Sơn Trà: Để lại gì cho thế hệ mai sau?
Xuất bản: 30/08/2017

Sơn Trà
Để lại gì cho thế hệ mai sau?

NDĐT - Mặc dù nằm ngay sát cạnh thành phố sôi động bậc nhất miền Trung là Đà Nẵng, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sơn Trà vẫn giữ được vẻ đẹp bình yên và tĩnh lặng của mình, với sức hấp dẫn đến từ cả hệ sinh thái rừng nguyên sinh và hệ sinh thái ven biển phong phú. Thế nhưng đầu năm 2017, Sơn Trà đã phải “nổi sóng” vì đối mặt với những dự án phát triển…

“Kho báu” nằm bên thành phố biển

Là dãy núi dài 13,5km nằm phía đông bắc Đà Nẵng, với diện tích rừng lên tới hơn 4 nghìn ha, bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là “lá phổi xanh”, không chỉ cung cấp không khí trong lành thanh mát, mà còn là tấm bình phong khổng lồ chắn bão cho thành phố biển. Sơn Trà còn là “con mắt thần” quan sát ra biển Đông, và từ Sơn Trà thậm chí có thể biết được máy bay cất cánh từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Vị trí của bán đảo Sơn Trà (phần khoanh tròn)


Trước kia người Pháp gọi Sơn Trà là Tiên Sa, tên của cảng biển ở Đà Nẵng. Từ năm 1965-1975, người Mỹ đóng quân ở đây gọi là Núi Khỉ, bởi số lượng lớn các cá thể linh trưởng sinh sống ở đây. Cả hệ động vật và thực vật của Sơn Trà đều vô cùng phong phú. Hệ động vật hơn 360 loài với nhiều loài vô cùng quý hiếm như khỉ đuôi dài, khỉ vàng, trăn gấm, gà mặt đỏ…

Một số loài linh trưởng có nhiều ở đây như khỉ vàng, một trong những loài quý hiếm ở Đông Nam Á, sống tập trung ở phía bắc Sơn Trà theo từng đàn từ 15 đến 20 con. Khỉ đuôi lợn ở Sơn Trà cũng tương đối nhiều và khá dễ bắt gặp. Đặc biệt, ở đây có voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng đã nằm trong sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng ở đây có tới từ 700 tới hơn 1.300 cá thể (số liệu của Green Việt năm 2017).

Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” bởi vẻ đẹp vô cùng độc đáo của nó. Ở Việt Nam có ba khu vực có voọc chà vá chân nâu sinh sống, là Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Sơn Trà và Vườn Quốc gia Chư Mom Rây. Tuy nhiên, chỉ duy nhất ở Sơn Trà là có thể quan sát voọc trong đời sống tự nhiên dễ dàng nhất.


Voọc mẹ và con


Loài này có tập quán ăn rất sang, chỉ ăn thức ăn tinh trên cây mà không ăn dưới đất, ăn một nửa bỏ một nửa mỗi mùa lại chọn một thức ăn thích hợp. Voọc chà vá chân nâu rất thông minh, thường chia nhóm thành 12 đến 30 con trong một đàn, trong đàn có thủ lĩnh và phó thủ lĩnh chia nhau lãnh đạo và bảo vệ các con trong đàn. Voọc chà vá chân nâu còn được chọn là loài đẹp nhất thế giới cách phối màu lông ghi xám, nâu rất hài hòa. Voọc sinh sản thường vào đầu mùa xuân, khoảng tháng 1 và tháng 2, mỗi lứa sinh được 1 con.


Ở Sơn Trà ghi nhận sự xuất hiện của nhiều con non, cho thấy sự tăng trưởng về kích thước quần thể. Voọc chà vá chân nâu được ghi nhận nhiều nhất ở phía bắc bán đảo Sơn Trà. Chính vì thế, Sơn Trà ngoài việc là một điểm đến thu hút du khách ngắm cảnh, nghỉ ngơi, còn là “bảo tàng sống” của loài voọc cũng như nhiều loài động vật quý hiếm khác.


Xem thêm ảnh voọc  



Bên cạnh đó, hệ thực vật của Sơn Trà cũng là bảo tàng sống động của hệ thực vật đa dạng, phong phú. Sơn Trà là vùng đất của các loại dâu rừng. Theo thông tin của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà, đi Sơn Trà nếu đến mùa dâu thì chỉ vào bán đảo một đoạn đã thấy những cây dâu rừng trĩu quả từ gốc đến cành. Dâu Sơn Trà rất đa dạng từ dâu vàng, dâu trắng, dâu xanh và ra trái cũng khác nhau theo từng khu như hướng bắc thường ra trái muộn, chín muộn hơn ở sườn phía nam.


