Hành trình chinh phục biển của lực lượng cứu nạn

Xuất bản: 15/12/2017

Lấy 1,5 triệu gia đình sinh sống và mưu sinh trên biển là người thân, hơn 100 nghìn tàu thuyền cá đang hoạt động ngoài khơi là bạn hữu, hơn 300 chiến sĩ thầm lặng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có 21 năm “liều mình ngược bão”, chiến đấu với sự dữ dội của biển khơi, để gom góp niềm hạnh phúc bằng sự an toàn, bình yên của cuộc sống người dân trên biển.

Bám biển vì sự an toàn của người dân

Hơn 21 năm trước, khi bức tranh kinh tế cảng biển dần khởi sắc, tàu thuyền qua lại nhiều hơn, du lịch biển tăng trưởng, ngư dân vươn khơi xa hơn bám biển…, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) được ra đời, với trọng trách, Vietnam MRCC sẽ là người bạn của người dân trên biển, giảm thiểu những sự cố xảy ra ở biển khơi.

  

21 năm ấy, với mục tiêu “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”, Vietnam MRCC đang ở thời kỳ sung sức nhất, với tràn ngập những ý tưởng sáng tạo, đổi mới; với những khao khát vươn cao và xa hơn trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải; với những mục tiêu chuyến cứu nạn trở về nào cũng đầy ắp tiếng cười và niềm hy vọng.

Trải qua 21 năm trưởng thành, Trung tâm đã làm chủ trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn toàn bộ vùng biển trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam trong đó cả vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn với các nước ASEAN; Tiếp tục triển khai, thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn SAR 79; Thỏa thuận hợp tác về tìm kiếm, cứu nạn với Philippines; tham gia các Đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Trong hoạt động thu nhận và xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển, Trung tâm đã phối kết hợp tốt với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới để tiếp nhận, chuyển giao thông tin báo nạn cho nhau, đồng thời phối kết hợp trong việc tổ chức các hoạt động ứng cứu người, phương tiện bị nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển trách nhiệm của mình, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Với hơn 20 năm làm điểm tựa cho ngư dân, là người bạn đồng hành giúp ngư dân và những người mưu sinh bám biển vượt qua những sự cố, những tai nạn thảm khốc trên biển, Trung tâm nhận được đánh giá cao từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành và sự ủng hộ của nhân dân.

Bộ Giao thông vận tải sẽ dành mọi nguồn lực, mọi ưu tiên để Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chuyên tâm làm công tác tìm kiếm cứu nạn người trên biển.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công

Quá trình hình thành phát triển của MRCC

1996 - 2001

  Hình thành về cơ cấu tổ chức, thường trực tiếp nhận và xử lý các thông tin báo nạn, phối hợp tổ chức hoạt động ứng cứu người và phương tiện bị tai nạn, sự cố trên vùng biển Việt Nam.

  Đầu tư, trang bị thiết bị thông tin liên lạc

  Đóng mới tàu chuyên dụng SAR 27-01, đưa vào khai thác sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm.

2001 - 2005

  Tiếp tục ổn định về cơ cấu tổ chức, triển khai, nâng cấp hoạt động thường trực thu nhận, xử lý thông tin báo nạn, tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ứng cứu người và phương tiện bị nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam bằng việc xây dựng và áp dụng các quy chế, quy trình nghiệp vụ, xây dựng và ký kết các quy chế phối hợp nghiệp vụ với các đơn vị, địa phương liên quan.

  Trang bị thêm sáu tàu chuyên dụng TKCN bằng nguồn vốn ORET của Chính phủ Hà Lan.

2006 - 2010

  Trung tâm đã duy trì, tổ chức tốt công tác thường trực thu nhận và xử lý tín hiệu báo nạn tổ chức kịp thời hoạt động tìm kiếm, cứu nạn những phương tiện và người bị tai nạn, sự cố trên vùng biển Việt Nam và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông cũng như tàu thuyền mang quốc tịch Việt Nam đang hoạt động trên các vùng biển khắp thế giới.

  Hoàn thiện mô hình Trung tâm TKCN khu vực I, II và III, bao gồm hệ thống văn phòng làm việc, khu vực huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ và cầu cảng neo đậu tàu thuyền khang trang, hiện đại.

2011 - nay

  Thành lập thêm Trung tâm phối hợp TKCN khu vực IV (trên cơ sở từ Trạm TKCN Trường Sa), thành lập mới Trạm TKCN Hà Tĩnh.

  Đầu tư, trang bị các trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng TKCN trên biển, ứng dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào công tác tìm kiếm cứu nạn như cải hoán tăng thêm khả năng chứa nhiên liệu để tăng khả năng hoạt động của tàu SAR.

 Các thành tích của Trung tâm

  Bốn Cờ Thi đua: Hai Cờ Thi đua của Chính phủ, một của Tổng Liên đoàn Lao động VN và một của Ngành Giao thông vận tải

  Đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc các năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2014, và 2015.

