Chia sẻ lên Facebook

Nhận diện sốt xuất huyết 2017


NDĐT – Sốt xuất huyết “tấn công” người dân khắp cả nước sớm hơn hẳn ba tháng so với cùng kỳ mọi năm. Số ca tăng nhanh không kiểm soát với 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Chu kỳ SXH đang ngắn lại. Chưa lúc nào, câu chuyện sốt xuất huyết lại trở nên nóng bỏng khi đỉnh dịch được dự báo còn chưa tới, tiếp tục là mối đe dọa cho sức khỏe người dân.

Sự bất thường của SXH
với những con số tăng vọt


Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng năm trường hợp. Ngành y tế đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch SXH nhưng vẫn chưa khống chế được sự bùng phát của SXH, nhất là tại các khu đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.

Quá tải bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Thanh Nhàn


Tại miền bắc, nếu như năm 2016 chỉ có 573 ca mắc thì đến cùng kỳ năm 2017, đã có 14.920 ca mắc, tăng 250%. Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang có tốc độ lây lan sốt xuất huyết nhanh nhất, có khu vực vượt 700% so cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, Hà Nội trở thành điểm nóng của SXH với số ca mắc cao nhất miền bắc với 13.982 ca mắc và bảy trường hợp tử vong. So với cả nước, hiện nay, Hà Nội đang chiếm 16,7% số ca mắc, đứng thứ nhì sau TP Hồ Chí Minh. Hà Nội hiện có 1.538 ổ dịch tại 25/30 quận/huyện, 241/584 xã/phường. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa được khống chế phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.

Tại Hà Nội, số ca mắc SXH gấp 4 lần, số ca nhập viện tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. SXH năm nay có nhiều biến chứng hơn nên bệnh nhân nhập viện điều trị từ 7-10 ngày. Trong ba tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần Hà Nội tiếp nhận 1.500 trường hợp mắc SXH.

Biểu đồ số các tỉnh có ca mắc SXH nhiều nhất

Số liệu: Cục Y tế dự phòng.


TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Bạch Mai nhận định, dịch SXH năm nay rõ ràng có phức tạp và bất thường hơn so với mọi năm. Dịch SXH xảy ra sớm hơn, thông thường SXH sẽ bùng phát vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 thì năm nay, ngay từ tháng 5 đã xuất hiện nhiều ca mắc. Chu kỳ SXH xảy ra ngắn hơn, trung bình năm đến bảy năm có một vụ dịch lớn, nhưng từ vụ dịch năm 2015 đến nay đã xảy ra dịch.

Bên cạnh đó, ngoài sự lưu hành của tuýp 1, 2 thì hiện nay, ở quận Tây Hồ đã phát hiện thêm SXH tuýp 4 nên tỷ lệ miễn dịch tuýp này kém khiến ca mắc nhiều hơn. Một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch do đó miễn dịch cộng đồng giảm.

Quá tải khám SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ngày 1-5: Hà Nội ghi nhận gần 500 ca mắc SXH, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngày 19-5: Hà Nội ghi nhận 700 ca mắc SXH.

Ngày 4-6: Hà Nội ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc SXH, một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc bệnh đã tăng 2,6 lần.

Ngày 2-7: Hà Nội ghi nhận 3.250 trường hợp mắc SXH.

Ngày 4-8: Thành phố ghi nhận đã có 8.982 trường hợp mắc SXH, bốn trường hợp tử vong.

Ngày 10-8: Thành phố ghi nhận 13.982 trường hợp mắc SXH, bảy trường hợp tử vong.

Ngày 14-8: Thành phố ghi nhận 15.300 trường hợp mắc SXH, bảy trường hợp tử vong.


PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích, khả năng tái nhiễm của tuýp 2 tăng cao tại địa bàn Hà Nội. Đặc biệt của SXH năm nay là các bệnh nhân mắc đều men gan cao, dẫn tới tình trạng mệt, kiệt sức nên thường dồn lên tuyến trên. Nhiều bệnh nhân tìm mọi cách để xin được nằm viện, kể cả nằm ghép, nằm ở hành lang và không chịu điều trị tại các trung tâm y tế phường, xã hoặc cơ sở y tế tư nhân.

Nhân viên vệ sinh dịch tễ đi phun thuốc diệt muỗi ở TP Hà Nội

Bệnh viện quá tải


Trực chiến là tình trạng chung nhất tại các khoa truyền nhiễm của các bệnh viện thời gian này. Nhiều nơi, bệnh nhân phải nằm ghép, ba người nằm co quắp, tráo đầu đuôi trên một giường 1m2 chật chội. Có những bệnh nhân mang thai cũng vẫn phải chịu cảnh nằm ghép.

Bệnh nhân SXH nằm ghép tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.


Tại BV Thanh Nhàn – nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân thường trú tại quận Hoàng Mai những ngày này căng mình chống chọi với dịch. Bệnh viện đã dồn toàn bộ nhân lực, cũng không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị với 300 bệnh nhân khám vì SXH/ngày, 500 bệnh nhân điều trị nội trú.

