Những việc còn gây phiền hà cho Nhân Dân

Từ việc cấp sổ đỏ không đúng quy định

Ba hộ dân gồm: ông Ðinh Viết Thống, Nguyễn Tiến Thông, bà Lưu Thị Ngân, cư trú ở tổ 3, thị trấn Chùa Hang (Ðồng Hỷ, Thái Nguyên) đều thuộc diện gia đình chính sách nhiều lần có đơn gửi các cấp chính quyền địa phương đề nghị làm rõ việc UBND huyện Ðồng Hỷ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 00021 ngày 12-2-2001, diện tích 62m2 mang tên Phạm Thị Thúy không đúng quy định của pháp luật, lấn chiếm 30m2 đất vào đường đi chung của nhân dân trong tổ. Việc cấp sổ đỏ trái quy định của Nhà nước dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các gia đình kéo dài từ năm 2004 đến nay, ảnh hưởng kế hoạch làm đường bê-tông liên xóm và an ninh, trật tự trên địa bàn.

Qua tìm hiểu, được biết: Tòa án Nhân dân huyện Ðồng Hỷ đã xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xử phúc thẩm vụ việc nêu trên. Kết luận bản án số 40 ngày 28-5-2009 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Tính hợp pháp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00021 mang tên Phạm Thị Thúy chưa được xác định. Kiến nghị UBND huyện Ðồng Hỷ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00021 để kiểm tra, xem xét trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị Thúy.

Thực hiện bản án, ngày 20-5-2010, UBND huyện Ðồng Hỷ có Quyết định số 1038 thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00021 mang tên Phạm Thị Thúy. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Ðồng Hỷ vẫn chưa làm rõ đúng sai trong quy trình cấp sổ đỏ khiến các hộ dân không đồng tình. Chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Hỷ Trần Quyết Thắng cho biết: UBND huyện thực hiện nghiêm phán quyết của tòa án, đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ cấp cho bà Phạm Thị Thúy. Ðồng thời, chỉ đạo UBND thị trấn Chùa Hang xác minh làm rõ nguồn gốc sử dụng đất. Nói chung những gì cần làm, chúng tôi đã làm, nhưng đại diện ba hộ dân vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện, chúng tôi "đành chịu" để cấp cao hơn giải quyết tiếp...

Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất nói trên đã kéo dài hơn tám năm khiến người dân phải chịu thiệt thòi vì đường sá đi lại khó khăn, vất vả. Ðề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, huyện Ðồng Hỷ, thị trấn Chùa Hang giải quyết dứt điểm vụ việc, nhằm chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

CƯỜNG PHƯƠNG (Thái Nguyên)

Ðường chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp

Ðường 235 đi qua địa phận bốn xã: Hợp Thành, Hòa Cư, Hải Yến và Cao Lâu (Cao Lộc, Lạng Sơn). Ðường 235 dài hơn 30km do Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 67 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA, xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 6 miền núi. Dự án khởi công đầu năm 2011 và theo kế hoạch đến hết quý II-2012 sẽ đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến nay đường vẫn chưa hoàn thành, một số hạng mục công trình vẫn thi công dang dở. Ðiều đáng nói, nhiều đoạn thi công xong hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu", nền đường bị bật tung... Trong cơn bão số 5 vừa qua, đường bị ách tắc do lún, sạt lở hơn một ngày ảnh hưởng việc đi lại của bà con nơi đây. Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuất Lễ Nguyễn Văn Thần cho biết: Tuyến đường này khai thông mở rộng từ những năm 90 của thế kỷ trước, góp phần đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đặc biệt khó khăn. Nhất là việc giao lưu kinh tế, thương mại với nước ngoài qua chợ biên giới Ba Sơn. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nhiều xe chở hàng nông sản xuất nhập khẩu quá tải, quá khổ ngày đêm đi lại đã phá nát con đường, xe máy cũng không thể lưu thông được, đường bị tắc liên tục. Vì thế năm 2011, con đường này mới được đầu tư nâng cấp, nhưng đến nay, nhiều đoạn chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, sụt lún, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân các xã dọc tuyến đường 235 kiến nghị các ngành chức năng của huyện Cao Lộc và tỉnh Lạng Sơn cần có biện pháp quản lý, kiểm tra xử lý các xe chở hàng quá tải, quá khổ, đồng thời có phương án khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng, lún sụt, sạt lở..., tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, giao lưu hàng hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

HOÀNG LÊ(Lạng Sơn)