  Huân chương lao động Hạng ba theo Quyết định số 1129/QĐ-CTN ngày 28/7/2010 của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

  Bốn Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

  Ba Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

  Bằng khen của Đảng ủy khối cơ quan Trung ương

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam chúc Tết viên chức thuyền viên Trung tâm


Các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn

Vietnam MRCC: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) được thành lập theo quyết định số 2628/QĐ/TCCB-LĐ ngày 2-10-1996 của Bộ Giao thông vận tải.

21 năm qua, Vietnam MRCC đã xử lý được 2.615 vụ báo nạn; hỗ trợ và cứu được 9.689 người, trong đó có 921 người nước ngoài; hỗ trợ và cứu được 921 tàu, trong đó có 74 tàu nước ngoài.

Những kết quả hoạt động của Trung tâm nhận được đánh giá cao từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành và sự ủng hộ của nhân dân, như vụ việc tìm kiếm cứu nạn thuyền viên mất tích tàu Vinalines Queen chìm tại Philippines năm 2011; vụ việc tàu Phúc Xuân 68 năm 2014; tìm kiếm cứu nạn quân nhân mất tích trong vụ việc máy bay CASA 212 và SU30MK2 gặp nạn tháng 6-2016; vụ việc tàu Hải Thành bị đâm chìm làm chín người chết năm 2017.

Bản đồ phân định vùng biển trách nhiệm vietnam bacbo trungbo namtrung nambo taynam
Nhấp/chạm Nhấp/chạm vào từng vùng trên bản đồ để xem thông tin

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam - Vietnam MRCC


Địa chỉ: Số 11A, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Vietnam MRCC là nơi thu nhận và điều phối thông tin cứu nạn của các trung tâm MRCC khu vực, đồng thời là đầu mối liên lạc và chỉ huy hoạt động phối hợp giữa lực lượng tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam.

Vietnam MRCC duy trì chế độ trực ban tìm kiếm, cứu nạn 24/24h hàng ngày tại Phòng Phối hợp cứu nạn (phòng chỉ huy điều hành chung) và bốn phòng chỉ huy phối hợp tại các đơn vị trực thuộc. Thực hiện chức năng là đơn vị chủ trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam, Trung tâm trực tiếp chỉ huy, điều hành hoạt động của lực lượng, phương tiện ngành hàng hải và của các bộ, ngành khác được huy động tham gia hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

 Thống kê số vụ cứu hộ, cứu nạn tại bốn Trung tâm

Năm 2016

9 tháng đầu năm 2017


 Thực hiện sứ mệnh cứu nạn quốc tế

Với sứ mệnh “tính mạng con người là trên hết”, SAR đã vươn ra khỏi tầm vóc của một con tàu cứu nạn còn trang bị thô sơ, nhỏ bé so với thế giới, đã có những chuyến đi cứu hộ, cứu nạn được bạn bè quốc tế cảm phục.
  
Trong 21 năm vươn khơi bám biển, đồng hành cùng ngư dân và bạn bè thuyền viên quốc tế, Vietnam MRCC đã trực tiếp cứu và hỗ trợ 921 người nước ngoài (chiếm 9,5 %), cứu và hỗ trợ 74 tàu, thuyền nước ngoài (chiếm 8%).

Những trải nghiệm thực tiễn từ 11 lần diễn tập xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển với nước ngoài; tổ chức diễn tập xử lý thông tin với nước ngoài trung bình 20 lần/ năm với Nhật Bản, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực đã giúp Vietnam MRCC ngày càng vững vàng hơn trên biển trong các vụ cứu nạn quốc tế.

Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Vũ cho biết, Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn với các nước ASEAN; triển khai, thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn SAR 79; Thỏa thuận hợp tác về tìm kiếm, cứu nạn với Philippines; tham gia các Đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Trong hoạt động thu nhận và xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn trên biển, Trung tâm đã phối kết hợp tốt với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới để tiếp nhận, chuyển giao thông tin báo nạn cho nhau, đồng thời phối kết hợp trong việc tổ chức các hoạt động ứng cứu người, phương tiện bị nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển trách nhiệm của mình, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cứu nạn quốc tế thường phải tuân thủ chuẩn mực cao hơn và đặt lên vai các chiến sĩ cứu nạn trọng trách lớn hơn khi phải đại diện cho hình ảnh của một quốc gia khi thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến cứu nạn trên biển. Trong số các trung tâm khu vực, Nhatrang MRCC là nơi thực hiện các cuộc cứu nạn quốc tế nhiều hơn cả. Bởi vùng biển Việt Nam ở đây phình rộng theo đường biên giới quốc gia trên biển, các tàu hàng hải quốc tế đi qua vùng biển này nhiều hơn những vùng khác, vì thế các vụ cứu nạn cũng diễn ra nhiều hơn.

Giám đốc Nhatrang MRCC Nguyễn Xuân Bình cho biết, bất đồng về ngôn ngữ, thiếu niềm tin vào lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam là những trở ngại các chiến sĩ cứu nạn gặp phải khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế mang tính nhân đạo này.