Trước tình trạng bệnh nhân tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, dù giường kế hoạch của bệnh viện là 600 thì đã có lúc, phải thực kê là hơn 1.000.

Tại BV Đống Đa, mỗi ngày tiếp nhận khám 400-500 ca sốt xuất huyết, trong đó khoảng 20% phải nhập viện. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch. Khoa Truyền nhiễm phải kê thêm 35 giường cho 150 bệnh nhân điều trị nội trú, số còn lại nằm xen tại khoa Nội 2.

Biểu đồ diễn biến tình hình SXH trên cả nước 5 năm qua

Số liệu: Cục Y tế dự phòng.


PGS,TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại tuyến Trung ương, trong đợt cao điểm dịch SXH một tháng qua, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh SXH. Cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800-1.200 lượt khám SXH, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội.

Sự quá tải của bệnh nhân dồn lên tuyến trên, khiến ngày 7-8, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày với 20 giường bệnh ngay tại Hội trường BV.

Số ca mắc SXH các miền trong hai năm 2016 và 2017



Số liệu: Cục Y tế dự phòng.


Tình trạng này cũng không kém phần căng thẳng tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, khi số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa trong tháng 7, đầu tháng 8 tăng gấp 5 lần so với tháng 5. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ có thai mắc SXHD chiếm 20%.

Tăng giờ làm thêm, khám sớm, về muộn, đi làm cả hai ngày cuối tuần, tua trực được tăng dầy hơn… thực sự quá tải đối với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng những ngày qua. Các bác sĩ đang “trực chiến” giữa tâm dịch cũng quay cuồng vì bản thân và gia đình có người mắc SXH.

Muỗi vằn, tác nhân truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Nguy cơ mắc bệnh “không chừa một ai”


Hiện nay, chẩn đoán SXH tương đối đơn giản, cho kết quả nhanh sau một giờ bởi xét nghiệm sàng lọc test nhanh, có thể phát hiện kháng nguyên NS1Ag ngay từ ngày đầu tiên của bệnh khi phát hiện sốt.


Xét nghiệm này có sẵn tại các cơ sở y tế với độ nhạy cao. Những ngày sau có thể khẳng định bằng xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM, IgG cũng cho kết quả nhanh. Tuy nhiên, để chẩn đoán một người mắc bệnh SXH cần phải dựa vào các biểu hiện lâm sàng kết hợp với xét nghiệm công thức máu để đánh giá tình trạng hạ tiểu cầu, cô đặc máu… giúp bác sĩ phân loại mức độ nặng nhẹ để có phác đồ điều trị phù hợp.

Những câu hỏi thường gặp về SXH

Trả lời: Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên có hai loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi ưa thích hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu.

Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C

Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng. Thậm chí trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong suốt đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần vài chục trứng.

Vì thế, phun thuốc chỉ diệt “nốc ao” được muỗi vằn trưởng thành. Ổ lăng quăng bọ gậy sẽ lại nở ra muỗi sau 1-2 ngày.

Vì vậy biện pháp triệt để và hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy: “Không có chỗ cho muỗi đẻ, không có loăng quăng bọ gậy sẽ không có SXH”.
Trả lời: Bệnh sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.

Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc SXHD tới 4 lần.
Trả lời: Bệnh SXHD không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh.

Muỗi truyền bệnh SXHD được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh SXHD.
Trả lời: - Chỉ được uống loại thuốc hạ sốt có paracetamol. KHÔNG ĐƯỢC UỐNG aspirin và Ibuprofen, là hai loại thuốc gây xuất huyết.

- Sốt xuất huyết không gây mất nước. Lúc bệnh mới phát mà truyền nước ngay có thể gây tràn dịch màng phổi dẫn đến tử vong. Nên uống bù nước bằng oresol, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước cơm… Việc truyền dịch phải có chỉ định của cán bộ y tế.

- Khi hết sốt bệnh nhân vẫn có nguy cơ. Nếu thấy mệt tăng lên hoặc có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải đến ngay bệnh viện.
Trả lời: - Trẻ nhỏ, người già suy giảm miễn dịch

- Người bị lại sốt xuất huyết lần thứ 2, thứ 3

- Bệnh nhân vừa mắc cúm A/H1N1 vừa mắc sốt xuất huyết

- Phụ nữ mang thai

- Người bệnh viêm gan mãn…
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam vẫn lưu hành bốn tuýp virus là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Khi bị mắc một tuýp virus, cơ thể sẽ có miễn dịch với tuýp virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng các tuýp virus khác. Vì vậy, về lý thuyết, mỗi người có thể mắc virus SXH bốn lần với các tuýp virus khác nhau.