Rừng Sơn Trà


Ngoài ra, rừng Sơn Trà còn có nhiều loại dẻ đa dạng phủ đều cả bán đảo, có những cây đến trăm tuổi trông rất đẹp mắt. Cây rừng đan xen với những loài cây ăn trái thông thường khác như xoài, ổi… nên trong thời gian trước đây một số người dân cũng vào rừng đốn củi hái dâu, lượm dẻ, hái xoài…


Sơn Trà còn là “lãnh địa” của các loài hoa rừng, từ mai rừng nở quanh năm, hoa trang, hoa lan rừng, hoa nguyệt quế…. Cảnh sắc rừng già kết hợp với nhiều cây đại thụ, đặc biệt có cây đa đại thụ chín rễ mang tính chất tâm linh làm cho du khách thích thú.

Tổng quan về Sơn Trà

Giá trị bảo tồn đặc biệt: Là khu bảo tồn thiên nhiên có rừng liền với biển, lại nằm ngay cạnh thành phố lớn sôi động, đồng thời có số lượng loài quý hiếm cao trên một diện tích nhỏ (4.300ha).

Có 1010 loài thực vật và hàng trăm loài khác đang được thu thập và định loại

366 loài động vật. Trong đó có 43 loài thực vật trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới; 22 loài động vật trong Sách đỏ Việt Nam và 10 loài trong Danh mục đỏ thế giới, nổi bật là voọc chà vá chân nâu.

Vùng biển ven bờ: Có 177 loài san hô, 245 loài cá biển, 76 loài thân mềm, 31 loài giáp xác, 9 loài da gai, 108 taxa thực vật phù du, 112 loài động vật phù du, 108 loài rong biển

Điểm du lịch rừng - biển hấp dẫn

Điểm hấp dẫn nhất của du lịch Sơn Trà là vẻ đẹp hoang sơ, hoàn toàn tự nhiên ngay bên cạnh một thành phố phát triển. Du khách thích cảm giác được đắm mình giữa rừng nguyên sinh, một bên là biển, một bên là những loài cỏ cây hoa lá, động thực vật độc đáo, chứ không phải là nghỉ dưỡng ở một nơi như Sơn Trà, khi bán đảo này cách thành phố chỉ hơn 10km và không hề khó khăn để di chuyển tới rất nhiều resort, khách sạn từ cao cấp tới bình dân ở thành phố. Đứng từ đỉnh núi Sơn Trà, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và khu vực phụ cận: xa xa về phía nam là Ngũ Hành Sơn với năm ngọn núi nổi bật, phía đông nam là Cù lao Chàm giữa biển, phía tây là thành phố Đà Nẵng sôi động, hiện đại đang phát triển mạnh mẽ, phía bắc là dãy đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi, với “biệt danh” “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Bãi biển Đà Nẵng nhìn từ đỉnh núi Sơn Trà


Dưới chân Sơn Trà, ở mũi Nghê, bãi Tranh, bãi đá Đen chênh vênh bên bờ đá dựng có những rạn san hô trải rộng trên 4, 5 ha cùng những bãi Bắc, hục Lỡ, vũng Đá (bãi Nồm) với 177 loài san hô đa dạng về chủng loại và quyến rũ về màu sắc. Nơi này cũng là địa chỉ hấp dẫn của những du khách đam mê lặn biển ngắm san hô, hoặc chỉ đơn giản là ngồi thuyền dạo biển, câu cá, câu mực và chế biến, thưởng thức ngay tại chỗ.

Đỉnh Bàn Cờ trên núi Sơn Trà nơi truyền thuyết những đêm trăng các ông Tiên xuống đánh cờ ngắm trăng.


Cũng ngay dưới chân Sơn Trà, nhiều bãi tắm đẹp và giữ được khá nguyên sơ như bãi Bụt, bãi Nam, bãi Rạng, bãi Xếp, bãi Con, bãi Trẹ cho những người mê biển một cảm giác khác lạ khi tắm biển ngay dưới chân núi, khác với những bãi biển ven thành phố. Cùng với các địa danh du lịch như chùa Linh Ứng, Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đồng Đình, đỉnh Bàn Cờ Tiên, đồi Vọng Cảnh… , Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo mà không thành phố nào có được.

Đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ

Những ngày đầu năm 2017, bán đảo Sơn Trà “dậy sóng” bởi câu chuyện một người dân phát hiện ra những khu vực bị đào bới nham nhở, những cọc móng bê tông được đặt ngổn ngang ở một góc Sơn Trà gần với cảng Tiên Sa. Báo chí vào cuộc và sự việc trở nên nóng hơn khi ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ kêu cứu cho Sơn Trà.