Có những chuyến đi ra tới nơi cứu nạn, tàu gọi cứu nạn thấy những con tàu SAR của Việt Nam thật nhỏ bé bên cạnh tàu vận tải của nước ngoài, sóng to gió lớn đánh chùm thân tàu, nên họ không tránh được những nghi ngại về độ an toàn trong công tác cứu nạn của hàng hải Việt Nam.


Lúc ấy, việc để thuyết phục người nước ngoài yên tâm vào lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam để vận chuyển nạn nhân về bờ an toàn cũng là một thách thức. Chỉ có sự thể hiện bằng nghiệp vụ chuyên môn cao mới là liều thuốc hữu hiệu để bạn bè thế giới tin vào những chiếc tàu SAR chỉ bé như chiếc lá giữa biển khơi kia có thể ứng cứu được họ.

“Không tin nổi với sóng gió dữ thế này, với con tàu chỉ bằng một phần nhỏ của tàu chúng tôi mà các bạn vẫn cứu nạn được” – lời nói của một vị thuyền trưởng quốc tế 39 tuổi đã làm cảm động trái tim những người không ngại sóng gió biển khơi như các chiến sĩ tàu SAR khi xúc động nhớ lại những chuyến cứu nạn người nước ngoài.

Đại phó Lâm Thanh Bình (DaNang MRCC) kể, tháng 11-2007, khi đang thực hiện chốt chặn tại Nha Trang, tàu SAR 274 được điều động đi cứu nạn tàu Ever Winner (mang quốc tịch Panama) với 20 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc. Tàu trọng tải 19.000 tấn, đang trên hành trình chở quặng sắt từ Thái Lan sang Trung Quốc thì gặp nạn, hỏng máy, nước tràn vào buồng máy, nguy cơ chìm rất cao.

Bằng sự động viên, thuyết phục từ phía các thủy thủ tàu SAR và cam kết đồng hành của hai tàu lớn khác sẽ giám sát hỗ trợ quá trình vận chuyển các thuyền viên trên tàu vận tải Trung Quốc, 20 thuyền viên đã nhanh chóng vận chuyển xuống phao cứu sinh và được lực lượng Việt Nam ứng cứu, đưa lên tàu SAR.

“Lúc đó, sóng rất to, đánh chùm lên tàu SAR. Trước tình thế đó, phía Trung Quốc cũng rất lo ngại về khả năng cứu nạn của SAR 274. Sau cả tiếng thuyết phục, vật lộn với sóng to, gió lớn và tàu vận tải có thể chìm bất kỳ lúc nào, chúng tôi đã cứu lần lượt từng thuyền viên lên tàu. Khi máy trưởng rời tàu cuối cùng thì tàu chìm”, anh Bình hồi tưởng. SAR 274 đã đưa 20 thuyền viên người Trung Quốc về cảng Hải đoàn 129 (phường 11, TP.Vũng Tàu) an toàn.

Trong suốt quá trình hoạt động cứu nạn tại vùng biển khu vực đang chịu ảnh hưởng của bão số 7, trong khi tàu SAR 274 chỉ là một con tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn nhỏ bé nhưng các thuyền viên trên tàu không quản ngại khó khăn, vượt sóng to, gió lớn, triển khai các hoạt động cứu nạn kịp thời, hợp lý. Đây chính là kết quả của bao ngày huấn luyện, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn TKCN trên biển, rèn luyện khả năng chịu đựng sóng gió của người thủy thủ tàu chuyên dụng TKCN của đội ngũ sỹ quan thuyền viên tàu SAR 274 nói riêng và toàn thể cán bộ, chuyên viên Hệ thống TKCN Hàng hải Việt Nam nói chung.

Vụ cứu nạn 20 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc đã gây tiếng vang cho ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam, được nhận Giấy khen của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

Những ngày tháng 8-2017, Vietnam MRCC lại tiếp tục cứu nạn thành công tàu Yangtze Harmony (quốc tịch: quần đảo Marshall, trọng tải 56.763 DWT, chở 47.376 tấn sắt, thiết bị) với 20 thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc) cũng bị nước ngập buồng máy, gây tê liệt hoàn toàn hệ thống máy móc khiến toàn bộ thuyền viên phải rời tàu.

Vietnam MRCC đã khẩn trương huy động tàu Als Apollo (Liberia) đang có mặt gần khu vực bị nạn đưa 20 thuyền viên tàu Yangtze Harmony lên tàu Als Apollo vào lúc 20 giờ 10 phút cùng ngày. Như vậy, trong quá trình triển khai công tác phối hợp cứu nạn, Vietnam MRCC đã phối hợp China MRCC, tàu Als Apollo và chủ tàu Yangtze Harmony xây dựng phương án đưa về bờ. Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, Vietnam MRCC đã gửi thư cảm ơn về hành động hỗ trợ nhân đạo kịp thời, tuân thủ theo đúng công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển của tàu Als Apollo.

