonia, nơi được xem như là cái nôi của ngành công nghiệp tin tức giả ăn theo chiến dịch tranh cử Mỹ. Cũng nhờ công nghệ tiên tiến, các đối tượng sản xuất tin giả có thể tìm ra những cách phát tán tin tức giả một cách nhanh chóng đến mức khó kiểm soát. Cách thức tạo ra và phát tán tin tức giả từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều góp phần làm số lượng tin tức giả được phát tán trên trực tuyến là vô cùng lớn so với khả năng phát hiện và ngăn chặn chúng của các lực lượng chức năng liên quan.

Theo thống kê của Smartinsights.com, mỗi phút có khoảng 360 nghìn người dùng đăng ký mới trên Facebook, 150 nghìn tin nhắn được trao đổi, 300 nghìn status được cập nhật, 50 nghìn link được chia sẻ, 133.300 ảnh được đăng tải và 100 nghìn đề nghị kết bạn mới. Trong khi đó, trên Youtube, mỗi phút có hơn 400 giờ nội dung được đăng tải. Còn theo Google, công cụ tìm kiếm này nhận thấy số lượng tìm kiếm đã đạt đến hàng nghìn tỷ mỗi năm, trong đó 15% lượng tìm kiếm mỗi ngày có nội dung hoàn toàn mới. Ngày 1-11-2017, Facebook thừa nhận có tới 270 triệu tài khoản trên mạng xã hội này là không hợp pháp. Với số lượng tài khoản không hợp pháp và nội dung đăng tải lớn như trên, việc phát hiện và ngăn chặn những nội dung không đúng sự thật trên các nền tảng mạng xã hội là vô cùng khó. Tin tức giả chỗ này chặn chưa xong thì tin tức giả ở nhiều chỗ khác đã mọc lên như nấm sau mưa.

 (Ảnh: Bloomberg)

Giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos, ngày 24-8-2017, cho biết, Facebook đóng hơn một triệu tài khoản mỗi ngày nhưng không thể ngăn chặn mọi thành phần có khả năng đe dọa trong số hơn hai tỷ người dùng.

Một tin tức giật gân về một vấn đề nóng nào đó sẽ thu hút được sự quan tâm, bàn luận đặc biệt và chia sẻ nhanh chóng của công chúng. Thêm vào đó, với thói quen tiếp nhận và chia sẻ thông tin của người dùng hiện nay thường không cẩn trọng phán xét đúng đắn trước những tiêu đề, nội dung câu chuyện được chia sẻ trên trực tuyến, không kiểm chứng thông tin trước khi bình luận hay chia sẻ. Thậm chí, có người dùng chỉ đọc tiêu đề một tin tức nào đó được chia sẻ mà không cần xem nội dung cụ thể tin tức đó nói gì. Hành động này cũng phần nào phản ánh tâm lý người dùng muốn thông báo, chia sẻ những thông tin mới nhất, nóng nhất trên trang cá nhân của mình cho bạn bè, người thân. Đây cũng chính là một nhân tố làm góp phần gia tăng tốc độ phát tán tin tức giả trên trực tuyến. Chẳng hạn như tin giả “Cấm công chức mua xăng ở cây xăng Nhật” xuất hiện đúng lúc dư luận đang bàn luận ủng hộ về cách thức kinh doanh của cây xăng này thì tin giả này lại xuất hiện, gây bất bình, tranh cãi trong dư luận và được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook với tốc độ chóng mặt.

Trong khi các tin tức giả được lan truyền từng giây thì các lực lượng tham gia chống tin tức giả như các công ty công nghệ, các chính phủ, các tổ chức liên quan dù đã và đang nỗ lực nghiên cứu thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền tin tức giả nhưng vẫn chưa tìm ra các giải pháp hiệu quả để ứng phó với vấn nạn này. Do thế, dù tin tức giả là thứ ai cũng biết và các nỗ lực ngăn chặn đều đang thực hiện nhưng chúng vẫn hiện hữu ở mọi nơi trên toàn cầu và gây nhiều hệ lụy, phiền toái cho nhiều người.

 Những người dân làng phản đối việc hành quyết bảy người do tin đồn bắt cóc tại Jamshedpur, bang Jharkand, Ấn Độ, hồi tháng 5-2017. (Ảnh: hindustantimes)

Hệ lụy nhãn tiền

Tin tức giả được phát tán từ các cá nhân hay nhóm người chuyên sản xuất loại tin này nhưng những hệ quả mà chúng gây ra lại ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó có những hệ quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trước hết, với các tin tức giả nhắm trực tiếp đến các cá nhân, tổ chức cụ thể. Những tin tức giả này làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức và cả về mặt kinh tế nếu các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân là nạn nhân trong các vụ thông tin sai sự thật có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, thậm chí có thể khiến các nạn nhân có các hành động gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tại Việt Nam, thời gian qua, những vụ việc tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các nhân không phải là hiếm. Điển hình như vụ đăng tin “Hai nữ sinh hiếp dâm một nam thanh niên dẫn đến tử vong” được chia sẻ “chóng mặt” trên mạng xã hội hồi đầu tháng 7-2017. Thông tin thất thiệt này đã khiến hai nữ sinh bị vu khống suy sụp tinh thần nghiêm trọng, làm xáo trộn đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của hai nữ sinh này.

“Tôi cảm thấy sốc và không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà khi đọc thông tin trên”, chị N., một trong hai người là nạn nhân của tin đồn thất thiệt này chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ.