Cận cảnh 40 móng biệt thự trên bán đảo Sơn Trà


Những dự án nghỉ dưỡng này được thành phố Đà Nẵng phê duyệt từ trước năm 2013, trước thời điểm xây dựng Quy hoạch Khu du lịch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Có 18 dự án được chấp thuận, trong đó có 11 cơ sở lưu trú với tổng số phòng lên đến khoảng 5.000 phòng.


Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến 2030 được phê duyệt tháng 11-2016 và chính thức công bố tháng 2-2017. Quy hoạch này giới hạn tổng số phòng lưu trú chỉ ở 1.600 phòng. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị giữ nguyên hiện trạng ở mức 300 phòng, không tăng thêm số phòng lưu trú.


Cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân đến Sơn Trà khảo sát và ngay sau chuyến khảo sát này, ông đã tổ chức cuộc họp các bộ, ngành liên quan đến Sơn Trà trong ngày 28-5. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã kết luận trong ba tháng tiếp theo chưa triển khai quy hoạch để tiếp thu ý kiến một cách khoa học. Ông cũng yêu cầu Đà Nẵng cần giám sát chặt chẽ để không xảy ra hiện tượng các dự án đã cấp phép triển khai ồ ạt.


Ngày 13-6, tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, rất nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng đến quy hoạch này, về quy mô, tổng số buồng phòng của các cơ sở lưu trú, về diện tích rừng…


Tại buổi chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã giải đáp thắc mắc của các đại biểu Quốc hội đồng thời đưa ra quan điểm của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề Sơn Trà.


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, quan điểm của Bộ là cầu thị, lắng nghe tất cả các ý kiến, phát triển bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ các giá trị về đa dạng sinh học, gắn với bảo tồn và ưu tiên bảo tồn vì lợi ích của nhân dân Đà Nẵng.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ từ đầu luôn quán triệt chúng ta phát triển phải bền vững, đương nhiên trong quá trình phát triển chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững. Và khi các yếu tố bền vững chưa được bảo đảm thì tốt nhất là lùi lại để đến khi có đủ điều kiện sẽ làm”.

Bê tông

Diễn biến vụ Sơn Trà

Bài toán bảo tồn - phát triển

Giữa tháng 7, 180 nhà khoa học đã cùng nhau hiến kế để bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà. Các nhà khoa học đều nhất trí bán đảo Sơn Trà là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam và cho rằng Thủ tướng Chính phủ cần quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học là mục tiêu quan trọng nhất mang tính chiến lược ưu tiên của bán đảo Sơn Trà. Về khai thác du lịch, cần dựa trên nguyên tắc du lịch có trách nhiệm và tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra ý tưởng phát triển du lịch xanh hoàn toàn tại Sơn Trà, chỉ có đến tham quan và về lại Đà Nẵng, chứ không nghỉ dưỡng, và toàn bộ các sản phẩm du lịch ở Sơn Trà đều theo xu hướng bảo vệ môi trường, với những quy định nghiêm ngặt về môi trường.

Các tour du lịch có thể thực hiện tại Sơn Trà gồm lặn biển ngắm san hô, đi bộ xuyên rừng, dù lượn, câu cá, tắm biển, thăm bãi cát vàng, tour tham quan Sơn Trà Tịnh Viện – Bảo tàng Đồng Đình – Cây đa nghìn năm - Ngọn hải đăng Sơn Trà – ngắm hoàng hôn Sơn Trà; tour nghĩa trang Y–Pha–Nho – Chùa Linh Ứng – miếu Sơn Thần, tour ngắm bình minh Sơn Trà, ngắm voọc chà vá, tour cắm trại, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã…

Các nhà khoa học cũng đã ký tên vào một bản kiến nghị mới gửi lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Với một tài nguyên như Sơn Trà, việc cân đối giữa bảo tồn và phát triển không chỉ là bài toán khó, mà còn là một thử thách lớn, để các thế hệ sau này còn có thể tận hưởng vẻ đẹp của Sơn Trà như thế nào, như lời Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh nói “Nếu không bảo tồn, chúng ta sẽ mất Sơn Trà, và sau này con cháu chúng ta có còn được ngắm Sơn Trà nữa hay không?”

“Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Quan điểm của chúng tôi là phát triển bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ các giá trị về đa dạng sinh học, gắn với bảo tồn và ưu tiên bảo tồn.”

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

“Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ di sản, và chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau.”

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH, HỒNG MINH
Nội dung: TUYẾT LOAN, HỒNG VÂN
Ảnh: HOÀNG HÀ, LÊ KHẮC QUYẾT, ANH ĐÀO, THANH LỘC, một số ảnh khai thác từ Internet
Ý tưởng đồ họa: TRIÊU NHAN, TUYẾT LOAN
Thiết kế & trình bày đồ họa: TRIÊU NHAN
Kỹ thuật: PHAN ANH, MẠNH HÀ