Cứu nạn quốc tế dù có thể gặp nhiều khó khăn vì có thể vấp phải sự thiếu hợp tác từ phía bạn do nghi ngại khả năng cứu nạn của hàng hải Việt Nam, nhưng Vietnam MRCC đã có hàng trăm chuyến ra khơi để cấp cứu thuyền viên như những trường hợp thuyền viên nghi đau ruột thừa của tàu Brightoil Lucky/ Hongkong (năm 2014), cứu thuyền viên bị tai nạn lao động của tàu Grand Pavo, Quốc tịch Panama (năm 2017); cấp cứu kịp thời thuyền viên bị đột quỵ trên tàu HAI SU 2/ Hong Kong (năm 2017); tư vấn từ xa cách xử trí và ứng cứu kịp thời thuyền viên bị dây cáp quật trúng người chấn thương phía trái của đầu, gãy vai và tay trái trên tàu Lucky Star 8/Palau…

Vietnam MRCC cũng tham gia vào những cuộc cứu nạn quốc tế như tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia bị mất liên lạc cùng 239 người bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Vietnam MRCC đã điều động SAR 413, 272 tìm kiếm cứu nạn trong tám ngày liên tiếp, thể hiện vai trò và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển đông khi thực hiện cứu nạn quốc tế.

Nhìn thấy gương mặt thất thần bỗng dưng rạng rỡ của những thuyền viên được ứng cứu kịp thời, niềm hạnh phúc của những người tham gia công tác cứu nạn quốc tế như các chiến sĩ tàu SAR được nhân lên gấp bội phần. Với họ, bạn bè quốc tế cũng chính là người thân, là gia đình, là họ hàng, là anh em chiến hữu cùng vươn khơi bám biển. Và trên biển khơi rộng lớn ấy, những con người dù không chung huyết thống, không cùng quốc tịch, không chung tiếng mẹ đẻ… nhưng họ luôn sẵn lòng hỗ trợ nhau, nương tựa vào nhau để cùng mang đến cho nhau niềm vui bình an và hạnh phúc.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam không chỉ là điểm sáng mà còn là niềm tự hào của Cục Hàng hải.

Cục trưởng Hàng hải Nguyễn Xuân Sang





10 chiến tích tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Đội bơi DaNang MRCC cứu 12 thuyền viên tàu Trung Quốc gặp nạn

Năm 2009, tàu Lucky Dragon của Trung Quốc đang trên hành trình chở sắt từ Trung Quốc đi TP Hồ Chí Minh, trên tàu có 12 thuyền viên người nước ngoài bất ngờ bị cháy buồng máy. Các thiết bị thông tin trên tàu không còn hoạt động được nữa.

DaNang MRCC đã điều tàu SAR 27-01 và tàu SAR 274 ra ngoài hiện trường cứu nạn. DaNang MRCC đã bàn bạc với Biên phòng Hải đội 2 phương án tiếp cận nạn nhân, đồng thời thông báo cho thuyền viên tàu bị nạn rời tàu bằng áo chống mất nhiệt. Đội bơi của DaNang MRCC và Hải đội 2 Biên phòng Đà Nẵng đã đưa được 12 thuyền viên của tàu bị nạn vào bờ an toàn.

Sự cố đứt dây lai kéo và nỗ lực cứu 10 thuyền viên sau ba ngày trôi dạt trên biển

Vào lúc 12 giờ ngày 23-8-2010, tàu cá ĐNa 61406 đang hành trình về bờ chống bão thì bị hỏng máy thả trôi tại tọa độ 16025N – 108038E (cách Đà Nẵng 30 hải lý). VietNam MRCC quyết định điều tàu SAR 412 ra cứu tàu bị nạn và kéo tàu bị nạn về bờ.

Do sóng to gió lớn, trong quá trình lai dắt tàu cá ĐNa 61406, dây lai kéo bị đứt tại tọa độ 16005.99N – 108025.25E. Tàu SAR 412 đã quay lại tìm kiếm. DaNang MRCC tiếp tục điều tàu SAR 27-01 ra hiện trường tìm kiếm. Đến ngày 26-8-2010, tàu SAR 412 và SAR 2701 đã đưa toàn bộ 10 thuyền viên về bờ an toàn.

Cuộc tìm kiếm cứu nạn máy bay rơi dài nhất lịch sử

Ngày 8-3-2014, máy bay MH 370 - Malaysia bị mất liên lạc cùng 239 người trên đó (12 phi hành đoàn) bay từ Kuala Lumpur - Bắc Kinh. 14 giờ 30 phút ngày 8-3, tàu SAR 413 rời bến tìm kiếm cứu nạn máy bay bị mất liên lạc và SAR 272 rời bến lúc 18h20 ngày 9-3, phối hợp với các tàu HQ 937, 954, CSB 2002, 2003, KN 774, máy bay AN 26, trực thăng tìm kiếm cứu nạn.

Lúc 18 giờ 20 phút ngày 14-3, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (UBQG TKCN) yêu cầu SAR 413 dừng TKCN máy bay và tàu SAR 413 đã cập cầu cảng Trung tâm lúc 2 giờ 30 phút ngày 16-3. Đến nay vẫn chưa rõ tung tích về máy bay MH 370.