Hồi tháng 5-2017, các tin đồn về những kẻ bắt cóc trẻ em tại một ngôi làng ở bang Jharkand, Ấn Độ, đã khiến bảy người bị đám đông dân làng hành quyết vì nghi họ là những kẻ bắt cóc.

Không chỉ các cá nhân, nhiều tổ chức là các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn cũng điêu đứng vì tin tức giả trên Facebook và Youtube. Chẳng hạn như video gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và doanh số bán hàng của Heineken Việt Nam được lan truyền trên Facebook và Youtube từ ngày 4-5-2017, hay các fanpage mạo danh các hãng ô-tô lớn Toyota, Honda, Kia Morning đều lan truyền các tin tức kiểu tặng xe cho những người may mắn nhân dịp các sự kiện quan trọng của công ty. Nhiều website, fanpage của các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí cũng bị mạo danh. Ngay cả báo Nhân Dân cũng bị mạo danh hình ảnh trang chủ và một phần nội dung thông tin trong bài viết được đăng trên báo để đăng bài quảng cáo thuốc. Chính nhân vật bị mạo danh trong bài viết đã gửi đơn thư tới báo Nhân Dân yêu cầu làm rõ việc này.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức là nạn nhân của các thông tin giả, có những thông tin giả gây bất bình trong dư luận, tạo dư luận xấu như tin cấm công chức mua xăng, bán chó hoang cho Thảo Cầm Viên làm mồi cho sư tử; các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chính trị gia nói chung. Trong khi đó, một số kiểu tin tức giả lại có nội dung gây hoang mang dư luận, chẳng hạn như loan tin về các đối tượng bắt cóc trẻ em, dẫn lại tin bão Hải Yến từ năm 2013 khi cơn bão số 12 năm nay vừa quét qua Việt Nam gây thiệt hại nặng nề, tung tin thất thiệt về các vụ thảm án, rơi máy bay ở sân bay Nội Bài, phát trực tiếp lại những thiên tai, hỏa hoạn đã xảy ra trong quá khứ,…

Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất mà các tin tức giả gây ra đó là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và của báo chí chủ lưu nói riêng. Chúng khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

    Khảo sát tại Mỹ, Brazil, Anh và Pháp, cho thấy, những tranh cãi liên quan đến tin tức giả đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với các nền tảng truyền thông xã hội, các ứng dụng nhắn tin và các hãng tin tức chỉ có phiên bản điện tử.

Theo khảo sát công bố ngày 30-10-2017 của công ty nghiên cứu và dữ liệu Kantar đối với 8.000 người tại Mỹ, Brazil, Anh và Pháp, những tranh cãi liên quan đến tin tức giả đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào truyền thông tại những nước này. Trong đó, sự suy giảm niềm tin của công chúng chủ yếu đối với các nền tảng truyền thông xã hội, các ứng dụng nhắn tin và các hãng tin tức chỉ có phiên bản điện tử. Cụ thể, các tin tức về chính trị và các cuộc bầu cử trên các nền tảng truyền thông xã hội (chủ yếu là Facebook) và các ứng dụng nhắn tin (chủ yếu là Snapchat) bị suy giảm niềm tin gần một nửa, với tỷ lệ lần lượt là 54% và 49%. Trong khi đó, các hãng tin tức chỉ có phiên bản điện tử cũng bị suy giảm niềm tin đáng kể đối với các tin tức về chính trị và bầu cử, với tỷ lệ là 40%. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy niềm tin của công chúng đối với các kênh truyền hình và ấn phẩm in vẫn ở mức cao, với tỷ lệ 71% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng tương đương hay nhiều hơn vào các kênh tin tức này so với trước khi xuất hiện tin tức giả.

Các tin tức giả không chỉ gây hệ quả tiêu cực đối với các tập thể, cá nhân mà chúng nhắm đến hay những người tiếp nhận thông tin nói chung mà chính các mạng xã hội bị lợi dụng để phát tán các tin tức giả cũng phải chịu những sức ép vô cùng lớn từ nhiều phía.

Sau khi kết thúc chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mạng xã hội Facebook đã hứng chịu những chỉ trích cho rằng những tin tức giả được phát tán trên mạng xã hội này đã gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy các chỉ trích trên là đúng nhưng từ đó đến nay, các chính phủ trên thế giới đều đã gia tăng sức ép bằng các chính sách, quy định cụ thể với Facebook, Youtube nói riêng và các nền tảng mạng xã hội khác nói chung phải tăng cường thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn việc lan truyền tin tức giả trên các nền tảng này. Ngay cả chính ban lãnh đạo của Facebook cũng chịu sức ép từ các cổ đông yêu cầu có các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn nạn tin tức giả.

Sức ép lớn nhất của các nền tảng truyền thông xã hội đó chính là sức ép về uy tín của các nền tảng này đối với các đối tác và khách hàng. Trước tình trạng tin tức giả mạo nói riêng và các nội dung không phù hợp được đăng tải đến mức khó kiểm soát trên các nền tảng truyền thông xã hội, rất nhiều công ty, nhãn hàng lớn trên thế giới đã thay đổi chính sách quảng cáo, thậm chí là ngừng quảng cáo trên các nền tảng này, gây ảnh hưởng lớn đến một trong những nguồn thu chính của chính những nền tảng này.

Tuy nhiên, hệ quả từ tin tức giả không chỉ dành riêng cho các nhóm đối tượng liên quan hay những đối tượng chúng hướng đến, chính những đối tượng tung tin tức giả cũng bị xử lý tùy theo chính sách và quy định pháp luật của từng quốc gia trên thế giới.

(Tiếp theo) Bài 2: Chống tin tức giả - Cuộc chiến mới bắt đầu