Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

NDO - Ngày 23-2, tại Hà Nội, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII, với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH; Ðặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Hội nghị đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư Phạm Minh Tuyên, giới thiệu những nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH, Luật Bầu cử đại biểu HÐND và công bố dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH về cơ cấu,  tiêu chuẩn, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư và các địa phương trong cả nước được bầu làm đại biểu QH khóa XIII.

Ðồng chí Vũ Trọng Kim, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày dự kiến về cơ cấu, tiêu chuẩn, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được  giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XIII. Theo đó, trong 500 đại biểu QH khóa XIII, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được bầu  183  đại  biểu,  các địa  phương được bầu 317 đại biểu; trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được bầu 31 đại biểu...

Các đại biểu đã thảo luận và thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XIII, đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng bầu cử T.Ư tăng số đại biểu QH ở các cơ quan T.Ư và khối MTTQ, các đoàn thể, tăng số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số, các tôn giáo, trí thức, doanh nghiệp, người ngoài Ðảng, đại biểu là nữ và nên có đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài. Ðồng thời  có số dư hợp lý ở mỗi đơn vị bầu cử, bảo đảm  tiêu chuẩn, chất lượng của  những người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HÐND các cấp...

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến, nhấn mạnh, Hội nghị hiệp thương do MTTQ Việt Nam tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, bởi bầu cử đại biểu QH  khóa XIII là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta. Bầu cử QH khóa XIII  và đại biểu HÐND các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011, là dịp phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân sáng suốt lựa chọn những đại biểu tiêu biểu vào QH và HÐND. Ðồng chí cho biết, Ðề án bầu cử đại biểu QH khóa XIII đã được Ðảng đoàn QH, Ủy ban Thường vụ QH phối hợp Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các cơ quan của Ðảng, Chính phủ, các đoàn thể nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm  và xây dựng từ tháng 3-2010, dựa trên kết quả tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các khóa QH trước. Ðồng chí đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng cần nghiên cứu, tiếp thu và khẳng định sau cuộc họp này  sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH, Ðảng đoàn QH và sẽ có ý kiến trả lời chính thức với MTTQ Việt Nam.

Sáng qua 23-2, tại Hà Nội, Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã họp với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, Ủy viên Hội đồng bầu cử, Trưởng Tiểu ban.

Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc phân công công việc của các thành viên Tiểu ban và dự thảo kế hoạch, nội dung tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử này. Tiểu ban xác định, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử, để lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào QH và HÐND các cấp; đồng thời cũng nhằm tạo bầu không khí phấn khởi, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực của cử tri trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ðể đạt được mục đích nêu trên, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cần làm cho mọi người dân thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; đồng thời thông qua đó, bảo đảm sự ủng hộ nhiệt tình và tích cực tham gia cuộc bầu cử của cử tri cả nước, góp phần đem lại hiệu quả cao của một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, làm cho ngày bầu cử thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần làm cho cử tri cả nước nắm vững được những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu QH, Luật Bầu cử đại biểu HÐND, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định về tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HÐND giúp cử tri có cơ sở để lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia QH khóa XIII và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về phương thức tuyên truyền, tiến độ triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, các khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử và việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan.

Cùng ngày, các tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Gia Lai, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, tổ chức hội nghị tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các tỉnh đã thông qua kế hoạch bầu cử; thông qua dự kiến danh sách các tiểu ban giúp việc phục vụ công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu QH và HÐND các cấp trong tỉnh.

Ðến nay, các tỉnh đã cơ bản tổ chức xong việc quán triệt Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan của Trung ương, địa phương về công tác bầu cử đại biểu QH, bầu đại biểu HÐND các cấp và đã thành lập xong Ban bầu cử. Ủy ban bầu cử tỉnh phân công các thành viên phụ trách các huyện, thành phố; tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị và thực hiện các bước kế hoạch đúng trình tự; trên tinh thần dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.