11 ngày mòn mỏi tìm kiếm tám thuyền viên bị mất tích

Ngày 9-11-2014, Trung tâm nhận thông tin tàu Phúc Xuân 68 bị đắm sau khi đâm va với tàu Nam Vỹ 69 cùng 11 thuyền viên vào lúc 1 giờ ngày 9-11. Lúc đó, đã có ba người được cứu, còn tám người mất tích.

Trung tâm điều động tàu SAR 27-01 cùng hai cano với sự tham gia của các cơ quan hữu quan và các tàu tham gia TKCN tám người bị mất tích. Tàu SAR 274 được tăng cường TKCN thuyền viên mất tích trên tàu Phúc Xuân 68. Vụ việc TKCN cho đến hết ngày 20-11 sau khi đã rà soát khu vực tìm kiếm vẫn không tìm thấy người bị nạn.

SAR 413 cùng 11 tàu tham gia cứu nạn 13 thuyền viên tàu Hoàng Phúc 18

Ngày 30-10-2015, tàu Hoàng Phúc 18 cùng 17 thuyền viên bị chìm sau khi nghiêng do gặp sóng gió lớn tại cửa Soài Rạp, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thông tin cho biết, còn năm người mất tích.

Tàu SAR 413 được lệnh điều động tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn năm thuyền viên của tàu bị nạn. Đến lúc 11 giờ 20 phút ngày 31-10, lực lượng tại hiện trường đã cứu thêm một thuyền viên từ xác tàu đắm nâng tổng số người được cứu là 13 thuyền viên.

Công tác cứu nạn tiếp tục được triển khai vào ngày 1-11-2015, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện hai thi thể của thuyền viên tàu bị nạn. Hai thuyền viên khác bị mất tích.

Ba con tàu SAR nín thở với cuộc tìm kiếm thi thể phi công máy bay SU30 và CASA 212

Ngày 14-6-2016, máy bay SU30 MK2, Việt Nam cùng hai phi công bị mất liên lạc khi đang thực hành luyện tập bay khoảng 7 giờ 29 phút. Ngày 16-6-2016, máy bay CASA 212, Việt Nam cùng chín phi hành đoàn bị mất liên lạc khoảng 12 giờ 30 phút.

Đến lúc 9 giờ 45 phút ngày 15-6-2016, đã tìm thấy và cứu được anh Nguyễn Huy Cường, là một trong hai phi công bị nạn. Trung tâm điều động tàu SAR 412, SAR 273 và 411 đến hiện trường cứu nạn. Tàu SAR 411 là chỉ huy hiện trường phối hợp với các tàu: CSB 8002, Trần Đại Nghĩa, Tân Cảng 63, tàu Biên phòng và một số tàu cá Việt Nam.

13 giờ 20 phút ngày 15-6-2016, phi công Nguyễn Huy Cường được đưa về Sở Chỉ huy. Chiều 17-6-2016, ngư dân phát hiện thi thể thượng tá phi công Su-30MK2 tại vùng biển Thanh Hóa.

Trung tâm tiếp tục cho ba tàu SAR 412, SAR 411, SAR 273 tới hiện trường hoạt động tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA 212. Ngày 2-7-2016, tổng số chín thi thể trên hai máy bay đã được tìm thấy. Công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn một người mất tích còn lại vẫn tiếp tục cho đến 14-7-2016.

Cứu chín thuyền viên tàu Thành Đạt 01-BLC bị chìm

Lúc 23 giờ ngày 8-8-2016, tàu Thành Đạt 01-BLC cùng 11 thuyền viên bị chìm sau khi va chạm với tàu Guo Shun 21, Quốc tịch Micronesia. Tàu Gou Shun 21 cứu được chín thuyền viên, còn hai người mất tích.

Trung tâm điều động tàu SAR 413 tới hiện trường thực hiện công tác Chỉ huy hiện trường phối hợp với các tàu Tân Cảng Glory, Fortune Freighter, CN-09, Haiphong 45, Vĩnh Tân 02, Bình Thuận 88 tìm kiếm theo vùng phân chia theo “Hệ thống chương trình tối ưu tìm kiếm và cứu nạn” (SAROPS).

Trung tâm điều động thêm tàu SAR 27-01 tham gia tìm kiếm cùng với tàu CSB 6007, HQ 888. Đến 12 giờ ngày 9-8-2016, tìm kiếm được thi thể thuyền trưởng tàu Thành Đạt 01-BLC.

Hành trình tìm kiếm “Nữ hoàng biển cả” Vinalines Queen bị chìm tại Philippines

Ngày 25-12-2011, đang trên đường vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel từ Indonesia sang Trung Quốc, khi tới Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), Vinalines Queen gặp thời tiết bất lợi, sóng cấp 8-9, gió giật mạnh. Tàu thông báo bị nghiêng 18 độ rồi mất liên lạc cùng 23 thuyền viên.

Chiều 27-12, Vietnam MRCC phát đi hình ảnh bản đồ xác định vị trí tàu Vinalines Queen chìm trên khu vực đảo Luzon của Philippines. Sau nhiều ngày tìm kiếm cùng lực lượng cứu nạn của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan bằng tàu và máy bay, toàn bộ 22 thuyền viên còn lại không được tìm thấy.