Các triệu chứng cơ bản của SXH và cách chăm sóc trẻ bị SXH.  Đồ họa: ĐỨC DUY


Những năm trước, tại Hà Nội chỉ có virus Dengue gây ra bệnh SXH D1, D2 thì năm nay đã có thêm D4. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho dịch SXH năm nay lan rộng tại Hà Nội và có những diễn biến mới.

BS Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn cho biết, thách thức của sốt xuất huyết là khả năng đột biến nhanh chóng của virus, làm cho hệ thống miễn dịch của con người rất khó để chống lại nó. Với hầu hết các loài virus, con người sẽ miễn dịch với nó khi bị nhiễm một lần. Nhưng virus Dengue thì không thể, bởi khi ai đó nhiễm Dengue 1 và có Serotype 1, nhưng lần sau mắc Dengue 2 thì vẫn không được bảo vệ, mà bệnh còn trở nên nguy hiểm hơn so với lần nhiễm ban đầu, do phản ứng chéo kháng nguyên – kháng thể và bổ thể.

Nhân viên vệ sinh dịch tễ đi phun thuốc diệt muỗi ở TP Hà Nội

Quyết liệt phòng và dập dịch


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số mắc SXH trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỷ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh. Hằng năm, có 390 triệu người nhiễm bệnh, 96 triệu trường hợp có triệu chứng. SXH là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng trẻ em nhập viện ở 8/10 quốc gia ASIAN. SXH khủng bố áp đảo ngân sách dành cho y tế ở những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh, ở cả những nước đang phát triển.

Tại buổi họp trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh SXH, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích rõ, tình hình dịch bệnh SXH giữa 2 miền nam - bắc có sự khác biệt về đối tượng mắc. Theo đó, với miền bắc, các ca mắc SXH chủ yếu là người lớn với biểu hiện xuất huyết nặng. Phần lớn người mắc SXH là đang trong độ tuổi lao động, từ 15-35 tuổi (chiếm 51%) và thường bị muỗi đốt vào buổi sáng khi đi làm việc ; tỷ lệ trẻ em mắc SXH chỉ chiếm 5% và người già chiếm 7%. Trong khi đó, tại miền nam, đối tượng mắc SXH chủ yếu là trẻ con với biểu hiện là giảm tuần hoàn.

Hà Nội quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. (Video: Truyền hình Nhân Dân)


Bộ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động, xử lý trên 96% ổ dịch sốt xuất huyết. Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.

Là điểm nóng của SXH, thủ đô Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để tiến hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 50 đội xung kích diệt bọ gậy, phối hợp với Ban chỉ huy quân sự để có những nhân lực trẻ, khỏe đi phun thuốc. Đã có 308 xã, phường thành lập đội xung kích (chiếm 53% trên địa bàn). Mỗi đội có hai thành viên, phụ trách 30-50 hộ gia đình và có trách nhiệm đến tận từng hộ này tuyên truyền về diệt bọ gậy.

Biện pháp chống dịch

Hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi và phòng muỗi đốt. Để phòng bệnh, mọi người thực hiện các biện pháp cụ thể như sau:

Để diệt lăng quăng, bọ gậy:

Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn hoặc đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng.

Lật úp các dụng cụ không chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, bình bông, loại bỏ vật liệu phế thải…

Để diệt muỗi:

Người dân cần phối hợp ngành y tế trong đợt phun hóa chất

Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân dùng các biện pháp khác để diệt muỗi như sử dụng vợt điện, đốt hương muỗi...

Để phòng muỗi đốt:

Cần ngủ màn (kể cả ban ngày).

Mặc quần áo dài.

Dùng kem xua muỗi...

Hà Nội cũng đang được hỗ trợ máy phun cỡ lớn để tiến hành phun mù lạnh ngoài đường. Mục tiêu, từ 12-8 đến 4-9, toàn thành phố Hà Nội ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, kết hợp tuyên truyền phòng, chống SXH.

Trong buổi đi thị sát trực tiếp những địa bàn có ổ dịch SXH tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo “Giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết không mới, cốt lõi là tuyên truyền vận động, kết hợp với xử lý kiên quyết. Riêng lực lượng y tế, chính quyền làm sẽ không xuể, nhất thiết phải vận động tất cả mọi người dân cùng vào cuộc, phòng chống dịch bền vững, liên tục thay vì theo đợt”.

Phun thuốc diệt muỗi chống SXH ở Hà Nội. (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Vì thế, muốn phòng chống dịch bền bỉ, vẫn là câu chuyện cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, ngoài biện pháp mạnh tay từ ngành y tế, từ chính quyền các địa phương trong hành động quyết liệt « Hạ hỏa SXH bằng chiến dịch phun thuốc », thì người dân cũng cần thay đổi hành vi để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình mình trước diễn biến còn phức tạp của SXH năm nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết
Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH, HỒNG MINH
Nội dung: THIÊN LAM, Đồ họa: NAM ĐÔNG, ĐỨC DUY
Kỹ thuật: PHAN ANH, MẠNH HÀ