14 ngày liên tiếp kể từ khi tàu Vinalines Queen mất tích, chiến dịch tìm kiếm do Việt Nam áp dụng đối với con tàu này đã có quy mô chỉ đứng sau cuộc tìm kiếm thuyền viên mất tích do bão Chanchu.

Vụ đâm va giữa tàu Hải Thành 26-BLC và Petrolimex 14 khiến chín người chết, bốn người bị khởi tố

Đêm 27 và rạng ngày 28-3-2017, tàu Hải Thành 26-BLC bị chìm cùng 11 thuyền viên. Tàu Petrolimex 14 phát hiện phao bè và cứu được hai người trên phao vào lúc 7 giờ 17 phút ngày 28-3.

Trung tâm điều động tàu SAR 413 và tàu SAR 272 rời cầu cứu nạn ngày 28-3 đến hiện trường, phối hợp với các tàu được UBQG TKCN điều động và cùng một số tàu cá tìm kiếm chín thuyền viên còn mất tích theo chương trình tìm kiếm SAROPs.

Vào 12 giờ trưa 29-3, tàu dò tìm đáy biển HQ-888 được điều động đến khu vực tàu Hải Thành 26 gặp nạn để thực hiện rà quét xác định chính xác vị trí tàu gặp nạn. Cho đến 9 giờ ngày 1-4, các tàu tại hiện trường đã tìm thấy những thi thể cuối cùng.

Kịp thời cứu thuyền viên Trung Quốc bị đột quỵ trên biển

Thuyền viên quốc tịch Trung Quốc, là thợ điện trên tàu HAI SU 2 (Hong Kong) đang hành trình từ Trung Quốc đi Thái Lan bị đột quỵ, yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã hướng dẫn các biện pháp sơ cấp cứu y tế cho thuyền viên bằng tiếng Anh thông qua thiết bị liên lạc vô tuyến của tàu.

Trung tâm tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu tàu HAI SU 2 chuyển hướng, chạy về Vũng Tàu, đồng thời điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 413 đi cứu nạn. Đến 6 giờ sáng 23-6, tàu SAR 413 đã tiếp cận tàu HAI SU 2, thuyền viên ZHANG QI được chuyển lên tàu tiến hành sơ cấp cứu khẩn cấp và được đưa về bờ an toàn.

“Sứ mệnh nhân đạo” của 7 chiếc tàu SAR huyền thoại

SAR 411 được thiết kế phần khoang bằng vỏ thép, còn boong tàu bằng nhôm. Với công suất thiết kế là 6.000 mã lực, tốc độ 26 hải lý/1 giờ, và có thể hoạt động trong vùng biển có sóng gió mạnh cấp 7-8, với phạm vi hoạt động khoảng 600 hải lý.

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng có 14 năm đảm đương vị trí thủ lĩnh tàu SAR 411 tại Hai Phong MRCC.

Vượt sóng to, gió lớn, SAR 411 đã có nhiều chuyến ra khơi cứu nạn như cứu được 4/9 thuyền viên, vớt thi thể 4/9 thuyền viên bị nạn khi tàu Hương Điền 09 đắm rất nhanh vào ngày 18-10-2011; Tàu SAR 411 tiếp cận thành công tàu BĐ 94705 TS và đưa bảy thuyền viên tàu BĐ 94705 TS về cửa Gianh ngày 10-12-2016; lai dắt thành công tàu TH 90867 TS về Cảng cá Cửa Hới và cứu 17 thuyền viên về bờ an toàn sau khi tàu bị chết máy thả trôi trên biển…

Với phạm vi hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh, SAR 273 với sự chèo lái của thuyền trưởng Trần Văn Nhị đã có nhiều chuyến cứu nạn thành công như: cứu 10 thuyền viên trên tàu cá ĐNa 90646 TS lênh đênh trên biển do tàu hỏng máy bị thả trôi; tham gia tìm kiếm phi công vụ máy bay SU-30 mất tích.

Sáng 25-6-2017, SAR 273 cứu hộ và lai dắt thành công tàu cá NA 98286 của ngư dân Hoàng Văn Hoa –thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cùng 17 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn; trong ba ngày tìm được sáu thuyền viên trên tàu Phú Cường 0148 bị chìm tại vùng biển Hải Phòng…

SAR 412 được coi là con tàu có nhiều thành tích nhất và cũng là con tàu duy nhất được hai đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến thăm hỏi và chúc mừng các anh em thuyền viên.

Với phạm vi hoạt động ở vùng biển nhạy cảm, vươn xa tới đảo Hoàng Sa, đối mặt với nhiều vụ bị uy hiếp trên biển. Nhưng với sự quyết tâm, vững vàng ý chí và mục tiêu phải cứu ngư dân Việt Nam, Thuyền trưởng Phạm Xuân Sơn đã thực hiện hàng trăm chuyến cứu nạn đáng nhớ, trong đó, có những chuyến đi vươn xa tới phía bên kia đảo Hoàng Sa, chấp nhận đối mặt với đe dọa từ phía Trung Quốc để cứu tàu thuyền và ngư dân Việt Nam gặp nạn trên vùng biển này.

“Thủ lĩnh” Phan Xuân Sơn là vị thuyền trưởng tàu SAR duy nhất nhận được Huân chương Lao động hạng Ba. Ông đã đồng hành với SAR 412 ra Hoàng Sa hơn 40 lần để cứu ngư dân và lai dắt tàu bị nạn. Hơn 20 năm qua, SAR 412 đã cứu được hơn 700 người trong hơn 100 vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Hơn 10 năm chèo lái con tàu SAR 274, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa đã bám trụ kiên cường ở vùng biển Đà Nẵng, với nhiều chuyến vươn khơi cứu ngư dân bị nạn, lai dắt thành công các tàu bị hỏng máy, bị chìm về bờ.

SAR 274 cùng với đội thuyền viên trẻ tuổi, thiện chiến, nhiệt huyết đã bất chấp thử thách của thiên nhiên để vươn xa ra biển khơi cứu ngư dân và các nạn nhân gặp thương tích trên biển do tai nạn lao động, do va chạm trên biển. Trong đó, những chuyến đi đáng nhớ với SAR 274 là chuyến vượt thời tiết biển động, gió giật cấp 8 và phải sử dụng đội bơi để bơi ra biển để cứu kịp thời 12 thuyền viên tàu Lucky Dragon của Trung Quốc bị cháy buồng máy.

“Cầm cương” SAR 413 là thuyền trưởng Đinh Xuân Trường. Có khoảng tám năm đứng ở vị trí phải quyết định liều lĩnh trong các chuyến đi tìm kiếm cứu nạn, thuyền trưởng Đinh Xuân Trường cùng các thuyền viên đã vượt qua nhiều hành trình đáng nhớ, như chuyến đi cứu chín thuyền viên bị nạn, tìm được một thi thể trong vụ tàu Thành Đạt Thành đạt 01-BLC bị chìm sau khi va chạm với tàu Guo Shun 21 (quốc tịch Micronesia).

Mới chỉ hai năm cầm cương con tàu SAR 272, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Độ, “thủ lĩnh” trẻ nhất trong tất cả các con tàu SAR đã có nhiều chuyến tìm kiếm cứu nạn đáng nhớ. SAR 272 cùng gần 20 thuyền viên đã có nhiều chuyến đi bất chấp sự thử thách của biển khơi để tìm kiếm cứu ngư dân ở vùng biển Vũng Tàu.

Trong đó, vụ việc đáng nhớ nhất năm nay chính là cuộc đi tìm ngư dân bị văng xuống nước, bỏng cơ thể sau vụ nổ bình gas vào giữa đêm khuya. Trước tình trạng tàu cá có thể nổ bất kỳ lúc nào, sau ba giờ đồng hồ vượt sóng to, gió cấp 6-7, tàu SAR 272 tiếp nhận 12 thuyền viên từ tàu Hồng Ngọc, các bác sĩ trên tàu đã tiến hành sơ cứu cho nạn nhân. 12/13 ngư dân đã an toàn trở về đất liền là một cuộc trở về đầy kỳ tích.

SAR-2701 là con tàu duy nhất của Việt Nam tự đóng theo chuyển giao công nghệ của Hà Lan. Và đây cũng là con tàu được trang bị hiện đại duy nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải ở khu vực 4.

Được mệnh danh là “Sói biển”, thuyền trưởng tàu SAR 27-01 Đinh Nhiên là một vị lão làng trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Nhiều chuyến hải trình cứu nạn trong bão giông, khi các thủy thủ đoàn say song hết thì Thuyền trưởng Đinh Nhiên vẫn trụ vững và làm tất cả mọi việc thay các chiến sĩ cứu nạn.

SAR-2701 đã ghi thêm vẻ vang cho ngành tìm kiếm cứu nạn với những chiến tích như cứu nạn thành công 47 thuyền viên tàu cá QNa 90019-TS khi tàu bị hỏng máy, ba thuyền viên sức khỏe suy yếu ngày 19-3-2012; tham gia tìm kiếm 11 thuyền viên bị mất tích trên biển sau khi tàu Phúc Xuân chìm do va chạm; Cứu kịp thời hai ngư dân bị chìm tàu cá trong điều kiện sóng to, thời tiết xấu sau 15 giờ bị lạc trôi trên biển; tham gia tìm kiếm 12 thuyền viên trên tàu Lucky Dragon bị cháy buồng máy…


Tổng Giám đốc MRCC Nguyễn Anh Vũ

Chúng tôi mong đủ khả năng ứng phó các thảm họa trên biển



   21 năm Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của những ngư dân, những thuyền viên trên biển. 20 năm qua, những điều mà MRCC tự hào là gì, thưa ông?
   Chúng tôi tự hào vì đã làm chỗ dựa vững chắc cho những ngư dân bám biển, vươn khơi và cũng chính là những con người dũng cảm vì mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

21 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ và cứu được 9.689 người, trong đó có 921 người nước ngoài; hỗ trợ và cứu được 921 tàu, trong đó có 74 tàu nước ngoài. Với chúng tôi, 1,5 triệu gia đình sinh sống và mưu sinh trên biển, hơn 100 nghìn tàu thuyền cá đang hoạt động chính là mối quan tâm của hơn 300 anh em Trung tâm.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 28 hiệp định và 26 công ước quốc tế song phương và đa phương. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Trung tâm là đầu mối quốc gia về hợp tác và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển trong ASEAN.

Chúng tôi cũng triển khai rất mạnh mẽ những hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập xử lý thông tin với các quốc gia ASEAN, với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ để nâng cao khả năng ứng phó khi xảy ra tình huống cũng như trao đổi, tạo kênh liên lạc hữu hiệu trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Chúng tôi đã tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay MH370, tìm kiếm máy SU – 30 và CASA 212, tàu Vinalines Queen… Về khả năng ứng phó tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam hiện nay được đánh giá khá cao trong khu vực ASEAN.
   Những nỗ lực của các anh, trong tìm kiếm cứu nạn, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân và tài sản của họ ở những vùng biên giới trên biển… đã giúp cho chúng ta đã không còn thấy cảnh tang thương của những đám tang tập thể trên biển?
   Trước đây, những đám tang tập thể trên biển trở thành nỗi ám ảnh những người làm ngành hàng hải chúng tôi. Đến nay, số người mất tích trên biển vẫn hàng nghìn người/năm. Tâm niệm của chúng tôi là, mỗi ngày có thêm một người được cứu, có thêm một tàu được cứu, là hạnh phúc của tất cả mọi người.

Chúng tôi không chấp nhận tính thụ động trong công tác tìm kiếm mà phải có biện pháp phòng ngừa rất sớm. So với các nước ASEAN, Việt Nam chúng ta không thua kém về công tác cứu hộ, cứu nạn, nhưng so với thế giới chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Nếu không chủ động, những thiệt hại có thể còn lớn hơn nhiều nữa.

Nếu chúng ta lơi lỏng, tàu thuyền của ngư dân chúng ta sẽ gặp nhiều tình huống nguy hiểm. Vì vậy, để khôn khéo khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển,vcông tác tìm kiếm cứu nạn cũng thể hiện rất rõ nét. Chúng tôi đã không ít lần bị uy hiếp trên vùng biển gần đảo Hoàng Sa, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đến cùng, đặt mục tiêu mạng sống và tải sản ngư dân lên trên hết..
   Trước mắt còn nhiều thách thức. Nhưng với sự đồng lòng, chung sức của hơn 300 anh em Vietnam MRCC, những khó khăn nào các anh xác định sẽ cùng phải vượt qua, kể cả bằng gấp đôi thực lực hiện có?
   Vùng biển Việt Nam rất rộng lớn, trên đó có hoạt động của đội tàu cá trên 100.000 phương tiện; khoảng 1.000 tàu biển; hoạt động của các tàu thuyền quốc tế qua lại vùng biển Việt Nam; hoạt động của tàu thuyền Việt Nam; hoạt động tuyến bờ đảo. Vài năm trở lại đây, hoạt động này rất nhộn nhịp.

Dự báo, tăng trưởng thủy sản năm nay có thể đạt 5%; hàng hóa thông qua cảng biển có thể tăng trưởng trên 10% và hoạt động hành khách qua lại các tuyến bờ đảo của chúng ta những năm gần đây tăng trưởng trên dưới 20%. Trong khi đó, 10 năm qua, lực lượng MRCC chúng tôi vẫn thế. Bức tranh vận tải biển càng sáng sủa, ngư dân ngày càng ra biển nhiều hơn, vươn xa hơn, lại là một thách thức rất mới, đặt lên vai những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn những yêu cầu hết sức nặng nề.

Chúng tôi, với nỗ lực cải tiến những chiếu tàu SAR, có thể vươn xa được 300 hải lý. Nhưng còn lắm những vùng chúng tôi không thể tới, hoặc không thể ứng cứu kịp thời. Lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam còn mỏng, thiếu. Cả một vùng biển rộng lớn như thế chúng tôi chỉ có bảy tàu tìm kiếm cứu nạn, bốn cơ sở hậu cần, còn rất nhiều khu vực trống trải như Tây Nam Bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, một số vùng biển đảo…

Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, đây cũng là một khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta.

Chúng tôi cũng mong muốn và sẵn sàng kết hợp hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo: tham gia sâu hơn vào việc phát triển kinh tế, đặc biệt là gắn bó với bà con ngư dân, với các thành phần kinh tế khác như dầu khí, như vận tải hàng hải, phối hợp với các lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, cả tham gia ứng trực vào những sự kiện quan trọng như giàn khoan 981… Tinh thần quyết tâm của anh em lực lượng hành hải tìm kiếm cứu nạn luôn luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng

Chúng tôi mong muốn và đề xuất xây dựng Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trở thành lực lượng cứu nạn hàng hải nòng cốt, tinh nhuệ, chủ công, đủ khả năng ứng phó các thảm họa trên biển như tai nạn máy bay rơi, tàu khách chìm trên biển, sóng thần, siêu bão… Đây là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn phát triển kinh tế biển hiện nay. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.